Làm sao thực thi một lệnh cấm TikTok?

HOA KIM 18/05/2023 07:25 GMT+7

TTCT - Montana vừa trở thành bang đầu tiên của Mỹ thông qua dự luật cấm toàn diện TikTok. Chưa bàn đến tính đúng sai hay hợp lòng dân hay không, việc thi hành một lệnh cấm như thế khả thi đến đâu?

Ảnh: parents.com

Ảnh: parents.com

Ngày 14-4, Hạ viện bang Montana bỏ phiếu thông qua dự luật cấm mạng xã hội TikTok ở tiểu bang này với kết quả 54 - 43 nghiêng về phe ủng hộ. Dự luật dự kiến sẽ được Thống đốc Greg Gianforte - người từng công khai tuyên bố TikTok là "mối nguy lớn" đối với bảo mật dữ liệu và an ninh - ký ban hành và chính thức có hiệu lực từ đầu năm 2024.

Có luật, rồi sao nữa?

Theo dự luật trên, các cửa hàng ứng dụng di động như Play Store của Google hay App Store của Apple sẽ không được cho phép cư dân Montana tải TikTok. Mức phạt 10.000 USD/ngày được áp dụng đối với cửa hàng ứng dụng vẫn cho phép tải xuống TikTok và đối với bất kỳ "vi phạm cụ thể" nào khác - chẳng hạn khi người dùng truy cập TikTok hoặc được "cung cấp khả năng" thực hiện điều đó, dự luật nêu rõ. 

Tổng chưởng lý Montana Austin Knudsen hoan nghênh kết quả bỏ phiếu và cho rằng dự luật "là một bước quan trọng để đảm bảo chúng ta đang bảo vệ quyền riêng tư của công dân Montana".

Nhưng khi hồ hởi đã qua đi thì phía trước là bài toán thi hành lệnh cấm này như thế nào, khi mà dự luật không hề quy định cách thức thực thi hay giám sát việc tuân thủ các quy định trên. Hạ nghị sĩ Zooey Zephyr cho rằng cư dân Montana hoàn toàn có thể ngụy trang vị trí của họ bằng cách kết nối đến một mạng riêng ảo (VPN) để tải TikTok.

Luật sư Shane Scanlon, người từng lên tiếng phản đối dự luật khi nó được đưa ra trong cuộc họp của ủy ban Thượng viện Montana hồi đầu năm nay, lập luận rằng các nhà cung cấp Internet không thể kiểm soát những gì người dùng làm trên mạng và chính TikTok sẽ phải chịu trách nhiệm ngăn người dùng trong bang sử dụng ứng dụng.

Trong một tuyên bố phản ứng trước việc dự luật được thông qua, người phát ngôn TikTok Brooke Oberwetter cho rằng Montana không hề có một "kế hoạch khả thi" nào để thực thi lệnh cấm, đồng thời cho biết thêm công ty "sẽ tiếp tục đấu tranh cho người dùng và người sáng tạo nội dung TikTok ở bang Montana, những người có sinh kế và quyền trong Tu chính án thứ nhất (quyền tự do ngôn luận) bị đe dọa bởi sự lạm quyền nghiêm trọng lần này của chính phủ".

Trong một tuyên bố khác từ tháng 3-2023, TikTok cho biết dự luật "không nhằm mục đích đảm bảo an toàn cho người dùng, mà để đơn phương hạn chế quyền tự do của người dân Montana dựa trên không gì khác ngoài nỗi sợ và sự giả dối".

Lệnh cấm TikTok cũng đặt ra câu hỏi về việc Mỹ dựa vào đâu để vạch ra ranh giới đối với các công ty khác có trụ sở tại Trung Quốc và các công ty có quan hệ sản xuất tại Trung Quốc. "Nếu nghiêm túc với các mối đe dọa an ninh quốc gia, bạn không thể chỉ tập trung vào một công ty và gọi đó là thành công" - Darrell West (Viện Brookings) nói với The Hill.

Quá nhiều kẽ hở

Bất kỳ hành động nào mà Mỹ muốn thực hiện để cố gắng chặn TikTok sẽ vẫn có kẽ hở để người dùng truy cập thông qua các giải pháp thay thế và gần như chắc chắn sẽ bị các nhóm tự do ngôn luận thách thức. "Đó là một cơn ác mộng thực thi, bởi vì bất kỳ sự can thiệp nào của chính phủ cũng sẽ mang ý nghĩa sâu rộng hơn đối với các khả năng can thiệp khác của Nhà nước trong tương lai và hàm chứa ảnh hưởng đến tự do ngôn luận và tự do thương mại" - GS Aram Sinnreich của Đại học Mỹ nói với báo The Hill.

Cơ sở hạ tầng Internet "về bản chất là phân tán và phi tập trung" khiến cho lệnh cấm toàn diện một ứng dụng duy nhất trở nên khó thực thi, Sinnreich giải thích. Mỹ có thể yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ Internet chặn các địa chỉ IP liên kết với TikTok, hoặc buộc các cửa hàng ứng dụng chặn người dùng tải xuống ứng dụng này. 

Cách thứ hai khả thi đối với người dùng mới chưa tải TikTok bao giờ, nhưng với hàng triệu người dùng TikTok đã có sẵn ứng dụng trên thiết bị của họ, việc triển khai lệnh cấm trở nên phức tạp hơn nhiều.

Ngay cả khi chính phủ thật sự tiến hành chặn TikTok, người dùng Mỹ vẫn hoàn toàn có thể tìm ra cách truy cập TikTok phi chính thống như cách mọi người vẫn làm ở các quốc gia khác. "Ngay cả Trung Quốc, nơi có một mạng lưới rất tinh vi để thực thi các lệnh cấm (dịch vụ hay ứng dụng Internet), mọi người cũng sử dụng VPN để vượt qua chúng. Vì vậy, không có lệnh cấm nào là hoàn hảo" - Darrell West, một thành viên cấp cao tại Viện Brookings, nói với The Hill.

Một quy định kiểu "cấm được ai thì cấm" còn có nguy cơ làm trầm trọng thêm khoảng cách xã hội. "Những người có trình độ học vấn và phương tiện sẽ có cách truy cập vào ứng dụng, còn những người không có điều kiện thì không thể tiếp cận" - West giải thích.

Ở nơi 3 năm vắng TikTok

Chuyện gì xảy ra ở Mỹ cũng thu hút truyền thông, nhưng người ta quên rằng trước Mỹ đã có một thị trường còn lớn hơn cấm toàn diện TikTok đến nay đã được gần 3 năm. Kinh nghiệm từ Ấn Độ đặc biệt quan trọng để giúp các nhà làm luật Đồi Capitol dự báo hệ quả kinh tế và chính trị từ một lệnh cấm tương tự (nếu có).

TikTok nằm trong số hơn 200 ứng dụng của Trung Quốc bị Ấn Độ chặn hoạt động từ tháng 6-2020, sau xung đột ở biên giới hai nước. Tại thời điểm đó, Ấn Độ là thị trường lớn nhất của ByteDance bên ngoài Trung Quốc với hơn 200 triệu người dùng TikTok.

Người dùng Ấn Độ từng phản đối lệnh cấm TikTok. Nhưng sau 3 năm, mọi thứ cũng đã ổn.  Ảnh: Shutterstock

Người dùng Ấn Độ từng phản đối lệnh cấm TikTok. Nhưng sau 3 năm, mọi thứ cũng đã ổn. Ảnh: Shutterstock

Lệnh cấm của Ấn Độ đã dẫn đến một sự chia cắt lâu dài với công nghệ Trung Quốc, nhưng người Ấn dường như đã dần quen với thực tế mới và không cố gắng tìm cách thay đổi điều này. Trái lại, các nhà sáng tạo nội dung, nhà đầu tư và người dùng đã thích nghi với những nền tảng thay thế. 

"Chúng tôi chưa gặp phải bất kỳ mặt trái nào từ lệnh cấm. Tôi không nghĩ rằng có ai đó thực sự phàn nàn về việc không được xài TikTok" - ông Anand Lunia, người sáng lập công ty đầu tư mạo hiểm Ấn Độ India Quotient và là một nhà phê bình công nghệ nổi tiếng, nói với trang Rest of World.

Hưởng lợi lớn nhất từ lệnh cấm của Ấn Độ là Instagram và YouTube - cả hai mạng xã hội của Mỹ này đều đang vận hành tính năng video ngắn cạnh tranh trực tiếp với TikTok và đã chứng kiến sự tăng trưởng người dùng đáng kể từ sau lệnh cấm.

Một số nhà đầu tư mạo hiểm ở Ấn Độ cũng đã tận dụng lệnh cấm để phát triển các nền tảng thay thế TikTok, nhưng việc này tỏ ra không dễ ăn. Chỉ trong vòng hơn 4 tháng sau lệnh cấm, ít nhất 13 công ty khởi nghiệp tập trung vào nền tảng video ngắn đã xuất hiện ở Ấn Độ. Nhưng tính đến tháng 2-2023 chỉ 3 trong số này là còn giữ được thị phần đáng kể: Moj, Josh và Glance.

Cũng phải thừa nhận lệnh cấm đã gây khó khăn cho các ngôi sao mạng xã hội ở Ấn Độ, những người đã tích lũy được nhiều lượt theo dõi trên TikTok và đang gặp khó khăn trong việc gây dựng lại đế chế tương tự trên các nền tảng khác.

Từ chỗ là một trong những giáo viên tiếng Anh TikTok được theo dõi nhiều nhất ở khu vực Nam Á, chỉ sau một đêm Awal Madaan đã mất quyền truy cập vào nền tảng nơi anh có phạm vi tiếp cận rộng nhất với gần 6 triệu người theo dõi. 

"Có lẽ ở thời điểm này tôi chưa thể gắn bó với Instagram như cách tôi đã từng gắn bó với TikTok" - Madaan nói với Rest of World qua một cuộc gọi vào tháng 2-2022.

Dẫu vậy, có vẻ như đến bây giờ vẫn không có nhiều người Ấn mặn mà với việc đem TikTok trở lại. "Tôi nghĩ đó là một bước phát triển cực kỳ tích cực đối với Ấn Độ. Người dùng Ấn Độ không phải đau khổ chỉ vì một số ứng dụng không còn xài được. Các ứng dụng khác đã đến và lấp vào nhu cầu đó" - một nhà đầu tư mạo hiểm Ấn Độ yêu cầu giấu tên nói với Rest of World.

Khó cấm, nhưng kiểm soát được

Liên minh châu Âu (EU) có hướng tiếp cận khác đối với TikTok: không cấm hoàn toàn, nhưng muốn tiếp tục hoạt động phải có những điều chỉnh để tuân thủ luật pháp địa phương.

Sau hơn một năm đối thoại đôi bên, EU và TikTok đạt được đồng thuận vào tháng 6-2022 rằng nền tảng này phải cam kết tăng cường biện pháp bảo vệ người dùng trẻ em bằng những cách như giúp người dùng báo cáo nội dung xấu dễ dàng hơn, yêu cầu người sáng tạo nội dung công khai việc quảng cáo hoặc nhận tài trợ, và minh bạch hóa các đơn vị quà tặng ảo có già trị quy đổi thành tiền.

Nhờ cuộc đối thoại của chúng tôi, người tiêu dùng sẽ có thể phát hiện ra tất cả các loại quảng cáo mà họ tiếp xúc khi sử dụng nền tảng này" - trang TechCrunch dẫn lời Ủy viên tư pháp EU Didier Reynders trong một tuyên bố sau khi đạt được thỏa thuận. "Mạng lưới hợp tác bảo vệ người tiêu dùng (CPC) sẽ tích cực giám sát việc thực hiện các cam kết này vào năm 2022 và xa hơn thế nữa" - cơ quan này viết.

"Đặc biệt, các cơ quan có thẩm quyền của CPC sẽ giám sát và đánh giá việc tuân thủ ở những mặt mà lo ngại còn hiện hữu, chẳng hạn như liệu người dùng trẻ em có nhận thức rõ khía cạnh thương mại hóa của các nội dung TikTok hay không".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận