17/09/2021 09:45 GMT+7

Linh hoạt tuyển dụng, đối mặt thách thức

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TTO - Đại dịch kéo dài, không chỉ lao động phổ thông mà nhân sự các cấp đều bị ảnh hưởng đáng kể. Dẫu vậy, một số khảo sát đã chỉ ra rằng nhu cầu tuyển dụng có xu hướng phục hồi dù khó thể bằng giai đoạn trước.

Linh hoạt tuyển dụng, đối mặt thách thức - Ảnh 1.

Nhu cầu về nhân sự các lĩnh vực công nghệ thông tin, khoa học ứng dụng... sẽ vẫn tăng cao thời gian tới mặc tác động của đại dịch - Ảnh: Olia Danilevich

Tự thấy mình còn may mắn

Đó là tâm trạng của chị Xuân Thi (32 tuổi, quản lý một chuỗi nhà hàng) khi chia sẻ về thu nhập thời gian qua. Do dịch bệnh và giãn cách xã hội, các nhà hàng của chị gần như "đóng băng" hơn ba tháng và nhiều nhân viên được cho nghỉ việc vô thời hạn hoặc nghỉ hẳn.

Thu nhập trước đây của chị Xuân Thi khoảng 35 triệu đồng/tháng và có thưởng thêm cuối năm, tuy nhiên hiện lương của chị đã bị giảm bên cạnh việc cắt tất cả khoản thưởng từ giờ đến cuối năm. Chị cho biết vậy là đã may mắn hơn nhiều đồng nghiệp. 

"Bạn bè của tôi là quản lý các cấp đều thấp thỏm lo âu vì thấy chủ doanh nghiệp mình đang yếu dần về tiềm lực kinh tế, công ty họ chậm phát lương mà cũng ít ai dám hỏi. Nhân sự cấp thấp thì liên tục bị ngưng hợp đồng lao động", chị chia sẻ.

Tương tự, anh Tuấn Anh (29 tuổi, từng là quản lý trong lĩnh vực du lịch) cho biết đang chuyển sang lĩnh vực dẫn chương trình tiếng Anh. 

"Tôi hy vọng ít ra bản thân sẽ được dẫn các sự kiện trực tuyến hoặc tốt hơn nữa thì trở thành influencer (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội). Tôi và một người bạn làm bên mảng quay phim, nhiếp ảnh bắt tay với nhau trong các dự án trên vì mảng của chúng tôi thời gian qua đều bị tác động mạnh", Tuấn Anh nói. 

Tâm lý chung của nhiều nhân sự trẻ cấp trung là sốt ruột, mong ngóng thông tin về tình hình nhân sự thời gian tới.

Theo khảo sát "Xu hướng tuyển dụng tại Việt Nam nửa cuối năm 2021" do Tập đoàn nhân sự ManpowerGroup Việt Nam phối hợp cùng Trung tâm Dịch vụ việc làm quốc gia (thuộc Bộ Lao động - thương binh và xã hội thực hiện với sự tham gia của 152 nhà tuyển dụng trên toàn quốc), nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong nước được cho là sẽ dần tích cực trở lại.

Linh hoạt ứng phó

Cụ thể, tại thời điểm khảo sát (từ tháng 5 đến giữa tháng 7-2021), có 64% nhà tuyển dụng xác nhận đang chịu ảnh hưởng bởi đại dịch từ mức độ nhẹ cho đến nghiêm trọng và 36% doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường. 

Còn về nhu cầu tuyển dụng, hơn 80% doanh nghiệp có ý định gia tăng hoạt động tuyển dụng hoặc duy trì số nhân sự hiện tại (so với tỉ lệ tương ứng của hai quý đầu năm là 93%), khoảng 19,7% doanh nghiệp sẽ giảm tuyển dụng. Nói cách khác, bức tranh tuyển dụng sẽ sáng hơn hiện tại dù khó thể tốt bằng hai quý đầu năm.

Chị Nguyễn Thu Trang (giám đốc dịch vụ tuyển dụng cấp cao và tư vấn nhân sự, ManpowerGroup Việt Nam) chia sẻ: "Trong khối dịch vụ tuyển dụng nhân sự cấp cao và vị trí toàn thời gian, nhu cầu tuyển dụng vẫn gia tăng ở các ngành công nghệ thông tin, điện tử, năng lượng, công nghệ cao, y tế... 

Đặc biệt dưới ảnh hưởng của đại dịch và cuộc cách mạng công nghệ toàn cầu, nhu cầu về nhân lực có kỹ năng số hóa tăng nhanh và mạnh hơn bao giờ hết, đơn cử là lĩnh vực tài chính ngân hàng".

Còn theo chị Nguyễn Thu Hà (giám đốc văn phòng Adecco Hà Nội), sẽ có nhiều kịch bản cho nhu cầu tuyển dụng từ nay đến cuối năm, phụ thuộc khá nhiều vào khả năng kiểm soát dịch bệnh, nới lỏng việc giãn cách và đi lại trong nước. 

"Trong đó, quan trọng nhất là việc phục hồi chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng khá nặng nề do giãn cách tại các khu công nghiệp, khu chế xuất", chị Thu Hà nhấn mạnh.

Theo chị Thu Hà, kịch bản xấu nhất là khi số ca F0 vẫn tiếp tục tăng mất kiểm soát, việc tiêm chủng chưa đủ rộng để người lao động trở lại làm việc thì phần lớn các ngành nghề, nhu cầu tuyển dụng cấp trung lẫn cao đều sẽ giảm.

Với kịch bản tốt hơn, trong trường hợp các tỉnh đều kiểm soát được dịch bệnh, giảm số ca F0, nhu cầu tuyển dụng tại các ngành nghề chế biến chế tạo, vận tải và nhóm xuất khẩu sẽ tăng trở lại. 

Nhân sự ở các ngành hàng tiêu dùng không thiết yếu, du lịch, dịch vụ khách sạn thủ công mỹ nghệ, nhà hàng, dịch vụ ăn uống, các ngành công nghiệp đòi hỏi tiếp xúc trực tiếp (biểu diễn nghệ thuật, bán hàng...), dịch vụ cho thuê văn phòng tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề.

Chị khẳng định dù kịch bản nào xảy ra thì những ngành sau sẽ vẫn có nhu cầu tuyển dụng mạnh mẽ, chẳng hạn ngành khoa học ứng dụng, kỹ thuật y sinh, hóa học, sinh học, phân tích dữ liệu, công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI), thương mại điện tử, chăm sóc sức khỏe số... 

Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng kỹ sư công nghệ thông tin sẽ tăng rất cao trong thời gian tới.

Một điểm chung là hầu hết chuyên gia nhân sự đều cho rằng xu hướng làm việc từ xa, làm việc tại nhà, tận dụng tối đa sự hỗ trợ của công nghệ sẽ là tất yếu trong thời gian tới do tâm lý lo sợ các biến chủng của COVID-19 hay ảnh hưởng của Cách mạng 4.0.

Và theo báo cáo của Vietnamworks có tên "Áp dụng công nghệ quản trị nhân sự cho doanh nghiệp", doanh nghiệp Việt dần quan tâm hơn việc áp dụng công nghệ trong quản trị nhân sự (trong đó 66% chọn dùng các phần mềm từ nước ngoài, 34% chọn sử dụng phần mềm nội).

Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp chỉ áp dụng công nghệ cho một hoặc vài phần của quy trình thay vì toàn bộ hệ thống vì các lý do như hạn chế về ngân sách, sợ lộ thông tin do chưa đủ tin tưởng về yếu tố bảo mật, cần thời gian để thích nghi...

ILO: Nửa cuối năm 2021, thị trường lao động ASEAN có thể tệ hơn ILO: Nửa cuối năm 2021, thị trường lao động ASEAN có thể tệ hơn

TTO - Đó là dự báo của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) trong báo cáo COVID-19 và thị trường lao động ASEAN: tác động và phản ứng chính sách công bố ngày 13-8.

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên