03/10/2019 13:38 GMT+7

Lắng nghe thiên nhiên qua thế giới sách

NỮ LÂM
NỮ LÂM

TTO - Rừng Amazon cháy, băng tan ở Bắc Cực và cận kề là không khí ô nhiễm ở Hà Nội. Thiên nhiên đang gửi đến con người những lời cảnh báo.

Lắng nghe thiên nhiên qua thế giới sách - Ảnh 1.

“Sống xanh” đang là chủ đề được nhiều độc giả trẻ quan tâm - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Thế giới sách kỳ này giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách về chủ đề sống xanh, bảo vệ môi trường gây chú ý gần đây.

Tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu toàn cầu tháng 9 vừa rồi, hình ảnh gây tranh cãi của Greta Thunberg đòi hỏi những "người lớn" phải có những biện pháp mạnh mẽ để cải thiện tình trạng Trái đất khiến thế giới chia làm hai phe: ủng hộ và phản đối. Điều này làm ta nhớ đến Rachel Carson năm 1962 phải ra điều trần trước Thượng viện Hoa Kỳ vì tác phẩm Mùa xuân vắng lặng của mình.

“Tôi không thích cây cối gì mấy, nhưng Tinh thần sống xanh làm tôi muốn chạy ra ngoài và ôm lấy cây sồi gần nhất. Không phải vì cây mà vì chính lợi ích của bản thân tôi.

ERIC WEINER (New York Times)

Mặt tối của cuộc chạy đua cách mạng công nghiệp

Cho đến nay, Mùa xuân vắng lặng (Khánh An dịch) vẫn được xem là kinh điển trong số những tác phẩm viết về môi trường. Không chỉ vạch ra những mặt tối của cuộc chạy đua cách mạng công nghiệp ở các nước tư bản, Carson còn lên án việc sử dụng các loại thuốc trừ sâu vô tội vạ trong nông nghiệp, gây những tác động rất xấu đến môi trường cũng như sức khỏe con người, biểu hiện trực tiếp là căn bệnh ung thư.

Cùng tư tưởng trên, người được mệnh danh là "cha đẻ của nông nghiệp tự nhiên" Masanobu Fukuoka (1913-2008) hướng đến một nền nông nghiệp hài hòa với thiên nhiên, thông qua tác phẩm Cuộc cách mạng một-cọng-rơm (XanhShop dịch), Fukuoka thể hiện lòng sùng kính của một lão nông trước đất đai, ruộng đồng đã ban tặng cho ông những sản vật tốt cho sức khỏe, giúp Fukuoka thọ 95 tuổi, trong khi Carson chỉ hai năm sau Mùa xuân vắng lặng xuất bản, đã qua đời vì bệnh ung thư, biến mình thành minh họa về tác động của thuốc hóa học lên con người.

50 năm qua, lời cảnh tỉnh của Rachel Carson vẫn nguyên giá trị. Chúng ta vẫn đi trên cái lằn ranh giữa chọn lựa phát triển và hủy hoại môi trường. Trong suốt khoảng thời gian đó, không thiếu những lời "đe dọa" Trái đất đang đến hồi tận diệt như Mark Kurlansky tuyên bố trong Khi loài cá biến mất (Lê Nhật Thắng dịch) chỉ ra viễn cảnh khi loài cá biến mất hoàn toàn trên Trái đất, hay gần đây Elizabeth Kolbert đưa ra tiên đoán về một Đợt diệt chủng thứ sáu (Trần Trọng Hải Minh dịch) do các hoạt động sản xuất của con người đã thải ra môi trường quá nhiều carbon dioxide, làm axit hóa các đại dương, phá rừng để lấy đất xây dựng, canh tác...

Tiêu dùng thông minh, hạn chế thải nhựa

Bên cạnh việc kiếm tìm những giải pháp vĩ mô, nhiều người đang có xu hướng quan tâm những hành động nhỏ thiết thực gần gũi hơn, tiêu biểu là hạn chế sử dụng đồ nhựa và thải nhựa ra môi trường như cách Hiệp hội Bảo tồn biển đã làm, khi nêu lên hiện trạng nhựa được sử dụng quá nhiều và thiếu ý thức trong Đời không plastic (Hoàng Ngọc Phố dịch).

Cùng niềm hi vọng mỗi người lưu tâm loại bỏ những sản phẩm nhựa không cần thiết, Martin Dorey bày cách "làm thế nào để cứu thế giới chỉ với hai phút mỗi ngày?" trong cuốn sách No. More. Plastic (Quỳnh Chi dịch).

Chưa bao giờ như hôm nay, khẩu hiệu "cứu lấy hành tinh/Trái đất" được nhắc đi nhắc lại nhiều đến thế. Nhưng chúng ta sẽ tự cứu mình bằng cách nào đây? Theo tác giả Bea Johnson trong Zero Waste Home - Nhà Không Rác (Đoàn Thơm - Trường Huy dịch), con người không chỉ đang gánh chịu những mối nguy về sức khỏe mà còn đối diện với sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên vì nhu cầu sản xuất và tiêu thụ. Do đó, bà hướng con người đến hành động tiêu dùng thông minh, nhằm hạn chế tạo ra lượng rác thải không cần thiết.

Chúng ta đang tránh né hay thực sự không hiểu những vấn đề môi trường? Chúng ta có dành thời gian trở về thiên nhiên, để lắng nghe, thấu hiểu thứ thật sự đang bảo vệ mình như Henry David Thoreau với Walden - Một mình sống trong rừng? Cũng đắm mình trọn vẹn vào rừng, trong cuốn Shinrin-Yoku - Nghệ thuật tắm rừng của người Nhật (Nguyễn Ngà dịch), tác giả Quing Li hồi tưởng lại thờ thơ ấu của mình giữa thiên nhiên qua hoạt động "tắm rừng", nghĩa là lắng nghe tiếng lá xào xạc, ngửi mùi thơm, nhìn sắc hoa và chạm vào cỏ.

Hay như trong Tinh thần sống xanh (Phạm Mây Mây dịch), Florence Williams nhắc nhở con người kết nối với thiên nhiên - nguồn năng lượng giúp ta khỏe mạnh, sáng tạo hơn. Đi sâu hơn, với tác phẩm Đời sống bí ẩn của cây (Thanh Vy dịch), Petter Wholleben cảm nhận về rừng như một thực thể có linh hồn, để rồi khi gấp sách lại, người đọc sẽ có cái nhìn khác về mỗi cành cây ngọn cỏ và nhận ra đời ta cũng không khác gì đời sống của một cái cây.

Qua từng tác phẩm, mỗi tác giả đang đưa một giải pháp để cố "cứu lấy hành tinh", à không, "cứu lấy chính ta" mới đúng!

Cứu lấy chính ta

Danh hài độc thoại George Carlin trong một chương trình được thực hiện cách nay hàng chục năm đã nói câu này: "Trái đất sẽ không đi đâu cả, chính chúng ta sẽ ra đi". Gần đây, đoạn video clip cắt ra từ chương trình của Carlin bỗng nhiên được lan truyền lại trên mạng xã hội và lần nữa chia rẽ dư luận. Những lời lẽ châm biếm của Carlin không lọt tai nhiều người, nhưng điều ông chỉ ra không sai: con người mới là đối tượng cần được cứu và thông điệp bảo vệ môi trường nên thay đổi từ "cứu lấy hành tinh" sang "cứu lấy chính ta".

Bà ĐÔNG VY (phó giám đốc phụ trách nội dung Công ty sách Phương Nam):

Các bạn trẻ hoạt động vì môi trường đang cần thêm tài liệu

Chủ trương của Phương Nam là sẽ tiếp tục làm sách về môi trường. Hiện có nhiều nhà hoạt động về môi trường, và chúng ta cần những nền tảng sâu sắc, không nên chỉ làm cho vui mà không có sự am hiểu gốc rễ rằng tại sao mình làm vì môi trường.

Một số bạn trẻ chia sẻ họ muốn biết sâu hơn về đa dạng sinh học, vì sao ta cần phải đa dạng sinh học... nhưng không biết tìm tài liệu ở đâu; dòng sách này của Phương Nam sẽ mang lại thêm tài liệu, tư liệu cho các bạn. Như quyển Mùa xuân vắng lặng chính là giúp người đọc nắm bắt kỹ hơn rằng tại sao ta phải hành động vì môi trường, rằng việc sử dụng các hóa chất độc hại ảnh hưởng đến môi trường như thế nào và gây ra hậu quả quật ngược lại đời sống con người ra sao...

sach moi truong

Giới xuất bản đang quan tâm nhiều hơn đến dòng sách “xanh” - Ảnh: NỮ LÂM

Ông NGUYỄN XUÂN MINH (trưởng phòng bản quyền Công ty sách Nhã Nam):

Các em thiếu nhi sẽ tác động để người lớn thay đổi

Dòng sách về môi trường, sống xanh, tuyên truyền ý thức bảo vệ môi trường... trở thành nội dung nổi bật trên các sách ở nước ngoài từ năm ngoái hoặc năm kia. Riêng ở ta có tác giả Trang Nguyễn rất tích cực viết về công tác bảo vệ môi trường. Cuối năm nay Nhã Nam sẽ ra quyển Một trăm điều nhỏ nhặt tớ làm cho Trái đất, cũng thuộc dòng sách bảo vệ môi trường, dành cho thiếu niên từ mười tuổi và cả người lớn.

Trong kế hoạch xuất bản, chúng tôi còn ít nhất mười đầu sách về chủ đề môi trường và Trái đất sẽ ấn hành dần từ bây giờ đến đầu năm 2020, chủ yếu là sách dành cho thiếu nhi và thiếu niên. Chính các thiếu niên là chủ lực tác động đến cha mẹ để có những thay đổi trong các hành động có hại cho môi trường như dùng túi nilông một cách vô tội vạ chẳng hạn. Ngoài ra cũng có một số đầu sách chuyên sâu hơn về môi trường, về ô nhiễm không khí và ô nhiễm nguồn nước, dành cho đối tượng người lớn và cả các nhà quản lý về môi trường chứ không phải là sách cho bạn đọc phổ thông.

Lam Điền ghi

Ngây ngất với thiên nhiên và đời sống người Việt  qua ảnh Ngây ngất với thiên nhiên và đời sống người Việt qua ảnh

TTO - Những khoảnh khắc sống động về thiên nhiên, non nước Việt cùng những khoảnh khắc đẹp về sinh hoạt đời sống của người Việt trăm miền đã được các tác giả ghi lại và đang được giới thiệu tới công chúng Hà Nội.

NỮ LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên