08/03/2024 14:02 GMT+7

Loài trùng sống gần Chernobyl không hề hấn trước phóng xạ, chuyện gì xảy ra?

Khoa học phát hiện loài trùng sống ở nơi đầy phóng xạ gần Chernobyl có khả năng phục hồi và thích nghi với các điều kiện khắc nghiệt mà những loài khác không chịu nổi.

Tuyến trùng được thu thập từ Vùng cấm Chernobyl (CEZ), Ukraine - Ảnh: Sophia Tintori

Tuyến trùng được thu thập từ Vùng cấm Chernobyl (CEZ), Ukraine - Ảnh: Sophia Tintori

Những con tuyến trùng cực nhỏ sống trong môi trường phóng xạ cao của Khu vực cấm Chernobyl (CEZ) dường như hoàn toàn không bị tổn hại bởi phóng xạ, theo trang ScienceAlert ngày 7-3.

Chính phủ Ukraine đã cấm người không phận sự lại gần khu vực nhiễm phóng xạ sau vụ nổ tại nhà máy điện hạt nhân Chernobyl (Ukraine) vào năm 1986. Các sinh vật sống tại khu vực quanh nhà máy và thị trấn Pripyat phải tiếp xúc với mức phóng xạ cao, làm tăng nguy cơ đột biến, ung thư và tử vong.

Tuyến trùng có bộ gene đơn giản và vòng đời ngắn giúp các nhà sinh vật học có thể nghiên cứu nhiều thế hệ của chúng trong thời gian ngắn. Điều này khiến chúng trở thành sinh vật mẫu lý tưởng để nghiên cứu nhiều thứ, từ phát triển sinh học đến chỉnh sửa DNA và phản ứng với độc tố.

Nhóm nghiên cứu đã thu thập gần 300 con tuyến trùng tại CEZ, nuôi chúng trong phòng thí nghiệm và chọn ra 15 con để giải trình tự gene. Sau đó họ so sánh với các bộ gene đã được giải trình tự từ 5 mẫu vật tuyến trùng được thu thập ở Philippines, Đức, Mỹ, Mauritius (Đông Phi) và Úc.

Họ phát hiện những con tuyến trùng sống tại CEZ không bị tổn hại DNA do môi trường phóng xạ, và con cháu của chúng cũng không bị bất kỳ ảnh hưởng nào. Phát hiện cũng cho thấy chúng có khả năng phục hồi và thích nghi với các điều kiện khắc nghiệt mà những loài khác không chịu nổi.

Trưởng nhóm nghiên cứu Sophia Tintori, làm việc tại Đại học New York (Mỹ), cho biết điều này có thể cung cấp những hiểu biết sâu sắc về cơ chế chỉnh sửa DNA để một ngày nào đó ứng dụng trong y học dành cho con người.

Nhóm kết luận rằng không có bằng chứng về bất kỳ tác động di truyền nào của môi trường CEZ lên bộ gene của loài tuyến trùng này. Phát hiện của nhóm có thể giúp các nhà nghiên cứu tìm ra lý do vì sao một số người dễ mắc ung thư hơn những người khác.

Phát hiện loài sâu biển kỳ lạ dưới đại dương

Hình ảnh những con sâu biển Pectinereis strickrotti trong môi trường sống tự nhiên của chúng - Ảnh: PLOS One

Hình ảnh những con sâu biển Pectinereis strickrotti trong môi trường sống tự nhiên của chúng - Ảnh: PLOS One

Nhóm nghiên cứu do nhà sinh vật biển Greg Rouse, thuộc Viện Hải dương học Scripps (Mỹ), dẫn đầu đã phát hiện một loài sâu biển mới tại khu vực sâu thẳm của đại dương. Loài sâu này được đặt tên là Pectinereis strickrotti, theo trang ScienceAlert ngày 7-3.

Đây là loài mới thứ 48 được phát hiện phát triển mạnh quanh khu vực có khí metan thoát ra từ đáy đại dương ngoài khơi Costa Rica - một môi trường từng được cho là quá khắc nghiệt để tồn tại sự sống. Loài sâu này có thân dài với rất nhiều chân cùng hàm ẩn dùng để kiếm ăn.

Phát hiện cho thấy con người vẫn còn hiểu biết rất ít về các đại dương trên Trái đất cũng như sự đa dạng sinh vật tại đó.

Lo nhiễm phóng xạ, Trung Quốc cấm hải sản từ Nhật BảnLo nhiễm phóng xạ, Trung Quốc cấm hải sản từ Nhật Bản

Cục Hải quan Trung Quốc thông báo ngừng nhập khẩu tất cả các loại hải sản của Nhật Bản từ ngày 24-8 do lo sợ ảnh hưởng từ việc xả nước thải từ Nhà máy điện hạt nhân Fukushima.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên