20/03/2020 13:10 GMT+7

Miền Tây bớt mặn, cần tranh thủ tích nước

MẬU TRƯỜNG - KHẮC TÂM
MẬU TRƯỜNG - KHẮC TÂM

TTO - Theo dự báo của các nhà chuyên môn, những ngày này và tới đầu tháng 4 độ mặn trên các sông tại miền Tây sẽ giảm.

Miền Tây bớt mặn, cần tranh thủ tích nước - Ảnh 1.

Một nhà vườn tại huyện Chợ Lách (Bến Tre) đốn bỏ vườn chôm chôm bị ảnh hưởng bởi hạn mặn - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Thời điểm này, độ xâm nhập mặn vào đất liền trên các sông cũng giảm khá lớn so với trước. Bà con nông dân các tỉnh nên tranh thủ tích nước ngọt!

Cụ thể, bản tin lấy nước tháng 3 và dự báo mặn xâm nhập tháng 4, 5-2020 ở ĐBSCL của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam) nêu: Nước ngọt có khả năng xuất hiện trên một số nhánh sông tại ĐBSCL trong những ngày từ 15-3 đến 6-4.

Khô héo hết rồi

Những ngày này, đi đến các huyện của tỉnh Bến Tre dù nằm xa biển nhất như Chợ Lách, Châu Thành cũng dễ dàng nhận thấy sự khốc liệt của đợt hạn, mặn đang ảnh hưởng nặng nề đến tình hình sinh hoạt, sản xuất của người dân.

"Ngay như xã Phú Phụng, huyện Chợ Lách dù nằm tuốt phía trên thượng nguồn Cổ Chiên, cách biển đến 90km nhưng có những thời điểm độ mặn vượt quá 3 phần ngàn thì không còn xã nào không bị mặn" - ông Bùi Thanh Liêm, trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách, nói.

Huyện Chợ Lách được biết đến là "vương quốc" hoa kiểng, cây giống của cả nước, cây cối xanh tốt quanh năm, nhưng bây giờ mọi thứ đang héo hắt do nước mặn. Từ trước Tết Nguyên đán 2020, nước mặn đã theo dòng sông Cổ Chiên lấn sâu, len lỏi vào các mương vườn, hệ thống kênh mương của các xã thuộc huyện Chợ Lách - một đợt nước mặn xâm nhập sớm và bất ngờ chưa từng có trong lịch sử, báo hiệu một mùa khô khốc liệt.

Không nằm ngoài dự đoán, nước mặn luôn duy trì cao ở trên dòng sông Hàm Luông, trong khi nước dự trữ trong kênh mương cạn kiệt dần khiến người dân quay cuồng tìm kiếm nguồn nước tưới thay thế. "Nhưng cũng chỉ cố gắng được một thời gian thôi, đến giờ đã hơn 2 tháng rồi, quá sức rồi nên hơn 5.000 cây sầu riêng giống của tôi xem như bỏ chờ chết. Khô héo hết rồi!" - cầm 2 cây sầu riêng giống bị khô rễ lên, ông Nguyễn Văn Vĩ nói.

Tương tự là tại Sóc Trăng - địa phương có số hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt lớn nhất vùng ĐBSCL với 24.400 hộ. Ông Thạch Then (xã Liêu Tú, huyện Trần Đề) cho biết do cách xa đường ống dẫn nước ngọt của trạm cấp nước tập trung khoảng 300m, nên hai tháng qua cả nhà ông gồm 6 người phải sử dụng nước hết sức tiết kiệm. 

"Chạy ăn từng bữa, bây giờ còn phải lo nước xài mỗi ngày. Nếu có tiền, tôi sẽ mua thêm lu chứa nước để dành. Tôi ước một ngày không xa bà con xóm này sẽ có đường ống nước sạch dẫn tới trước nhà", ông Then nói.

Miền Tây bớt mặn, cần tranh thủ tích nước - Ảnh 2.

Tổng hợp: LÊ PHAN - Đồ họa: TUẤN ANH

Mong chờ dòng nước ngọt

Theo các chuyên gia Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, nước ngọt có khả năng xuất hiện trên một số nhánh sông tại ĐBSCL trong những ngày tới. Nhưng liền sau đó sẽ là một đợt xâm nhập mặn nghiêm trọng. Do đó, các tỉnh trong khu vực nên tranh thủ ngay việc lấy, tích trữ nước ngọt dịp này.

Ông Bùi Thanh Liêm - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Lách (tỉnh Bến Tre) - cho rằng với diện tích khoảng 9.000ha cây ăn quả, cây giống trên địa bàn, mỗi ngày cần khoảng 800.000 khối nước. Do đó, những giải pháp như chở nước bằng sà lan, xe hoa lâm chỉ là giải pháp tạm thời. 

"Hiện đang trong giai đoạn triều thấp, dựa trên dự báo của Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, chúng tôi đã khuyến cáo người dân canh con nước để bơm nước vào mương vườn nhằm dự trữ nước khi độ mặn xuống thấp. Trên sông Cổ Chiên, những ngày này nước lạt hơn. Có nơi độ mặn đã giảm xuống dưới 0,3 phần ngàn nên chúng tôi đã kịp thời khuyến cáo người dân lấy về trữ", ông Liêm cho hay.

Còn tại Sóc Trăng, ông Lương Minh Quyết - giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh - cho biết tối 19-3, toàn bộ hệ thống cống trong vùng dự án Long Phú - Tiếp Nhựt của hai huyện Trần Đề, Long Phú đã mở để lấy nước ngọt vào. 

"Nồng độ mặn con nước đợt này khoảng 2,5 phần ngàn, chưa đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp, nhưng dù sao vẫn còn hơn lúc trước. Việc lấy nước đợt này cũng nhằm đẩy nước mặn cũ ra. Từ đó từng bước cải tạo, tích nước ngọt, đảm bảo sau khi có mưa địa phương sẽ tranh thủ xuống giống lúa hè thu ngay", ông Quyết phân tích.

Riêng vùng cây ăn trái của huyện Kế Sách, ông Quyết cho biết ngành nông nghiệp đang theo dõi, khi có nước ngọt sẽ lấy vào, không để thiếu nước ảnh hưởng đến cây trồng. "Đối với cây ăn quả, độ mặn phải dưới 1 phần ngàn mới bơm tưới được, do vậy phải chờ đợi con nước thích hợp", ông Quyết nói.

Đối với tỉnh Tiền Giang, năm nay nước mặn không xâm lấn theo sông Tiền, mà đổ từ sông Hàm Luông (Bến Tre) qua nên cũng đã bị mặn bao phủ. Toàn tỉnh chỉ còn lại một phần của huyện Cái Bè chưa bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thiện Pháp - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và phòng chống lụt bão tỉnh Tiền Giang, do tỉnh đã có hệ thống đập tạm, ngăn những nhánh kênh, sông từ sông Tiền vào nên trong các kênh Nguyễn Văn Tiếp, kênh Nguyễn Tấn Thành... vẫn đảm bảo đủ cung cấp nước cho sinh hoạt.

"Nguồn nước này được lấy từ phía trên thượng nguồn, từ vùng Tháp Mười về nên không đến nỗi bị mặn, dù đã vượt quá tiêu chuẩn về độ mặn của cấp nước sinh hoạt nhưng người dân vẫn sử dụng được" - ông Pháp nói và phân tích thêm nếu nước trên sông Tiền giảm độ mặn, độ mặn thấp hơn độ mặn của nước trong đập tạm thì ngành thủy lợi sẽ phối hợp với các ngành liên quan tháo đập tạm để lấy nước vào trữ. Đó cũng là giải pháp nhằm chuẩn bị đối phó với một đợt mặn vào tháng 4-2020.

Độ mặn giảm từ ngày 16-3 đến 6-4

hinhanhnuoc  (5) ngay 19-3 4(read-only)

Các cơ quan chức năng đắp đập tạm tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre chờ lấy nước ngọt phục vụ sản xuất cho vùng - Ảnh: MẬU TRƯỜNG

Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam (Viện Khoa học thủy lợi Việt Nam), dự báo từ sau ngày 16-3 đến 6-4 độ mặn trên các dòng sông ở ĐBSCL sẽ giảm dần. Phạm vi cách biển 35 - 45km trở vào ở cửa sông Cửu Long có khả năng xuất hiện nước ngọt khi triều thấp hoặc chân triều, thuận lợi cho việc lấy nước ngọt. Do đó, các chuyên gia tại đây khuyến cáo các địa phương cần tăng cường quan trắc và tập trung tối đa phương tiện để lấy nước ngọt trong thời gian này.

Dự báo dòng chảy trong tháng 4 từ thượng lưu sông Mekong về ĐBSCL có khả năng vẫn ở mức rất thấp. Từ đó kéo theo xâm nhập mặn có khả năng sẽ rất nghiêm trọng. Điều này gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt là ở khu vực cửa sông Cửu Long, bởi từ ngày 8-4 đến 15-4 dự báo độ mặn lại tăng cao.

Cách nào giữ nước ngọt cho miền Tây? Cách nào giữ nước ngọt cho miền Tây?

TTO - Giải pháp nào để giữ nguồn nước ngọt cho đồng bằng sông Cửu Long trước diễn biến khốc liệt và phức tạp của hạn mặn? Vài tỉnh đã có đề xuất xây hồ lớn chứa nước. Theo tôi, không nên vội vàng, giải pháp này không khả thi.

MẬU TRƯỜNG - KHẮC TÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên