04/02/2019 15:10 GMT+7

Lời nhắc về sự chuyển dịch và đổi thay của mỗi giao thừa

MAI THẢO YÊN
MAI THẢO YÊN

TTO - Những năm tháng xa nhà, ý niệm về Tết trong tôi thật mông lung, khoắc khoải. Tết gần như là một ngày lễ mà tôi tránh nghĩ tới, sợ rằng càng nghĩ lại càng thấy buồn, thấy mình như lang thang giữa thế giới rộng lớn này.

Lời nhắc về sự chuyển dịch và đổi thay của mỗi giao thừa - Ảnh 1.

Minh họa: RY NGUYỄN

Người ta thường nói về Tết như cái neo giữ lại cho người Việt tâm thế dân tộc. Tết nhắc nhở chúng ta về nguồn cội, về những gì thiêng liêng và căn tính nhất làm nên bản chất một người Việt Nam.

Mấy năm xa nhà đầu tiên, mỗi khi Tết đến tôi thường nghĩ nhiều về gốc rễ, về nền văn hóa giúp định vị mình giữa lòng thế giới.

Tôi nhớ mãi một cái Tết đã qua thuở còn học đại học ở Mỹ, nhìn một bức hình chụp toàn thể đại gia đình ở Sài Gòn và thấy lòng chùng xuống vì biết sẽ còn rất lâu mình mới được quay về và trở thành một phần của bức hình ấy.

Bây giờ, sau gần 10 năm kể từ cái Tết sum vầy đó, dù có quay về, bức hình cũng chẳng còn như xưa. Bà tôi đã mất, những người anh em trong họ hàng cũng đã lớn, đã có gia đình riêng hay chuyển đến sống ở những thành phố khác.

Sự sum họp trở thành điều gì đó quá xa xỉ giữa thời đại toàn cầu hóa và giữa những định mệnh thời gian. Tôi không còn mong cầu nhiều cho một đêm giao thừa ấm cúng. Năm tháng vẫn trôi đi, như mùa màng luân chuyển, sau mùa hè ngày dài vô tận lại là những mùa đông chìm trong màn đêm tịch mịch ở Bắc Âu, rồi Tết lại về.

Những cái Tết vẫn đến đều đặn mỗi năm, chắc chỉ có ý niệm về nó trong tôi dần trở nên nhạt nhòa, vì những con người của tháng năm xưa cũng chẳng còn. Cũng như tuổi thơ và cảm giác háo hức khi mở những phong bao lì xì, cảm nhận sức nặng của những đồng tiền xu trên tay (thời năm 2003) cũng đã thành dĩ vãng.

Những giao thừa xa nhà sau này, tôi đón nhận chúng bình thản hơn. Những ngày đó tôi vẫn đi học hay đi làm bình thường, vào buổi tối nếu có bạn bè là người Việt, chúng tôi sẽ tụ họp, thực hiện một nghi lễ đầu năm đơn giản (thắp nhang thơm và đọc một bài cầu an đầu năm tìm được trên Google), ăn bánh chưng, uống trà và hàn huyên một chút về những dự định tương lai.

Giao thừa đầu tiên khi chuyển đến sống ở Thụy Điển, chưa có bạn bè Việt, tôi hẹn một số đồng nghiệp đến nhà ăn bữa tối đơn giản với bánh tét chuối, uống rượu vang và nghe những bản nhạc Tết trên YouTube.

Chúng tôi nói với nhau một chút về bản sắc dân tộc, mà đúc kết sau cùng lại là: thật quá khó để kết luận cái gì làm nên sự khác biệt ở một người Thụy Điển, hay một người Pháp, hay một người Việt Nam. Một đồng nghiệp người Đức khi ấy đã nói cô thậm chí không muốn làm người Đức nữa, vì quá xấu hổ trước thắng lợi của đảng cực hữu AfD ở Đức vào kỳ bầu cử cuối năm 2017.

Tôi nghĩ, tâm thế dân tộc trong một con người đến từ những điều nhỏ nhặt. Nhỏ nhặt đến nỗi khó có thể gọi tên nó một cách hoàn chỉnh, mặc dù nó chưa bao giờ tách rời khỏi mình.

Có lẽ tôi đã xa nhà đủ lâu nên không còn có thể hiểu cảm giác bâng khuâng của chiều 30 Tết, hay thèm thuồng bánh chưng củ kiệu vào ngày đầu năm nữa.

Có lẽ tôi đã quen với những đêm giao thừa ngồi một mình trong căn phòng trọ sinh viên, lắng nghe tiếng lặng của thời gian và nhận ra, đôi khi sự chuyển dịch không gian cũng khiến những cột mốc thời gian lệch ra khỏi ý nghĩa ban đầu của chúng.

Dù đó là giao thừa hay một ngày bình thường trong năm, cuộc sống của một du học sinh vẫn như thế: yên lặng, tất bật, cô đơn.

Nhưng mỗi ngày qua đi ở một chân trời khác, tôi càng hiểu rằng mình chưa bao giờ ngừng là một người Việt Nam, cũng như không cần chờ đến những đêm giao thừa mới cảm nhận được nỗi khắc khoải trống vắng của cuộc sống tha hương. Những cảm thức này dường như đã thành hơi thở, là điều hiển nhiên của mỗi ngày qua.

Lại một giao thừa sắp đến, tôi không có mong cầu nào ngoài hi vọng sự trưởng thành sẽ cho mình nhiều dũng khí hơn. Giao thừa nhắc tôi về sự chuyển dịch từng ngày của thế giới, cũng như sự đổi thay trong chính mỗi con người.

Chúng ta vẫn đang chết đi và sống lại trong từng khoảnh khắc. Và rồi ta cũng sẽ trở thành một con người khác, với những hoài vọng và mong mỏi khác với ta của ngày hôm qua.

Nhưng có lẽ đôi khi sự thờ ơ của thời gian lại chính là niềm an ủi lớn. Nghĩ về điều này, tôi thấy năm tháng trôi đi bớt khắc khoải hơn.

Tại sao người ta thích mặc đồ lấp lánh dự tiệc giao thừa? Tại sao người ta thích mặc đồ lấp lánh dự tiệc giao thừa?

TTO - Nhiều người phương tây có sở thích diện đồ lấp lánh vào bữa tiệc đêm giao thừa chờ đón năm mới. Lý do này xuất phát từ truyền thống của giới thượng lưu bên Ý.

MAI THẢO YÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên