Bài viết đang tải xuống, xin hãy đợi trong giây lát

TUYẾN ĐƯỜNG MÒN THỜI KHÁNG CHIẾN…

"Trèo đèo Ba Rền, băng qua Nhã Nam, cho tôi nhắn đôi lời gửi về biên khu. Ai đi vô trong Nam, ai đi ra Việt Bắc, trường kỳ kháng chiến vững niềm tin..." là lời bài hát Đường rừng của nhạc sĩ Trần Hoàn viết về con đường xuyên Trường Sơn trong kháng chiến chống Pháp năm 1948.

Đoạn mở đầu phim tư liệu Ký Ức Trường Sơn

Sau này ông kể: "Chúng tôi phải vượt nhiều rặng núi dài, leo những đồi đốc đứng lởm chởm đá gan gà. Đêm đêm chúng tôi hái lá rừng rải làm giường mà ngủ, luôn luôn canh chừng thú dữ,lắng nghe tiếng vượn hú, tiếng chim từ quy gọi bạn càng thêm nhớ nhà, nhớ đến anh em. Đây chính là khởi điểm của con đường mòn kháng chiến…" ( Trần Hoàn - Kỷ niệm về con đường mang tên Bác - 1992).

Những con đường rừng thời kháng Pháp không chỉ xuyên qua khu vực Bình Trị Thiên, những đoàn công tác trung ương từ Bắc vào Nam hay từ Nam ra Bắc đều từng xuyên Việt trên tuyến đường băng qua núi đèo Trường Sơn.

Các tuyến đường chính

Theo giáo sư Đặng Phong, trong giai đoạn kháng Pháp, tiền thân của tuyến đường mòn Hồ Chí Minh sau này là bốn tuyến đường chính:

Đường thượng (Tây Trường Sơn)
Từ Chu Lễ (Hà Tĩnh) đi bộ vào ga Tân Ấp (đầu Quảng Bình) rồi xuyên tây Quảng Bình, vào Khe Sanh qua đường 9 đến Ba Lòng là chiến khu của Quảng Trị

Đường Đông Trường Sơn :
cũng từ Chu Lễ nhưng có một đoạn đi goòng (toa xe lửa nhỏ, đặt trên ray và vừa kéo vừa đẩy) vào tới Minh Cầm ( nay là Minh Hóa- Quảng Bình) rồi đến vùng đông Quảng Trị, ngược lên Ba Lòng .

Từ chiến khu Ba Lòng
vào liên khu Năm (V), đi xuyên lên A Lưới, vào bến Hiên (nay là Đông Giang- Quảng Nam) rồi đi tiếp vào Bình Định

Từ khu V vào Nam Bộ: Từ dốc Chanh (Phú Yên) đi đến hòn Dữ (Khánh Hòa) xuyên qua núi Ba Cụm, đến trạm Mã Đà và sau đó đến trạm Đội Lào (Tà Lu) của Đông Nam Bộ.

Những địa danh lịch sử

Ngã ba Đồng Lộc

Thuộc thị trấn Đồng Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh nằm trên đường mòn Hồ Chí Minh xuyên qua dãy Trường Sơn, là giao điểm của quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh. Đây là trọng điểm bị địch đánh phá ác liệt trên con đường chi viện cho tiền tuyến miền Nam; tính từ tháng 3 đến tháng 10/1968, không quân Mỹ đã trút xuống 48.600 quả bom các loại.

Ngã ba Đồng Lộc bị bom đạn cày xới, hố bom nằm san sát nhau (ảnh: Tư liệu)

Truông Bồn

Thuộc xã Mỹ Sơn, Đô Lương, tỉnh Nghệ An, nằm trên tuyến đường chiến lược 15A, chiều dài gần 200km, tiếp nối từ quốc lộ 1A - giáp với tỉnh Thanh Hóa, đi qua địa bàn các huyện: Quỳnh Lưu, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Đô Lương về đến huyện Nam Đàn.

Đây là huyết mạch giao thông quan trọng nên bị máy bay Mỹ ném bom đánh phá, phong tỏa tuyến đường sắt, đường sông, đường biển và quốc lộ 1A đi qua Nghệ An.

Tiểu đội thép Truông Bồn san lấp hố bom đảm bảo giao thông tại trọng điểm Truông Bồn - Ảnh: tư liệu

Đường 20 - Quyết thắng

Dài 123 km bắt đầu từ Bản Phong Nha tỉnh Quảng Bình, đến ngã ba Lùm Phùm (tỉnh Khăm Muộn, Lào). Lực lượng tham gia mở, xây dựng, bảo vệ con đường đều ở lứa tuổi 18- 20 với ý chí quyết tâm mở con đường huyết mạch, phá thế độc đạo, nối Đông Trường Sơn với Tây Trường Sơn, đưa hàng vào chiến trường miền Nam, thống nhất đất nước nên tên đường được đặt như vậy.

Cung đường 20 - Quyết thắng huyền thoại hồi mới mở (Ảnh tư liệu)

Ngầm Ta Lê

Ngầm dưới nước cho xe qua dài khoảng 10km, trên Đường 20 Quyết Thắng. Các chiến sĩ xây ngầm phải dầm mình dưới nước lát đá làm mặt ngầm. Đây cũng là trọng điểm khốc liệt bị địch phát hiện và đánh phá nhiều lần. Từ đường ngầm A làm thêm ngầm B, ngầm C, ngầm D vẫn bị đánh phá, buộc phải làm một con đường cáp để chuyển hàng qua ngầm Ta Lê, cáp cũng bị đánh đứt. Khi làm đến đường ngầm thứ 5 là ngầm E dài 15km, nước sông Ta Lê từ màu xanh chuyển sang màu máu đỏ.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thăm Tiểu đoàn 33 anh hùng tại ngầm Ta Lê (Đường 20 Quyết Thắng)-1973.

Đèo Phu La Nhích

Nằm trên tuyến đường 20 Quyết Thắng thuộc địa phận tỉnh Khăm Muộn, Lào. Trọng điểm kéo dài khoảng 8 cây số. Đèo Phu La Nhích bị máy bay Mỹ đánh phá gần 10.000 lần, trong đó có khoảng 2.450 lần B52. Số lượng bom đạn ném xuống trọng điểm nhiều gấp 5 lần cua chữ A.

Tuyến đường này có những địa điểm nổi tiếng về sự đánh phá của Mỹ - Ngụy như: Cua Chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Phu La Nhích, Lùm Bùm, Văng Mu, Tha Mé, Xiêng Phan...

Đèo Đá Đẽo

Nằm trên Đường Hồ Chí Minh ở ranh giới 3 xã xã Thượng Hóa (Minh Hóa), xã Xuân Trạch và Thượng Trạch (Bố Trạch) tỉnh Quảng Bình, dài 17 km thuộc quốc lộ 15A. Đèo Đá Đẽo là một trọng điểm bắn phá của quân đội Mỹ bằng máy bay và pháo từ tàu biển.

Lực lượng Thanh niên xung phong Trị Thiên mở đường Trường Sơn, nối liền hệ thống giao thông liên tỉnh phục vụ sản xuất và đời sống vùng giải phóng. Ảnh: TTXVN

TRÊN ĐƯỜNG TA QUA KHÔNG MỘT DẤU CHÂN NGƯỜI…

Thiếu tướng Võ Bẩm, thời điểm năm 1959 là thượng tá, Cục trưởng Cục Nông trường quân đội đã nhớ lại ngày đầu tiên nhận nhiệm vụ trong hồi ký Mở đường Trường Sơn: "Tôi đến nơi làm việc của Cục Nông trường thì đồng chí trực ban báo có điện thoại của Văn phòng quân ủy trung ương sang ngay gặp chủ nhiệm Ủy ban Thống nhất kiêm thường trực Ủy ban quân ủy Trung ương là tướng Nguyễn Văn Vịnh.

Khi tôi đến, anh Vịnh nhìn thẳng vào mắt tôi rồi nói: Việc này không phải do Quân ủy giao mà do Bộ Chính trị đã chỉ đích danh đồng chí. Tôi thay mặt Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho đồng chí tổ chức mở đường giao thông quân sự đặc biệt, để tiếp tế cho cách mạng miền Nam, tạo những diều kiện cho miền Nam thực hiện Nghị quyết 15…" Câu chuyện của tuyến đường 559, một huyền thoại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đã bắt đầu từ một buổi sáng tháng 5 như thế.

Khe Hó - nơi đầu tiên khởi phát cho tuyến vận tải chi viện chiến trường miền Nam, từ cánh rừng trên đất Quảng Trị nằm ở bờ bắc thượng nguồn sông Bến Hải, những đội quân gùi thồ đầu tiên "đi không dấu - nấu không khói - nói không tiếng" để rồi chỉ hơn 5 năm sau, hàng chục cung đường vận tải mới với hàng sư đoàn xe cơ giới vận tải ngang dọc xuyên hai cánh Đông và Tây Trường Sơn. Từ một binh trạm hẻo lánh heo hút của ngày mở đầu bên bờ Bắc và hơn mười năm sau, Bộ chỉ huy của Bộ đội Trường Sơn đã dựng chỉ huy sở ngay bờ Nam thượng nguồn con sông giới tuyến này: khu vực Bến Tắt.

Những ngày đầu khai phá đường Trường Sơn qua lời kể của Đại tướng Đồng Sỹ Nguyên, Thiếu tướng Tô Đa Mạn và Đại tá Nguyễn Việt (Video: Tư liệu)

Năm 1961 bằng gùi thồ và các phương tiện thô sơ khác, đoàn 559 đã vận chuyển 265 tấn vũ khí, trên 400 tấn gạo, đưa đón 7664 cán bộ chiến sĩ vào nam.

Giờ đây, trên những chiếc cầu ở đường 9 đoạn từ km35 đến km55 có thể gặp rất nhiều tấm biển ghi Di tích lịch sử điểm vượt đường 9. Không biết có ai nhìn tấm biển di tích bên cây cầu nhỏ bé ấy mà nhớ đến hàng ngàn đêm với hàng trăm người im lặng gùi cõng vũ khí, đạn dược trên đôi vai trần chi viện cho miền Nam? Có nhớ bao nhiêu cuộc đời thanh xuân đã ngã xuống khi gặp địch, ngã xuống vì cọp vồ, vì sốt rét…?

Từ vài trăm cây số lối mòn thành hàng vạn kilomet "đại lộ"

Đầu năm 1960 địch đã đánh hơi thấy hoạt động vận tải của ta, đã mở một trận càn cấp trung đoàn, công việc vận chuyển cũng phải tạm dừng một thời gian.

Thiếu tướng Võ Bẩm nhớ lại trong hồi ký Mở đường Hồ Chí Minh: Một lần tôi được lên báo cáo trực tiếp với đồng chí Lê Duẩn. Đồng chí gợi ý: "Thử xem có con đường nào khác có thể tránh được sự tuần tra rình mò của địch không?". Gợi ý đó đã bật ra một tia sáng trong ý nghĩ của tôi : Nếu như mở một con đường sang phía Tây Trường Sơn, đi nhờ đất bạn thì chắc địch khó bề nhòm ngó…"

Con đường từ tây Quảng Bình vào Quảng Trị thay vì vượt đường 9 vốn nhiều xe cộ địch đi lại nay được tổ chức đi ngược lên đất Lào, dài chừng 100 km, từ đường 9 đến Mương Phalan, nối Trung và Hạ Lào. Chính nhờ tuyến đường này mà nhịp độ chi viện vận tải cho miền Nam vẫn được duy trì, né được sự săn tìm ráo riết của địch phía sườn Đông Trường Sơn.

Mở lối sang Tây Trường Sơn không chỉ ở vùng Quảng Trị. Năm 1963, công binh mở thêm tuyến đường 129 trên đất Lào nối thông quốc lộ 8 từ Hà Tĩnh, quốc lộ 12 từ Quảng Bình, từ phương pháp gùi thồ bí mật, đã chuyển sang vận chuyển bằng xe cơ giới. Đến cuối năm 1964, đường Hồ Chí Minh đã được xây dựng và nối dài với 781km đường ô-tô, hơn 600km đường giao liên và gùi thồ. Như vậy mạng lưới các hệ thống đường giao liên - gùi thồ - cơ giới tùy theo chức năng của mình mà lan sâu vào phía Nam.

Trên cung đường Hồ Chí Minh xuyên hai phía Đông - Tây Trường Sơn những năm tháng đó có biết bao huyền thoại đã được sinh ra...

Những con số biết nói

1400 km

Là chiều dài hệ thống đường ống dẫn xăng dầu, một trong những kỳ tích đáng nể của Đoàn 559, nối từ tuyến hậu phương Quảng Bình, Vĩnh Linh, hình thành 2 tuyến Đông và Tây Trường Sơn đến Bù Gia Mập (tỉnh Bình Phước) ở miền Đông Nam bộ.

2.500 trận đánh

Ngoài ra còn phá hủy 100 xe quân sự, hàng ngàn súng, bắn rơi 2.450 máy bay địch.

1 triệu tấn vũ khí

Vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đưa hơn 2 triệu lượt bộ đội, cán bộ vào chiến trường.

20.000 km

Là tổng chiều dài con đường huyền thoại Trường Sơn xuyên suốt qua ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.

2,9 triệu m3

Là khối đất đá đã được Đoàn 559 Binh đoàn Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đào và san lấp.

78.000 hố bom

78.000 hố bom được san lấp, phá 12.600 bom từ trường, 8000 bom nổ chậm, 85.100 quả mìn.

>20.000 người

Bao gồm bộ đội và thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã hi sinh và 30.000 người bị thương trên con đường mòn Hồ Chí Minh.

Cuộc sống mới
bên con đường huyền thoại

20 năm sau ngày đất nước thống nhất, con đường huyền thoại Hồ Chí Minh của những năm chiến tranh lại mang một trọng trách mới. Đó là phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, an ninh, quốc phòng… của thời bình.

Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên hay còn gọi là quốc lộ 14 hôm nay kéo dài từ Kon Tum về Bình Phước là nhiều đô thị phát triển, mang bản sắc Tây Nguyên, đem lại cuộc sống khấm khá cho người dân như Pleiku (Gia Lai), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và gần đây là thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông)… khẳng định vị thế những đô thị miền cao nguyên, nằm êm đềm dọc tuyến đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại.

Dọc bên đường Hồ Chí Minh, các thị trấn sầm uất, những khu dân cư đông đúc đã hiện hữu như để minh chứng cho sức sống mãnh liệt trên con đường lịch sử này.

Điều đặc biệt là ở những làng nhỏ ven đường, sẽ bắt gặp những cựu TNXP ở khắp mọi miền đã tình nguyện tham gia xây dựng con đường của thời bình để phát triển kinh tế. Và khi con đường đã thông, họ lại chọn dãy Trường Sơn làm nơi sinh cơ lập nghiệp thay vì về bản xứ.

"Cả những liệt sĩ Trường Sơn cũng chọn nơi này làm đất sống"

Đúng vào dịp cả nước đang chuẩn bị kỷ niệm 60 năm mở đường Trường Sơn - đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại thì Tướng Đồng Sĩ Nguyên, vị tư lệnh huyền thoại của con đường huyền thoại ấy cũng từ giã cuộc đời gắn liền với trận mạc binh nghiệp vào ngày ở tuổi 96.

Cho dù ước nguyện của Tướng Đồng Sĩ Nguyên là được mai táng ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn, nơi hơn một vạn người lính của ông đang yên nghỉ không thành hiện thực nhưng có thể linh hồn ông sẽ vẫn đi đi về về với những mái đồi ở thượng nguồn sông Bến Hải, ngay trên chính mảnh đất đã đặt chỉ huy sở của Bộ tư lệnh Trường Sơn vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ và sau này là nơi an nghỉ của 10.036 người lính Trường Sơn được quy tập về đây.

Nhiều chục năm trước, với sự quyết tâm của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, ngay sau Hiệp định Paris, ông đã chỉ đạo việc quy tập mộ liệt sĩ Trường Sơn về một nghĩa trang. Các đội quy tập mộ liệt sĩ được thành lập ở các sư đoàn triển khai ngay. Kết quả là trong số hơn 20.000 người đã ngã xuống trên chiến trường Trường Sơn, đến nay đã quy tập được hơn một vạn hài cốt liệt sĩ về Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Trường Sơn.

Và giờ đây, trên những mái đồi đượm nắng gió miền Quảng Trị, những người lính Trường Sơn vẫn chung một đội hình hàng hàng lớp lớp bên nhau như đang trong đội ngũ diễu hành cùng đất nước. Như nhà thơ Nguyễn Quốc Việt đã viết về miền đất này : "Cả những liệt sĩ Trường Sơn cũng chọn nơi này làm đất sống!"

Tổ chức thực hiện: Cát Khuê

Những người thực hiện: Lê Đức Dục - Thiên Điểu - Nguyễn Khánh - Tấn Lực - Linh Đan - Đoàn Cường

Tư liệu: Ký ức Trường Sơn, Đường Hồ Chí Minh qua Bình Trị Thiên, đường xuyên Trường Sơn, chuyên đề Đường Trường Sơn của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, Hội Truyền thống Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh Việt Nam, Hồi ký Mở đường Trường Sơn, Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại, 5 đường mòn Hồ Chí Minh, Website Ban quản lý dự án đường Hồ Chí Minh.

Thiết kế: Vũ Hoàng
Đồ hoạ: Kiều Nhi - Tường Vy
Biên dựng video: Tạ Hà Phong
Trình bày: Ngọc Anh
Concept: Bảo SuZu

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0