02/10/2022 11:10 GMT+7

Lê Hồng Phước: Tiến sĩ khoa Pháp mê cải lương

THÁI THÁI
THÁI THÁI

TTO - Là phó trưởng khoa ngữ văn Pháp Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM, song Lê Hồng Phước được rất nhiều người trong giới đờn ca tài tử, cải lương quen mặt.

Lê Hồng Phước: Tiến sĩ  khoa Pháp mê cải lương - Ảnh 1.

Tiến sĩ Lê Hồng Phước trò chuyện về đờn ca tài tử, cải lương với sinh viên Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TP.HCM - Ảnh: NVCC

Mới đây vở cải lương thể nghiệm Đợi Kiều ra mắt tại Nhà văn hóa Thanh niên gây chú ý với sự kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật. Tác phẩm do tiến sĩ Đào Lê Na biên kịch và đạo diễn, còn phần chuyển thể cải lương do tiến sĩ Lê Hồng Phước phụ trách. 

Trước Đợi Kiều, anh đã tham gia nhiều chương trình đờn ca tài tử và thường xuyên trò chuyện về đờn ca tài tử, cải lương với các bạn trẻ ở các trường đại học, Bảo tàng Áo dài...

Lê Hồng Phước là người nhiệt tình, dễ chịu và chịu khó học hỏi. Dù là giảng viên dạy lịch sử Pháp nhưng lại có đam mê, chịu khó tìm tòi về cải lương, có nghề và có một tình yêu với đờn ca tài tử. Đặc biệt là Phước hát rất tốt, hát theo kiểu các cụ ngày xưa.

Nghệ sĩ HẢI PHƯỢNG

Lê Hồng Phước: Tiến sĩ  khoa Pháp mê cải lương - Ảnh 3.

Tiến sĩ Lê Hồng Phước nói chuyện cải lương với Đoàn Khối Dân-Chính Đảng TP.HCM tháng 5- 2022 - Ảnh: NVCC

Lần đầu làm soạn giả vở cải lương hoàn chỉnh

Sinh ra trong một gia đình có truyền thống đờn ca tài tử ở Tân Châu, An Giang; cha là người mê cổ nhạc, biết đàn guitar nên tình yêu cải lương trong cậu bé Phước cứ thế lớn lên từng ngày theo tiếng đàn của cha cùng tiếng hát cải lương phát ra từ chiếc máy cassette bà nội mở mỗi đêm. Từ thuở đi học, cậu học trò gốc An Giang đã tập tành viết bài ca cổ rồi tự mình hát.

"Hồi học cấp III, tôi ở đậu tại nghĩa trang liệt sĩ huyện bởi vì không có tiền mướn nhà trọ. Công việc mỗi ngày là tưới cây, rồi thắp đèn, thắp nhang trong nghĩa trang. Rồi tôi thấy một ngôi mộ của một nữ liệt sĩ. 

Trước giờ tôi cứ nghĩ liệt sĩ thì chỉ có nam nên rất ngạc nhiên và tìm hiểu. Từ đó tôi xúc cảm và viết bài ca cổ đầu tiên Nửa mảnh khăn rằn", anh Phước kể về lần đầu tiên viết bài ca cổ. Không ai dạy viết nhưng do mê và thuộc nhiều tuồng, cùng với sự nhạy bén mà anh tự học và dần dần vững vàng hơn trong những sáng tác.

Đợi Kiều là vở cải lương đầu tiên anh Phước nhận chuyển thể. Anh đặc biệt chú trọng đưa 20 bài bản tổ vào kịch bản với mong muốn người trẻ tiếp cận được những bài bản hay, tránh tình trạng thất truyền những bài bản đắt giá trong âm nhạc dân tộc.

Trong kịch bản gốc của Đào Lê Na có nhiều câu thơ Kiều được đặt đúng chỗ nên khi chuyển thể, Lê Hồng Phước cố gắng giữ tối đa phần thơ để nghệ sĩ diễn ngâm, truyền tải đến người xem vẻ đẹp của Truyện Kiều.

Lê Hồng Phước: Tiến sĩ  khoa Pháp mê cải lương - Ảnh 4.

Tiến sĩ Lê Hồng Phước ca phục vụ du khách tại Bảo tàng Áo dài, TP.HCM - Ảnh: NVCC

"Đại sứ" đờn ca tài tử, cải lương

Cuối 2009 đầu năm 2010, Lê Hồng Phước đặt chân đến nước Pháp để bảo vệ luận án tiến sĩ. Một lần anh vô tình gặp nữ nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân khi hát cải lương ở trụ sở UNESCO tại Pháp. "Lúc đó cô Hà Mỹ Xuân diễn trích đoạn Thái hậu Dương Vân Nga. 

Cô đang tìm một người mặc đồ ông tướng để nhân vật của cô ấy mắng và tình cờ cô nhờ tôi. Diễn xong vô cánh gà cô chỉ tay nói: Thằng này diễn được! Kể từ đó, tôi đi hát với Hà Mỹ Xuân luôn", anh nhớ lại.

Trước đó Lê Hồng Phước làm nhà báo nghiên cứu, bình luận cải lương tại ban tiếng Việt của Đài Phát thanh quốc tế Pháp. 

Đến khi tham gia nhóm Về nguồn (do Hà Mỹ Xuân thành lập), anh có cơ hội được hát đờn ca tài tử, cải lương trên nhiều thành phố của Pháp. Họ tổ chức hát định kỳ mỗi tháng một lần tại một nhà hàng. 

Anh Phước kể có nơi chỉ có 40 ghế ngồi nhưng 60, 70 người vào coi, sẵn sàng đứng xem. Không chỉ có người Việt mê cải lương mà còn có nhiều người Tây đến nghe, khán giả coi chương trình còn... thuộc tuồng hơn cả nghệ sĩ.

Từ đam mê, rồi tiếp cận nghệ sĩ để có tư liệu cho quá trình làm báo ở đài phát thanh mà Lê Hồng Phước trở thành nghệ sĩ hồi nào không hay. 

Ở Pháp, anh còn có cơ hội tham gia hàng loạt trích đoạn cải lương nổi tiếng như Tô Ánh Nguyệt, Bên cầu dệt lụa, Ngao sò ốc hến... khi các nghệ sĩ như Lệ Thủy, Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Châu Thanh, Trọng Phúc... sang phục vụ kiều bào. Khán giả thương mến anh với vai Trùm Sò và đặt cho anh biệt danh "Trùm Sò Paris".

Về nước năm 2015, anh Phước ít tham gia diễn nhưng anh vẫn mê hát và lâu lâu lại tập trung tại nhà nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng để chơi đờn ca tài tử. Anh có may mắn được gặp gỡ GS.TS Trần Văn Khê, nhạc sư Vĩnh Bảo..., được nhạc sư Vĩnh Bảo lúc sinh thời rất quý và thường gọi đến đờn ca tài tử cùng ông. Anh cũng thường xuyên được mời nói chuyện với các bạn trẻ về loại hình nghệ thuật này.

Với tình yêu mãnh liệt dành cho đờn ca tài tử, cải lương, bất cứ lúc nào các chương trình cần, chàng tiến sĩ đều sắp xếp và tham gia để được sống trong đam mê và lan truyền tình yêu nghệ thuật dân tộc đến người trẻ.

Truyền lửa đam mê cải lương Truyền lửa đam mê cải lương

TTO - Nhằm quảng bá cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, tối 7-5, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang tổ chức đêm diễn Truyền lửa đam mê. Chương trình phục vụ khán giả miễn phí.

THÁI THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên