04/03/2021 10:23 GMT+7

Lính chống dịch ở biên giới

KHOA NAM - BỬU ĐẤU
KHOA NAM - BỬU ĐẤU

TTO - Ở huyện biên giới Giang Thành (Kiên Giang), cách đường biên khoảng vài trăm mét là chốt phòng chống dịch số 6 thuộc Đồn biên phòng Vĩnh Điều. Nơi này giáp ranh với xã Thot Not Choong Sroang thuộc huyện Tuk Mia (tỉnh Kam Pot, Campuchia).

Lính chống dịch ở biên giới - Ảnh 1.

Bộ đội biên phòng Giang Thành, Kiên Giang hướng dẫn người dân biên giới đeo khẩu trang - Ảnh: ÂU LẠC THÀNH

"Nơi nào có điều kiện, có đất trống là anh em chúng tôi đều cuốc đất trồng rau màu cải thiện bữa ăn, bởi đã xác định từ đầu năm ngoái tới nay là nhiệm vụ canh giữ vùng biên sẽ còn kéo dài.

Trung tá Danh Tâm

Vừa buông chén cơm trưa, đại úy Lê Văn Tâm - trinh sát Đồn biên phòng Vĩnh Điều - chia sẻ mình là một trong số hàng trăm cán bộ, chiến sĩ được tăng cường chống dịch xuyên tết ở vùng biên. 

Tinh thần chung của toàn chốt số 6 là không để lọt bất kỳ trường hợp nào nhập cảnh chui qua biên giới, bất kể ngày hay đêm, cho nên dù ăn tết xa nhà, khó khăn, vất vả ra sao cũng phải phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ vì an toàn sức khỏe của cả cộng đồng.

Hoãn cưới để làm nhiệm vụ khẩn

"Nhìn ban ngày vắng vẻ, không một bóng người vậy đó, chứ ban đêm thế nào cũng có trường hợp tìm cách nhập cảnh trái phép. Cho nên không chỉ tuần tra, kiểm soát mà chúng tôi còn phải phối hợp với lực lượng phía bên bạn tuyên truyền cho người dân chấp hành đúng quy định" - đại úy Tâm nói.

Rời chốt số 6, chúng tôi theo đường mòn ven sông Giang Thành tới thăm chốt số 11, còn gọi là chốt Mương Châu, thuộc Đồn biên phòng Vĩnh Điều. Chốt này mới được bổ sung, dựng xong trước Tết Nguyên đán bằng vật liệu tôn.

Trung úy trẻ Trần Văn Thiện (26 tuổi), làm nhiệm vụ trực chốt Mương Châu, chia sẻ trong lúc đang nghỉ phép về thăm quê ăn tết muộn ở Thái Bình thì nhận được lệnh trở về đơn vị làm nhiệm vụ khẩn. Cũng từ đó tới nay Thiện được giao trực xoay vòng tại các chốt và chưa một ngày nào rời biên giới.

"Mình có người yêu ở Ninh Bình, cả hai đã hẹn ước cuối năm vừa rồi cưới nhau, nhưng dịch bệnh COVID-19 phức tạp nên hai bên gia đình tạm hoãn. Định qua tết chúng tôi sẽ cưới, nhưng lại hoãn tiếp để làm nhiệm vụ. Thôi thì khi nào hết dịch mình cưới cũng không muộn. Chắc cô ấy và gia đình sẽ thông cảm thôi" - Thiện cười nói.

Chia tay các chiến sĩ biên phòng tuổi đời còn rất trẻ ở chốt Mương Châu, chúng tôi tiếp tục tới chốt Tà Còm thuộc Đồn biên phòng Phú Mỹ. Đây là chốt đã được xây dựng bán kiên cố, nền bêtông, vách tôn, lợp lá. Nơi này không có điện, không có nước sạch, không có dân, sóng điện thoại thì chập chờn lúc có lúc không...

Trung tá Danh Tâm, chính trị viên Đồn biên phòng Phú Mỹ, cho hay dù khó khăn, thiếu thốn nhưng toàn đơn vị đều quyết tâm cùng với các lực lượng, đơn vị bạn hoàn thành nhiệm vụ chống dịch COVID-19, coi đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình.

Trên biển phải nhờ tai mắt quần chúng

Đại tá Nguyễn Thế Anh, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Kiên Giang, cho biết từ đầu năm tới nay có hơn 2.200 người nhập cảnh cách ly tại cửa khẩu quốc tế Hà Tiên. Hiện chỉ còn cách ly 480 người, trong đó có 5 trường hợp dương tính với COVID-19. Dù đã tăng cường kiểm tra 24/24 giờ, vẫn xảy ra 4 vụ với 18 người nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới bộ và đường biển.

Đến nay các lực lượng biên phòng thành lập 3 tổ công tác kiểm tra, chỉ đạo trên tuyến biên giới Hà Tiên, Giang Thành và tuyến biên giới biển; tiếp nhận 80 cán bộ chiến sĩ tăng cường từ Đà Nẵng, Bình Định và một tàu Hải đoàn 28, 3 tàu kiểm ngư phục vụ công tác chống dịch trên tuyến biên giới, vùng biển.

Đồng thời, lực lượng duy trì nghiêm 6 tổ cơ động, 80 chốt cố định, 11 tàu và xuồng tuần tra, chốt chặn trên biển thực hiện nhiệm vụ phòng chống dịch COVID-19 và chống buôn lậu, xuất nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới, biển đảo.

Ông Anh cho biết thêm đã chỉ đạo triển khai quân số, dựng lều dã chiến tại các bến cảng, khu dân cư, vị trí trọng yếu để khép kín tầm quan sát trên biển. Chủ động phối hợp cùng các lực lượng trên biển để tuần tra 24/24 giờ ngoài vùng biển để ngăn chặn người từ nước ngoài về.

Tàu Hải đội 2 ra ứng trực tại các vùng biển tiếp giáp tăng cường nguyên liệu tuần tra đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, các đơn vị cũng phải làm tốt công tác vận động quần chúng, kêu gọi mọi người dân, ngư dân, chủ các phương tiện vào cuộc cùng chung tay với bộ đội biên phòng ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép, cùng đẩy lùi dịch bệnh...

Theo thông tin từ Hải đội 2 (Bộ đội biên phòng Kiên Giang), các vụ nhập cảnh đường biển đều sử dụng vỏ lãi chạy men theo bờ biển từ Campuchia qua đảo Phú Quốc hoặc đảo Thổ Chu (xã Thổ Châu, Phú Quốc). Lý do: vùng biển nơi đây cạn, khoảng cách chỉ trên dưới 20km nên rất dễ chạy vỏ lãi cỡ nhỏ.

Ông Huỳnh Văn Cường, thuyền trưởng tàu cá thường xuyên khai thác trên vùng biển Tây Nam, chia sẻ khoảng 18 giờ hằng ngày qua hệ thống liên lạc trên tàu đều nhận thông báo yêu cầu nêu cao cảnh giác, phối hợp với lực lượng chức năng để thông báo ngay tất cả các trường hợp tàu thuyền, vỏ lãi có dấu hiệu nghi ngờ nhập cảnh trái phép.

"Vùng biển rộng nhưng nhờ có nhiều tàu cá nên tụi tui tin là sẽ rất khó có chuyện tàu bè chở người nhập cảnh trái phép qua lọt. Mình phải ý thức bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng, bởi dịch bệnh lây lan ai cũng khổ hết" - ông Cường nói.

Hơn 3.000 cuộc tuần tra trên bộ và trên biển

tran giu bien cuong 1

Tuần tra biên giới huyện Giang Thành - Ảnh: ÂU LẠC THÀNH

Kiên Giang có đường biên giới bộ dài 56,8km giáp với Campuchia, có đường bờ biển dài trên 200km. Theo Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh này, hiện có khoảng 500 cán bộ chiến sĩ thuộc nhiều lực lượng luân phiên tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ cả trên bộ và trên biển.

Đại tá Bùi Trung Dũng - phó chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh An Giang - cho biết tỉnh có đường biên giới giáp Campuchia gần 100km. Từ khi xảy ra dịch bệnh COVID-19, đơn vị đã bố trí 187 tổ, chốt công tác phòng chống dịch ven biên giới giáp Campuchia để ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép nhằm phòng chống dịch bệnh xâm nhập.

Cuộc chiến thần tốc Cuộc chiến thần tốc 'xuyên tết' chống dịch

TTO - Khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát tại TP.HCM trong những ngày gần tết vừa qua, ngành y tế TP.HCM đã có 10 ngày thần tốc chống dịch. Hàng triệu người dân trong TP được hưởng một cái tết an lành trong tình hình mới.

KHOA NAM - BỬU ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên