15/02/2022 19:26 GMT+7

Lạng Sơn chặn xe nông sản xuất khẩu từ 16-2, doanh nghiệp làm gì?

HÀ QUÂN
HÀ QUÂN

TTO - Nhiều doanh nghiệp đề xuất giải pháp để các xe container chở hàng hóa sớm xuất khẩu sang Trung Quốc, nhất là khi theo báo cáo của Sở Công thương Lạng Sơn, đến sáng 15-2, còn trên 1.900 xe hàng chưa thể thông quan.

Lạng Sơn chặn xe nông sản xuất khẩu từ 16-2, doanh nghiệp làm gì? - Ảnh 1.

Xe container ùn ứ trên bãi xe Bảo Nguyên (khu vực cửa khẩu Tân Thanh), tỉnh Lạng Sơn - Ảnh: HÀ QUÂN

Ngày mai (16-2), tỉnh Lạng Sơn dừng tiếp nhận phương tiện chở hàng hoa quả tươi lên các cửa khẩu đường bộ để xuất sang Trung Quốc. Thời hạn dự kiến là 10 ngày, kết thúc vào 25-2. 

Trước thông tin trên, nhiều doanh nghiệp đã ngừng đưa xe lên các cửa khẩu của Lạng Sơn để theo dõi thêm tình hình hoặc chuyển hướng sang các cửa khẩu khác như Móng Cái (Quảng Ninh).

Làm gì để xuất nhiều hàng hơn?

Anh Gia Huy - đại diện một công ty chuyên xuất khẩu thanh long, xoài, mít - chia sẻ ngày trước doanh nghiệp anh thông quan được 20 xe/ngày nhưng giờ chỉ còn 4-5 xe. 

"Chủ hàng Trung Quốc sốt ruột nhưng không thể làm gì. Lâu dài hàng sẽ ùn ứ tất cả các cửa khẩu, chỗ nào đi được thì xe sẽ dồn về chỗ ấy, anh em tài xế giảm thu nhập, công ty giảm lợi nhuận… Nếu phía Trung Quốc kéo dài thời gian làm việc đến 18h tối thì lượng hàng xuất đi nhiều hơn", anh Gia Huy nói.

Trong khi đó, chị Trần Thị Hằng - đại diện Công ty cổ phần vận tải Thái Việt Trung - đưa ra hai phương án. Thứ nhất, cơ quan chức năng cần có cơ chế phân loại hàng hóa. “Cơ quan chức năng có thể cho phép thông quan xe hoa quả tươi - xe khác ở mức 70-30 hoặc 60-40 đồng thời theo hai hàng. Những xe chở hàng điện tử, thời trang… đã có hợp đồng nên khách Trung Quốc nhận bất cứ lúc nào, từ đó giảm lượng xe lưu ở bãi", chị Hằng nói.

Thứ hai, khởi động lại chương trình vượt tuyến. Trước đó, xe rỗng Trung Quốc đã giao hàng tại Việt Nam có thể lấy hàng xuất khẩu ngay trong ngày. Doanh nghiệp chỉ cần làm đơn có xác nhận của đơn vị quản lý cửa khẩu, bến bãi. Từ đó giảm thời gian chờ đợi, giảm gánh nặng xe xuất khẩu tồn đọng, giảm thiệt hại cho doanh nghiệp xuất khẩu.

"Các cơ quan ban ngành cần xây dựng phương án giải quyết vấn đề ùn ứ xe container song song với việc nâng cao số lượng xe hàng xuất khẩu. Nếu xe container phải nằm chờ ở bãi lâu, doanh nghiệp chịu thêm chi phí phát sinh, tăng chi phí khấu hao phương tiện trong khi tiền lãi vay ngân hàng vẫn phải trả đúng hạn", chị Hằng bày tỏ.

Lạng Sơn chặn xe nông sản xuất khẩu từ 16-2, doanh nghiệp làm gì? - Ảnh 2.

Xe container chở hoa quả tươi như mít, chuối, thanh long, dưa hấu... chờ nhiều ngày để thông quan - Ảnh: HÀ QUÂN

Lo ngại thiệt hại dây chuyền 

Theo chị Trần Thị Hằng, những năm gần đây số lượng doanh nghiệp FDI phụ trách gia công hàng xuất sang Trung Quốc như hàng thời trang (Nike, Adidas, Uniqlo), hàng điện tử (Samsung, Apple, LG)… tăng rất mạnh. Nhưng những tháng gần đây, các xe container hoa quả tươi ùn ứ kéo dài, chưa thể thông quan gây ảnh hưởng tới cả các xe chở hàng điện tử, thời trang…

"Chẳng hạn, trước mùa xuân hè, doanh nghiệp phải sản xuất từ cả tháng trước để kịp đóng hàng xuất khẩu vì khâu vận chuyển mất khoảng 15 ngày. Nhưng hiện nay xe container chở hàng linh kiện điện tử, thời trang đang phải xếp hàng sau xe hoa quả.

Thiệt hại dễ thấy là có container hàng điện tử có giá trị lớn từ 1 - 2 triệu USD, trong khi mỗi xe hoa quả rơi vào 400 - 500 triệu đồng. Thiệt hại vô hình kèm theo là nhà máy thiếu nguyên liệu sản xuất dẫn đến hàng trăm nghìn công nhân có nguy cơ mất việc hoặc giảm giờ làm, hàng lỗi mốt, đứt gãy chuỗi cung ứng…

Lâu dài, các tập đoàn đầu tư nước ngoài sẽ "cân nhắc" khi chọn Việt Nam là địa điểm gia công hoặc chuyển sang nước khác như Ấn Độ, Indonesia dẫn tới nhiều người lao động mất việc làm, giảm thu nhập... Hàng hóa chậm vài ngày thì được, nhưng chậm 10 - 15 ngày không doanh nghiệp nào chịu được", chị Hằng chia sẻ. 

Giải pháp đã có, khó ở 'Zero COVID'

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn Nguyễn Đình Đại cho hay tỉnh đã có thông báo dừng tiếp nhận các xe hoa quả tươi từ ngày 16-2, sau khi xem xét sẽ có đánh giá tình hình.

"Cơ quan chức năng đã thông báo, khuyến cáo, không cho các xe chở nông sản vào tỉnh. Lực lượng chức năng sẽ chặn ngay đầu tỉnh. Trước đã triển khai nên doanh nghiệp cũng nắm bắt tình hình, không đưa hàng lên nữa hoặc tìm phương án khác. Nếu còn tiếp tục đưa hàng lên thì sinh ra tình trạng ùn ứ hàng hóa, gây thiệt hại cho doanh nghiệp như chi phí tăng do chờ đợi", ông Đại cho biết thêm.

Theo ông Đại, cơ quan chức năng Lạng Sơn tích cực thông thương hàng hóa đến 10h đêm. Nhiều giải pháp được đưa ra như đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, tập trung vào các loại trái cây, nông sản đang vào vụ thu hoạch; xem xét, hướng dẫn doanh nghiệp chuyển hướng xuất khẩu sang đường thủy, đường sắt; mở rộng thị trường sang các nước khác. 

Tuy vậy, năng lực thông quan hạn chế là do chiến lược "Zero COVID" từ phía Trung Quốc.

Theo Sở Công thương Lạng Sơn, đến sáng 15-2, cửa khẩu Tân Thanh và Hữu Nghị còn tồn 1.925 xe hàng hóa, tăng 63 xe so với ngày 14-2. Trong đó, lượng xe chở hoa quả chờ xuất khẩu là 1.590 xe.

Trời rét, tài xế chui xuống gầm xe nấu ăn chờ xuất hàng sang Trung Quốc Trời rét, tài xế chui xuống gầm xe nấu ăn chờ xuất hàng sang Trung Quốc

TTO - Ngày 12-2, Sở Công thương Lạng Sơn đã có thông báo dừng tiếp nhận xe chở hoa quả tươi xuất khẩu từ ngày 16 đến 25-2, nhưng nhiều doanh nghiệp, tài xế vẫn ùn ùn lên cửa khẩu vì nhiều lý do.

HÀ QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên