17/10/2019 11:54 GMT+7

Loài vật di chuyển cực nhanh mệnh danh ‘thần gió sa mạc'

MINH HẢI (Theo Phys)
MINH HẢI (Theo Phys)

TTO - Kiến bạc Sahara được mệnh danh là ‘thần gió của sa mạc’ nhờ tốc độ bò nhanh kinh ngạc: gần 1m/giây, gấp 108 lần chiều dài cơ thể nó.

Loài vật di chuyển cực nhanh mệnh danh ‘thần gió sa mạc - Ảnh 1.

Sở dĩ có tên kiến bạc là vì toàn thân chúng được phủ lớp lông màu bạc, phản chiếu lại ánh mặt trời, giúp cơ thể chống cái nóng gay gắt của sa mạc - Ảnh: UPI

Nói đến tốc độ đi bộ hoặc chạy nhanh nhất, nhiều người hẳn sẽ liên tưởng đến báo gấm, chim cắt, hươu. Nhưng nếu so sánh tốc độ chạy với chiều dài cơ thể thì kiến bạc Sahara xứng danh số 1 trong thế giới động vật.

Kiến bạc Sahara (Cataglyphis bombycina) thuộc họ Formicidae sống ở sa mạc Sahara. Cơ thể chúng có màu lấp lánh ánh bạc và phản xạ với ánh sáng. Tốc độ của chúng đạt 0,855m/giây (855mm/giây), gấp tới 108 lần chiều dài cơ thể mỗi giây. 

Tốc độ này khiến kiến bạc Sahara trở thành loài kiến ​​nhanh nhất thế giới và đặt chúng nằm trong danh sách các sinh vật phá kỷ lục thế giới về tốc độ, bên cạnh bọ hổ Australia (tốc độ bằng 171 chiều dài cơ thể/giây) và bọ ve sống ven biển California (gấp 377 lần chiều dài cơ thể/giây). 

Trong khi đó, tốc độ của "tia chớp Jamaica" - vận động viên chạy nước rút nổi tiếng thế giới Usain Bolt, đạt 10,44 m/giây.

Nhưng vì sao những con vật nhỏ bé này lại đạt tốc độ phi thường như thế? Hầu hết các nghiên cứu khoa học đều có chung nhận xét rằng môi trường sống và cấu tạo cơ thể là lý do giúp kiến bạc Sahara đạt tốc độ nhanh.

Trong khi nhiều loài động vật sa mạc khác thường lần trốn dưới cát, trong hang vào ban ngày và chỉ ra ngoài săn mồi khi đêm xuống thì kiến bạc Sahara lại chọn thời điểm nóng nhất trong ngày (hơn 50 độ C) để đi kiếm mồi. 

Chúng di chuyển rất nhanh từ tổ ra ngoài nhặt xác những con vật chết vì nắng. Di chuyển nhanh giúp chúng tránh được phần nào cái nắng nóng gay gắt giữa trưa và giảm nguy cơ bị loài khác ăn thịt.

Kiến bạc Sahara cũng có chân dài hơn nhiều so với những loài kiến khác. Chân dài giữ cho cơ thể của kiến không chạm vào bề mặt cát nóng và bò nhanh hơn. Tốc độ của chúng sẽ chậm lại khi sống trong môi trường lạnh hơn.

Ngoài ra, trong một nghiên cứu năm 2015, các nhà khoa học nhận ra rằng cách thức di chuyển của kiến cũng là yếu tố quan trọng quyết định tốc độ. 

Thay vì chạy bình thường, khi săn mồi, những con kiến bạc Sahara kết hợp di chuyển ba chân cùng một lúc và chuyển sang phi nước đại. Mỗi chân dài 4,3-6,8mm vung lên khoảng 47 lần mỗi giây, tốc độ đạt 1.300 mm/giây, nhanh hơn 1/3 lần so với các loài kiến khác.

"Những đặc điểm này liên quan đến môi trường sống cồn cát sa mạc. Di chuyển nhanh và cùng lúc 3 chân giúp kiến không bị chìm xuống cát", Harald Wolf nhà nghiên cứu từ trường Đại học Ulm (Đức) cho biết.

Tìm thấy sinh vật giúp tiêu hủy rác thải nhựa nhanh nhất Tìm thấy sinh vật giúp tiêu hủy rác thải nhựa nhanh nhất

TTO - Công trình do nhóm kỹ sư ĐH Stanford (Mỹ) kết hợp nhóm nghiên cứu ĐH Thanh Hoa (Trung Quốc) thực hiện vừa được công bố trên tạp chí khoa học của hiệp hội Hóa học Hoa Kỳ (ACS).

MINH HẢI (Theo Phys)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên