08/12/2020 10:31 GMT+7

LHQ thông qua Ngày Quốc tế chống dịch bệnh 27-12 do Việt Nam đề xuất

ANH THƯ - DUY LINH
ANH THƯ - DUY LINH

TTO - Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua Nghị quyết thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27-12 hằng năm.

LHQ thông qua Ngày Quốc tế chống dịch bệnh 27-12 do Việt Nam đề xuất - Ảnh 1.

Đại sứ Đặng Đình Quý, trưởng phái đoàn Thường trực Việt Nam tại LHQ, phát biểu giới thiệu nghị quyết A/RES/75/27 - Ảnh: Bộ Ngoại giao cung cấp

Đây là nghị quyết đầu tiên của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc trong lĩnh vực này, cũng là nghị quyết đầu tiên do Việt Nam chủ trì đề xuất, thương lượng và thúc đẩy thông qua thành công tại ĐHĐ LHQ, theo Bộ Ngoại giao Việt Nam.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, trong phiên họp toàn thể sáng 7-12, Đại hội đồng LHQ đã đồng thuận thông qua Nghị quyết A/RES/75/27 thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh vào ngày 27-12 hằng năm.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây thiệt hại về người và các tác động chưa từng có tới mọi mặt đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia, đề xuất của Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ của toàn bộ các nước thành viên LHQ.

Phát biểu giới thiệu nghị quyết tại Đại hội đồng LHQ, đại sứ Đặng Đình Quý, trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, thay mặt các nước đồng tác giả, nêu bật ý nghĩa và tính cần thiết của việc thành lập Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh và cảm ơn sự ủng hộ của các quốc gia thành viên LHQ đối với sáng kiến này.

Các nước Canada, Tây Ban Nha, Niger, Senegal, Saint Vincent & Grenedines đã tham gia đồng tác giả với Việt Nam. 107 nước khác đã tham gia đồng bảo trợ nghị quyết.

Nghị quyết kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên LHQ, các cơ quan trong hệ thống của LHQ, các tổ chức quốc tế lẫn khu vực, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu cũng như cá nhân và những thành phần liên quan khác kỷ niệm Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh hằng năm. Mục đích nhằm tăng cường nhận thức về phòng chống bệnh dịch, từ đó có sự chuẩn bị và phối hợp tốt hơn về vấn đề này ở tất cả các cấp.

Ngày 27-12 được chọn làm Ngày Quốc tế sẵn sàng chống dịch bệnh do đây là ngày sinh của nhà bác học Louis Pasteur, một trong những người đầu tiên đặt nền móng cho y tế phòng ngừa. Các công trình của ông về nguyên nhân của bệnh dịch và điều chế vắc xin đã và đang tiếp tục cứu sống nhiều thế hệ trên toàn thế giới.

WHO: nên thuyết phục hơn là buộc tiêm chủng vắc xin COVID-19

LHQ thông qua Ngày Quốc tế chống dịch bệnh 27-12 do Việt Nam đề xuất - Ảnh 2.

Trụ sở Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva, Thụy Sĩ - Ảnh: REUTERS

Liên quan vắc xin phòng ngừa COVID-19, WHO cho biết sẽ làm việc với các nước để tìm hiểu xem họ muốn thực hiện chiến dịch tiêm chủng phòng chống đại dịch COVID-19 ở từng nước như thế nào, theo Hãng tin AFP.

Tuy nhiên, tổ chức y tế này khẳng định tiêm chủng bắt buộc là cách tiếp cận sai lầm. WHO thêm rằng những lần tiêm chủng vắc xin bắt buộc trước đây đã cho thấy sự phản tác dụng khi vấp phải nhiều sự phản đối hơn.

"Tôi không nghĩ bắt buộc là hướng đi đúng ở đây, đặc biệt là đối với những vắc xin này. Sẽ thật sự tốt hơn nếu chúng ta khuyến khích và tạo điều kiện để tiêm vắc xin" - bà Kate O'Brien, giám đốc bộ phận tiêm chủng của WHO, nhận định.

Bà O'Brien cho biết một số bệnh viện nhất định có thể khuyến nghị hoặc có yêu cầu cao hơn đối với việc tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho nhân viên và bệnh nhân nhằm đảm bảo sự an toàn của họ.

"Câu chuyện vắc xin là một câu chuyện hay. Đó là chiến thắng nhờ nỗ lực của con người trước kẻ thù vi sinh vật. Chúng ta cần phải thuyết phục mọi người tin tưởng" - ông Michael Ryan, phụ trách nhóm xử lý tình huống khẩn cấp của WHO, chia sẻ.

Ông Ryan cho rằng trách nhiệm của những người làm trong lãnh vực y tế công cộng là tránh ép buộc mọi người tiêm chủng. "Tốt hơn hết chúng ta nên cung cấp cho mọi người những thông tin và lợi ích của việc tiêm chủng và để họ tự quyết định" - ông Ryan nói.

Quan chức WHO này cũng nhấn mạnh rằng có một số trường hợp nhất định, như với các nhân viên y tế tuyến đầu, việc tiêm chủng là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn cho bản thân họ.

Theo thông tin từ WHO, hiện có 51 vắc xin đang được tiến hành thử nghiệm trên người, trong đó có 13 loại đang thử nghiệm giai đoạn cuối.

Anh đã bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19 của hãng Pfizer cho người cao tuổi ở nước này từ ngày 8-12. Cuối tuần trước, thủ đô Mátxcơva của Nga đã tiêm chủng đại trà cho các đối tượng ưu tiên là bác sĩ, nhân viên y tế, giáo viên và nhân viên xã hội.

WHO: WHO: 'Có vắc xin không có nghĩa là 0 ca COVID'

TTO - Các quan chức Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 4-12 cảnh báo chính phủ và người dân các nước không nên mất cảnh giác trước đại dịch COVID-19 chỉ vì viễn cảnh sắp có vắc xin, nói rằng hệ thống y tế vẫn đang chịu nhiều áp lực.

ANH THƯ - DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên