Lo Sơn Trà “bêtông hóa”

TRƯỜNG TRUNG - HỮU KHÁ 01/04/2017 16:04 GMT+7

TTCT- Sự việc phát hiện 40 nền móng biệt thự xây trái phép tại dự án khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa (P.Thọ Quang, Q.Sơn Trà, TP Đà Nẵng) như giọt nước tràn ly trong vấn đề “làm kinh tế” ở núi Sơn Trà.

ảnh Lê Hải Sơn

 

Việc “bạt núi” làm khu du lịch (KDL) vừa qua mới chỉ là một trong rất nhiều dự án nhưng đã bị dư luận phản ứng gay gắt, đang là bài toán khó giải cho chính quyền Đà Nẵng.

Vẫn còn nhiều dự án chưa triển khai

Bán đảo Sơn Trà đang mang một sứ mệnh đặc biệt khi đảm nhận cùng lúc nhiều vai trò. Một góc bán đảo Sơn Trà đang là khu cảng biển lớn của cả miền Trung, đồng thời là một khu vực quân sự chiến lược với nhiều thành phần đang đóng từ dưới chân lên đỉnh ngọn núi có rừng nguyên sinh.

Theo ông Thái Văn Quang - trưởng phòng phát triển nông thôn Sở NN&PTNT Đà Nẵng, ngay từ năm 1977, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định công nhận rừng Sơn Trà là một trong 10 khu rừng cấm quốc gia.

Ngoài ra, từ năm 2010, UBND TP Đà Nẵng đã có quyết định phê duyệt bảo tồn đa dạng sinh học tại khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, đồng thời có quyết định về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2020, trong đó chia ra ba loại rừng từ năm 2013 để làm cơ sở quản lý bảo vệ rừng.

Tuy nhiên từ trước đó rất lâu, đã có nhiều quyết định phê duyệt các KDL sinh thái tại đây. Cụ thể, có tới 17 dự án đầu tư về du lịch sinh thái với diện tích hơn 1.000ha. Ngay cả dự án KDL sinh thái Biển Tiên Sa đang ồn ào hiện nay cũng đã nhận được quyết định phê duyệt quy hoạch lần đầu từ năm 2003.

Theo ông Trần Văn Sơn - giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư TP Đà Nẵng, trong số các dự án được phê duyệt đã có một số dự án triển khai xây dựng và đưa vào sử dụng hiệu quả như dự án KDL Bãi Bắc - Intercontinental, KDL Biển Đông, KDL Sơn Trà resort & spa.

Tuy nhiên nhiều dự án đã được cấp phép hàng chục năm qua triển khai rất rời rạc. Nhiều dự án vẫn chưa có dấu hiệu “động đậy”.

Như trường hợp đối với KDL sinh thái Biển Tiên Sa được cấp phép lần đầu khu đất có diện tích hơn 26,3ha, trong đó diện tích đất có thu tiền là hơn 2,2ha, diện tích đất thuê là 24ha với thời hạn 50 năm kể từ năm 2003.

Theo ông Sơn, sau đó dự án này có sự thay đổi về quy mô cũng như nhiều lần chậm tiến độ quy định tại giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư nên sở đã cho phép gia hạn đầu tư trong 24 tháng cũng như yêu cầu công ty thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển KDL quốc gia Sơn Trà vừa được Thủ tướng thông qua vào tháng 2-2017 thì diện tích khu vực tập trung phát triển trở thành KDL quốc gia lên tới 1.056ha trong tổng diện tích 4.439ha.

Trong đó sản phẩm du lịch chính hướng tới là du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển cao cấp, du lịch văn hóa - tâm linh; du lịch thể thao và thể thao mạo hiểm. Sản phẩm du lịch bổ trợ gồm: du lịch tìm hiểu văn hóa - lịch sử - cách mạng, du lịch tham quan thắng cảnh và các sản phẩm liên kết với khu vực lân cận như Ngũ Hành Sơn, Nam Hải Vân, Bà Nà...

Quy hoạch này định hướng hình thành ba trung tâm dịch vụ và cửa ngõ vào KDL quốc gia trên ba trục tiếp cận bán đảo Sơn Trà gồm: trung tâm đón tiếp và lưu trú Hồ Xanh - Bãi Bụt; trung tâm diễn giải môi trường và du lịch sinh thái tại khu vực giao cắt giữa đường lên đỉnh Bàn Cờ và đường Yết Kiêu và trung tâm dịch vụ du lịch, nhà hàng tại khu vực Tiên Sa.

Ngoài ra còn hình thành các trung tâm, cụm dịch vụ lưu trú nghỉ dưỡng cao cấp, gồm: trung tâm lưu trú Hồ Xanh - Bãi Bụt; các cụm nghỉ dưỡng: Bãi Trẹm, Bãi Rạng, Ghềnh Đa - Mũi Nghê, Bãi Bắc và Bãi Bắc mở rộng, Tiên Sa; khu biệt thự tây nam suối Đá và khu nhà nghỉ sinh thái.

Nhưng chỉ một sự việc KDL Biển Tiên Sa - một dự án nhỏ quy mô hơn 26ha với 56 căn biệt thự - vừa triển khai thi công mà đã khiến toàn bộ khu vực tây bắc của Sơn Trà trở nên tan hoang.

Nên khó có ai dám khẳng định hệ sinh thái ở đây không bị ảnh hưởng khi trong quy hoạch đến năm 2030 có tới 1.600 buồng khách sạn.

Đó là chưa kể các phân khu chức năng phục vụ du lịch sinh thái, vui chơi giải trí, thể thao và ngắm cảnh. Với khối lượng xây dựng lớn như vậy, thời gian tới Sơn Trà sẽ phải hi sinh thêm rất nhiều cánh rừng sau nhiều năm được gìn giữ nghiêm ngặt.

Theo đánh giá của ông Thái Văn Quang, hiện nay khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà có số lượng, mật độ đầu tư của các dự án sinh thái khá cao, gây áp lực cho công tác quản lý và phát triển rừng.

Nhưng ông cũng cho rằng đây vừa là thách thức vừa là cơ hội để nâng cao giá trị sử dụng của rừng và đất lâm nghiệp để tạo công ăn việc làm cho người dân, hạn chế tác động vào rừng một khi những quy định được thực hiện nghiêm túc.

t
Đa dạng sinh học ở Sơn Trà. ảnh: Bùi Văn Tuấn

 

Sơn Trà chỉ nên là nơi tham quan

Cho rằng hệ sinh thái đặc thù của bán đảo Sơn Trà tồn tại đến giờ này là sản phẩm nhân văn mà các thế hệ trước đã giữ gìn, PGS.TS Võ Văn Minh - trưởng nhóm nghiên cứu, giảng dạy môi trường và tài nguyên sinh vật (ĐH Đà Nẵng) - lo ngại những tác động “mềm” đối với sinh cảnh ở đây.

Theo PGS Minh, cần tính toán cẩn thận khi quy hoạch phát triển bán đảo Sơn Trà, bởi ở đây có hệ sinh thái vô cùng hiếm có.

“Hệ sinh thái ở đây vừa đa dạng nhưng lại vừa đặc thù vì nằm ở vị trí biệt lập với các hệ sinh thái trên cạn khác. Bán đảo này giao thoa khí hậu hai miền, bao bọc bởi biển và hệ sinh thái đô thị nên rất mong manh, nếu bị tác động thì khó phục hồi”.

PGS Minh cho rằng phải sử dụng đánh giá tác động môi trường như một công cụ kỹ thuật trong quản lý chứ không phải chỉ là một thủ tục có tính chất pháp lý.

Bùi Văn Tuấn

 

“Trong quy hoạch chúng ta phải xác định cộng đồng được và có quyền được hưởng lợi gì từ giá trị của hệ sinh thái Sơn Trà. Trong đánh giá tác động môi trường phải xác định được các đối tượng bị tổn thương một khi Sơn Trà bị biến đổi sinh thái.

Hiện nay voọc chà vá chân nâu rõ ràng là đối tượng nhiều người biết, nhiều người quan tâm và là đối tượng dễ bị tổn thương. Bán đảo Sơn Trà tồn tại đến giờ này là sản phẩm nhân văn nên phải chú ý Sơn Trà là của hệ sinh thái, là cộng đồng bản địa.

Do vậy, cần đánh giá tác động xã hội cẩn thận chứ không chỉ quan tâm đến các tác động tự nhiên” - PGS Minh giải thích.

Theo ông, tác động “mềm” này cũng chính là lý do khiến dư luận Đà Nẵng vừa qua phản ứng mạnh mẽ đối với dự án KDL sinh thái Biển Tiên Sa, dù về mặt quy hoạch dự án đã được phê duyệt từ rất lâu.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tấn Vinh, người vừa gửi “tâm thư” lên Thủ tướng xin xem xét lại quy hoạch tổng thể KDL quốc gia Sơn Trà, cho biết ông hoan nghênh việc đầu tư các cơ sở hạ tầng, các dịch vụ vui chơi giải trí để làm tăng sức hấp dẫn của du khách đến với Đà Nẵng.

Tuy nhiên, ông mong muốn một sự xem xét thận trọng hơn để không gây ảnh hưởng tiêu cực tới việc phát triển TP Đà Nẵng trong tương lai, bởi “để xây một công trình khách sạn mất vài năm, nhưng để có một khu rừng như Sơn Trà phải mất nhiều trăm năm”.

Bùi Văn Tuấn
Sự đa dạng sinh học ở Sơn Trà. Bùi Văn Tuấn

 

Cũng theo ông Vinh, để ngành du lịch TP Đà Nẵng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường, rất nên giữ nguyên hiện trạng ở rừng Sơn Trà.

“Đà Nẵng hiện đã có gần 600 khách sạn với gần 22.000 phòng, hoàn toàn có khả năng đón đến 15 triệu lượt du khách mỗi năm.

Trong khi năm 2016 chỉ mới đón 5,5 triệu lượt du khách. Theo tôi, phải đặc biệt hạn chế triển khai các dự án ở thềm bờ biển tiếp giáp với núi Sơn Trà bởi có khả năng làm tăng nguy cơ phá hủy rạn san hô ven bờ, làm thay đổi dòng hải lưu, phá hủy bờ biển, ảnh hưởng kinh tế - xã hội của dân cư” - ông Vinh phân tích, đề xuất quy hoạch Sơn Trà thành nơi tham quan giải trí để bảo tồn cảnh quan tự nhiên với đòi hỏi nghiêm ngặt về ứng xử của du khách.

Đặc biệt là hạn chế tối đa việc sử dụng phương tiện cơ giới lưu thông gây tiếng ồn và ô nhiễm. Trong tương lai, ông Vinh cho rằng có thể hợp nhất khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà và vùng biển xung quanh đến phía nam đèo Hải Vân để hình thành khu dự trữ sinh quyển quốc tế như mô hình khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm của Hội An với mục đích bảo tồn cả hệ sinh thái trên cạn lẫn dưới nước. ■

8 năm nữa núi Sơn Trà đón 3,5 triệu lượt khách

Theo quy hoạch tổng thể phát triển KDL quốc gia Sơn Trà thì đến trước năm 2025, phát triển KDL Sơn Trà đáp ứng các tiêu chí của KDL quốc gia; đến năm 2030 KDL quốc gia Sơn Trà trở thành trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp, đặc sắc của vùng duyên hải Nam Trung Bộ và cả nước; là một điểm đến quan trọng trên tuyến du lịch đường bộ và đường biển quốc gia. Phấn đấu đến năm 2025 đón 3,5 triệu lượt khách du lịch, đạt doanh thu khoảng 1.900 tỉ đồng; đến năm 2030 đón 4,6 triệu lượt khách du lịch, đạt doanh thu khoảng 4.300 tỉ đồng.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận