04/06/2019 12:09 GMT+7

Lỡ điện thoại hết pin luôn thì làm sao?

THUỶ TIÊN
THUỶ TIÊN

TTO - Xe bị lủng bánh ở đoạn đường vắn, sờ trong bóp tiền chẳng còn. Có thẻ, có ví điện tử, nhưng có tiệm sửa xe nào lại có máy POS hay QR Code để trả tiền cơ chứ. May mà, điện thoại còn 10% pin, và gọi ngay cô bạn đến "giải cứu".

Lỡ điện thoại hết pin luôn thì làm sao? - Ảnh 1.

Ngoài chiếc thẻ tín dụng chúng ta đừng quên mang theo một ít tiền mặt đề phòng những trường hợp bất khả kháng - Ảnh: GIA TIẾN

Thế nhưng cũng không ít lần tôi phải dở khóc dở cười vì quá ỷ lại vào chiếc thẻ hoặc ví điện tử trên điện thoại. Đúng theo kiểu không một xu dính túi, có tiền (trong thẻ) cũng chẳng thể xài được.

Một buổi tối cách đây hơn một tháng, tôi mua một ít quần áo ấm trong siêu thị để sáng hôm sau đi du lịch sớm. Chọn lựa một hồi, tôi ra quầy thanh toán và vô tư cà thẻ như mọi lần.

Thế nhưng cà đến lần thứ ba mà vẫn không được, không rõ do máy POS có vấn đề hay do thẻ của tôi. Lục lại trong ví, số tiền còn lại chẳng đủ mua nửa cái áo ấm.

Tôi đành ra về, giờ đó có rút tiền cũng chẳng thể mua được nữa vì các cửa hàng đã đóng cửa. Thôi đành lục lại mớ đồ trong tủ xem có cái nào vải dày thì gom vào va li để sáng ra sân bay sớm vậy.

Một lần khác, xe thủng lốp ngay đoạn đường vắng, trụ ATM cũng chẳng có mà tiệm sửa xe cũng chẳng thấy đâu. Mà nếu có tiệm sửa xe tôi cũng không có tiền trả vì ỷ y không chịu đi rút tiền.

May mà điện thoại còn được 10% pin, tôi gọi mấy lượt cũng nhờ được một người bạn chạy ra ứng cứu. Cô bạn dặn dò: "Ít ra bà cũng phải có mấy đồng trong người chứ, lỡ điện thoại hết pin luôn thì làm sao. Lỡ không gọi được tui thì bà dắt bộ về luôn đó".

Chắc những bạn thường xuyên dùng thẻ tín dụng hoặc ví điện tử cũng đôi lần gặp trường hợp như tôi. Dù các điểm chấp nhận thanh toán qua thẻ hoặc ví điện tử đã "phủ sóng" khá nhiều trong các thành phố, nhưng việc thanh toán không dùng tiền mặt hiện nay chưa thật sự đạt tới mức "mọi lúc mọi nơi".

Vẫn còn nhiều loại hình kinh doanh, mô hình dịch vụ, địa điểm du lịch... chưa dùng đến những phương tiện thanh toán hiện đại, thậm chí là chưa có Internet.

Vì vậy, ví tiền của mỗi người ngoài những chiếc thẻ tín dụng, giấy tờ tùy thân, cũng nên có khoảng vài trăm ngàn để chi xài cho những tình huống phát sinh như bơm xe, gửi xe, ghé ăn hàng quán ven đường, "share" tiền ăn với bạn bè trong các cuộc ăn uống...

Hơn nữa, thói quen dùng tiền mặt đã ăn sâu vào tâm lý nhiều người. Chúng ta có thể vẫn duy trì thói quen này bằng việc chi trả tiền mặt cho những thứ linh tinh, hoặc "lì xì" cho ông bà cha mẹ "tiền tươi" thay vì dùng ứng dụng di động chuyển tiền một cách khô khan.

Đôi khi, tiền mặt cũng là cái cớ để chúng ta gặp người thân. Tháng này bạn thử không chuyển khoản cho đứa em đang trọ học nơi thành phố, mà bắt xe đò xuống thăm trao tận tay xem sao. Bạn thử tự mua món đồ trao tận tay bạn thân, thay vì đặt hàng và nhờ shipper giao cho bạn của mình như mọi khi.

Hoặc một buổi sáng mát mẻ nào đó, bạn "lận lưng" ít tiền, đi bộ ra đầu hẻm ăn bún bò, uống cà phê sữa đá quán cóc thay vì lên đồ thật đẹp để vào trung tâm thương mại ngồi nhẩn nha.

Cuộc sống nhiều màu sắc mà, đôi khi bạn cũng nên cho chiếc thẻ tín dụng "nghỉ ngơi" một vài ngày để tiền mặt không phải tủi thân.

Giã từ biệt danh Giã từ biệt danh 'bà già', 'phần tử cực đoan' ở tuổi 30

TTO - "Mày mà cũng xài Internet banking hả, tao có nghe lộn không?", cô bạn cười nắc nẻ khi tôi nói đã chuyển tiền cho cổ mượn, thay vì phải gặp mặt đưa tiền như mọi khi.

THUỶ TIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên