01/12/2022 20:37 GMT+7

'Mắt thần' Đà Lạt

GIA THỊNH
GIA THỊNH

TTO - Một căn phòng nhỏ kín đáo, hoạt động bên trong lặng lẽ nhưng thâu nhận nhất cử nhất động của Đà Lạt. Những bất thường được chuyển thẳng đến điện thoại từng cán bộ phụ trách để ngăn chặn.

Mắt thần Đà Lạt - Ảnh 1.

Trung tâm điều hành thông minh (IOC) Đà Lạt thoạt nhìn đơn giản nhưng thu nhận toàn bộ hoạt động của Đà Lạt - Ảnh: M.V

"Có khói ở khoảnh rừng núi Hòn Bồ kìa. Đấy, quay hình lại đi; báo lên group quản lý bảo vệ rừng gấp; chuyển luôn tọa độ cho dễ kiểm tra", tiếng của nhân viên Trung tâm điều hành thông minh TP Đà Lạt (IOC). 

Một tin nhắn xuất hiện trên màn hình điều hành: "Đã triển khai lực lượng kiểm tra, xử lý ".

"Mắt thần" Đà Lạt

Đó là hoạt động thường ngày ở IOC. Bốn màn hình máy tính, một màn hình ghép 690 inch (có thể chia thành nhiều màn hình tùy chỉnh theo nhiệm vụ) theo dõi từng nhịp chuyển động của thành phố. 

Hàng ngày, hệ thống 22 camera tầm cao cùng 324 camera lắp khắp các khu vực cận được các nhân viên IOC điều khiển quét khắp nơi từ trung tâm Đà Lạt đến tận vùng ngoại ô Cầu Đất. Các bất thường như cháy rừng, phá rừng, lấn đất rừng làm nông nghiệp, xây dựng trái phép đều được ghi nhận lại. 

"Thấy chưa, chuyển camera qua phải một tí đi, thấy chưa. Đấy, có người đang làm gì cây thông kìa. Trích xuất hình ảnh lại đi, báo ngay cho bên kiểm lâm đi", ông Phan Hữu Trí nói với đồng nghiệp. Một vụ phá rừng đã được ghi nhận lại.

Mắt thần Đà Lạt - Ảnh 2.

Hàng ngày, lãnh đạo các phòng ban của TP. Đà Lạt đều có mặt ở hệ thống "mắt thần" để nắm bắt nhanh tình hình thành phố - Ảnh: M.V

"Chúng tôi ghi nhận các vụ sai phạm khi chỉ mới có dấu hiệu. Hệ thống 22 camera tầm cao kết nối với 324 camera an ninh lắp đặt khắp các khu phố giúp chúng tôi giám sát được cơ bản tất cả các hoạt động của thành phố", ông Trí nói. 

Ông Nguyễn Đức Dũng, Chánh văn phòng UBND TP Đà Lạt (Phụ trách IOC), cho hay ngay trong thời gian thử nghiệm, hệ thống giám sát của IOC đã cung cấp 851 thông tin cho cơ quan chức năng xử lý các vụ việc liên quan đến bảo vệ rừng, trật tự đô thị, quản lý đất đai và trật tự xây dựng.

Mắt thần Đà Lạt - Ảnh 3.

Hầu hết các khu vực của TP. Đà Lạt đều đã có camera tầm cao để theo dõi các vấn đề liên quan đến trật tự xã hội - Ảnh: M.V

Ông Trí cho biết các vụ việc có dấu hiệu bất thường đều được nhân viên IOC phân tích nhanh thông qua đối chiếu nhanh với nhiều dữ liệu khác. Với nhiều vụ việc "nóng" liên quan đến trật tự đô thị, khi cơ quan chức năng đang xử lý ngoài hiện trường thì đội ngũ ở Trung tâm IOC "cảnh giới" ngay từ văn phòng. "Nhờ phối hợp thực tế với không gian số hóa nên cũng đỡ cho anh em làm nhiệm vụ lắm. Vì nhanh và an toàn, với lại có bằng chứng đã được ghi hình nên người sai phạm và cơ quan chức năng khó cãi nhau".

Ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch thường trực UBND TP Đà Lạt, cho biết: "Chúng tôi đã và đang số hóa nhiều hoạt động của thành phố để quản lý tập trung, đưa ra các quyết định chính xác dựa trên nhiều tham số đã ghi nhận được từ thực tế". Ông Trình cho biết thêm, hệ thống "mắt thần" của IOC chỉ mới đầu tư giai đoạn đầu, còn nhiều vị trí công cộng, rừng bị khuất nên việc giám sát vẫn chưa phủ được 100% diện tích toàn thành phố như mong muốn.

Ông Tôn Thiện San, Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, chia sẻ: "Việc giám sát các hoạt động của đô thị Đà Lạt chỉ là 1 phần rất nhỏ trong hệ sinh thái Thành phố thông minh Đà Lạt đang xây dựng. Kết nối, kéo gần nhân dân và chính quyền lại với nhau mới là cốt lõi của đề án Thành phố thông minh. Dùng các hệ thống thông minh để nắm biết được tâm tư, nguyện vọng của người dân rất cần thiết để có những quyết sách phù hợp".

Kết nối người dân với chính quyền

Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng cuối năm 2015, mục tiêu xây dựng Đà Lạt trở thành đô thị thông minh được đưa vào nghị quyết. Đến năm 2018, công tác chuẩn bị được hoàn tất để 2019, thành phố có một trung tâm điều hành thông minh. Đa số hoạt động hành chính công được triển khai thông qua các ứng dụng số. Theo ông San: "Số hóa hoạt động hành chính công và kết nối trên mọi nền tảng giúp quản lý bộ máy hành chính tốt hơn để thúc đẩy tiến độ xử lý thủ tục hành chính. Sau 3 năm, tốc độ giải quyết thủ tục hành chính tăng hơn 50%, khiếu nại liên quan đến thủ tục hành chính giảm tương ứng".

Mắt thần Đà Lạt - Ảnh 4.

Các chỉ số liên quan đến kinh tế - xã hội đều được đồ thị hóa và hiển thị trực quan giúp lãnh đạo UBND TP. Đà Lạt dễ nắm bắt và có quyết định phù hợp - Ảnh: M.V

Để kết nối người dân và chính quyền, ứng dụng Đà Lạt trực tuyến - iGov Connect cung cấp trên 2 nền tảng di động và website ra đời. Đây được xem là bước khởi động của quá trình triển khai chính quyền điện tử TP Đà Lạt trong tương lai. 

Ông Nguyễn Đức Dũng, mô tả cách thức hoạt động của iGov Connect: Ứng dụng có thể sử dụng trên điện thoại thông minh, máy vi tính nên công chức có thể tiếp nhận, xử lý, báo cáo kết quả nhanh chóng và công dân dễ dàng khai thác các tính năng của ứng dụng và các phần mềm kèm theo. Điều này giúp cho các phòng ban thực hiện nhiệm vụ quản lý hành chính nhà nước trên các lĩnh vực nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác quản lý, kịp thời phát hiện xử lý vi phạm trên các lĩnh vực.

Mắt thần Đà Lạt - Ảnh 5.

Tình trạng giao thông tại trung tâm Đà Lạt cũng được số hóa và hiển thị theo thời gian thực giúp lực lượng chức năng nắm bắt và xử lý nhanh. - Ảnh: M.V

Khi thành phố triển khai chính quyền điện tử, thành phố thông minh, một cán bộ lão thành đã thắc mắc "thành phố thông minh để làm gì khi bản thân nó đang vận hành tốt". Ông Dũng đáp: "Thành phố vận hành thông minh là xu hướng phải thực hiện trong tình hình giảm biên chế hành chính, tăng khối lượng công việc như hiện nay, giúp tăng tốc độ xử lý công việc, tiết kiệm thời gian và tối ưu năng lực sản xuất trên một đơn vị thời gian. Hệ thống sẽ phải tiếp tục nâng cấp và không ngừng bổ sung tính năng trong tương lai để thông minh hiện đại hơn. Những vướng mắc hiện tại chúng tôi đã nhận ra và đó là kết quả tất yếu của một hệ thống mới bắt đầu. Mỗi ngày hệ thống đều được chỉnh sửa để tương ứng với thực tế phát sinh trong cuộc sống".

Vừa trả lời, ông Dũng vừa thao tác để màn hình lớn hiện lên các chỉ số liên quan đến đầu tư, thu ngân sách,… và hàng loạt các chỉ số quan trọng trong đối với một đô thị. "Nhờ hệ thống được kết nối trực tiếp đến các cơ quan đơn vị, số liệu được cập nhật theo thời gian thực một cách khoa học, đúng quy chuẩn nên các quyết sách của thành phố mau chóng được thống nhất. Nhìn vào hệ thống số liệu, các đồ thị trên từng lĩnh vực sẽ có thể đánh giá được tiến độ thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực của toàn thành phố", ông Dũng giải thích.

Mắt thần Đà Lạt - Ảnh 6.

Công nghệ được ứng dụng tối đa tại Đà Lạt nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế du lịch, thu hút du khách - Ảnh: M.VINH

Chỉ sau 3 năm triển khai, gần 50.000 người dân đã  sử dụng ứng dụng Đà Lạt trực tuyến - iGov Connect cho các thủ tục hành chính. Hiện ứng dụng này đang được kết nối với một số ứng dụng con dùng trong công tác quy hoạch, quản lý đất đai, du lịch, hộ tịch, cấp phép xây dựng,…

Trong quá trình triển khai chính quyền điện tử toàn diện, TP Đà Lạt đang tập trung đầu tư mở rộng hệ thống camera quan sát tầm xa, camera thông minh giám sát giao thông phân tích hành vi lấn làn; vượt tốc độ; tai nạn giao thông; mật độ xe trên các tuyến đường; Phân tích hành vi dừng đỗ xe sai quy định; Phân tích hành vi tụ tập đông người; gây rối trật tự công cộng; vứt rác không đúng nơi quy định; đối tượng xâm nhập trái phép; Phân tích và cảnh báo các hiện tượng gây mất an toàn báo khói, báo cháy. Thực hiện triển khai đầu tư hệ thống chiếu sáng thông minh trên địa bàn TP Đà Lạt.

Đà Lạt nhận giải thưởng Thành phố Du lịch thông minh

GDD_3696

Ông Võ Ngọc Trình, Phó chủ tịch UBND TP. Đà Lạt (thứ 3 từ phải ảnh), nhận giải thưởng Thành phố Du lịch thông minh - Ảnh: GIA THỊNH

Tối 1-12 tại Hà Nội, UBND TP Đà Lạt đã được Hội đồng bình chọn Thành phố thông minh Việt Nam 2022 trao giải thưởng Thành phố Du lịch thông minh. Giải thưởng được trao cho những nỗ lực của Đà Lạt trong quá trình chuyển đổi số, nâng cấp hạ tầng để phát triển kinh tế du lịch, phục hồi sau đại dịch. Hội đồng bình chọn giải thưởng gồm các chuyên gia uy tín, có chuyên môn cao từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng, các chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực thành phố thông minh, quản lý, công nghệ, viễn thông, tài chính, kiến trúc, giao thông, y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, các nhà báo.

Hiến kế giải pháp công nghệ phát triển TP.HCM: Y tế thông minh cho thành phố thông minh Hiến kế giải pháp công nghệ phát triển TP.HCM: Y tế thông minh cho thành phố thông minh

TTO - Y tế thông minh là một hệ sinh thái trong đó nguồn lực xã hội, công lập hay tư nhân, được huy động và kết nối xuyên suốt và tối ưu, hướng đến mục đích cuối cùng là giúp người dân quản lý được tình trạng sức khỏe của mình một cách chủ động.

GIA THỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên