26/12/2021 10:01 GMT+7

Linh hoạt chính sách ứng phó Omicron

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Sau một số kết quả nghiên cứu bước đầu đánh giá tích cực về độc lực của biến thể Omicron, những tín hiệu cụ thể về sự thay đổi chính sách chống dịch của các nước đã xuất hiện.

Linh hoạt chính sách ứng phó Omicron - Ảnh 1.

Hành khách tại sân bay quốc tế John F. Kennedy ở thành phố New York (Mỹ) hôm 24-12 - Ảnh: Reuters

Hôm 24-12, người phát ngôn Nhà Trắng Kevin Munoz cho biết chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ dỡ bỏ lệnh cấm đi lại giữa Mỹ và 8 quốc gia ở phía Nam châu Phi (gồm Nam Phi, Botswana, Zimbabwe, Namibia, Lesotho, Eswatini, Mozambique và Malawi) từ ngày 31-12.

Vì sao không cấm nữa?

Trước đó, Mỹ áp lệnh hạn chế đi lại với 8 nước nói trên từ ngày 29-11, sau khi giới chức Nam Phi báo cáo về biến thể Omicron. Theo đó, hầu hết những người không phải công dân Mỹ đã đến 1 trong 8 nước này trong vòng 14 ngày sẽ bị cấm nhập cảnh Mỹ.

Người phát ngôn Nhà Trắng Kevin Munoz cho biết quyết định dỡ bỏ lệnh cấm dựa trên khuyến nghị từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ. 

"Các biện pháp hạn chế đi lại đã giúp chúng tôi có thời gian để hiểu về Omicron, và chúng tôi biết rằng các vắc xin hiện tại vẫn có hiệu quả với nó, đặc biệt là mũi tiêm tăng cường" - ông Munoz giải thích.

Các quan chức của CDC Mỹ cũng chia sẻ quan điểm với Tổng thống Biden rằng lúc này Omicron đã lây lan nhanh tại Mỹ và trên khắp thế giới, do đó việc hạn chế đi lại với 8 nước nói trên không còn ý nghĩa, cũng sẽ không tác động đáng kể đến số ca bệnh ở Mỹ.

Vào thời điểm Mỹ công bố lệnh cấm đi lại với 8 nước trên trong tháng 11, bà Matshidiso Moeti - giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực châu Phi - từng nhận định cách làm này "trút thêm gánh nặng lên cuộc sống và sinh kế".

Ông Lemogang Kwape - ngoại trưởng Botswana - cho biết rất vui mừng trước thay đổi từ Mỹ. Còn ông Clayson Monyela - người phát ngôn bộ phận quan hệ đối ngoại của Nam Phi - phát biểu hôm 24-12: "Chúng tôi rất hoan nghênh diễn biến này. 

Các biện pháp hạn chế đi lại là phản khoa học và phân biệt đối xử. Chúng tác động nghiêm trọng đến ngành du lịch lữ hành của chúng tôi, đến doanh nghiệp và các gia đình".

Những chuyển động chính sách

Trước Mỹ, hôm 14-12 Chính phủ Anh cũng thông báo dỡ bỏ các biện pháp hạn chế đi lại với hành khách từ 11 nước châu Phi, gồm Nigeria và 10 nước ở phía Nam châu lục này. 

Khi đó, Bộ trưởng Y tế Anh Sajid Javid cũng giải thích do Omicron đã lây lan trong nước và có mặt trên khắp thế giới, nên lệnh cấm đi lại không còn hiệu quả trong việc làm chậm tốc độ xâm nhập của nó nữa.

Cùng với đó, hôm 24-12 Chính phủ Nam Phi thông báo ngừng truy vết và sẽ không yêu cầu cách ly hay xét nghiệm với những người không có triệu chứng nếu họ tiếp xúc với ca mắc COVID-19. 

Theo Hãng tin Bloomberg, điều này cho thấy sự giảm nhẹ các biện pháp hạn chế khắt khe để đối phó COVID-19 ở Nam Phi.

"Các chiến lược ngăn chặn không còn phù hợp nữa. Giảm thiểu là chiến lược khả thi duy nhất. Điều này đặc biệt đúng với các biến thể mới và có khả năng lây nhiễm cao hơn như Omicron" - ông Sandile Buthelezi, tổng giám đốc Cơ quan Y tế Nam Phi, nói. 

Ông Buthelezi giải thích thêm: "Biện pháp cách ly gây tốn kém cho các dịch vụ thiết yếu và xã hội, vì nhiều người phải nghỉ việc, mất thu nhập, còn trẻ em không thể đi học".

Tuy nhiên, trong lúc thế giới vẫn chưa có kết luận chính thức về mức độ nghiêm trọng của Omicron, mọi người vẫn cần cảnh giác. 

Theo kênh France 24, những dữ liệu về vắc xin và tỉ lệ nhập viện do Omicron hiện nay mang đến "sự lạc quan thận trọng" trong cuộc chiến chống biến thể mới.

Ngay cả với nước Mỹ, dù bỏ lệnh cấm đi lại với 8 quốc gia châu Phi từ 31-12, hành khách từ những nơi này vẫn phải tuân thủ các quy định chung áp với mọi khách nhập cảnh. 

Cụ thể như khách nhập cảnh phải được tiêm đủ liều vắc xin, xuất trình kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trong vòng 24 giờ.

Nước này cũng siết chặt quy định xét nghiệm và gia hạn yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang trên máy bay và tại các sân bay đến hết ngày 18-3-2022. Tuần trước, CDC Mỹ bắt đầu phát kit xét nghiệm COVID-19 cho khách quốc tế tại một số sân bay.

4.500

Ngày 25-12, Hãng tin AFP dẫn thông tin từ trang FlightAware cho biết các hãng bay thương mại trên toàn cầu đã hủy hơn 4.500 chuyến trong ngày 24 và 25-12, cũng là dịp lễ Giáng sinh. Biến thể Omicron là một phần nguyên nhân.

Nhiều phi công, tiếp viên hàng không và các nhân viên khác bị bệnh hoặc phải cách ly sau khi tiếp xúc với người mắc COVID-19.

Điều đó buộc các hãng bay Lufthansa (Đức), Delta Air Lines (Mỹ), United Airlines (Mỹ) và nhiều hãng khác phải hủy các chuyến bay trong giai đoạn du lịch cao điểm của năm.

COVID-19 thế giới 24-12: Mỹ cấp phép thuốc Merck, Anh nói Omicron nhẹ hơn Delta COVID-19 thế giới 24-12: Mỹ cấp phép thuốc Merck, Anh nói Omicron nhẹ hơn Delta

TTO - Thuốc kháng virus trị COVID-19 Molnupiravir của Hãng Merck được FDA cấp phép chỉ 1 ngày sau khi cơ quan này làm điều tương tự với thuốc Paxlovid của Pfizer. Dù hiệu quả cao hơn, không phải ai cũng nên dùng thuốc của Pfizer, theo FDA.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Omicron