05/10/2019 10:46 GMT+7

Miền Tây vượt qua cảnh "thiếu nước - thiếu tiền"

CHÍ QUỐC
CHÍ QUỐC

TTO - Buổi tọa đàm ĐBSCL với chủ đề "Thiếu nước - thiếu tiền" tại An Giang ngày 4-10 không chỉ dừng lại ở câu chuyện thiếu nước do biến đổi khí hậu nói chung mà đi đến những giải pháp để mang lại cuộc sống sung túc hơn cho người đồng bằng.

Miền Tây vượt qua cảnh thiếu nước - thiếu tiền - Ảnh 1.

Tìm giải pháp vượt qua khó khăn trước biến đổi khí hậu là một trong những nội dung tọa đàm “Thiếu nước - Thiếu tiền” ở ĐBSCL do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 4-10 ở An Giang. Trong ảnh: người dân xã Tân Lập, Mộc Hóa, Long An nhổ hẹ nước - sản vật khi mùa lũ về - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Sự kiện này do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Là đơn vị cùng đồng hành với báo Tuổi Trẻ, Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (Agribank) đã có những cam kết hỗ trợ mạnh mẽ vì sự phát triển của ĐBSCL, đặc biệt là cho bà con nông dân.

Cái khó ló cái... hay

"Diễn giả" chính của buổi tọa đàm là những nông dân đại diện cho những hộ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình sản xuất do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và những hộ nông dân đã tìm ra những mô hình thích hợp, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, họ có điểm chung là không hề chùn bước trước khó khăn, và luôn tìm tòi, thử nghiệm những mô hình sinh kế mới.

Cả hội trường buổi tọa đàm đều ngạc nhiên trước phần "thuyết trình" của nông dân Nguyễn Văn Hơn (Đồng Tháp) về thành công của mô hình trồng sen xen lúa thay vì chuyên trồng lúa như trước đây. 

Ông Hơn dẫn chứng cụ thể với 1 mẫu đất (10.000m2), nếu trồng lúa mỗi vụ thu hoạch 40 triệu đồng thì trồng sen thu hoạch được trên 100 triệu đồng mà không phải tốn công chăm sóc nhiều như trồng lúa. Điều mà ông băn khoăn chỉ là chính quyền cần hỗ trợ gia cố đê bao thêm cho chắc chắn để nông dân trồng sen như ông quản lý tốt hơn nguồn nước. 

"Nông dân nào có điều kiện thì nên thay đổi, chứ làm lúa nhiều rủi ro quá" - ông Hơn bộc bạch.

Phụ họa thêm, nông dân Nguyễn Duy Bằng cho biết sở dĩ ông chuyển sang trồng sen chính là nhờ định hướng của chính quyền Đồng Tháp, khuyến khích làm nông nghiệp kết hợp du lịch. "Những vụ lúa của mình thu hoạch thì không đạt, trong khi ở lân cận trồng sen làm du lịch có lợi nhuận thì mình làm theo. Rồi từ từ thấy có khả quan hơn nên trồng như hiện nay" - ông chia sẻ.

Khó khăn hơn hai nông dân Nguyễn Văn Hơn và Nguyễn Duy Bằng, nông dân Nguyễn Ngọc Châu (huyện Thoại Sơn, An Giang) cũng cho biết anh nuôi tôm và trồng lúa xen kẽ từ năm 2001, nhưng khoảng 10 năm nay việc nuôi tôm gặp khó khăn hơn do lũ ít, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. 

Vì vậy, anh Châu muốn chuyển sang nuôi con khác mà những hàng xóm của mình đã thành công như cá chạch lấu, lươn. Tương tự, nông dân Nguyễn Thanh Lâm (An Giang) cho biết dù khó khăn mấy ông cũng muốn bám trụ lại quê hương và muốn tìm sinh kế mới là nuôi lươn. Tuy nhiên, trước mắt ông cần được hỗ trợ vốn và hi vọng "nếu nuôi đạt đầu con thì đỡ lắm".

Miền Tây vượt qua cảnh thiếu nước - thiếu tiền - Ảnh 2.

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện phân tích những dữ liệu về tình hình tác động của biến đổi khí hậu tới ĐBSCL - Ảnh: C.QUỐC

Không biết làm mới nghèo

Giải pháp cho tương lai đồng bằng là gì mà các đại biểu gửi gắm tại buổi tọa đàm? Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện (chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL) cho rằng mùa nước nổi những ngày qua là ngắn hạn do có mưa nhiều ở nam Lào, rủi ro hạn, mặn khốc liệt vào mùa khô tới vẫn còn. Tuy nhiên, ông Thiện cho rằng không vì thế mà "đến nỗi bi quan".

Ông Thiện khuyến cáo trước mắt cần theo dõi tình hình, nếu mặn thì không nên đương đầu mà chủ động "né". Còn về lâu dài, những vùng ven biển mùa khô không nên trồng lúa bằng mọi giá mà nên chuyển sang trồng cái gì đó "thuận thiên" - hưởng lợi nhiều nhất từ thiên nhiên.

Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp (chuyên gia kinh tế) cho rằng hiện tại có rất nhiều mô hình thích ứng biến đổi khí hậu rất tốt, nhưng phải nhìn nhận không có mô hình nào có thể áp dụng cho nhiều vùng sinh thái. Vì vậy, theo ông Hiệp, cái quan trọng là phải có quy hoạch, gắn với những mô hình.

Ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên chủ tịch UBND tỉnh An Giang - đưa ra vấn đề: Tại sao cùng nuôi gà nhưng có người nuôi giàu, có người nuôi chết hoài và nghèo? Tại sao cùng làm lúa nhưng có người làm giàu còn có người thì nghèo? 

Ông Nhị lý giải: "Mình nghèo là do kiến thức mình không có, không biết làm mới nghèo". Vì vậy, nói tới vấn đề bỏ quê để mưu sinh, ông Nhị nói: "Chỉ có bỏ ra đi mới giàu". Tuy nhiên, ông cũng "nói ngay cho rõ" là ra đi để học văn hóa, học nghề để ứng dụng vào thực tiễn cuộc sống. Đồng tình, tiến sĩ Trần Hữu Hiệp nhìn nhận "mấy ông nông dân thành công phần lớn có con cháu đi học rồi về ứng dụng lại ở gia đình, chứ luẩn quẩn không thôi rất khó".

Ông Lê Văn Nưng - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh An Giang - khẳng định chủ đề "thiếu nước - thiếu tiền" là thông điệp mạnh mẽ gửi tới Quốc hội, Chính phủ, chính quyền các địa phương và cộng đồng, tuy nhiên ông cho rằng cần phải bổ sung vào đó "và hành động của chúng ta" nữa thì mới đầy đủ. Ông Nưng nói việc thiếu nước và thiếu tiền không đáng sợ bằng việc thiếu kiến thức và thiếu lòng tin.

Ông Lê Văn Nưng cho rằng tọa đàm do báo Tuổi Trẻ tổ chức đã tiếp tục "làm nóng" nghị quyết 120 năm 2017 của Chính phủ về phát triển ĐBSCL thích ứng biến đổi khí hậu. "Theo tôi, đây là bước đi ngắn trong hành trình dài đảm bảo ĐBSCL phát triển bền vững" - ông Nưng chia sẻ.

Đồng hành bằng vốn

Ông Trần Ngọc Hải - trưởng văn phòng đại diện khu vực Tây Nam Bộ Agribank - cho biết tại khu vực Tây Nam Bộ, ngân hàng này có 401 điểm giao dịch cho vay, 32 điểm giao dịch lưu động bằng ôtô chuyên dụng đến các vùng sâu, vùng xa để giao dịch trực tiếp các khách hàng, đặc biệt là bà con nông dân. Tới tháng 9 này, riêng dư nợ cho vay toàn khu vực đạt con số 164.000 tỉ đồng, trong đó 87% là cho vay trực tiếp cho bà con nông dân.

Qua tọa đàm xoay quanh vấn đề biến đổi con nước và những khó khăn có thể xảy ra, mấy tuần qua ngân hàng đã có tổng hợp những thông tin từ các chi nhánh ở khu vực thấy có những mô hình bà con nông dân có sáng kiến, cũng như đã làm trên thực tế và ngân hàng đã cho vay. 

Ví dụ tại Hậu Giang là việc chuyển đổi 2.938ha đất sản xuất kém do ảnh hưởng nguồn nước để chuyển sang nuôi trồng thủy sản, rau màu. Ở Tiền Giang chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa sang trồng thanh long ruột đỏ, mãng cầu xiêm, cây trái có giá trị khác. 

Ở Bến Tre thay vì trồng lúa nay chuyển sang trồng dừa, bưởi da xanh, nhãn, nuôi thả cá bè những loại cá có giá trị cao.

Đặc biệt ở An Giang có mô hình chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ rau màu giữa một doanh nghiệp liên kết với các hộ sản xuất mà theo đó doanh nghiệp cung cấp giống, kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm. 

"Chúng tôi rất thích thú với mô hình cây bắp (công ty sản xuất giống cung cấp cho nông dân rồi thu mua trái non chế biến xuất khẩu, tiêu thụ trong nước, còn thân cây bắp dùng để nuôi bò). Mô hình này nói lên sự kết nối giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân một cách rất bài bản. Do đó ngân hàng rất thuận lợi cho vay theo chu trình khép kín từ khâu sản xuất tới tiêu thụ" - ông Hải nói.

3 đề nghị để giải bài toán chung

Thứ nhất, cần có dòng vốn có quy mô lớn hơn cho cơ sở hạ tầng để giải quyết bài toán quy hoạch chung cho vùng, tiểu vùng, đặc biệt là vốn cho giao thông để kết nối và giải quyết vấn đề sản xuất, tiêu thụ hàng hóa.

Thứ hai, những mô hình làm ăn hiệu quả, các địa phương cần nghiên cứu, đánh giá, mô hình nào hiệu quả nhân rộng. Khi đó tín dụng ngân hàng sẽ tiếp cận.

Thứ ba, hiện giờ có nhiều loại hình công ty bảo hiểm, nhưng mới chỉ là bảo hiểm về an sinh là chính. Cần có chỉ đạo ở tầm vĩ mô mà theo đó công ty bảo hiểm có sở hữu vốn của Nhà nước phải đi đầu về bảo hiểm cây trồng, vật nuôi cho người nông dân...

Ông Trần Ngọc Hải (trưởng văn phòng đại diện khu vực Tây Nam Bộ Agribank)

Đồng Tháp: chim dáo dác, lòng người buồn thiu

tramchim

Do nước lũ về chậm, rút nhanh không thuận lợi cho chim sinh sản nên Khu du lịch Tràm Chim phải hủy tham quan bãi chim sinh sản - Ảnh: N.TÀI

Nước lũ rục rịch về cũng là thời điểm muôn loài chim Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) vào mùa sinh sản, thu hút rất nhiều du khách. Vậy mà năm 2019 lũ về muộn lại rút nhanh...

Mấy ngày trước khi nước lũ chầm chậm về, ông Lê Hoàng Long - giám đốc Khu du lịch Tràm Chim - cùng nhiều cộng sự mừng vui, tuy nhiên cũng chẳng được mấy ngày nước có dấu hiệu rút nhanh.

"Dịch vụ trải nghiệm mùa nước nổi năm nay bỏ hẳn điểm tham quan bãi chim sinh sản. Chim cò không có nước lũ về cũng dáo dác, ít sinh sản mà lòng người cũng buồn thiu" - ông Long tặc lưỡi. Theo thống kê, tháng 9-2019 lượng khách du lịch giảm 20% so với cùng kỳ trong khi cả hai tháng liền kề đều tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.

Về giải pháp lâu dài, ông Long cho biết tỉnh đang triển khai thực hiện sân chim tại khu A3 vừa tạo sinh cảnh phù hợp để tái tạo đàn chim cò vừa gắn với phát triển du lịch. "Hi vọng trong 2-3 năm nữa nơi đây sẽ là một Tràm Chim thu nhỏ thuận lợi việc quản lý, bảo tồn, thậm chí tiến tới trở thành nơi ấp trứng sếu đầu đỏ, tái tạo đàn sếu" - ông Long kỳ vọng.

NGỌC TÀI

Ông Nguyễn Văn Giàu (chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội):

Cần công bố tài liệu về biến đổi khí hậu

Tôi đề nghị các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu, cần đánh giá, công bố tài liệu biến đổi khí hậu nói chung, trong đó có nguồn nước. Đối với báo chí, tôi nghĩ toàn bộ các phóng viên có tâm huyết với đồng bằng nên cố gắng tìm mô hình tốt trong thích ứng biến đổi khí hậu để cổ vũ, tạo sức lan tỏa. Chúng ta phát hiện vấn đề mới để đề xuất với Đảng, Nhà nước. Thậm chí, những trì trệ trong tổ chức thực hiện, nếu phát hiện cũng cần nêu lên.

Tôi cũng mong nông dân tiếp tục sáng tạo, có niềm tin mới, động lực mới để tổ chức sản xuất thành công hơn.

Nhà báo Lê Thế Chữ (tổng biên tập báo Tuổi Trẻ):

Không bi quan nếu có sự đồng lòng

Trong câu chuyện của những nông dân chúng tôi thấy rằng nếu mạnh dạn, thích ứng được và tìm kiếm cơ hội thì có thể đạt được điều mình muốn. Tất nhiên còn có khó khăn, thách thức, cần sự vào cuộc không chỉ bản thân người nông dân mà còn cần cơ chế hỗ trợ.

Chúng ta nhận thức rằng nước mang lại nguồn sống cho người dân ĐBSCL, nhưng hiện nay rất nhiều thứ đã thay đổi như chất lượng nước thay đổi, thiếu nguồn nước có lợi, nhưng thừa nguồn nước có hại.

Nếu không có bước mạnh mẽ hơn, không có niềm tin, không tìm kiếm mô hình thích ứng, thách thức đó sẽ gặp khó khăn trong tương lai. Chúng tôi cam kết tiếp tục đồng hành cùng chính quyền, người dân ĐBSCL, tiếp tục thông tin chia sẻ từ các nhà khoa học, nỗ lực thay đổi của chính quyền, những mô hình của các doanh nghiệp, của người nông dân.

Khó khăn trước mắt là chuyện chúng ta thấy, nhưng điều lớn lao hơn là chúng ta có định hướng lớn. Nghị quyết 120 của Chính phủ làm trong suốt 2 năm qua, chúng tôi đồng hành để thúc đẩy điều đó. Vẫn còn nhiều việc phải làm, nhưng không phải bi quan mà có hướng ra, nếu chúng ta đồng lòng, nỗ lực, quyết tâm thay đổi vì đời sống tốt hơn của người dân ĐBSCL thì kết quả sẽ tốt hơn.

Ông Trần Thế Dũng (phó giám đốc Công ty du lịch Thế Hệ Trẻ):

Du lịch lao đao vì biến đổi khí hậu

Hằng năm chúng tôi đều có những tour về với thiên nhiên, khám phá hệ sinh thái, sinh học đặc trưng của sinh vật, cảnh vật vùng sông nước miền Tây. Ví dụ, mọi năm chúng tôi tổ chức tour đưa khách tận mắt xem sân chim sinh sản thuộc phân khu A2, nơi có nhiều loại chim nước quý đang nằm trong sách đỏ chọn để làm tổ, sinh sản như chim điên điển hay còn gọi chim cổ rắn, còng cọc... Những loài chim nước này có mùa sinh sản thường bắt đầu khi mùa nước lên với nguồn thực phẩm ngon, phong phú cho đàn chim.

Thế nhưng vì ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước năm nay về rất chậm, không những vậy, thay vì cuối tháng 10 nước mới rút thì hiện nay từ đầu tháng 10 nước đã bắt đầu rút, nên đàn chim về không nhiều. Vì vậy, khu sinh thái này cũng không thể mở cửa đón khách, điều đó đồng nghĩa chúng tôi buộc phải hủy các tour khởi hành sắp tới đây, trả tiền lại cho khách dù đây là tour có giá khá cao.

Thời gian gần đây, biến đổi khí hậu đã làm các công ty du lịch đang muốn phát triển những dòng tour thân thiện môi trường, về với thiên nhiên lao đao do không tiên đoán được thời tiết, các đặc trưng sinh thái của điểm đến cũng bị biến đổi. Trong thời điểm thế giới đang phát triển các tour đi về với thiên nhiên, VN đang chịu tác động nặng nề từ biến đổi khí hậu, nhiều điểm du lịch có nguy cơ biến mất do mưa lũ và thời tiết cực đoan. Không chỉ ở ĐBSCL mà còn nhiều vùng đất khác ở Tây Nguyên, vùng núi rừng Tây Bắc...

Bản chất của con người là luôn hướng về mẹ thiên nhiên, nhưng đó cũng là thách thức cho những quốc gia đang chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu như VN.

N.BÌNH ghi

ĐBSCL thiếu nước: Tìm lối đi nào cho nông dân? ĐBSCL thiếu nước: Tìm lối đi nào cho nông dân?

TTO - Chiều 4-10, tại An Giang, Báo Tuổi Trẻ phối hợp Ngân hàng NN&PTNT (Agribank) tổ chức tọa đàm 'ĐBSCL: Thiếu nước - thiếu tiền' với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và đại diện nông dân một số tỉnh ĐBSCL.

CHÍ QUỐC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên