24/04/2013 10:02 GMT+7

Lên thành, sống cùng bãi rác

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TT - 7 giờ sáng, khu nhà tạm tại bãi rác Hoàng Cầu rổn rảng tiếng người, tiếng búa đóng đinh chí chát, tiếng sai bảo nhau í ới.

IpJiOFLE.jpgPhóng to
Một góc khu trọ trong bãi rác Hoàng Cầu - Ảnh: H.ĐIỆP

Hàng chục người trong khu nhà tạm (được nhiều người gọi là khu ổ chuột) ở bãi rác Hoàng Cầu (phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, Hà Nội) đang cơi nới thêm những gian phòng mới để ở. Bà chủ đất tay chống nạnh đi đi lại lại giữa ngổn ngang những mẩu gỗ cũ được tận dụng từ một công trình xây dựng nào đó. Đây chỉ là một trong hàng chục khu nhà tạm cho hàng trăm người làm nghề thu nhặt phế liệu, rác thải đến chủ yếu từ huyện Xuân Trường, Nam Định.

Sống trong khu ổ chuột

Ở khu nhà bên cạnh, chị Nguyễn Thị Quý (48 tuổi, người xã Xuân Phong, Xuân Trường, Nam Định) đang ngồi bên chiếc cân tạ để cân phế liệu. Tay cầm cuốn sổ ghi chép trọng lượng của từng bao phế liệu và tính tiền, chị Quý cho biết giờ cân phế liệu thường diễn ra từ 6 giờ sáng đến chừng 10 giờ trưa.

Dưới ánh đèn neon lờ mờ đủ để nhìn thấy mặt người. Cái nắng hanh hao ở ngoài đường kia không thể nào chạm tới được khu nhà tạm này bởi các căn phòng san sát nhau. Không có bất kể một khoảng không nào được để trống trong cả khu lán. Phía trên chỗ chị Quý ngồi là những căn phòng nhỏ xíu có một lối cầu thang bằng gỗ bắc lên. Trong các căn phòng từ to đến nhỏ rất nhiều người đang chuẩn bị ăn trưa.

Trong căn phòng rộng chừng chục mét vuông, hơn chục người đang ăn cơm. Sáu chiếc nồi cơm điện cũ kỹ đặt giữa nhà, cùng với bát nhựa, xoong nhôm đựng canh, rau và một vài xoong nhỏ đựng ít món mặn. Xen lẫn tiếng và cơm soàn soạt là tiếng trẻ con mè nheo, tiếng người lớn bàn về một đám cất nhà mới ở quê. Rồi tiếng một phụ nữ cất lên: “Hôm ấy em không về đâu, bác cho em gửi 100.000 tiền mừng cho nhà nó. Giờ đi về mất 200.000 đồng tiền xe, 300.000 đồng tiền chợ nữa thì lỗ quá, dịp khác về em đến chơi nhà nó vậy”. “Năm ngoái nhà mày cất cây nóc, nhà nó cũng về, sao giờ nhà nó tân gia nhà mày lại không về?” - một phụ nữ trung tuổi cự nự. “Năm nay kinh tế khó khăn thế này, mà tháng này em nhiều đám quá, đi làm không đủ tiền đi đám mới phải khất thế chứ. Một tháng mà đến năm lần về là sạt nghiệp rồi, còn làm ăn gì nữa”. Giọng người phụ nữ khác lại cất lên: “Ối giời ơi, nó đổ cả bát cơm vào nồi canh của người ta, thằng kia...”. Tiếng đứa trẻ ré lên...

Một người đàn ông đã ăn xong, cầm trên tay hai cái bát và hai đôi đũa lom khom ra phía cầu thang gỗ. Cái lỗ cầu thang nhỏ đến nỗi chỉ một người chui lọt.

G5rMaLrc.jpgPhóng to
Công việc hằng ngày: thu gom và phân loại rác - Ảnh: H.ĐIỆP

Gói cả làng vào phố

Nhà ngói cây mít ở quê, ao sâu ruộng tốt cũng ở quê, chuồng gà chuồng lợn cũng đều ở quê cả nhưng làm ăn cật lực ở quê cũng chỉ đủ miếng ăn bỏ vào miệng. Thế là từ 20 năm trước hàng chục người ở Xuân Phong, Xuân Hồng (Xuân Trường, Nam Định) đã rời làng ra Hà Nội làm nghề nhặt rác. Dù 20 năm làm nghề thu gom đồng nát, chị Quý, bà Nụ, bà Ất, bà Thái... đều đã dành được một món tiền không hề nhỏ nhưng: “Phải từ bỏ nhà cửa để chui rúc vào đây sống như một đàn chuột chúng tôi chẳng sung sướng gì. Dù hằng ngày chỉ xuống xe đạp đến rát hết cả đùi thì cũng vẫn còn kiếm được ra tiền chứ ở quê làm ruộng mỗi ngày lấy vài chục ngàn đồng không dễ”.

Chị Quý gầy guộc với những vệt bụi đen ăn sâu vào đến tận từng sợi chân lông trên mặt, đang ngồi cân phế liệu thì có một chàng trai ăn mặc tươm tất dắt xe rời khu trọ.“Con trai tôi đấy, nó đang học đại học năm thứ 3” - chị Quý tự hào khoe - Không chỉ có một mình con tôi đâu, những nhà khác trong xóm nếu có con đỗ đại học cũng đều phải lên Hà Nội đi làm hết”. Và theo chị Quý, hầu hết những người chấp nhận lên Hà Nội sống chui rúc trong khu ổ chuột này đều nuôi mộng con cái thành tài, thoát kiếp nghèo khổ, vất vả như bố mẹ.

Bình thường khu ổ chuột nhộn nhịp cả ngày vì bán bán mua mua nhưng cũng có khi cả xóm trọ vắng teo: “Khi xóm trọ vắng là ở quê có đám”. Không chỉ hình thành nên khu ổ chuột giữa thành phố, ở đây còn có hẳn một chuyến xe khách chạy tuyến Hà Nội - Nam Định với điểm xuất phát ở ngay Hoàng Cầu, sát khu ổ chuột. “Tiếng đi nhặt rác, nhưng chúng tôi muốn về quê lúc nào cũng được, tiện xe lắm, 6g sáng chạy từ Hà Nội, 1g chiều từ Nam Định ngược lên, xe đưa về đến tận nhà”. Chủ xe là họ hàng của bà Nụ, một phụ nữ người Xuân Trường có kinh nghiệm thu gom phế liệu hơn 20 năm.

Mong được về quê

Có đến 20 năm gắn bó với nghề thu gom phế liệu, chị Nguyễn Thị Quý là một trong những người đầu tiên của xã Xuân Phong lên Hà Nội lập nghiệp bằng nghề này. “Ai cũng nói nó là nghề dưới đáy xã hội, nhà báo nào đến đây cũng viết và chụp ảnh với cái nhìn dè bỉu và khinh bỉ, nhưng nó thật sự là nguồn sống cho gia đình chúng tôi” - chị Quý có vẻ hơi tự ái khi nói về nghề của mình như vậy.

Sau 10 năm đầu tiên bôn ba khắp hang cùng ngõ hẻm ở Hà Nội để nhặt và thu mua phế liệu, mươi năm gần đây chị Quý không đi nhặt nữa mà cân phế liệu tại nhà. Khu lán tạm này chị thuê lại của chủ đất rồi cơi nới, dựng lên những căn nhà tạm bằng gỗ, cót ép, nilông.. để cho người khác thuê lại. “Có chừng 50 người ở trong khu trọ của tôi, hầu hết là họ hàng, anh em và người quen cùng xóm, cùng xã Xuân Phong. Làng tôi nhiều người đi làm nghề này lắm, nhiều thì ba, bốn người, ít thì một người. Không nhà nào không có người đi”. Chị Quý đi 20 năm, mang theo cả chồng, con và các cháu họ hàng lên Hà Nội, để lại ở quê ngôi nhà xây thoáng mát và rộng rãi: “Mỗi năm tôi chỉ về vài bận. Tết thì càng phải ở lại đây làm lâu hơn vì ngày cuối cùng trong năm mới là ngày bội thu từ... rác. Người ta dọn nhà, sắm đồ nên đồ phải bỏ rất nhiều, mua cũng được mà nhặt cũng được. Ngày cuối cùng, giờ muộn nhất chúng tôi là những người rời thành phố về quê, có khi về đến nhà được vài tiếng thì sang canh” - chị Quý nói.

Đã có đến thế hệ thứ ba của người Xuân Phong đang sinh sống tại khu ổ chuột Hoàng Cầu. “Tôi đi, thằng cu lớn mới được vài tuổi, giờ nó đã lấy vợ, có con và mang con lên đây thu gom rác cùng tôi rồi” - chị Quý nói, ôm đứa bé trai vào lòng. Đứa bé ngước đôi mắt lanh lợi nhìn khách lạ. Dù chưa đầy 2 tuổi nhưng nó đã thoăn thoắt leo lên leo xuống qua lỗ cầu thang bé xíu. Và dù thiếu ánh sáng, thiếu nước sạch, mùi rác thải nồng nặc nhưng đôi mắt trẻ cứ ngời sáng, cứ như mọi thứ rác rưởi được thu gom cân bán dưới gầm sàn của căn phòng tối tăm này chả ảnh hưởng gì đến đời sống của nó.

______________

Kỳ tới: Chuyện một ôsin xứ Đài

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên