11/01/2022 08:57 GMT+7

Làng mai tỉ phú miền Tây: Nhìn mới đã, nhiều cây tiền tỉ cũng chưa bán

SƠN LÂM
SƠN LÂM

TTO - Chỉ 10 năm, vùng bưng nghèo với lúa hai vụ đã vươn lên thành làng mai tỉ phú Tân Tây danh tiếng vùng Đồng Tháp Mười. Và điều rất kỳ lạ là những cây mai ở đây đều 'lớn nhanh như thổi'.

Làng mai tỉ phú miền Tây: Nhìn mới đã, nhiều cây tiền tỉ cũng chưa bán - Ảnh 1.

Gốc mai có vòng hoành gần 110cm được nhiều người "săn" giá hơn 1,2 tỉ đồng, nhưng ông Hai Vị không bán - Ảnh: SƠN LÂM

Những "Hai lúa" ngày nào giờ đã thành nghệ nhân làng mai Tân Tây (xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An). Họ đang chuẩn bị cho "phút 89" của phiên chợ hoa ngày Tết.

Mai thơm thay cây tràm

Chúng tôi hẹn với ông Nguyễn Văn Hoàng, trưởng ban đại diện làng mai Tân Tây, về thăm những ngày cuối năm. Làng mai Tân Tây đã không còn xa lạ với người thích loại cây đặc trưng Tết trời Nam nữa, nhất là khi nó trở thành dòng chữ in lớn trên chiếc cổng khang trang tại cây số 22 của quốc lộ 62.

Qua thêm nhiều cây cầu bêtông nhỏ bắc qua kênh, chúng tôi mới tới được nhà ông Hai Vị - nơi "khởi điểm" của làng mai Tân Tây theo lời giới thiệu của ông Hoàng. Đó là một căn nhà khang trang được mai bao bọc xung quanh. "Có 4 mẫu hà, bọn nó chọc tui là giờ có trăm tỉ, mà nói ngay chứ đâu ra trăm tỉ. Có được mấy gốc mai người ta hỏi tiền tỉ không bán thì có" - ông Hai Vị, tên thật là Trần Văn Vị, nay 74 tuổi, cười ha hả pha trà mời khách.

Qua tuần trà, ông Hoàng mới thay chủ nhà Hai Vị kể đầy đủ chuyện làng mai hình thành. Chuyện bắt đầu từ anh Trần Văn Thống, con thứ bảy của ông Hai Vị, từng đi học nghề hoa kiểng xứ hoa Chợ Lách (Bến Tre).

"Năm 1999, chú Thống học cứng nghề, rồi đưa giống mai thơm từ Chợ Lách về đây trồng một hàng ven bờ kênh trước nhà. Năm 2005, người ta mua hàng mai ấy với giá 480 triệu đồng. Từ đó, người dân nơi đây mới biết cây mai có giá trị dữ vậy, lại dễ trồng, nên trồng theo" - giọng ông Hoàng hào hứng.

Thoáng xúc động khi nghe người khác kể về đứa con giỏi giang mà mất sớm vì bệnh, ông Hai Vị gật gù: "480 triệu đồng hồi ấy lớn dữ lắm, tui không còn nhớ lúc ấy tổng cộng mấy cây mai mà ra được giá ấy, chỉ nhớ hơn chục gốc. Nhưng sau vụ đó thì tui lên liếp trồng mai luôn".

Liếp mai đầu tiên ông Hai Vị nhớ rất rõ, vì khi ấy hàng loạt người can ngăn. Một vùng heo hút cách trở, từ khi có người về đây khai phá thì chỉ có biết mỗi trồng tràm với trồng lúa, mà cha con nhà ông Hai Vị dám bỏ ruộng, lên liếp "chơi" cái thứ hoa hòe này.

"Lên liếp đầu tiên, cha con tui còn bị phạt tội chuyển đổi sử dụng đất không đúng mục đích nữa chớ. Mà cán bộ xã bấy giờ cũng thương, chỉ phạt nhẹ 150.000 đồng, vé phạt thấp nhất lúc đó" - ông Hai Vị cười kể chuyện cũ.

Rồi từ liếp đầu tiên, ông Hai Vị lên liếp luôn hết 4 mẫu (ha) đất của mình để trồng mai và trở thành người thu lợi từ cây mai nhiều nhất ở làng này. Trước Tết năm 2021, hơn 200 cây mai trong vườn của ông được người ta mua hơn chục tỉ đồng. "Đủ rủng rỉnh xài suốt năm qua rồi", ông Hai Vị lại cười rổn rảng.

Không thấy tận mắt thật khó tin. Những gốc mai có vòng hoành gốc trên 100cm rất khó kiếm, giá tiền tỉ. Mai gốc lớn vậy phải ươm từ hạt, thổ nhưỡng tốt và nhanh lắm cũng gần 40 năm. Nên những gốc mai ở Tân Tây lớn như vậy mà chỉ trồng mười mấy năm thì đúng là rất lạ.

Anh Nguyễn Toại Nguyện (nghệ nhân làng mai Bình Lợi, TP.HCM)

Làng mai "lớn nhanh như thổi"

Câu chuyện về mai kể chưa hết, ông Hai Vị đã chặc lưỡi mời chúng tôi ra xem bằng câu nói rất... miền Tây: "Nhìn mới đã, chớ biết nói sao giờ".

Cây mai đầu tiên mà ông Hai Vị "ra mắt" nằm bên hông nhà, trước ngôi mộ của anh Thống - người được dân trong vùng nhắc đến với một giọng hàm ơn khi đưa mai từ Bến Tre về gieo. Đó là một cây mai cũng do chính tay anh Thống từng ươm trồng, với gốc nằm ngang, nổi từng vòng "cơ bắp" như thế một con vật đang nằm.

"Thấy bộ đế (bộ rễ - PV) độc chưa. Đặc điểm mai ở đây là vậy đó, bộ đế rất độc. Vì cây dễ sống nên khi thân nó bằng đốt tay, mình bẻ oằn xuống cái là bữa sau lại có rễ mộc ra tiếp đất ngay chỗ oằn" - ông Hoàng không giấu nghề nói.

Cây mai thứ hai nằm ở vườn phía trước nhà. Giữa những liếp mai mới trồng được vài năm, cây mai nổi lên như một người khổng lồ lạc loài, thân to hằn lên những vòng xoắn từ gốc lên đến các nhánh con rất đẹp mắt.

Một lần nữa, ông Hoàng lại nhào tới, đưa hai tay mình ôm lấy cây mai, hồ hởi: "Thấy to ghê chưa, cây này vòng hoành gần 110cm lận đó". Đây cũng là cây mai mà đã rất nhiều người đến trả giá hơn 1 tỉ đồng nhưng ông Hai Vị đều lắc đầu từ chối. Tính tuổi của cây, ông Hai Vị cho hay cây chỉ được ươm xuống từ 18 năm trước.

Chúng tôi chưa ngắm thỏa cội mai bạc tỉ trước mắt, ông Hai Vị đã giục đi tiếp, đến liếp mai đầu tiên mà ông bị phạt 150.000 đồng vào năm 2005. Đã bán đi rất nhiều cây của liếp này nhưng vẫn còn sót lại một hàng 3 cây có vòng hoành gốc to chừng 70 - 80cm, tỏa rợp bóng cho khách vào ngồi thưởng thức vẻ đẹp của gốc mai.

"Mỗi cây vậy đều được trả bạc trăm triệu hết rồi, mà tui không bán. Giờ tui chủ yếu bán mấy liếp mai nhỏ, trồng chừng bốn năm năm, bán nguyên liếp là đủ sống mấy năm rồi" - ông Hai Vị bộc bạch.

Làng mai tỉ phú miền Tây: Nhìn mới đã, nhiều cây tiền tỉ cũng chưa bán - Ảnh 3.

Ngoài việc “lớn nhanh như thổi”, cây mai trồng ở đất này cũng rất khỏe mạnh và thường cho ra những bộ rễ độc đáo - Ảnh: SƠN LÂM

Lớn "nhanh như thổi" chính là điểm đặc biệt nhất của mai vùng này. Nhìn trên bản đồ, cả vùng làng mai Tân Tây như một bán đảo do sông Vàm Cỏ uốn vòng qua mà thành. Người ta vẫn bảo đó thường là thế đất được bồi đắp bởi tinh túy của con sông. Vẫn chưa có nhà khoa học nào nghiên cứu cụ thể, người ta đành nói về địa thế để tạm lý giải về việc cây mai trồng nơi đây có gốc to nhanh hơn hẳn so với trồng ở những nơi khác.

"Trước khi chuyển sang trồng mai, tui cũng đã đi tìm hiểu rất nhiều nơi, mà ai cũng phải nói đất ở đây hợp mai. Ở đây, cây mai trồng độ trên 6 năm là nhiều cây đã có vòng hoành gốc lên đến 20cm rồi. Chưa kể nhiều nơi cây mai có vòng hoành gốc lên đến 30 - 40cm là chững lại, khó to lên nữa. Còn ở đây thì thường nó cứ to đều lên. Đặc biệt là cây trồng rất khỏe mạnh, ít sâu bệnh, tỉ lệ hao hụt cả vườn chỉ độ một, hai phần trăm" - ông Hoàng nói thêm.

Đó cũng là lý do mà diện tích vườn mai ở đây cũng nảy nở rất nhanh. Sau khi ông Hai Vị lên liếp đầu tiên để trồng mai đầu tiên vào năm 2005, đến cuối năm 2009 có khoảng 20 nhà trồng theo một cách dè dặt và đều dễ dàng kiếm được "bạc trăm triệu" sau vài năm trồng thử. Và đến nay đã có 526 hộ dân với diện tích trồng mai hơn 333ha.

"Mỗi hecta trồng được khoảng 2.000 gốc. Thường sau 4 năm chăm sóc cứ bán dần từng liếp, trừ chi phí đi thì lợi nhuận khoảng 800 triệu đồng mỗi năm" - ông Hoàng nói khi cùng chúng tôi chia tay ông Hai Vị, trở về 2 mẫu ruộng ông Hoàng đã đổi qua trồng mai từ 8 năm trước và nhiều gốc cây đã to bằng bắp chân người lớn.

Ông và bà con xóm mai đang hồi hộp đợi ngày đưa mai ra phiên chợ hoa xuân cuối năm.

Làng mai kết hợp du lịch

Bà Đinh Thị Phương Khanh - phó giám đốc Sở Nông nghiệp tỉnh Long An - cho biết làng nghề trồng mai xã Tân Tây đã được tỉnh Long An công nhận từ tháng 6-2020.

Mới đây, UBND tỉnh Long An cũng đã có quyết định phê duyệt Đề cương đề án phát triển làng nghề trồng mai xã Tân Tây gắn với phát triển du lịch tỉnh Long An đến năm 2030. Việc này nhằm đầu tư, phát triển làng nghề này một cách bài bản gắn với du lịch sinh thái, không chỉ nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế mà còn là một điểm nhấn trong hình ảnh vùng Đồng Tháp Mười.

Xôn xao cây mai vàng hơn 50 năm tuổi được chốt giá 6 tỉ đồng Xôn xao cây mai vàng hơn 50 năm tuổi được chốt giá 6 tỉ đồng

TTO - Cây mai vàng 7 cánh cổ thụ với tuổi đời hơn 50 năm vừa cập bến chợ hoa xuân TP Long Xuyên, An Giang sau 2 ngày được một ‘đại gia’ nơi này chốt giá mua hơn 6 tỉ đồng làm nhiều người chơi hoa mai bàn tán xôn xao.

SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên