26/04/2021 21:03 GMT+7

Lở cát - cái giá phải trả ở Bình Thuận

ĐỨC TRONG
ĐỨC TRONG

TTO - Người dân khu phố Suối Nước, phường Mũi Né cho biết trước đây chỉ có những rãnh nước nhỏ cuốn cát từ trên cao xuống, nay ngày càng nhiều vụ có quy mô lớn. Do đâu?

Lở cát - cái giá phải trả ở Bình Thuận - Ảnh 1.

Những dự án bất động sản được xây dựng trên đồi cao nếu không có biện pháp đề phòng sẽ xảy ra tình trạng sạt lở mỗi khi có mưa, gây hư hỏng nhà dân và các công trình nhà nước ở phía dưới - Ảnh: ĐỨC TRONG

Thời gian qua, tại Bình Thuận liên tục xảy ra các vụ sạt lở cát làm ảnh hưởng đường sá, hư hỏng các công trình xây dựng bên dưới… như ở dự án Golsand Hill Villa thuộc phường Mũi Né vừa qua.

Địa phương đã nhiều lần cảnh báo, đặc biệt là vào mùa mưa, nhưng vì sao tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn?

Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ Online, dọc bờ biển của Bình Thuận có nhiều dự án bất động sản và khai thác titan đan xen. Đoạn nhiều nhất thuộc địa bàn TP Phan Thiết, huyện Bắc Bình và Hàm Thuận Nam.

Phần lớn những dự án này nằm ở vị trí cao so với đường và mặt biển. Có nơi dưới chân những dự án đang triển khai là các khu vui chơi du lịch thu hút đông người.

Lở cát - cái giá phải trả ở Bình Thuận - Ảnh 2.

Một dự án xây dựng trên ngọn đồi cao ở phường Mũi Né, TP Phan Thiết, Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG

Ông Nguyễn Văn Tám - nguyên trưởng phòng khoáng sản của Sở Tài nguyên và môi trường Bình Thuận - cho biết trải dài dọc bờ biển Bình Thuận phần lớn là địa hình đồi cát.

Trên những ngọn đồi này là thảm thực bì, cây bụi đặc trưng vùng đất cát, phần nào ngăn được tình trạng sạt lở.

Những năm qua, nhiều công trình dự án bất động sản cũng như khai thác khoáng sản hình thành khiến lớp thực bì và bụi cây mất dần. Khi tấm "lá chắn" mất đi, tình trạng sạt lở liên tục xảy ra.

Lở cát - cái giá phải trả ở Bình Thuận - Ảnh 3.

Một dự án xây dựng với độ dốc cao ở phường Mũi Né, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Nơi đây cũng thường xảy ra sạt lở, cát trôi theo con đường dự án chảy xuống đường ven biển - Ảnh: ĐỨC TRONG

Lở cát - cái giá phải trả ở Bình Thuận - Ảnh 4.

Một ngọn đồi bị băm nát, phía dưới là những khu du lịch nghỉ dưỡng thu hút nhiều du khách ở khu vực Hòn Rơm, phường Mũi Né, TP Phan Thiết - Ảnh: ĐỨC TRONG

Ông Phạm Văn Thái - một người dân ở khu phố Suối Nước, phường Mũi Né - cho biết tình trạng sạt lở cát xuất hiện ngày càng nhiều. Trước đây, chỉ là những rãnh nước nhỏ cuốn trôi cát từ trên cao theo con dốc xuống đường. 

Bây giờ thêm những điểm tại các dự án với quy mô lớn hơn nhiều lần. Theo ông Tám, nếu các chủ đầu tư dự án thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, có biện pháp đề phòng như tránh xây dựng độ dốc lớn (không quá 30-40 độ), nên chia cắt dòng chảy nước mặt, không được tạo thành các rảnh lớn, lót lớp lưới trên mặt để khi có mưa sẽ giảm bớt lượng cát trôi theo…, tình trạng sạt lở sẽ bớt nhiều.

Lở cát - cái giá phải trả ở Bình Thuận - Ảnh 5.

"Núi" cát treo lơ lửng dọc đường ven biển thuộc phường Mũi Né, TP Phan Thiết, Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG

Một lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Thuận cũng khẳng định, nếu các chủ dự án thực hiện nghiêm biện pháp đề phòng thì ít khi xảy ra các vụ sạt lở. Cứ vào mùa mưa, sở yêu cầu các dự án phải thực hiện nghiêm các biện pháp đề phòng này.

"Nhiều dự án còn cao hơn dự án Golsand Hill Villa, nhưng họ có biện pháp đề phòng nghiêm ngặt, nên chưa từng xảy ra vụ việc tương tự", lãnh đạo Sở Xây dựng Bình Thuận cho biết.

Lở cát - cái giá phải trả ở Bình Thuận - Ảnh 6.

Nước mưa chảy từ trên cao, sạt lở tạo thành rãnh lớn cuốn theo cát xuống dưới - Ảnh: ĐỨC TRONG

Chủ tịch UBND Bình Thuận Lê Tuấn Phong đã yêu cầu các sở, ngành liên quan khẩn trương kiểm tra có biện pháp ứng phó tình trạng sạt lở, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành khẩn trương kiểm tra thực tế các khu vực dự án để xảy ra sự cố vừa qua.

Đoàn sẽ kiểm tra các dự án du lịch, công trình ven biển tại vị trí có địa hình cao, trên đồi, trực tiếp đấu nối vào tuyến đường giao thông, gần khu dân cư…

Đoàn tập trung kiểm tra hồ sơ thiết kế, hồ sơ bảo vệ môi trường, biện pháp thi công, biện pháp thoát nước mặt khi có mưa lũ...

Lở cát - cái giá phải trả ở Bình Thuận - Ảnh 7.

Nhiều dự án đầu tư xây dựng trên cao, phía dưới là hạ tầng giao thông của nhà nước và tài sản người dân - Ảnh: ĐỨC TRONG

Những khu vực, vị trí không đảm bảo an toàn hoặc có nguy cơ gây mất an toàn cho người và phương tiện lưu thông thì phải có biện pháp gia cố, khắc phục ngay.

Đối với các dự án khai thác khoáng sản, địa phương giao Sở Tài nguyên và môi trường chủ trì thành lập đoàn liên ngành kiểm tra thực tế, nhất là những nơi nằm ở vị trí địa hình cao, đồi dốc.

Lở cát - cái giá phải trả ở Bình Thuận - Ảnh 8.

Một dự án khai thác titan nằm trên cao dọc đường ven biển Bình Thuận - Ảnh: ĐỨC TRONG

Tất cả dự án phải xây dựng phương án ứng phó, xử lý sự cố kịp thời khi có mưa lũ, thiên tai, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người và công trình.

Chủ tịch UBND Bình Thuận yêu cầu kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành, vi phạm theo quy định.

Mũi Né nhiều nơi sạt lở sau mưa, taxi, xe cứu thương... bị sa lầy phải nhờ xe cẩu Mũi Né nhiều nơi sạt lở sau mưa, taxi, xe cứu thương... bị sa lầy phải nhờ xe cẩu 'giải cứu'

TTO - Cơn mưa lớn vào tối 23-4 đã gây ra nhiều điểm sạt lở cát dọc tuyến đường ven biển của phường Mũi Né, TP Phan Thiết, Bình Thuận.

ĐỨC TRONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên