Lang thang Murgab

BÀI VÀ ẢNH: TRẦN THÁI HOÃN 23/07/2019 18:07 GMT+7

TTCT - Murgab không hề có tên trong lịch trình dự kiến của tôi, bởi tôi chưa từng biết tới nơi này. Chỉ là bởi sự tình cờ dẫn lối ghé vào và niềm mến yêu cảnh trí giữ tôi nán lại. Nhưng khoảng thời gian ngắn an yên lang thang con phố biên ải nắng nung, chao nghiêng mưa phủ và gió bụi mịt mù đã thêm vào bộ sưu tập lang thang của tôi một chữ “đầu tiên” quý giá.

Hai em bé Murgab trước một căn lều da dê cổ truyền. Những gia đình Murgab vẫn dựng lều dù họ có nhà xây và cả xe hơi.
Hai em bé Murgab trước một căn lều da dê cổ truyền. Những gia đình Murgab vẫn dựng lều dù họ có nhà xây và cả xe hơi.

Đích đến dự kiến của tôi hôm đó là thành Khorog, Tajikistan, bên kia sông là Afghanistan huyền bí. Nhưng mọi chuyện đều có chữ duyên riêng, nhất là với kẻ lang bang vô độ như tôi, cứ thấy thích là nhảy đại xuống. May sao, Murgab quả là điểm dừng chân thú vị bất ngờ.

Thích cảnh, mến người

Sau một đêm buốt giá co ro một mình trong căn phòng lạnh ngắt ở Sary Tash - ngôi làng tại ngã ba biên giới Kyrgyzstan giáp Tajikistan và Trung Quốc, tôi thức sớm, lang thang. Tôi đã nghĩ chỉ lát nữa mình sẽ chia tay đất nước xinh đẹp này để qua một xứ sở hoàn toàn lạ lẫm khác.

Sau bữa sáng nhẹ nhàng ở lữ điếm Eliza vắng teo khách, cô chủ lữ điếm đưa tôi ra đường giúp đón xe. Ở miền biên giới hoang vu này chưa có phương tiện công cộng qua lại, chủ yếu là xe tải và ít xe du lịch. Chờ hồi lâu, tôi ái ngại, nói cô hãy về để tôi chờ một mình.

Cô nhất quyết đứng đợi cùng. Vận may kịp tới, một chiếc SUV của ba thanh niên Nga vừa đi du lịch Kyrgyzstan, qua chơi tiếp Tajikistan, ghé lại. Cô gái trao đổi nhanh với họ rồi kêu tôi lên xe, dặn tôi không phải trả tiền vì cô đã xin giúp đi ké. Cả mấy anh chàng cũng đang hướng đến Khorog.

Ba cậu trẻ Nga tếu táo, ham vui, liên tục dừng để chụp ảnh nên tôi cũng được ké theo. Ở con đèo biên giới Kyzylart cao 4.280m, ven hồ xanh lừng danh Karakul - di sản thế giới UNESCO (khác với hồ Karakul bên Tân Cương), họ tận tình chờ tôi dẫu thủ tục rời Kyrgyzstan nhập cảnh Tajikistan hơi lâu vì theo biên phòng, tôi là người Việt Nam đầu tiên ngang đây bằng đường bộ. Những cư dân hai bên biên giới Kyrgyz-Taji này cũng nói tôi là người Việt họ thấy lần đầu. Điều đó làm tôi thấy vui vui.

Chợ “container” của Murgab khá thô sơ, người đi chợ cũng thưa thớt.
Chợ “container” của Murgab khá thô sơ, người đi chợ cũng thưa thớt.

Cả đoàn dừng chân nghỉ ở Murgab. Lúc trên xe, tôi đề nghị góp tiền xăng nhưng bị từ chối. Trong lúc mọi người rửa ráy sau con đường bụi kinh khủng, tôi vọt nhanh ra ngoài ngó nghiêng, thăm thú, rồi quyết định nhanh một điều.

Sau bữa trưa vui vẻ cùng vợ chồng chủ nhà trẻ và nồng hậu, mọi người gọi tính tiền để chuẩn bị lên xe đi tiếp tới Khorog, chủ nhà thông báo tôi đã trả tiền. Tôi nói với những người bạn đồng hành dễ mến đang ngạc nhiên rằng đó là cách người Việt cảm ơn mọi người đã giúp đỡ.

Và tôi nói lời tạm biệt họ, quyết định sẽ ở lại Murgab, chúc các bạn lên đường vui vẻ. Sau phút chia tay bịn rịn, những người bạn Nga lên đường, mình tôi cõng balô leo lên con đường dốc đèo bụi mù kiếm chỗ nghỉ. Sau này, như một mối duyên, tôi được gặp lại những người bạn Nga ấy trên đất Tajikistan.

OLYMPUS DIGITAL CAMERA
 

Những thời khắc giao hòa

Tôi quyết định ở lại Murgab vì mấy điều, đầu tiên vì không muốn làm phiền các bạn Nga thêm khi biết từ Murgab đã có xe đi Khorog, nhất là khi các bạn ấy không để tôi chia sẻ chi phí đi lại. Thứ nữa, chỉ ngó đã thấy ngôi làng biên ải này ẩn chứa nhiều điều hay, cộng thêm việc đọc được vài thông tin thú vị về xa lộ Pamir lừng danh mà bao người mơ ước đặt chân đến.

“Nhảy dù” đại xuống Murgab, ấy vậy mà tôi đã có được một khoảng thời gian thật thú vị ở miền đất chưa từng nghe tới này.

Nằm ở độ cao 3.650m, tương tự Lasha bên Tây Tạng, Murgab là thị trấn sơn cước cao nhất đất nước Tajikistan bây giờ, thậm chí cao nhất toàn Liên Xô ngày cũ.

Chỉ một thông tin này thôi nhưng đọc được là tôi đã muốn ở lại, để kiếm thêm một chữ “nhất” vào bộ sưu tập lang thang của mình. Nhưng cao độ đó cũng là bước cản khá lớn cho các dự định ở Murgab, sau trở ngại như kinh phí và chuyện đi rong một mình.

Như nhiều cảm thán lưu lại “in town there is nothing to do” (tạm dịch: chẳng có cái quái gì để ngó, chơi trong phố), những điểm đến hay lạ đều phải đi khá xa và phải thuê xe; chuyến đi càng đắt đỏ hơn nếu đi một mình và phải bao cả chuyến.

Còn phương án khác là dùng xe đạp, nhưng vì từng chứng kiến những lữ khách “đồng bọn” người Âu, Mỹ chủ quan đạp xe đợt đi Lasha, nửa đêm đi cấp cứu, có người bỏ luôn chuyến... nên ở Murgab - nơi cao như Lasha, với cái nóng trưa chừng 400C rát bỏng, không bóng cây, tôi không dám liều mạng đạp xe.

Một bếp lò đơn sơ, nhiều công dụng ở giữa chợ Murgab. Lửa đã nổi lên, chờ rót trà thôi.
Một bếp lò đơn sơ, nhiều công dụng ở giữa chợ Murgab. Lửa đã nổi lên, chờ rót trà thôi.

Chưa kể đã qua 3 tháng lông bông, ăn uống thất thường, người nhàu nhĩ... Thủ tục đăng ký cũng lôi thôi (ở Kyrgyzstan và Tajikistan, du khách phải đăng ký một lần, một thủ tục dạng tạm trú tạm vắng ở Việt Nam) khiến tôi mất gần buổi sáng ở đồn. Thời gian còn chẳng là mấy, chỉ vừa đủ để tôi thong thả dạo bước, có nhiêu ngó nhiêu, chẳng dám ham hố gì nhiều.

Leo lên đồi cao canh chờ những thời khắc thay đổi rất nhanh và lạ của đất trời nơi đây xong, tôi lê la trong các xóm nhỏ. Cảnh trí nơi này nói lên một đời sống còn khá khó khăn.

Nhà cửa được xây cất thấp lè tè để tránh dông gió dữ dội, thứ dông gió mà chỉ hai ngày ở đây tôi hưởng tới mấy trận. Cả vùng chỉ có ngôi nhà thờ Hồi giáo thanh thoát cao được quét vôi ve tinh tươm. Một khu chợ với những thùng container làm quầy hàng bên cạnh mấy túp lều da dê.

Bữa sáng đơn giản, đặc trưng với bánh mì dẹt và ấm trà Trung Á.
Bữa sáng đơn giản, đặc trưng với bánh mì dẹt và ấm trà Trung Á.

Nhưng phía sau vẻ lụp xụp của những túp lều ấy, không gian bên trong lại rất chỉn chu, sàn được lót thảm, tường treo tranh thảm với nhiều cỏ hoa trang trí. Những người dân Murgab đôn hậu chỉ dẫn cặn kẽ cho tôi cách kiếm đồn công an, hỏi han xe cộ...

Hàng hóa ở các quầy kệ giản đơn, chỉ thức ăn đa dạng. Tôi uống thêm mấy chai Baltika số 9 ngọt lạnh mang từ Nga qua để nâng thêm vị và hương cho món bánh mì dẹt vàng rụm, giòn thơm cùng xiên thịt cừu nướng nóng hổi, thơm lựng đặc trưng vùng Trung Á.

Tôi chia tay Murgab, lên chuyến xe đêm đi Khorog và rốt cuộc được đi trên xa lộ Pamir huyền thoại cao lưng chừng trời lúc đêm khuya trong veo.

Bên ngoài hơi lụp xụp, nhưng bên trong các căn nhà Murgab khá nhiều màu sắc, tinh tươm và gọn ghẽ.
Bên ngoài hơi lụp xụp, nhưng bên trong các căn nhà Murgab khá nhiều màu sắc, tinh tươm và gọn ghẽ.

Những lần xe dừng nghỉ, bước xuống đường ngắm cảnh, tưởng như có thể vươn tay chạm đến những vì sao. Những thời khắc thanh khiết trên con đường khuya Murgab - Khorog ấy sẽ chẳng thể nào quên được. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận