04/01/2021 10:03 GMT+7

Làn sóng cửa hiệu rời phố lớn, tìm mặt bằng phố nhỏ vừa rẻ vừa đẹp

TRẦN MẠNH - NGỌC HIỂN
TRẦN MẠNH - NGỌC HIỂN

TTO - Giá thuê cao, thói quen tiêu dùng thay đổi... đang là những động lực để nhiều doanh nghiệp kinh doanh dựa vào mặt bằng trước đây chuyển đổi mô hình kinh doanh, giảm phụ thuộc mặt bằng.

Làn sóng cửa hiệu rời phố lớn, tìm mặt bằng phố nhỏ vừa rẻ vừa đẹp - Ảnh 1.

Một mặt bằng vừa được trả lại ở đường Hai Bà Trưng (quận 1, TP.HCM) - Ảnh: NGỌC HIỂN

Dịch bệnh COVID-19, và ảnh hưởng của nó trong suốt cả năm 2020 càng thúc đẩy doanh nghiệp nhìn lại sự phụ thuộc vào mặt bằng vì đây là khoản chi phí lớn.

Dễ thuê mặt bằng vừa rẻ vừa đẹp

Sau khi đóng một tiệm cà phê ở đường Bùi Viện, anh Hà Thanh Phúc muốn mở một tiệm cà phê mới ở quận 1, TP.HCM và đăng lên mạng các tiêu chí mặt bằng cần tìm. Chỉ ít phút sau, hàng loạt mặt bằng khớp với tiêu chí được cả chủ mặt bằng lẫn môi giới dồn dập gửi đến với hơn 60 vị trí. 

Chỉ trong một đêm, anh Phúc đã chốt được vị trí đẹp là một căn nhà có diện tích 170m² nằm trên đường Đinh Công Tráng (quận 1). Mặt bằng này có chỗ đậu xe với giá thuê giảm gần 30%, cho thuê với giá 40 triệu đồng dù trước dịch chủ nhà lấy không dưới 55 triệu đồng/tháng.

Theo anh Phúc, không những thuê được giá tốt, anh cũng được chủ nhà "cưng như trứng", khi không tính phí thuê nhà trong thời gian sửa chữa, hỗ trợ tiền nhà vài tháng đầu, điều hiếm chủ nhà nào gật đầu trước dịch.

Tương tự, một hệ thống tạo mẫu tóc với gần 90 tiệm cũng đã thay đổi hơn chục mặt bằng, chuyển đến những vị trí đẹp hơn, rộng hơn, giá cả phải chăng hơn. Bà Nguyễn Minh Thư, đại diện hệ thống này, cho biết làn sóng trả mặt bằng bởi dịch đã giúp sớm tìm được những vị trí mong muốn. 

Theo bà Thư, có những mặt bằng lúc đầu không chịu nhượng bộ để giảm giá, song sau 4-5 tháng để trống không ai thuê cũng đã chịu xuống nước cho người mới vào thuê với mức giá hợp lý.

Cũng mở được 5 hệ thống siêu thị mỹ phẩm ở TP.HCM, ông Lê Hữu Nghĩa - phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM - cho biết ông rất bất ngờ là dễ dàng tìm được các mặt bằng diện tích lớn, thuận lợi để kinh doanh dù đây là những "vị trí vàng". 

Theo ông Nghĩa, không những thuê nhanh mà giờ ông còn đạt được những điều kiện có lợi như miễn tính phí thời gian sửa chữa lên đến 2 tháng thay vì chỉ 30 ngày như trước.

Đóng cửa, giảm quy mô cửa hàng

Trong khi đó, rất nhiều đơn vị kinh doanh dựa vào mặt bằng ở các con phố trung tâm lại quyết định trả mặt bằng hoặc tìm nơi diện tích nhỏ hơn...

Trong 4 mặt bằng thuê để kinh doanh thì trong tháng 3-2020 ảnh hưởng bởi COVID-19, công ty anh H. (quận 1) đã đề nghị các chủ nhà giảm giá mặt bằng. Nhưng chỉ có 1 chủ nhà đồng ý giảm giá 30% trong 3 tháng.

Đầu tháng 12 vừa qua, anh H. choáng váng khi nhận tin lây lan COVID-19 trong cộng đồng TP.HCM và hai chủ nhà thông báo tăng giá nhà vào năm tới từ 5-13%/năm. Quá bức xúc, anh H. đóng cửa cửa hàng quận 1 và đang tìm nơi để chuyển cửa hàng ở Bình Thạnh. 

"2020 kinh doanh ế ẩm, phải bù lỗ. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi chuyển đổi mô hình kinh doanh để đầu tư mạnh hơn vào mảng online. Với chủ nhà thế này, họ sẽ luôn tìm cách tăng giá nếu thấy mình làm ăn được nên tôi quyết định ngưng" - anh H. nói.

Chủ một nhà hàng cao cấp tại quận 1 cũng đã thuê hẳn một bộ phận bên ngoài về thiết kế lại giao diện web để khách đặt món dễ dàng tại nhà, thay vì thuê mặt bằng đầy rủi ro vì tốn quá nhiều chi phí.

Theo khảo sát tại các con đường ở trung tâm TP.HCM, số lượng các mặt bằng bị trả lại ngày càng nhiều, có những khu vực đến 3-4 mặt bằng để trống nằm san sát nhau như ở đường Hai Bà Trưng, Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu... (quận 1). 

Đặc biệt, có những mặt bằng đã để trống từ đầu năm đến nay vẫn chưa có người thuê nhưng chủ nhà vẫn "hét" giá cao ngất ngưởng.

Cần sớm giảm phụ thuộc mặt bằng

Ông Trần Bằng Việt - tổng giám đốc Đông A Solutions, chuyên gia tư vấn cho các doanh nghiệp - cho biết theo nguyên tắc quản trị, chi phí nào cao thì phải tìm cách giảm bớt. Khách hàng tương tác qua online nhiều hơn, mà ở đâu có khách hàng phải tới nơi đó bán hàng.

"Có thể dễ dàng nhận thấy ở góc phố nào cũng có những thông báo cho thuê mặt bằng trong bán kính 100-200m. Vì thế, tôi cho rằng giá mặt tiền sẽ còn giảm nữa trong thời gian tới. Doanh nghiệp cần dứt khoát hơn trong việc sử dụng mặt bằng và đàm phán thuê mặt bằng" - ông Việt nói.

Theo ông Việt, cần tư duy lại khái niệm mặt bằng và sử dụng mặt bằng so với trước kia. Trước đây mặt bằng là nơi phục vụ khách hàng (nơi bán hàng, giao dịch, tiếp xúc với khách hàng) thì nay mặt bằng chỉ là nơi trưng bày sản phẩm, sản xuất, sơ chế, kho hàng, điểm giao nhận hàng, còn việc giao tiếp khách hàng, chốt đơn, thu tiền, giao hàng cho khách có thể chuyển sang chỗ khác bằng điện thoại, online...

Phạm vi phục vụ của mặt bằng bây giờ không còn là trong phạm vi 500-700m xung quanh nữa mà lên tới 3km, trung bình một chiếc xe giao hàng trong vòng 10 phút (chưa kể thời gian chuẩn bị). 

Ngày xưa cần 60 cửa hàng thì theo ông Việt, nay chỉ cần 20, cũng không cần quy mô lớn như trước nữa. Chi phí mặt bằng vẫn cần thiết nhưng phải giảm xuống thì doanh nghiệp mới sống được.

Nhà phố chào thuê ngày càng nhiều

Bà Võ Khánh Trang, trưởng bộ phận nghiên cứu Savills Việt Nam, cho biết so với trung tâm thương mại, mặt bằng nhà phố đối mặt với thách thức lớn trong 9 tháng đầu năm vừa qua.

Số lượng mặt bằng nhà phố đang chào thuê ra thị trường ngày càng nhiều, tuy nhiên tốc độ lấp đầy lại rất chậm.

Nhà phố ở góc các tuyến đường có lưu lượng giao thông cao được thuê nhanh chóng; còn lại, kể cả các cung đường thương mại lớn như Hồ Tùng Mậu, Ngô Đức Kế, Lê Lợi hay Phạm Ngũ Lão tại quận 1 cũng khó cho thuê.

"Khó khăn của phân khúc nhà phố có thể đến từ một số lý do chủ nhà vẫn rất lạc quan, không có ý định giảm giá chào thuê, trong khi khách thuê vẫn tiếp tục giảm số lượng cửa hàng hoặc giảm diện tích và chuyển đổi sang thương mại điện tử. Nhất là tại các khu vực lượng người lưu thông giảm và phụ thuộc lớn vào lượng khách du lịch, khách thuê quyết trả mặt bằng dù một số chủ nhà chấp nhận giảm giá thuê trong ngắn hạn" - bà Trang nói.

Khảo sát của Savills vào quý 2-2020, khách thuê thuộc ngành hàng ăn uống và thời trang có sự thay đổi rõ rệt về diện tích thuê hoặc do trả mặt bằng hoặc do giảm bớt diện tích để cắt giảm chi phí.

Xu hướng giảm diện tích thuê hoặc trả những cửa hàng hoạt động không hiệu quả sẽ tiếp tục diễn ra trong thời gian tới.

T.MẠNH

Nhiều lý do khiến chuyển đổi mặt bằng

Thêm một lý do để nhiều doanh nghiệp giảm phụ thuộc mặt bằng và chuyển đổi số: do không cạnh tranh được với bán hàng online, với số đông né được thuế.

Ngay cả quy định mới cho phép thuế lấy thông tin giao dịch qua ngân hàng của khách hàng nhưng không dễ dàng quản lý về thuế, qua đó là nguồn gốc và chất lượng sản phẩm. Bởi vì nhiều doanh nghiệp kinh doanh online không thu tiền bằng chuyển khoản mà thu tiền qua COD (trả tiền khi nhận hàng).

Theo khảo sát xu hướng tiêu dùng 2020 của Nielsen, vẫn có tới 81% lượng khách hàng thanh toán qua COD khi mua online, tức cơ bản chỉ có người mua và người bán biết mà thôi.

Giáp tết, khách quen tìm tới ủng hộ tiểu thương chợ Bến Thành Giáp tết, khách quen tìm tới ủng hộ tiểu thương chợ Bến Thành

TTO - Sống nhờ khách du lịch nên dịch COVID-19 đã đẩy chợ Bến Thành vào cảnh đìu hiu. Trong khi nhiều tiểu thương phải đóng kiốt, tạm ngưng buôn bán, số khác vẫn bám chợ. Và giáp tết, không ít khách quen đã tìm tới ủng hộ.

TRẦN MẠNH - NGỌC HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: mặt bằng thuê nhà