05/07/2023 16:00 GMT+7

Lễ hội pháo hoa - từ nghệ thuật ánh sáng đến hiện tượng du lịch toàn cầu

Liệu với những thành công của Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng- DIFF 2023, Việt Nam có cơ hội trở thành điểm đến pháo hoa mới của thế giới?

Lễ hội pháo hoa Pohang, Hàn Quốc

Lễ hội pháo hoa Pohang, Hàn Quốc

Những lễ hội pháo hoa thắp sáng du lịch thế giới

Thành phố Pohang tại Hàn Quốc được mệnh danh là "thành phố của ánh sáng và lửa", bởi đây không chỉ là địa điểm đầu tiên ở Hàn Quốc nhìn thấy ánh mặt trời mỗi buổi bình minh, mà còn là nơi diễn ra Lễ hội pháo hoa Pohang nổi tiếng thế giới.

Cứ đến mùa hè, người dân và du khách lại kéo tới bãi biển Bukbu và công viên bên sông Hyeongsan để tham dự lễ hội pháo hoa náo nhiệt này, với không chỉ những màn trình diễn pháo hoa mãn nhãn mà cả những màn biểu diễn múa và âm nhạc truyền thống Hàn Quốc đặc sắc.

Lễ hội pháo hoa quốc tế Busan được tổ chức hằng năm tại bãi biển Gwangalli cũng là một sự kiện pháo hoa lớn không chỉ của Hàn Quốc mà còn cả châu Á. 

Hàng chục ngàn quả pháo được bắn lên bầu trời rực rỡ, kết hợp cùng những màn biểu diễn nghệ thuật nhạc nước trong bối cảnh lung linh của biển với cây cầu treo - Gwangan Bridge nổi tiếng từng thu hút người dân và du khách tới chiêm ngưỡng.

Trong khi đó tại Canada, Lễ hội pháo hoa quốc tế Montreal - cuộc thi bắn pháo hoa lớn kể từ năm 1985 đã biến công viên giải trí La Ronde nằm bên bờ sông St. Lawrence trở thành điểm đến mùa hè hấp dẫn nhất tại thành phố mỗi năm, khi có 8 công ty sản xuất pháo hoa hàng đầu thế giới tập trung về đây để đem đến những màn trình pháo hoa đỉnh cao nhất. Ước tính hằng năm lễ hội thu hút tới 3 triệu du khách đến với Montreal.

Theo thống kê, Lễ hội pháo hoa sông Sumida - một trong 3 lễ hội pháo hoa lớn nhất xứ Phù Tang - đã đóng góp tới khoảng 3,2 tỉ yen (khoảng 29 triệu USD) cho nền kinh tế địa phương.

Còn theo nhà tổ chức Lễ hội pháo hoa Thunder Over Louisville hằng năm ở Kentucky, Hoa Kỳ, với hơn 700.000 người tham dự mỗi năm, lễ hội đã tạo ra tác động kinh tế ước tính khoảng 56 triệu đô la, một phần đáng kể được chi cho thực phẩm và đồ uống.

Tại Anh, lễ hội pháo hoa Guy Fawkes cũng đã góp phần làm tăng chi tiêu về đồ ăn thức uống với doanh số bán bia tăng lên khoảng 3,2%.

Những con số trên đã khẳng định sức hút của những thương hiệu lễ hội pháo hoa nổi tiếng, mà còn khẳng định những tác động to lớn của chúng đối với những ngành nghề phụ trợ ăn theo lễ hội như lưu trú, ăn uống, tiêu dùng…

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng, làm gì để thương hiệu vươn tầm hơn nữa?

Lễ hội pháo hoa - từ nghệ thuật ánh sáng đến hiện tượng du lịch toàn cầu - Ảnh 2.

Lượng khách đổ về Đà Nẵng không ngừng tăng lên theo mỗi năm nhờ DIFF

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng (DIFF) được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2008, với mục đích tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, từng bước đưa Đà Nẵng trở thành thành phố của sự kiện và lễ hội. 

Từ chỗ không có khán đài (năm 2008), đến năm 2009 khán đài dành cho người xem đã được lắp đặt với 6.000 chỗ ngồi và sau đó mở rộng lên gần 17.000 chỗ ngồi.

DIFF thực sự thay đổi kể từ năm 2017, khi có sự tham gia đồng hành trực tiếp của Tập đoàn Sun Group, nhằm tạo nên một diện mạo mới cho sự kiện với quy mô và cách thức tổ chức được nâng tầm, cùng với đó là sự đa dạng trong các hoạt động và sự mở rộng tham gia của các đội.

Nhờ hành trình thăng hoa hơn một thập kỷ của DIFF mà đến nay Đà Nẵng được thế giới biết đến là "thủ đô pháo hoa của Việt Nam". Cứ đến mỗi dịp hè, khi diễn ra lễ hội pháo hoa, thành phố bên sông Hàn như lột xác, trở thành điểm đến sôi động, hấp dẫn bậc nhất cả nước. 

DIFF là một trong những lý do khiến lượng khách đổ về Đà Nẵng không ngừng tăng lên theo mỗi năm. 

Từ năm đầu tiên tổ chức với hơn 1,2 triệu lượt khách du lịch và doanh thu hơn 810 tỉ đồng, sau hơn 10 năm Đà Nẵng đã đón được 8,6 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt gần 31.000 tỉ đồng, tăng gấp 38 lần.

Thành phố Đà Nẵng và doanh nghiệp nỗ lực đưa DIFF trở lại nhằm phục hồi du lịch

Thành phố Đà Nẵng và doanh nghiệp nỗ lực đưa DIFF trở lại nhằm phục hồi du lịch

Sự trở lại của DIFF 2023 sau 3 năm dịch bệnh COVID-19 được xem là nỗ lực lớn của chính quyền TP Đà Nẵng và Tập đoàn Sun Group, nhằm đưa du lịch thành phố sông Hàn trở lại rực rỡ như thời điểm trước dịch. 

Tuy nhiên, những khó khăn kinh tế sau dịch bệnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến các sự kiện văn hóa, du lịch có quy mô lớn như pháo hoa. DIFF 2023 chỉ chuẩn bị có 5.000 chỗ ngồi - thấp hơn nhiều so với con số gần 17.000 chỗ ngồi tại mùa DIFF 2019.

Quy mô nhỏ hơn, nhưng thành công cho đến thời điểm hiện tại của DIFF 2023 lại không hề thua kém những mùa trước. Theo ông Nguyễn Văn Bình - chủ tịch Sun Group vùng miền Trung, hơn 80% lượng vé cho cả 5 đêm pháo hoa đã được bán hết ngay đêm khai mạc. 

Đêm chung kết, khán đài đã phải mở rộng thêm 1.700 chỗ, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của khán giả.

Lễ hội pháo hoa - từ nghệ thuật ánh sáng đến hiện tượng du lịch toàn cầu - Ảnh 4.

Đêm chung kết được bổ sung chỗ ngồi tại khán đài cho nhu cầu người xem tăng cao

Bà Ngô Thị Kim Yến, phó chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, trưởng Ban tổ chức DIFF 2023, chia sẻ: "Sau thời gian dịch bệnh, ngân sách của thành phố cũng như điều kiện kinh tế của những doanh nghiệp rất là khó khăn, nhưng Sun Group đã có trách nhiệm tiên phong là doanh nghiệp cùng thành phố gánh vác và chia sẻ khó khăn, để tổ chức nên lễ hội pháo hoa đã diễn ra rất tốt đẹp cho đến thời điểm này".

Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 (DIFF 2023) diễn ra từ ngày 2-6 đến ngày 8-7-2023. Sau 4 đêm tranh tài đầy kịch tính với chất lượng các đội được đánh giá cao, vượt qua những đối thủ nặng ký, hai đội có điểm số cao nhất là đội Pháp và Ý sẽ cùng so tài để tranh ngôi vị quán quân DIFF 2023, trong đêm 8-7-2023 với chủ đề “Thế giới không khoảng cách”.

Thống kê cho thấy, lượng khách lưu trú trong bốn đêm thi pháo hoa vừa qua đạt gần 240.000.

Trong đó, khách quốc tế đạt gần 83.000 người, khách nội địa là gần 158.000 người. Công suất buồng phòng khách sạn toàn thành phố đạt khoảng 70%.

Đà Nẵng dự báo lượng du khách lưu trú đêm chung kết diễn ra tối 8-7 tới sẽ là hơn 63.000 người. Trong đó khoảng 19.000 khách quốc tế. Công suất buồng phòng toàn thành phố đêm 8-7 dự kiến đạt khoảng 75%.

Chân dung một "thành phố đáng sống"Chân dung một 'thành phố đáng sống'

Đà Nẵng ngày nay, là một trong những đô thị, thành phố đáng sống bậc nhất thế giới. Nơi đây từng là 1 trong 10 địa chỉ đáng sống nhất thế giới năm 2018 theo bình chọn của Tạp chí Du lịch Live and Invest Overseas.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên