17/07/2012 07:30 GMT+7

Mai một tình làng nghĩa xóm

NGUYỄN LONG  (Hà Nội)
NGUYỄN LONG  (Hà Nội)

TT - Lâu lắm rồi tôi mới về quê nội, nhân có dịp ăn cưới đứa em út nhà chú. Quê tôi là vùng đất ngoại thành Hà Nội đã và đang trong đà đô thị hóa mạnh mẽ. Chính vì lẽ đó mà cái nghèo không còn đeo đẳng mỗi gia đình như thời tôi vẫn còn sống ở quê. Nhiều nhà đã giàu, đại đa số các hộ đều đã có “bát ăn bát để”.

Giàu lên nên bộ mặt làng quê đổi thay một cách nhanh chóng. Những nếp nhà ngói đều được thay mới bằng các ngôi nhà cao tầng khang trang. Nhiều hộ dân xây các ngôi biệt thự rộng hàng trăm mét vuông với sân, vườn, cây cảnh bề thế chẳng kém mấy biệt thự của đại gia ở thành phố. Nhìn thấy làng quê đi lên và đổi mới như vậy, chẳng riêng gì tôi mà hầu như người con nào của quê hương đi xa về thấy như vậy cũng đều mừng vui khôn xiết.

Thế nhưng, có một nỗi buồn mà tôi phải chứng kiến ở làng quê. Đó là tình người ngày càng đi xuống. Xưa, người dân quê tôi vốn chất phác, mộc mạc và rất tình cảm. Khi nhà này có bát canh ngon, chút đồ ăn gọi là “tươi” thì luôn san sẻ cho nhà hàng xóm một chút. Hàng xóm luôn sống đúng bản chất thôn dã khi “tối lửa đèn tắt có nhau”, bằng biểu hiện thăm hỏi, chia vui khi nhà này có chuyện vui, chuyện buồn thì cả xóm đều tụ tập thăm hỏi, chuyện trò... Thế mà bây giờ chỉ vì đà đô thị hóa, đất đai sốt từng cơn, đồng tiền đã chia cắt tình cảm xóm giềng làng nước.

Chú tôi kể rằng bây giờ tình hàng xóm mai một hết, khi nhà này tranh giành với nhà kia từng centimet đất ở. Do lúc trước ranh giới đất giữa các hộ chỉ là rặng bờ cây không rõ ràng, nên khi đất lên giá người ta cãi nhau, chửi nhau, thậm chí đánh nhau rồi đưa nhau ra tòa cũng chỉ vì đất, vì tiền. Khi đã tranh giành, cãi nhau, chửi nhau như thế thì việc họ “kiềng” mặt nhau, coi nhau như người không quen biết là điều dễ hiểu! Tôi còn nhớ nhà chú Đ. hàng xóm trước khá thân thiết với gia đình tôi, khi có rổ khoai luộc cũng mang sang cho, hay bữa nào có mớ sung, trám tươi cũng đem sang biếu bà nội tôi kho ăn..., giờ đã cạch mặt nhau từ năm ngoái cũng chỉ vì mấy mét vuông đất ngõ đi. Ôi, buồn quá khi giờ ra ngõ gặp chú ấy, những người nhà chú ấy mà không được chào hỏi, vì cô chú tôi dặn đi dặn lại là “không được chào vì nhà mình đã cãi nhau rồi!”. Không chỉ nhà chú Đ., mà nghe nói nhà bà H. phía đằng sau nhà cũng “kiềng” mặt với nhà cô chú tôi vì... 5cm đất bờ rào!

Chú tôi nói chẳng riêng gì tình làng nghĩa xóm, ngay như đạo lý cha, con, anh, em, máu mủ ruột thịt cũng chẳng còn được như xưa. Quê tôi bây giờ cũng chẳng thiếu gì cảnh anh em trong cùng một gia đình chửi nhau, vác cả dao chém nhau chỉ vì cha mẹ chia đất cho họ không công bằng. Rồi chuyện con chửi mẹ, đánh cha, thậm chí là giết cha mẹ cũng chỉ vì đất, tiền. Thế nên mới có cảnh ở nhiều nhà ngày trước khi ông, bà, cha, mẹ khuất núi, con cháu trong gia đình dòng tộc thường nhân ngày giỗ để góp chút tiền bạc, lễ vật làm ngày gặp gỡ nhau cho đầm ấm, thì nay nhiều nhà đã... cúng riêng do mâu thuẫn không thể dung hòa.

Làng quê đổi mới, kinh tế phát triển là niềm vui, nhưng đạo lý, tình người ngày càng xuống cấp là một nỗi đau nhức nhối. Vật chất, tiền bạc có thể làm ra, nhưng khi tình người đã mất đi thì dường như chẳng bao giờ có thể lấy lại được. Chỉ mong những người dân ở các vùng quê đã, đang trong đà đô thị hóa - như quê tôi- hãy thức tỉnh để sống sao cho giữ được cái tình.

NGUYỄN LONG  (Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên