17/08/2021 07:09 GMT+7

Lao động Việt ở Thái Lan: tiêm vắc xin rồi vẫn thấp thỏm vì... thất nghiệp

HỒNG VÂN
HỒNG VÂN

TTO - Từ ngày 1-8, Thái Lan bắt đầu tiêm vắc xin cho người nước ngoài. Nhiều người Việt Nam không có giấy tờ hợp pháp cũng đã được tiêm vắc xin. Tuy nhiên, khó khăn lớn hơn với họ là bị thất nghiệp dài hạn, không còn khả năng trả tiền trọ.

Lao động Việt ở Thái Lan: tiêm vắc xin rồi vẫn thấp thỏm vì... thất nghiệp - Ảnh 1.

Nhờ sự giới thiệu của nhà thờ và các sơ, chị Phan Thị Thùy Tiên (ngoài cùng bên trái) và các tình nguyện viên kết nối và nhận hàng cứu trợ tại siêu thị Tops Market, Bangkok - Ảnh: TIÊN TIÊN

Theo Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, số công dân Việt Nam gặp khó khăn và rủi ro nhất hiện nay là những người không có hộ chiếu hoặc có hộ chiếu nhưng đã hết hạn visa.

Mong hết dịch để đi làm

Theo đại diện sứ quán, trước dịch COVID-19 tại Thái Lan (tháng 4-2020), có khoảng 40.000 - 50.000 lao động tự do Việt Nam ở nước này. Nhưng kể từ khi dịch bùng phát, ước tính ít nhất 10.000 - 15.000 lao động đã về nước do không có việc làm, mất thu nhập và sợ lây nhiễm COVID-19. Nhiều người bị kẹt lại đang có hoàn cảnh rất khó khăn.

Sống tại Silom, một khu kinh doanh tấp nập ở thủ đô Bangkok, nhưng cô T.T.M. (sinh năm 1963) mới lần đầu được sống một mình một phòng trọ. Tuy vậy, cô không vui vì đại dịch COVID-19 khiến cô thất nghiệp 4 tháng nay.

Phòng trọ của cô M. có giá thuê 3.500 baht (2,4 triệu đồng), nay giảm giá còn 3.000 baht. Đây là nơi ở của 3-4 người lao động Việt sang Thái làm thuê, tất cả đều đi làm từ sáng đến khuya, có khi người này về ngủ người kia đi làm, cả tuần không gặp mặt.

Bạn cùng phòng với cô M. đã về lại Việt Nam. Riêng cô M. vì không còn tiền nên quyết định ở lại, kết hợp giữ đồ đạc của mọi người, hy vọng dịch sớm hết.

"Mỗi lần tôi sang Thái Lan là xác định đi 1-2 năm mới về. Cho đến tháng 4-2021, tôi vẫn còn đi đóng dấu hộ chiếu nhưng từ đó đến nay thì không còn tiền nuôi hộ chiếu nên để hộ chiếu "chết" luôn - cô M. tâm sự - Tôi chỉ mong sao dịch bệnh sớm qua để đi làm trở lại".

Hiện tại cô M. được 2 nhóm thiện nguyện của Thái giúp đỡ, cho gạo, mì, cá hộp, rau củ và trứng.

Trong khi đó, P.T.L. sang Thái Lan tháng 1-2021 bằng hình thức "đi chui". Lúc đầu, L. làm một lúc 3 công việc. Nhưng ngày 12-4 khi cô đang làm ở một quán ăn thì công an đến kiểm tra, L. bị bắt vì không có giấy tờ hợp pháp. Sau khi được trả tự do, L. đi tìm lại các chủ hàng quán trước đây nhưng người thì về quê, người thì ngưng bán do các lệnh hạn chế phòng dịch COVID-19.

L. cho biết nếu bị trục xuất, cô thậm chí không lo mà còn mừng vì đã muốn về Việt Nam từ lâu nhưng không có tiền. L. vẫn đang ở phòng trọ cũ, chủ nhà đã giảm giá 30% nên mỗi tháng chỉ còn phải đóng khoảng 1 triệu đồng tính theo tiền Việt. Hiện nay L. đang sống nhờ các phần ăn và hỗ trợ từ thiện từ cả người Thái Lan và đồng hương Việt Nam.

Người Việt tương trợ nhau

Chị Phan Thị Thùy Tiên - người Đà Nẵng, sống và làm việc tại thủ đô Bangkok 10 năm qua - chia sẻ với Tuổi Trẻ chưa lần nào chị thấy cuộc sống bà con lao động Việt Nam tại Thái Lan lại khó khăn như lúc này, đặc biệt là người lao động không có giấy tờ hợp pháp.

Từ tháng 4-2021 đến nay, khi xảy ra làn sóng dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất tại Thái Lan, có không ít người Việt Nam bị nhiễm COVID-19 buộc phải tự cách ly tại nhà do hệ thống y tế quá tải.

Với những người sống ở các khu nhà trọ đông đúc, Tiên và nhóm thiện nguyện tham gia hỗ trợ tìm phòng trống để họ có thể cách ly an toàn. Họ cũng phát quà hỗ trợ cho người Việt gặp khó khăn, mỗi phần quà khoảng 400 - 500 baht gồm các nhu yếu phẩm cơ bản mang tính động viên tinh thần.

Tiên cũng kết nối các nhóm thiện nguyện với nhau để liên lạc, tìm hiểu các hoàn cảnh khó khăn của người lao động Việt Nam để phối hợp hỗ trợ dài hạn và hiệu quả hơn vì nguồn lực từ các tổ chức, đoàn thể, nhà hảo tâm đang cạn dần.

Ngày 13-8, Tiên đã làm việc với quản lý của siêu thị Tops Market tại Bangkok để nhận thực phẩm gần hết hạn vào thứ tư, thứ năm hằng tuần, mỗi ngày khoảng 6 sọt gồm nhiều loại như rau, bánh, trái cây để phát lại cho những người có hoàn cảnh khó khăn. Tại Thái Lan, các nhà thờ có các xơ, cha người Việt cũng hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn như phụ nữ mang thai không có việc làm, người nhiễm COVID-19.

Từ tháng 1-2021, Tiên lập trang Facebook "Thông tin COVID-19 Thái Lan" để giúp cộng đồng người Việt Nam tiếp cận các tin tức chính thống về dịch bệnh COVID-19 của Thái Lan.

Sứ quán Việt Nam hỗ trợ nhu yếu phẩm

Trả lời Tuổi Trẻ, ông Lê Trung Kiên - bí thư thứ nhất tại Đại sứ quán (ĐSQ) Việt Nam ở Thái Lan - cho biết từ khi Thái Lan bùng phát dịch, đặc biệt là làn sóng dịch hiện tại từ tháng 4 đến nay, bên cạnh cung cấp thông tin phòng chống dịch, ĐSQ còn phối hợp các cơ quan chức năng sở tại và trong nước đưa 343 công dân thuộc đối tượng ưu tiên về nước trên chuyến bay hồi hương gần nhất ngày 30-6 (trong đó có nhiều công dân bị bắt do lao động, cư trú bất hợp pháp).

Theo ông Kiên, ĐSQ đang hỗ trợ thuốc, lương thực và các nhu yếu phẩm khác cho một số công dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do COVID-19, thăm lãnh sự, hỗ trợ thủ tục giấy tờ cho công dân bị bắt do lao động trái phép, đồng thời phối hợp với Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài và Tổng hội người Việt ở Thái Lan để chuyển 8.000 USD của Quỹ phòng chống dịch COVID-19 Việt Nam hỗ trợ các trường hợp bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh trong cộng đồng người Việt tại Thái Lan.

"ĐSQ đang tiếp tục kiến nghị Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao bố trí chuyến bay hồi hương trong thời gian sớm nhất nếu điều kiện và năng lực cách ly trong nước cho phép" - ông Kiên nói.

Lao động di cư Việt Nam đang chịu mức phí cao nhất? Lao động di cư Việt Nam đang chịu mức phí cao nhất?

TTO - Đại biểu Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) nói thấy câu hỏi kỳ họp trước ông đã đặt ra "phải chăng việc tồn tại nhiều loại chi phí như trên làm cho lao động di cư Việt Nam đang chịu mức phí cao nhất?" chưa được trả lời thỏa đáng.

HỒNG VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên