16/10/2021 14:30 GMT+7

Lối sống lành mạnh, phòng tránh nguy cơ đột quỵ

THU HIẾN
THU HIẾN

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não thường xảy ra đột ngột ở mọi lứa tuổi và để lại nhiều hậu quả nặng nề, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Lối sống lành mạnh, phòng tránh nguy cơ đột quỵ - Ảnh 1.

Đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày, khi đang ngủ, đang làm việc hoặc đang chơi…

Theo đánh giá của Tổ chức y tế thế giới (WHO) đột quỵ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở Việt Nam (chiếm 21,7%). Mỗi năm việt Nam có hơn 200.000 ca đột quỵ mới mắc, 11.000 người tử vong.

Đột quỵ liên quan đến lối sống?

Đột quỵ hay còn được gọi là tai biến mạch máu não. Đây là tình trạng não bộ bị tổn thương nghiêm trọng do mạch máu não bị tắc nghẽn, bị vỡ, gây gián đoạn việc vận chuyển máu để nuôi dưỡng não bộ. Khiến các tế bào thiếu hụt dinh dưỡng, oxy các tế bào sẽ chết đi sau vài phút nếu vấn đề thiếu hụt này không được khắc phục.

Một số các yếu tố hiện nay làm tăng nguy cơ mắc phải đột quỵ như: người lớn tuổi trên 50 tuổi có nguy cơ tăng cao, tỷ lệ xảy ra ở nam giới nhiều hơn nữ giới, tăng huyết áp, đái tháo đường (tiểu đường), xơ vữa động mạch, tăng mỡ (cholesterol) trong máu, nhất là loại LDL, bệnh tim, hút thuốc lá, nghiện rượu, béo phì, ít vận động…Người có tiền sử đột quỵ.

Đặc biệt, trong thời đại hiện nay, lối sống ít vận động thể lực, béo phì, lạm dụng bia rượu, chất kích thích, thuốc lá, hay tình trạng căng thẳng kéo dài làm cho đột quỵ ngày càng trẻ hóa.

Đột quỵ gây nhiều hậu quả nặng nề về chi phí điều trị. Sau đột quỵ, bệnh nhân thường khó hòa nhập trở lại với cuộc sống bình thường, gây nhiều ảnh hưởng về kinh tế, chi phí thuốc, điều trị, hồi phục…

Với người nhà bệnh nhân, đột quỵ tạo gánh nặng kinh tế trực tiếp, thông qua việc mất sức lao động. Ảnh hưởng kinh tế gián tiếp thông qua việc chăm sóc, điều trị cũng như những áp lực về mặt tinh thần.

ThS. BS Bùi Phạm Minh Mẫn - Bệnh viện Đại học Y dược cơ sở 3 - cho biết, việc sinh hoạt không đúng giờ giấc, ăn uống quá nhiều chất béo ngọt, lười vận động, lạm dụng rượu bia, chất kích thích, thuốc lá hay tình trạng căng thẳng kéo dài đều là các nguyên nhân liên quan đến lối sống có thể dẫn đến đột quỵ.

Đột quỵ có thể xảy ra bất cứ lúc nào trong ngày, khi đang ngủ, đang làm việc hoặc đang chơi... Song tại một số khung giờ, bệnh có tỷ lệ xảy ra cao hơn cả, đặc biệt là lúc nửa đêm 4-5 giờ hoặc rạng sáng 6-7 giờ.

Đây là thời điểm máu đậm đặc nhất, huyết áp tăng, nhiệt độ bên ngoài giảm mạnh, nên dễ bị đột quỵ do thay đổi nhiệt độ.

Phòng ngừa đột quỵ từ lối sống hàng ngày

Bác sĩ Minh Mẫn cho biết thêm đột quỵ hiện không còn quá xa lạ với mỗi người, nhất là trong thời đại 4.0 như hiện nay.

Đột quỵ ngoài nguyên nhân do bẩm sinh hoặc di truyền (dị dạng mạch máu não, bệnh lý di truyền) thì hầu như đều liên quan đến lối sống không lành mạnh và có thể phòng ngừa được. Vì vậy để phòng ngừa cũng như giảm nguy cơ bị đột quỵ, các bác sĩ khuyến nghị:

Hạn chế sử dụng chất kích thích

Hút thuốc lá là một trong những nguy cơ làm tăng khả năng bị đột quỵ. Thuốc lá còn gây hại cho sức khỏe của bản thân và những người xung quanh. Nếu bỏ thuốc, nguy cơ bị đột quỵ sẽ ngang bằng với người chưa bao giờ hút thuốc. Ngoài ra giữ tinh thần lạc quan và ôn hoà… đóng vai trò rất quan trọng.

Kiểm tra sức khỏe định kỳ

Kiểm tra sức khỏe định kỳ sớm phát hiện các yếu tố gây đột quỵ và chủ động can thiệp sẽ giúp phòng tránh đột quỵ hiệu quả.

Những người mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch, mỡ máu càng cần đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh, không để các chỉ số vượt quá mức nguy hiểm gây đột quỵ.

Bên cạnh đó, với những người có bố mẹ hoặc anh chị em ruột đã từng bị đột quỵ cũng là một việc làm cần thiết.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Nguyên nhân gây đột quỵ có thể đến từ các bệnh lý tim mạch, đái tháo đường, tăng mỡ máu... vì vậy chế độ dinh dưỡng là yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát các bệnh lý này.

Có thể nói chế độ dinh dưỡng hợp lý là một trong những biện pháp phòng ngừa đột quỵ hiệu quả. Ăn nhiều các loại rau củ quả, các loại đậu, ngũ cốc, nhiều thịt trắng, hải sản, hạn chế các loại thực phẩm giàu chất béo bão hoà, đồ chiên xào, thức ăn nhanh.

Uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành...

Tập thể dục hàng ngày

Tập thể dục giúp tăng cường tuần hoàn máu trong cơ thể, nâng cao sức khỏe, giúp tim khỏe mạnh, tiêu thụ lượng mỡ thừa. Tập thể dục 30 phút mỗi ngày, ít nhất 4 lần mỗi tuần sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, dẫn đến đột quỵ.

Lối sống lành mạnh, phòng tránh nguy cơ đột quỵ - Ảnh 2.

Tập thể dục mỗi ngày sẽ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch, dẫn đến đột quỵ.

Giữ ấm cơ thể

Nhiễm lạnh có thể gây tăng huyết áp, tăng áp lực khiến mạch máu bị vỡ. Cần giữ ấm cơ thể, giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là với người lớn tuổi trong thời điểm giao mùa. Bác sĩ Mẫn nhấn mạnh, đây là những cách phòng ngừa cơ bản nhất không những cho người trẻ mà còn cho nhiều đối tượng khác.

THU HIẾN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên