Lẩu Thập Cẩm

Lắt léo chữ nghĩa: Chơi phong lưu, thanh lịch mới là chơi

LÊ MINH QUỐC

Đăng lúc 19:36 | 05/12/2022

Khi bàn về tính cách của người Sài Gòn, trên tạp chí Văn (ra ngày 8-6-1973), nhà văn Vũ Hạnh có kể câu chuyện xảy ra trên đường Nguyễn Trãi, lúc hai tên du côn phóng xe ẩu. Sau khi hất tung bé gái té sóng soài giữa đường, chúng còn cố tình bỏ chạy.

"Giữa đàng thấy chuyện bất bình chẳng tha", ngay lập tức, mấy chị gánh nước mướn đã nhanh chóng rượt theo, rồi vây bắt chúng.

"Trong đám đông những người chứng kiến vụ này, có một cụ già quay lại bảo với chúng tôi: "Mấy con mẻ này chơi được quá". Chơi được quá, đó là lời khen hết sức thành thật. Nhưng bỏ công việc, vây đánh những tay cao bồi, du đảng là "chơi" đó sao? Mấy tiếng "chơi được" đúng là tiếng nói của người Sài Gòn" (tr.29).

Con mẻ là con mẹ, nói trại ra. Còn từ "chơi được" này, ta hiểu như chơi điệu/chơi điệu nghệ là làm một việc đúng đạo nghĩa, lẽ phải, lời khen nằm ở từ "được/ chơi được".

Lắt léo chữ nghĩa: Chơi phong lưu, thanh lịch mới là chơi - Ảnh 1.

Nếu không dùng từ "chơi được", ta có thể nói: "Mấy con mẻ này chịu chơi quá!". Chơi được/ chịu chơi trong ngữ cảnh này, là chỉ ai đó dám làm dám chịu, dám ăn thua đủ, lì đòn, sẵn sàng trước thử thách, chấp nhận làm việc gì đó không màng lợi hại cho mình, vì bênh vực quyền lợi cho người khác.

Chơi, có nhiều cách chơi. Nhưng chẳng ai có thể chấp nhận ai đó "chơi ngang": "Có chồng càng dễ chơi ngang/ Đẻ ra con thiếp, con chàng, con ai?". Rơi vào trường hợp éo le này, người đàn ông tội nghiệp đó được gọi "bị cắm sừng"!

Lại nữa, còn có chơi trèo, chẳng phải trèo leo gì sất, chỉ là cách nói ai đó hỗn hào, vô lễ với người trên mình về địa vị lẫn tuổi tác. Kiểu như những kẻ hậu sinh cỡ như Trịnh Hâm, Bùi Kiệm dù văn dốt võ dát, nhưng vẫn dám mắng ông Quán chơi trèo: "Gối leo theo phận gối leo/ Có đâu dưới thấp mà chờm lên cao" - dù ông đáng bậc cha chú, chữ nghĩa hơn mình. 

Nói cách khác, trong trường hợp này, chính là lúc Hâm - Kiệm đã chơi trội, muốn thể hiện mình hơn người khác. Chơi như thế trong chừng mực nào đó còn gọi chơi ngu, chơi dại vì nhận lại bao lời phê phán, chê cười của người khác. Thi sĩ Tản Đà có câu thơ thiệt oách:

Chắc có một phen đời khóc tớ

Đời chưa khóc tớ, tớ còn chơi

Một trong cái thú chơi của thi sĩ vẫn là:

Chơi cho biết mặt sơn hà

Cho sơn hà biết ai là mặt chơi

Hai câu thơ này, quả tuyệt bút, chơi ở đây là đi chơi nơi này nơi kia, ngao du sơn thủy, du lịch đó đây. Mà, qua đó, Tản Đà đã sáng tạo ra từ "mặt chơi", trước đó, từ điển chưa ghi nhận, nếu có, như Việt Nam tự điển (1931) cho biết: "Mặt ăn chơi".

Xét ra mặt chơi và mặt ăn chơi hoàn toàn khác nhau. "Mặt chơi" thì từ động từ đã hoán đổi thành tính từ - hàm nghĩa con người đó lịch lãm, lão luyện, từng trải trong các cuộc đi chơi xa gần, đâu đâu cũng giẫm chân đến. 

Còn "mặt ăn chơi" là thoạt nhìn cái mặt ấy, dù chưa chứng kiến, nhưng đã đoán biết đó là người quen thói chơi bời nọ kia, trăng hoa tuyết nguyệt, nói quả quyết như lúc Thúy Kiều mắng Sở Khanh: "Rõ ràng mặt ấy mặt này chứ ai".

"Đời chưa khóc tớ, tớ còn chơi", chơi trong trường hợp này, là giải trí hoặc nghỉ ngơi, thư giãn một cách thong dong, nhẹ nhàng cho tươi tắn cái sự đời; chứ không phải ham hố, cay cú ăn thua đủ, nhằm chơi sát ván, chơi mạnh tay/ chơi nặng tay/ chơi tới bến/ chơi xả láng/ chơi mút chỉ, chơi khăm, chơi ác, chơi gác/ chơi kèo trên/ chơi cửa trên, chơi qua đường, chơi xỏ, chơi cha... Nhà nho Trần Lê Kỷ quan niệm về chơi như thế này:

Trời đã sinh ra kiếp làm người

Chẳng chơi nữa người cười là chú vích

Được ngày nào ta chơi cho thích

Chơi phong lưu, thanh lịch mới là chơi

Xin dừng lại giải thích từ "vích/ chú vích": Tục ngữ có câu "Khôn như mại, dại như vích". Mại là loài cá nhỏ, sống ở nước ngọt; vích thuộc nhóm rùa biển, ở dưới nước đố ai bắt được vì rất lanh lợi, nhưng lúc nó lên bãi cát lại lơ ngơ láo ngáo, chỉ cần lừa thế, tìm cách lật ngửa nó lên là tóm dễ dàng. 

Vích được dùng để chỉ người khờ dại. Sau này, người ta không dùng từ vích nữa, thay thế bằng từ lóng là quých, chẳng hạn trong Cạm bẫy người, Vũ Trọng Phụng viết: "Trước khi lên được địa vị này, tôi cũng đã lắm phen phải đóng những vai trò mòng với quých cho một lũ bạc bịp tiền bối họ móc xé ruột gan đấy, ông ạ". Mòng là mồi/ làm mồi, nói như tác giả Số đỏ, là thân phận của kẻ: "đóng cái vai con chim mòng đậu vừa đúng tầm súng cho kẻ đi săn".

"Chơi phong lưu, thanh lịch mới là chơi", cụ thể như thế nào còn tùy tâm thế mỗi người, nhưng chắc chẳng ai vích/ quých đến độ không ngừa trước "Chơi dao có ngày đứt tay", "Chơi chó chó liếm mặt", "Chơi cò, cò mổ mắt", "Chơi với lửa"... Mà, cần phải "Chơi tùy chốn, bán vốn tùy nơi", chứ nào phải bạ đâu chơi đó.

Lắt léo chữ nghĩa: Sáng tỏ vài từ tiếng Việt trong Lục Vân Tiên Lắt léo chữ nghĩa: Sáng tỏ vài từ tiếng Việt trong Lục Vân Tiên Lắt léo chữ nghĩa: Giỗ hậu thầy đìa Lắt léo chữ nghĩa: Giỗ hậu thầy đìa Lắt léo chữ nghĩa: Tình bằng có cái trống cơm... Lắt léo chữ nghĩa: Tình bằng có cái trống cơm...
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
X
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Tin mới Lẩu thập cẩm