18/01/2022 08:53 GMT+7

Lên non rước trẻ đến trường

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Hơn 10 năm qua, nhóm thiện nguyện Nụ Cười Hồng, TP Đà Nẵng, miệt mài "cõng" theo những khu vui chơi, hệ thống lọc nước, rạp phim lưu động lên núi để biến ước mơ của trẻ thơ vùng cao thành hiện thực.

Lên non rước trẻ đến trường - Ảnh 1.

Mỗi buổi chiếu phim có nhiều trẻ nhỏ háo hức đón xem - Ảnh: BẢO NGUYÊN

Họ đã đến cả những thôn làng xa xôi nhất chưa ai đặt chân đến. Ánh sáng tri thức theo chân họ thắp lên giữa những ngọn đồi cheo leo trên dãy Trường Sơn.

Mang "rạp phim" lên núi

Hai năm trước, khi dịch COVID-19 chưa bùng phát, các chàng trai nhóm Nụ Cười Hồng đã dành nhiều tháng trời đến những điểm trường xa xôi ở huyện Nam Trà My (Quảng Nam) để làm việc không ai ngờ đến: mang rạp phim lên núi. 

Đến nay đã có hơn chục hệ thống điện năng lượng mặt trời được lắp đặt ở các điểm trường vùng cao huyện nghèo này. Bà con nơi đây lần đầu tiên thấy ngọn đồi sáng rực và đám trẻ hồ hởi đợi đêm cuối tuần để được xem phim.

Một đêm cuối đông, điểm Trường phổ thông dân tộc bán trú - tiểu học Vừ A Dính, xã Trà Don (huyện Nam Trà My) bỗng sáng rực. Hơn trăm em nhỏ tập trung từ rất sớm. 

Màn hình chiếu phát phim hoạt hình Doraemon. Đám trẻ chuyển từ háo hức, chộn rộn ban chiều thành không khí im ắng, say mê trước màn hình máy chiếu.

Em Hồ Đại Quốc (7 tuổi) cho biết dù được báo 6h30 tối mới chiếu phim nhưng đã đến từ lúc 5h chiều. "Đây là lần đầu tiên con được xem cái tivi to thế. Ở làng con có một cái tivi mà nhỏ lắm. Ít có phim hoạt hình hay như phim mấy thầy chiếu" - Quốc nói.

Em Hồ Thị Hồng Lanh kể đã dắt theo hai em đi bộ hơn 20 phút mới tới chỗ xem. "Coi phim mà còn được ăn bánh nữa nên con và mấy bạn thích lắm. Mấy thầy cô nói tuần nào cũng chiếu nên con chờ lần sau đến xem nữa" - Lanh cười tít mắt.

Với những thôn chưa có điện, đám trẻ lần đầu được biết thế nào là phim. Cái "tivi to" mà đám trẻ nhắc đến là những màn hình máy chiếu 120 inch. Đối với những đứa trẻ nơi rẻo cao này, việc được xem phim ở chiếc tivi to ấy có lẽ là trải nghiệm khó quên.

Để có những rạp phim giữa đồi, nhóm Nụ Cười Hồng đã có những ngày vất vả. Giờ đây khi nhớ lại họ còn bồi hồi. 

Anh Nguyễn Đăng Hải (32 tuổi), một trong những thành viên nhóm trực tiếp lắp đặt hệ thống "rạp phim trên núi", cho biết có những điểm trường rất xa, nhóm phải vác đồ đi bộ mất 2 ngày mới đến được. May sao hệ thống pin mặt trời và ăcquy khá nặng đã được bà con trên đó xuống phụ vác lên giúp. Nhóm chỉ mang thêm quà bánh, đồ chơi.

"Tôi vẫn nhớ cảm giác người dân thôn 5, xã Trà Dơn bảo rằng chúng tôi là nhóm thiện nguyện đầu tiên đến được tận thôn. Lúc ánh sáng bóng điện được phát ra, cả ngọn đồi sáng bừng. Bà con ai cũng vỡ òa. Chính chúng tôi cũng không giấu được xúc động" - anh Hải nhớ lại.

Rạp phim 3 trong 1

"Rạp phim trên núi" là ý tưởng ra đời từ sau những lần nhóm Nụ Cười Hồng lặn lội lên vùng cao làm thiện nguyện. Hồ Hoàng Liêm (33 tuổi) - trưởng nhóm - kể lại qua 12 năm đi núi, nhận thấy thầy cô vùng cao đã vất vả, lại phải cực khổ đi vận động từng nhà đưa trẻ đến trường nhưng sĩ số lớp học chưa bao giờ đủ. 

Trẻ cứ buổi học, buổi bỏ chạy về trông em hoặc theo ba mẹ lên rẫy. Nhóm đã thử rất nhiều cách để trẻ em nơi đây hứng thú đi học. Từ áo ấm đến trường, cặp sách đến lớp cho đến khu vui chơi nhưng chỉ hiệu quả trong thời gian ngắn, việc bỏ học cũng tái diễn.

Trong một lần lên núi, anh Liêm hỏi đám trẻ có biết người nhện không, biết siêu nhân không? Thấy mấy đứa trẻ ngơ ngác, anh mở điện thoại của mình ra những clip về siêu nhân mà con trai anh vẫn thích. Nhìn đám trẻ chăm chú xem, mắt bạn nào cũng ánh lên niềm thích thú, thế là anh nảy ra ý tưởng đưa rạp phim lên núi để "dụ" trẻ đến trường.

Khi lắp đặt xong bộ máy phát điện năng lượng mặt trời, chỉ cần một màn hình chiếu 120 inch, hệ thống âm thanh là loa kẹo kéo công suất lớn, bộ thu phát sóng 3G kết nối với máy tính các giáo viên thì một "rạp phim" được đi vào hoạt động. 

Mỗi hệ thống rạp phim có trị giá hơn 100 triệu đồng. Cứ cuối tuần khi thầy cô về nhà sẽ tải vào USB những bộ phim hoạt hình, bài giảng sinh động. Chỉ những học sinh đi học đầy đủ thì cuối tuần mới được xem phim. Học sinh lên lớp được học các bài học trên mạng với âm thanh, hình ảnh sống động cũng sẽ khiến các em thích thú.

"Rạp phim sẽ là nơi đám trẻ nhìn ra thế giới. Các em sẽ được biết đến thế giới này có nhiều con vật hơn chứ không chỉ có con gà, con chó... Muốn biết chúng thì các em phải học giỏi để xuống núi. Và cứ thế, những gì hiện lên trong đầu đám trẻ con miền núi là phải học giỏi, chứ không trốn học chạy về nhà nữa" - anh Liêm nói.

Thầy Nguyễn Trần Vỹ (giáo viên công tác ở huyện Nam Trà My) là người hỗ trợ nhóm triển khai mô hình rạp phim ở các điểm trường, cho biết đây là "rạp phim 3 trong 1", bởi ngoài việc chiếu phim cho các em vui chơi thì hệ thống này còn phục vụ cho thầy cô dạy học và các em sinh hoạt tập thể. 

"Dự kiến trong tháng 2, các thiết bị như camera, mô đun WiFi về đủ sẽ lắp đặt để kết nối phụ huynh ở các làng gặp học sinh khi các em học bán trú thông qua hệ thống kết nối giữa trường và các điểm thôn" - thầy Vỹ cho hay.

Lên non rước trẻ đến trường - Ảnh 2.

Nhóm Nụ Cười Hồng biểu diễn âm nhạc phục vụ trẻ em ở vùng cao - Ảnh: BẢO NGUYÊN

Chỉ mong làm cầu nối

Nhóm Nụ Cười Hồng có khoảng 20 thành viên hoạt động thường xuyên, mỗi người một độ tuổi, một công việc khác nhau và đa số là người trẻ bởi để leo được lên những ngọn núi xa xôi ấy không phải ai cũng đủ sức và kiên trì. Có những lần nhóm lội bộ hàng chục giờ lên gần đến nơi thì đường mưa sạt lở đành phải quay về nhưng anh em chưa một lần nản chí.

Trước thời điểm dịch bùng phát, sẵn tài âm nhạc, các thành viên trong nhóm thường mở những đêm nhạc thiện nguyện gây quỹ như chơi nhạc đường phố, mở những phiên chợ bán đồ cũ, bán hoa gây quỹ hoạt động thiện nguyện vùng cao. 

Giờ đây, anh Liêm và các thành viên nhóm thường trích tiền túi ra trước rồi kêu gọi thêm. Ở các điểm trường vùng cao, chính thầy cô giáo là người kết nối, hỗ trợ giúp những dự án của nhóm được hoàn thành hiệu quả. Thấy những nỗ lực làm thiện nguyện của Nụ Cười Hồng, nhiều nhà hảo tâm khắp nơi hỗ trợ cho nhóm để tiếp tục những công trình mới ý nghĩa.

Để minh bạch chuyện tiền bạc, nhóm không có quỹ cố định. Nếu những dự án lớn cần quyên góp như rạp phim, thay vì phải chuyển khoản qua cho nhóm, thì nhà hảo tâm sẽ chuyển trực tiếp cho đơn vị cung cấp thiết bị. Anh Liêm bảo rằng nhóm chỉ mong được làm cầu nối để mang ước mơ đến với trẻ em vùng núi.

"Chuyến du lịch" mơ ước

Học giỏi để được đi du lịch là một trong những sáng kiến "dụ" trẻ của nhóm. Mỗi lần nhóm lên thăm, sẽ thuê xe đưa 5 em/mỗi lớp có thành tích học tập tốt nhất ở những điểm trường vùng cao tham gia "chuyến du lịch về thành phố".

Các em sẽ được mua quần áo mới, được ăn gà rán ở siêu thị và tham quan TP Tam Kỳ (Quảng Nam) với ánh đèn lấp lánh khác xa khung cảnh tối tăm hằng đêm ở núi rừng.

Những đứa trẻ sau chuyến "du lịch" trở về đã kể lại cho các bạn của mình về TP và em nào cũng cố gắng học tốt, hy vọng năm tiếp theo mình sẽ được đi du lịch.

Sau mỗi chuyến đi, trong tâm trí những đứa trẻ vùng cao cũng nung nấu thêm những ước mơ, hoài bão vượt khó đến trường để thay đổi số phận.

Đến nay, nhóm Nụ Cười Hồng đã lắp đặt 10 hệ thống điện năng lượng mặt trời ở 10 điểm trường Nam Trà My; 2 ngôi làng được lắp đèn năng lượng mặt trời chiếu sáng. Hơn 60 bộ máy lọc nước lớn nhỏ được lắp đặt khắp các điểm trường vùng cao Quảng Nam, Gia Lai, Kon Tum... và 12 khu vui chơi cho trẻ.

Cảm động người khuyết tật đưa trẻ đến trường bằng xe trâu Cảm động người khuyết tật đưa trẻ đến trường bằng xe trâu

TTO - Người dân ở xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương (Nghệ An) quen với tiếng cười nói của gần 20 trẻ mầm mon đến trường trên chiếc xe trâu do người lái là anh Văn Đình Ngọc, một người khuyết tật bẩm sinh.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên