24/11/2020 13:12 GMT+7

Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết hợp tác với ASEAN do Việt Nam chủ trì đề xuất

NHẬT ĐĂNG
NHẬT ĐĂNG

TTO - Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết hợp tác ASEAN - Liên Hiệp Quốc ngày 23-11 (giờ New York, Mỹ). Đây là nghị quyết do Việt Nam thay mặt ASEAN chủ trì đề xuất.

Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết hợp tác với ASEAN do Việt Nam chủ trì đề xuất - Ảnh 1.

Đại sứ Đặng Đình Quý, trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, thay mặt các nước ASEAN giới thiệu nghị quyết hợp tác ASEAN - Liên Hiệp Quốc ngày 23-11 - Ảnh: BNG

Thông tin từ phái đoàn ngoại giao Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc khóa 75 vừa thông qua nghị quyết về hợp tác ASEAN - Liên Hiệp Quốc do Việt Nam thay mặt ASEAN chủ trì đề xuất.

Việt Nam là chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2020, và cũng là ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Thông báo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết ngày 23-11, Đại hội đồng khóa 75 đã thảo luận và thông qua bằng đồng thuận nghị quyết về hợp tác ASEAN - Liên Hiệp Quốc với 110 nước đồng bảo trợ.

Đây là kỷ lục về số nước đồng bảo trợ kể từ khi nghị quyết về hợp tác ASEAN - Liên Hiệp Quốc được đưa ra lần đầu tiên tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 2002.

Với vai trò chủ tịch ASEAN 2020, năm nay Việt Nam là nước thay mặt ASEAN chủ trì soạn thảo nội dung và thương lượng nghị quyết, phái đoàn Việt Nam nhấn mạnh.

So với nghị quyết được thông qua gần nhất năm 2018, nghị quyết lần này đã cập nhật các kết quả hợp tác nổi bật giữa Liên Hiệp Quốc và ASEAN từ năm 2018 đến nay như thành tựu thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN - Liên Hiệp Quốc 2016-2020, việc Hội đồng Bảo an lần đầu tiên tổ chức thảo luận về vai trò của ASEAN trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế trong tháng chủ tịch Hội đồng Bảo an của Việt Nam, và việc thông qua Kế hoạch hành động ASEAN - Liên Hiệp Quốc giai đoạn 2021-2025.

"Các nỗ lực của ASEAN trong xây dựng cộng đồng và ứng phó với đại dịch COVID-19 cũng được nêu đậm. Nhiều nội dung hợp tác giữa Liên Hiệp Quốc và ASEAN được bổ sung hoặc làm đậm như tăng cường quan hệ đối tác và hợp tác gìn giữ, xây dựng và duy trì hòa bình; giảm thiểu rủi ro thiên tai và tăng cường phản ứng trong các trường hợp khẩn cấp; đa dạng sinh học và các biện pháp thực hiện thập kỷ hành động thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững 2030", Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết.

Vừa qua, đại sứ Đặng Đình Quý - trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc - đã thay mặt các nước ASEAN giới thiệu nghị quyết, khẳng định vai trò trung tâm của ASEAN trong thúc đẩy đối tác, hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực cũng như quan hệ đối tác toàn diện ngày càng được củng cố giữa ASEAN và Liên Hiệp Quốc.

Đại sứ cũng thông tin về các nội dung mới, nổi bật trong nghị quyết và cảm ơn sự ủng hộ của các nước thành viên Liên Hiệp Quốc trong tiến trình thương lượng, đồng bảo trợ và thông qua nghị quyết.

Nghị quyết về hợp tác ASEAN - Liên Hiệp Quốc là nghị quyết 2 năm/lần, được Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc xem xét thông qua từ năm 2002 (đến nay đều thông qua bằng đồng thuận) với mục tiêu khẳng định và thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức.

Do năm nay Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc xem xét đề mục hơp tác của Liên Hiệp Quốc với các tổ chức khu vực vào ngày 23-11, sớm hơn khoảng một tháng so với các kỳ họp trước, các hoạt động quan trọng của ASEAN với Liên Hiệp Quốc chỉ được kết thúc vào tháng 10 và 11-2020, vì vậy Việt Nam và các nước ASEAN chỉ có chưa đến một tháng để thương lượng và vận động các nước thành viên Liên Hiệp Quốc bảo trợ và thông qua nghị quyết.

Chính vì vậy, nghị quyết đã đạt ba kỷ lục về việc có thời gian thương lượng ngắn nhất, thời gian vận động ngắn nhất và số nước đồng bảo trợ đông nhất so với các nghị quyết hợp tác giữa ASEAN và Liên Hiệp Quốc từ trước đến nay.

Liên Hiệp Quốc kêu gọi tuân thủ UNCLOS 1982 trên Biển Đông Liên Hiệp Quốc kêu gọi tuân thủ UNCLOS 1982 trên Biển Đông

TTO - Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc (LHQ) António Guterres ủng hộ việc đề cao luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật biển UNCLOS 1982 trong giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông.

NHẬT ĐĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên