17/02/2021 07:07 GMT+7

Lối thoát nào cho Myanmar?

DUY LINH
DUY LINH

TTO - Đã hai tuần trôi qua từ cuộc đảo chính ngày 1-2, chưa có dấu hiệu nào cho thấy cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar sẽ kết thúc. Số người tham gia biểu tình chỉ giảm rất ít khi binh sĩ có vũ trang được triển khai trên đường phố.

Lối thoát nào cho Myanmar? - Ảnh 1.

Một binh sĩ nhìn tấm apphich mà người biểu tình dán lên xe tăng: “We do not want military government” (Chúng tôi không muốn chính quyền quân sự) ở Yangon, Myanmar ngày 15-2-2021 - Ảnh: Reuters

Mục tiêu của chúng tôi là tổ chức một cuộc bầu cử và trao quyền lực cho bên chiến thắng.

Chuẩn tướng Zaw Min Tun, phát ngôn viên chính quyền quân sự Myanmar, nhấn mạnh ngày 16-2 trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ lúc đảo chính

Theo Hãng tin Reuters, những người biểu tình phản đối cuộc đảo chính của quân đội Myanmar đã chặn các tuyến xe lửa giữa Yangon và thành phố Mawlamyine sáng 16-2. 

Động thái này diễn ra chỉ vài giờ sau khi một đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc (LHQ) cảnh báo quân đội về "hậu quả nghiêm trọng" nếu có các phản ứng mạnh tay với phong trào biểu tình. "Quyền lực của nhân dân, hãy trả lại nó cho chúng tôi" - đám đông hô vang.

Biểu tình tiếp diễn

Nhà báo Mon Mon Myat của tờ Irrawaddy (Myanmar) mô tả bất tuân dân sự đã trở thành "trạng thái bình thường mới" ở Myanmar từ sau cuộc đảo chính. Nó xuất phát từ lời kêu gọi của Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, trước khi bà bị quân đội bắt giữ. 

Win Htein, một lãnh đạo của Liên đoàn Quốc gia vì dân chủ (NLD), cho biết bà Suu Kyi muốn phong trào bất tuân dân sự hơn là các cuộc biểu tình trên đường phố vì lo sợ sẽ có đổ máu và làm tồi tệ thêm tình hình dịch COVID-19.

Tuy nhiên, các cuộc biểu tình vẫn tiếp diễn trong những ngày qua tại nhiều thành phố lớn của Myanmar với một số vụ đụng độ bạo lực giữa cảnh sát và người biểu tình. 

Theo mô tả của Reuters, dù số người biểu tình có ít hơn sau khi binh lính và xe bọc thép được triển khai, không có dấu hiệu cho thấy sự hạ nhiệt. Một cuộc biểu tình do các nhóm sinh viên dẫn đầu ở Naypyidaw đã kết thúc trong bạo lực với hàng chục người bị bắt.

Mandalay, thành phố lớn thứ hai của Myanmar, hôm 15-2 cũng chứng kiến một cuộc đụng độ khiến ít nhất 6 người bị thương. Cảnh sát được cho là đã sử dụng súng cao su nhắm bắn đoàn biểu tình.

Theo nhà quan sát chính trường Myanmar Kyaw Zwa Moe, phong trào phản đối chính quyền quân sự lần này không phải là một tập hợp thống nhất dưới sự lãnh đạo của NLD như bên ngoài đang nghĩ. 

Có đến 4 lực lượng quần chúng đang tham gia "đấu tranh" gồm thế hệ Z (các thanh niên khoảng 20 tuổi), các thế hệ quan tâm đến chính trị trước đó như thế hệ tham gia phong trào biểu tình năm 1988, các công chức nhà nước và những nghị sĩ được bầu, và cuối cùng là nhân dân bình thường.

"Họ hoạt động riêng lẻ nhưng hòa hợp vì không cạnh tranh mà bổ sung cho nhau" - ông Kyaw Zwa Moe viết trên tờ Irrawaddy.

Sửa sai được không?

Cộng đồng quốc tế đang tiếp tục gây sức ép lên Myanmar, với một số lệnh trừng phạt nhắm vào các cá nhân, đã được Mỹ tiến hành. Đặc phái viên của LHQ, bà Christine Schraner Burgener, hôm 15-2 đã nói chuyện qua điện thoại với Phó tổng tư lệnh quân đội Myanmar Soe Win, đánh dấu một trong những kênh liên lạc hiếm hoi giữa quân đội và thế giới bên ngoài.

"Bà ấy đã truyền đạt cho quân đội Myanmar rằng thế giới đang theo dõi sát sao và bất kỳ hình thức đáp trả nặng tay nào cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng" - người phát ngôn LHQ Farhan Haq thông báo trong cuộc họp báo ngày 16-2 (giờ Việt Nam).

Quân đội Myanmar trước đó phát đi một bản tin riêng về cuộc điện đàm, trong đó cho biết tướng Soe Win đã nói với đặc phái viên LHQ các dự định của chính quyền và thông tin về "tình hình thực sự những gì đang xảy ra ở Myanmar".

Tiến sĩ Nehginpao Kipgen, một chuyên gia nghiên cứu về Đông Nam Á, nhận định quân đội Myanmar đang ở thế khó khi vừa phải đối mặt với sức ép từ bên ngoài lẫn bên trong. Ông Kipgen gọi lý do "gian lận bầu cử" mà quân đội Myanmar đưa nghe có vẻ hợp lý song cách thức giải quyết lại sai hoàn toàn vì "đảo chính không phải là giải pháp cho Myanmar".

Kipgen, tác giả của ba quyển sách về chính trị Myanmar, cho rằng lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị tại Myanmar vẫn còn. 

"Quân đội vẫn có thể giữ thể diện của họ. Các thành viên được bầu hợp lệ trong quốc hội có thể cân nhắc thành lập ủy ban điều tra các cáo buộc gian lận bầu cử như quân đội đề xuất. Chỉ có cách đó mới chấm dứt mọi tranh cãi và tạo nền tảng cho việc giải quyết những khiếu nại gian lận nếu có trong tương lai" - ông nêu ý tưởng.

Bà Suu Kyi thêm "tội danh thứ 2"

Hãng tin Reuters ngày 16-2 dẫn nguồn tin từ luật sư của bà Aung San Suu Kyi cho biết cảnh sát Myanmar đã cáo buộc bà thêm tội nữa là vi phạm Luật quản lý thảm họa quốc gia. Trước đó, bà Suu Kyi bị buộc tội nhập khẩu và tàng trữ trái phép các thiết bị bộ đàm do các nhân viên an ninh của bà sử dụng.

Cho đến thời điểm hiện tại, người ta vẫn chưa biết bà Suu Kyi và Tổng thống Win Myint đang bị giữ ở đâu trong bối cảnh phiên tòa xét xử sắp diễn ra trong tuần này. Luật sư Khin Maung Zaw cho biết ông không thể gặp hai thân chủ của mình trước giờ ra tòa. Phiên tòa sẽ diễn ra theo hình thức trực tuyến, đồng nghĩa bà Suu Kyi và ông Win Myint sẽ không xuất hiện tại tòa án.

Reuters nhận định đây là một chỉ dấu cho thấy sự thận trọng xen lẫn lo lắng của chính quyền quân sự nếu để các lãnh đạo dân sự xuất hiện.

Người kích động biểu tình ở Myanmar đối mặt án tù lên tới 20 năm Người kích động biểu tình ở Myanmar đối mặt án tù lên tới 20 năm

TTO - Trong động thái mang tính răn đe cứng rắn với những người biểu tình phản đối đảo chính, quân đội Myanmar tuyên bố có thể phạt tù tới 20 năm với những người kích động biểu tình.

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Myanmar Aung San Suu Kyi