26/04/2020 14:18 GMT+7

Mất việc giữa mùa dịch, phát tiền hay đào tạo lại?

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Thay vì phát tiền hỗ trợ cho dân, Chính phủ Indonesia nảy ra sáng kiến trả tiền để người lao động thất nghiệp đi học thêm các kỹ năng mới.

Mất việc giữa mùa dịch, phát tiền hay đào tạo lại? - Ảnh 1.

Người dân Indonesia ở Bogor xếp hàng chờ xin thực phẩm vào ngày 20-4. Số người đông đến mức người ta không để ý đến giãn cách xã hội - Ảnh: Reuters

Cũng giống nhiều quốc gia khác, khoảng 5,6 triệu người Indonesia đã bị mất việc làm vì đại dịch COVID-19. Thay vì chỉ phát tiền hỗ trợ cho dân, Chính phủ Indonesia nảy ra sáng kiến trả tiền để người lao động thất nghiệp đi học thêm các kỹ năng mới.

Cụ thể, mỗi người dân đủ điều kiện sẽ được tham gia các khóa học online trị giá khoảng 63,7 USD (do chính phủ chi trả), cộng thêm khoảng 42 USD tiền trợ cấp trong suốt 4 tháng đào tạo. Các môn học mang tính thực dụng cao: cách làm bánh pudding mềm ngon, cách kiếm tiền bằng chụp ảnh bằng điện thoại, cách mở tiệm bánh ở nhà...

Tuy vậy, theo Đài Channel News Asia, giới phê bình nhận xét đó có thể là ý tưởng ổn trong điều kiện kinh tế bình thường, nhưng khi thị trường lao động sụt giảm nhu cầu vì một dịch bệnh nguy hiểm, "đi học lại" không phải là giải pháp giúp người dân sống sót. 

Ông Agus Pambagio, chuyên gia chính sách công của Indonesia, tỏ ra không đồng tình: "Chương trình này không thích hợp cho lao động bị sa thải, bị nghỉ việc không lương hoặc lao động thời vụ mất thu nhập. Cái họ cần là hỗ trợ tiền mặt. Họ cần sống sót trước khi được quay lại đi làm".

Có chuyên gia còn lưu ý rằng trên YouTube có đầy những hướng dẫn kỹ năng kiểu như thế mà lại hoàn toàn... miễn phí. "Thay vì hỗ trợ trực tiếp người lao động thêm 63,7 USD để họ trang trải, số tiền đó lại chảy vào túi các đơn vị cung cấp khóa học online" - ông Pambagio chỉ ra điều bất hợp lý.

Nhà kinh tế Bhima Yudhistira Adhinegara, Viện Phát triển kinh tế và tài chính Indonesia, thì đặt câu hỏi liệu người lao động thất nghiệp có được lợi ích gì sau khi hoàn thành những khóa học thiếu thực tế như vậy, nhất là trong hoàn cảnh cả nền kinh tế đều lao dốc.

"Chương trình này được thiết kế khi nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ 5%. Còn bây giờ đại dịch đang hoành hành toàn cầu, doanh nghiệp chật vật sống sót bằng cách sa thải bớt người lao động, ai sẽ thuê họ?" - ông Adhinegara chất vấn.

Theo Bộ Y tế Indonesia, tính đến hết ngày 25-4 nước này đã ghi nhận 8.211 người mắc COVID-19, trong đó có 689 người tử vong. Bộ Giao thông Indonesia cũng thông báo sẽ cấm tạm thời việc đi lại bằng đường hàng không (từ ngày 25-4) và đường biển (từ ngày 24-4) trong nước và quốc tế cho đến ngày 31-5, do bắt đầu tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo. Hiện Chính phủ Indonesia cũng đã cấm người dân không đi lại giữa các tỉnh trong kỳ nghỉ lễ.

Indonesia cử “tình nguyện viên ma” ngăn người dân ra khỏi nhà Indonesia cử “tình nguyện viên ma” ngăn người dân ra khỏi nhà

Một ngôi làng tại Indonesia đã cử một nhóm tình nguyện viên hóa trang thành thây ma đi tuần tra trên đường phố với hy vọng có thể khiến mọi người sợ hãi và ở trong nhà.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên