20/08/2022 12:41 GMT+7

'Lãnh đạo bị kỷ luật vẫn đưa vào ban chỉ đạo chống tham nhũng thì xử lý được ai'

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Vừa qua dư luận xôn xao về trường hợp Phó bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Trần Hồng Quảng dù đã bị kỷ luật cảnh cáo nhưng vẫn cơ cấu vào làm phó Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh...

Lãnh đạo bị kỷ luật vẫn đưa vào ban chỉ đạo chống tham nhũng thì xử lý được ai - Ảnh 1.

Phiên họp thứ 22 của Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực - Ảnh: TTXVN

Nguyên vụ trưởng Vụ 1 - Ủy ban Kiểm tra Trung ương - đề nghị nên có tổng rà soát lại ở tất cả các địa phương và nếu phát hiện thành viên nào nằm trong ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh có dấu hiệu vi phạm phải loại bỏ ngay.

Phải đưa ngay những người vi phạm ra khỏi ban chỉ đạo

Vừa qua dư luận xôn xao về trường hợp Phó bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Trần Hồng Quảng dù đã bị kỷ luật cảnh cáo nhưng vẫn được cơ cấu đưa vào làm phó Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh và sau khi dư luận, báo chí lên tiếng, tỉnh đã rút khỏi danh sách ban chỉ đạo.

Hay Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Phạm Xuân Thăng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận vi phạm đến mức phải xem xét kỷ luật nhưng trước đó là trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho rằng việc thành lập ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh là bước tiến lớn và bí thư tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của tỉnh hoàn toàn phù hợp.

Tuy nhiên vừa qua một số bí thư tỉnh ủy đã vi phạm bị kỷ luật, thậm chí xử lý hình sự, hay có bí thư tỉnh sau khi làm trưởng ban chỉ đạo rồi mới phát hiện vi phạm đến mức xem xét, kỷ luật.

Lãnh đạo bị kỷ luật vẫn đưa vào ban chỉ đạo chống tham nhũng thì xử lý được ai - Ảnh 2.

TS Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên thứ trưởng Bộ Nội vụ

"Việc sau khi đưa vào rồi mới phát hiện vi phạm là điều không mong muốn. Nhưng khi phát hiện vi phạm kể cả bí thư, trưởng ban hay bất cứ ai cũng phải xử lý, sai đến đâu xử đến đó và sau đó phải cho ra khỏi ban chỉ đạo", ông Dĩnh nêu.

Ông nhấn mạnh nếu ban chỉ đạo cấp tỉnh không gương mẫu, có những cá nhân vướng vào tham nhũng, tiêu cực, vi phạm, nhất là trưởng ban thì khó có thể kiểm tra, xử lý được người khác.

Do đó, vấn đề vô cùng quan trọng là chọn đúng người trong sạch, liêm chính, loại bỏ những người có "vết", vi phạm khỏi ban chỉ đạo.

Lãnh đạo bị kỷ luật vẫn đưa vào ban chỉ đạo chống tham nhũng thì xử lý được ai - Ảnh 3.

Ông Ngô Văn Sửu - Ảnh: ĐINH CHIẾN

Tự xem xét, nêu gương của bản thân cán bộ kém

Nhắc lại câu chuyện phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Ninh Bình bị kỷ luật nhưng vẫn đưa vào làm phó ban chỉ đạo, ông Ngô Văn Sửu, nguyên vụ trưởng Vụ 1 - Ủy ban Kiểm tra Trung ương, dẫn lại ý kiến Tổng bí thư đã nhiều lần nhắc nhở việc chọn người vào ban chỉ đạo phải trong sạch, gương mẫu.

Nhưng một cán bộ đã bị kỷ luật cảnh cáo mà vẫn đưa vào làm phó ban thì rõ ràng chính địa phương phải xem xét lại trách nhiệm, việc lựa chọn cán bộ của mình.

Theo ông Sửu, lẽ ra ông phó bí thư tỉnh ủy khi thấy mình bị kỷ luật cảnh cáo mà vẫn được đề cử, đưa vào danh sách ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải có trách nhiệm nêu gương, xin rút, không tham gia nhưng không thấy có việc này.

Các cán bộ liên quan ở tỉnh hay trong ban chỉ đạo khi thấy ông phó bí thư đã bị kỷ luật mà vẫn có tên, cơ cấu làm phó ban phải nêu ý kiến nhưng cũng không thấy có. Chỉ khi báo chí, dư luận lên tiếng tỉnh mới xem xét, có quyết định đưa ra.

"Rõ ràng ngoài việc tự xem, tự xét, nêu gương của bản thân cán bộ kém thì việc đấu tranh trong nội bộ ở đây cũng có vấn đề. Dư luận sẽ đặt câu hỏi phải chăng có sự ngại va chạm, ngại ý kiến, không dám góp ý, sợ mất lòng với lãnh đạo, người đứng đầu.

Việc này cần nhìn nhận một cách rất nghiêm túc. Không bao giờ được đưa những người đã bị kỷ luật, thiếu gương mẫu, "nhúng chàm" vào ban chỉ đạo rồi lại đi kiểm tra, xử lý người khác", ông Sửu chỉ rõ.

Ông cũng đề nghị sau sự việc ở Ninh Bình và Hải Dương thì Ban chỉ đạo trung ương cũng như cơ quan có thẩm quyền nên có đợt rà soát lại ở tất cả các địa phương xem những thành viên nào nằm trong ban chỉ đạo các tỉnh, thành có dấu hiệu vi phạm, tham nhũng, tiêu cực phải loại bỏ ngay.

Đồng thời các cán bộ, nhất là người đứng đầu phải xác định trách nhiệm nêu gương, khi thấy mình không đủ tư cách, đạo đức, liêm chính thì xin không tham gia ban chỉ đạo và tổ chức đảng phải dám nói, dám đấu tranh. Đừng vì cơ cấu mà để những cán bộ kém đức, kém tài, vi phạm vào đó.

Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học trước đó cũng nêu quan điểm của ban chỉ đạo là phát hiện từ sớm, cảnh tỉnh từ xa, còn khi cán bộ đã đưa vào ban chỉ đạo mới phát hiện vi phạm là không tốt, không nên.

Ông cho rằng, không vì cơ cấu mà xem nhẹ tiêu chuẩn, gương mẫu. Những người đã tham gia ban chỉ đạo mà giờ mới bị phát hiện sai phạm, khuyết điểm phải xử lý, sau khi xử lý sẽ đưa ra khỏi ban chỉ đạo. Quan trọng là "không bao che, giấu giếm, sai đến đâu xử lý tới đó".

Ông Trần Hồng Quảng không còn làm phó Ban chỉ đạo chống tham nhũng tỉnh Ninh Bình Ông Trần Hồng Quảng không còn làm phó Ban chỉ đạo chống tham nhũng tỉnh Ninh Bình

TTO - Theo quyết định của tỉnh Ninh Bình, ông Trần Hồng Quảng - phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Bình - không còn trong danh sách là phó Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên