19/04/2021 05:35 GMT+7

Mắc viêm não tự miễn, người nhà lại tưởng bị bệnh tâm thần, 'người âm theo'

XUÂN MAI
XUÂN MAI

TTO - Bà N.T.M. cho biết ông T. (chồng bà) trước giờ khỏe mạnh, không bệnh tật, thế nhưng bỗng trở nên "khùng khùng, điên điên", nói thấy ma, đang ở âm phủ... Gia đình phải đưa ông qua 4 bệnh viện, đến bệnh viện thứ 5 mới biết là bị viêm não tự miễn.

Mắc viêm não tự miễn, người nhà lại tưởng bị bệnh tâm thần, người âm theo - Ảnh 1.

Ông T. điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - Ảnh: XUÂN MAI

Người mắc bệnh viêm não tự miễn thường có những biểu hiện giống hệt bệnh tâm thần như mất ngủ, hành vi bất thường, ảo thanh, kích động... nên phần lớn được chuyển đến bệnh viện chuyên khoa tâm thần điều trị.

Tưởng bệnh tâm thần, "người âm theo"

Hai chân và tay bị trói vào thành giường, ông T. (62 tuổi, ngụ tỉnh Kon Tum) cố gượng dậy nói lẩm bẩm không rõ lời. Ông mắc bệnh viêm não tự miễn, được điều trị gần một tháng qua tại khoa nhiễm Việt - Anh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM trước khi phải tới lui 4 bệnh viện khác do "bắt" không đúng bệnh.

Đúng giờ được vào thăm bệnh, bà N.T.M. (54 tuổi) - vợ ông T. - vội bước đến cửa phòng bệnh dõi theo ông T.. Bà vẫy tay chào nhưng ông T. không nhận ra. Nhìn chồng từ cửa cách ly, bà M. mắt ửng đỏ nói: "Đang khỏe mạnh bỗng dưng ổng nói nhảm, nói thấy ma, lên cơn co giật. Đưa ổng đến nhiều bệnh viện giờ mới biết chính xác ông bị viêm não tự miễn, thời gian điều trị dài lắm".

Bà M. cho biết ông T. trước giờ khỏe mạnh, không bệnh tật. Hằng ngày ông cùng bà vào buôn làng mua bán nông sản, không quá áp lực cuộc sống, chuyện tiền nong. Thế nhưng ông T. bỗng trở nên "khùng khùng, điên điên", nói thấy ma, đang ở âm phủ... khiến ai cũng lo lắng.

Hai ngày sau, ông T. lên cơn co giật. Gia đình đưa ông đến nhiều bệnh viện từ Đa khoa tỉnh Kon Tum đến Đa khoa Đà Nẵng, rồi quay lại Bệnh viện Tâm thần kinh Gia Lai. Tất cả đều chẩn đoán ông T. bị tâm thần, động kinh.

Thấy bệnh không thuyên giảm, gia đình tiếp tục đưa ông T. đến Bệnh viện Tâm thần trung ương 2 (Đồng Nai). Điều trị tại đây được 10 ngày, ông T. vẫn còn co giật, kèm thêm sốt cao nên chuyển đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Qua kết quả chụp MRI não và xét nghiệm dịch lấy ra qua chọc dò thắt lưng (dịch não tủy) ghi nhận ông T. bị viêm não tự nhiễm nặng, phải thở máy, có khả năng hồi phục nhưng cần thời gian từ 3 - 6 tháng.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM cho biết mỗi năm tiếp nhận từ 10-15 bệnh nhân mắc bệnh viêm não tự miễn, trong đó nữ nhiều hơn nam, thường gặp nhất ở độ tuổi từ 16-30. Thời gian gần đây ghi nhận người lớn tuổi cũng mắc.

Điều trị đúng giúp trở lại cuộc sống bình thường

BS.CKI Phạm Kiều Nguyệt Oanh - phó trưởng khoa nhiễm Việt - Anh Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM - cho biết viêm não tự miễn là một bệnh lý viêm nhiễm ở não bộ với biểu hiện sốt cao, co giật, yếu liệt và hôn mê. Bệnh thường để lại di chứng, với khả năng hồi phục 60 - 80% và thời gian điều trị lâu dài.

Bệnh xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tự sản sinh ra một chất bảo vệ (còn gọi là kháng thể) chống lại chính một cấu trúc rất nhỏ trên bề mặt tế bào thần kinh ở não bộ (thụ thể N-methyl-D-aspartate), làm tổn hại hệ thần kinh, đưa đến các biểu hiện tâm thần kinh của bệnh.

Làm sao để phân biệt bệnh viêm não tự miễn và bệnh tâm thần? Bác sĩ Oanh cho hay bệnh cảnh biểu hiện kéo dài vì thế khó biết được bệnh nhân mắc viêm não tự miễn từ giai đoạn đầu. 

Thông thường trong hai tuần đầu, bệnh biểu hiện với các triệu chứng tâm thần như lo âu, mất ngủ, giảm trí nhớ, có hành vi bất thường, ảo thị (nhìn thấy vật thể lạ, người lạ..), ảo thanh (nghe tiếng nói trong tai, nghe âm thanh lạ...), kích động. Do đó, bệnh nhân thường được đưa vào điều trị tại bệnh viện chuyên khoa tâm thần.

Từ tuần thứ ba trở đi, bệnh nhân xuất hiện co giật, nghiến răng, lơ mơ, không tiếp xúc với người xung quanh, nghiến răng liên tục làm tổn thương môi và lưỡi, tay chân có các cử động bất thường liên tục... Đây là những biểu hiện chứng tỏ bệnh nhân không phải bị tâm thần mà bị bệnh viêm não.

Bệnh thường diễn tiến nhanh đến thở yếu, cần phải hỗ trợ bằng máy thở. Ở giai đoạn này, khi chụp phim cộng hưởng từ (MRI) não và chọc dò dịch não tủy, có thể ghi nhận bất thường. Bệnh nhân phải điều trị kéo dài nhiều tháng với các phương tiện hồi sức (máy thở, máy lọc máu) nên chi phí điều trị rất cao. Qua điều trị tích cực, hầu hết bệnh nhân hồi phục tốt, trở về cuộc sống bình thường, số ít bệnh nhân tử vong vì nhiễm trùng bệnh viện kèm theo (chiếm 10%).

Cùng Trường đại học Oxford tìm ra căn bệnh "lạ"

Thông qua dự án nghiên cứu các bệnh nhiễm trùng trầm trọng tại Việt Nam, hợp tác giữa Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP.HCM và Trường đại học Oxford, bệnh viện có thể xét nghiệm chẩn đoán bệnh viêm não tự miễn do kháng thể kháng thụ thể N-methyl D-aspartate (viết tắt là viêm não NMDA).

Từ năm 2015, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tiếp nhận, chẩn đoán và điều trị từ 10-15 bệnh nhân viêm não tự miễn/năm, cư ngụ tại TP.HCM và các tỉnh thành phía Nam. Những bệnh nhân này trước kia được chẩn đoán là viêm não không xác định được nguyên nhân và phần lớn bị di chứng trầm trọng hoặc tử vong. Viêm não tự miễn có rất nhiều loại, trong đó viêm não NMDA là loại viêm não tự miễn thường gặp nhất.

Béo phì ở trẻ em có thể do viêm não Béo phì ở trẻ em có thể do viêm não

TTO - Nghiên cứu mới của Đại học Yale phát hiện những rối loạn trong trung tâm khen thưởng và vui thích của não bộ dẫn đến việc ăn quá nhiều gây béo phì ở trẻ em.

XUÂN MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên