05/07/2022 14:00 GMT+7

Liều trồng dưa trên vùng đất khó

HÀ THANH - VŨ TUẤN
HÀ THANH - VŨ TUẤN

TTO - Ra trường nghe lời rủ rê của bạn bè, chàng trai 9X quyết định quay về quê hương thử sức với mô hình nông nghiệp công nghệ cao.

Liều trồng dưa trên vùng đất khó - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Xuân Tiến, giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Phương Tiến, thành công với mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao - Ảnh: VŨ TUẤN

Từ chính nơi mảnh đất bị bom mìn đạn pháo cày xới năm xưa, người thanh niên dày công chăm bẵm, vun trồng lên những vườn dưa xanh mướt, mỗi vụ "hái quả ngọt" thu về hàng trăm triệu đồng/năm.

"Ở vùng đất này khí hậu ôn hòa, dưa ngọt và giòn hơn các giống dưa trồng ở nơi khác". Đưa khách vào vườn, anh Nguyễn Xuân Tiến (31 tuổi, giám đốc Hợp tác xã Thanh niên Phương Tiến, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) giới thiệu thành quả sau sáu năm trồng mô hình dưa lưới công nghệ cao trên vùng đất khó.

Rẽ ngang sang nông nghiệp công nghệ cao

Tốt nghiệp Trường đại học Mỏ - địa chất, nhận thấy nhu cầu về thực phẩm sạch ngày càng cao, anh Tiến quyết định rẽ hướng, chọn về quê hương khởi nghiệp. 

Được sự hỗ trợ về giống, phân bón cũng như chia sẻ kinh nghiệm, hướng dẫn kỹ thuật của người bạn và những "ông trùm dưa" ở TP.HCM, anh mạnh dạn đầu tư hơn 500m2 nhà lưới đầu tiên tại xã Phương Tiến trồng các giống dưa lưới, dưa lê.

"Những ngày đầu làm nông rất vất vả, mỗi ngày tôi được bạn bè hướng dẫn về kỹ thuật cây trồng nhưng chỉ trồng dưa theo kiểu "học vẹt, rập khuôn". Sau một vụ tôi mới hiểu rõ về cây trồng, rút kinh nghiệm sau từng vụ dưa để điều chỉnh phân bón, giống cây trồng cho hợp lý" - anh Tiến chia sẻ.

Từ mảnh đất Vị Xuyên xưa kia bị bom mìn đạn pháo cày xới, đất đai núi rừng cằn cỗi, chàng thanh niên 9X đã ứng dụng công nghệ trồng mới với hệ thống tưới tiêu tự động, cung cấp dưỡng chất cho cây trồng với hệ thống quản lý, vận hành bằng máy tính, điện thoại thông minh, nhờ đó mô hình trồng dưa lưới công nghệ cao của Tiến đã thắng đậm ngay vụ đầu tiên.

"Vụ đầu tiên không ai trồng dưa lưới ở trên đất này nên tôi thu lợi nhuận rất cao. Tôi dành dụm được tiền để mở rộng thêm nhà lưới và thưởng cho mình một chuyến du lịch đi vào TP.HCM" - anh Tiến nhớ lại.

Từ thành công vụ đầu, mỗi năm anh tiếp tục mạnh dạn mở rộng thêm 1.000m2 diện tích nhà lưới ở Phương Tiến và mở thêm 2.000m2 nhà lưới tại xã Phong Quang (huyện Vị Xuyên) trồng thử giống dưa lưới và dưa lê bạch ngọc. 

Trung bình cứ 60 ngày thu một vụ dưa, mỗi nhà lưới thu hoạch được 2 tấn dưa/tháng, giá bán dao động từ 30.000 - 40.000 đồng/kg, mỗi năm thu về lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Mới đầu anh Tiến còn lặn lội đi tiếp thị, chào bán sản phẩm dưa và đóng thùng sản phẩm gửi xuống Hà Nội bán.

Đến năm thứ hai đã quen dần với các mối buôn, mô hình dưa lưới cũng cho năng suất và chất lượng ổn định hơn, do đó 100% sản lượng dưa thu hoạch đã được tiêu thụ ở Hà Giang. 

Từ năm 2018 đến nay, khách hàng đã tự tìm đến vựa dưa của Hợp tác xã Thanh niên Phương Tiến để hái tận vườn.

Kết nối thanh niên, đẩy mạnh sản xuất

Sau sáu năm tiên phong trồng dưa lưới công nghệ cao ở Hà Giang, nhiều gia đình đã học hỏi theo mô hình của thanh niên Nguyễn Xuân Tiến, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế. 

Thế nhưng sau hai năm gặp khó vì dịch COVID-19, rất nhiều chủ vườn đã chuyển trạng thái "màu tím", còn anh Tiến nói nhà dưa lưới của mình "vẫn còn màu hồng mà chưa đổi màu".

Trong suốt chặng đường khởi nghiệp, anh Tiến cũng gặp không ít khó khăn. Anh nhớ năm 2017, mưa lũ lớn xảy ra trên địa bàn huyện Vị Xuyên đã gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất nông nghiệp. 

Trong đó toàn bộ nhà lưới trồng dưa của anh bị đổ sập, năm đó mất trắng vụ dưa. Sau trận mưa lũ, anh Tiến rời quê vào Bình Thuận làm quản lý cho một vựa dưa, nhưng chỉ một tháng sau anh quyết định quay về quê hương, bắt tay vào gầy dựng lại từ đầu.

"Sập tan tác nhà lưới nhưng tôi vẫn quyết định bắt tay làm lại từ đầu, ngày ấy liều mà" - anh quả quyết. Nhờ "máu liều" mà đến nay mô hình trồng dưa công nghệ cao của thanh niên Nguyễn Xuân Tiến đã cho thu nhập ổn định, dưa trồng được bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. 

"Sản lượng nhiều, một mình làm không xuể, tôi quyết định thành lập hợp tác xã kết nối thanh niên trong làng cùng gầy dựng nông nghiệp công nghệ cao trên đất quê hương" - anh Tiến bày tỏ.

Năm 2018, hợp tác xã ra đời với sự tham gia của bảy thành viên, mỗi người phụ trách một công việc như chăm lo sản xuất, hỗ trợ mảng kinh doanh, có thành viên hỗ trợ mảng marketing, người sáng tạo nội dung trên Facebook bằng cách "livestream cắt dưa tại vườn".

Hiện nay, mô hình nông nghiệp công nghệ cao của Hợp tác xã Thanh niên Phương Tiến được xem là mô hình điểm về khởi nghiệp trên đất Hà Giang. 

Mỗi vụ dưa, anh Tiến đều mở cửa chào đón các bạn thanh niên đến tham quan, học hỏi và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp cho các bạn trẻ. "Điều quan trọng nhất chính là sự tự tin, có tự tin thì làm bất kỳ điều gì cũng được" - anh quả quyết.

Anh Tiến cho biết thời gian tới hợp tác xã sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư thêm nhà lưới, nghiên cứu trồng giống chuối tiêu hồng và tự tin xuất ngoại.

Tự tin chọn lối đi riêng với giống dưa lưới trên dải đất biên cương đã giúp chàng thanh niên Nguyễn Xuân Tiến "hái quả ngọt". Anh chia sẻ, nếu quyết tâm khởi nghiệp, có ý tưởng khả thi, hãy lập dự án.

"Thanh niên trẻ giờ ai cũng giỏi lắm, chỉ là có "liều" hay không thôi, nhưng "liều" phải trong khả năng. Chẳng hạn bạn có 1 tỉ đồng thì "liều" trong 500 triệu đồng, còn 500 triệu đồng để quay lại khi thất bại. Hãy nghĩ bé trước, sau đó đủ tầm thì sẽ làm lớn" - anh Tiến chia sẻ kinh nghiệm.

Chàng trai Quảng Trị hớp hồn cư dân mạng với tiểu cảnh miền Tây gây thương nhớ Chàng trai Quảng Trị hớp hồn cư dân mạng với tiểu cảnh miền Tây gây thương nhớ

TTO - Đó là một lối đi bất ngờ. Bất ngờ đến mức ngay cả bản thân Hoàng Thanh Tùng (21 tuổi, tỉnh Quảng Trị) cũng không thể hình dung ra mình lại chọn khởi nghiệp bằng cách đó. Nhưng đến nay, sau hơn 1 năm, Tùng đã chứng minh lối đi mình chọn là đúng.

HÀ THANH - VŨ TUẤN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên