21/10/2020 12:56 GMT+7

Lần đầu tiên Việt Nam chế tạo được thiết bị hạ cọc xuống nền san hô ở Trường Sa

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Sáng 21-10, tại Hà Nội, nhóm nghiên cứu, chế tạo thiết bị hạ cọc phù hợp với điều kiện thi công ở khu vực Trường Sa cùng 4 nhóm nghiên cứu khác nhận giải nhất Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2019.

Lần đầu tiên Việt Nam chế tạo được thiết bị hạ cọc xuống nền san hô ở Trường Sa - Ảnh 1.

Tiến sĩ, đại tá Trần Hữu Lý - chủ nhiệm đề tài - cho biết thiết bị mà nhóm vừa chế tạo thành công là thiết bị đầu tiên ở Việt Nam thi công hạ ống thép theo nguyên lý tự khoan hạ - Ảnh: T.ĐIỂU

Lễ trao giải được tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, với sự tham gia của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cùng nhiều lãnh đạo trung ương, bộ ngành.

Với công trình này, lần đầu tiên Việt Nam chế tạo được thiết bị hạ cọc xuống nền san hô giống ở khu vực quần đảo Trường Sa. Công trình giúp mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn, góp phần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biền đảo.

Tiến sĩ, đại tá Trần Hữu Lý - viện trưởng Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự, chủ nhiệm đề tài - cho biết công trình là sự cố gắng vượt bậc của Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự trong năm qua, một năm mà Biển Đông cực kỳ phức tạp.

Đứng trước nhu cầu cấp thiết về bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, nhóm nghiên cứu ở Viện Kỹ thuật cơ giới quân sự đã quyết tâm thực hiện đề tài "Nghiên cứu, chế tạo thiết bị thi công hạ học xuống nền san hô ở khu vực quần đảo Trường Sa" và đã thành công.

Sản phẩm của công trình đã trực tiếp áp dụng vào thi công hạ cọc ống thép để xây dựng 6 trụ tiêu cho bến tàu tại đảo Trường Sa Lớn và đạt kết quả tốt, đủ độ bền và ổn định lâu dài.

Thiết bị khoan hạ cọc ống thép lắp trên máy xúc thủy lực phù hợp với điều kiện ở Trường Sa chính là thiết bị đầu tiên ở Việt Nam sử dụng để thi công hạ ống thép theo nguyên lý tự khoan hạ.

Thiết bị này giúp giảm rất nhiều chi phí trong thi công nền móng tại khu vực quần đảo Trường Sa vì chi phí sản xuất rất thấp, chỉ khoảng 500 triệu đồng so với mua máy khoan tự hành từ nước ngoài khoảng 20 tỉ đồng, giúp tiết kiệm nhiều chi phí khác.

TS Trần Hữu Lý cho biết công nghệ đóng cọc này gắn mũi khoan vào cọc để khoan trôn cọc chứ không đào khoét, nổ mìn hay dùng búa khoan cọc nhồi như các phương pháp khác nên không phá hủy kết cấu nền san hô xung quanh. “Không thay đổi hiện trạng kết cấu nền san hô chính là ưu điểm lớn của công nghệ này”, ông Lý nói.

4 công trình khác cùng nhận giải nhất Giải thưởng sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2019 do Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức, gồm:

"Nghiên cứu, thiết kế chế tạo hệ thống dây chuyền thiết bị đồng bộ chế biến ngô giống quy mô công nghiệp tiết kiệm năng lượng và thân thiện môi trường" của PGS.TS Nguyễn Đình Tùng và các cộng sự tại Viện nghiên cứu thiết kế chế tạo máy nông nghiệp RIAM (Bộ Công thương) thuộc lĩnh vực tiết kiệm năng lượng và sử dụng năng lượng mới.

"Nghiên cứu, cải tạo thiết bị điện phân kiểu "near gap" sang "zero gap" nhằm gia tăng công suất và giảm chi phí sản xuất xút" của thạc sĩ Văn Đình Hoan và các cộng sự tại Công ty CP Hóa chất Việt Trì, thuộc lĩnh vực công nghệ vật liệu.

"Công nghệ trồng và tạo ra các sản phẩm giá trị từ cây sả chanh phục vụ đời sống và phát triển kinh tế xã hội" của tiến sĩ Lê Văn Tri và các cộng sự tại Công ty CP phân bón PHITOHOOCMON, thuộc lĩnh vực sinh học phục vụ sản xuất và đời sống.

Hệ thống đo mưa tự động chuyên dùng cảnh báo lũ lụt và vận hành hồ chứa nước của thạc sĩ Văn Phú Chính và các cộng sự tại Công ty Tư vấn và phát triển kỹ thuật tài nguyên nước (WATEC), thuộc lĩnh vực công nghệ nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên.

Công trình "Công nghệ trồng và tạo ra các sản phẩm giá trị từ cây sả chanh phục vụ đời sống và phát triển kinh tế xã hội" của tiến sĩ Lê Văn Tri và các cộng sự tại Công ty CP phân bón PHITOHOOCMON còn được trao Giải thưởng WIPO của Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới.

Các công trình đoạt giải nhất nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen của ban tổ chức, bằng lao động sáng tạo, Huy hiệu tuổi trẻ sáng tạo và tiền thưởng là 80 triệu đồng.

Ngoài ra ban tổ chức còn trao 8 giải nhì, 8 giải ba, 19 giải khuyến khích.

Đây là năm thứ 25 của giải thưởng thường niên này với tên gọi cũ là giải thưởng VIFOTEC.

Việt Nam phản đối doanh nghiệp Trung Quốc ở Trường Sa và Hoàng Sa Việt Nam phản đối doanh nghiệp Trung Quốc ở Trường Sa và Hoàng Sa

TTO - Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 15-10 phản đối cái gọi là 'thành phố Tam Sa' mà Trung Quốc áp đặt phi pháp cho các thực thể ở Biển Đông, liên quan tới thông tin khoảng 400 doanh nghiệp Trung Quốc đang hoạt động tại Trường Sa và Hoàng Sa.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên