13/10/2016 11:14 GMT+7

Làm sao chặn con đường “nhất hậu duệ...”?

VŨ TRUNG KIÊN
VŨ TRUNG KIÊN

TTO - Câu chuyện “Cha làm chi cục trưởng, con làm phó” đăng Tuổi Trẻ ngày 12-10 làm người đọc nhớ lại nhiều chuyện tương tự. Làm sao để chặn con đường "nhất hậu duệ..."?

Trước đó, báo chí phản ánh nhiều họ hàng của bí thư tỉnh ủy một tỉnh vùng cao nắm giữ những chức vụ chủ chốt trong bộ máy tỉnh này đã khiến dư luận phản ứng gay gắt.

Hay ngay giữa thủ đô Hà Nội cũng một huyện có 13 phòng thì có 10 người là anh em họ hàng với bí thư huyện ủy

Ở một đơn vị nọ thì chồng quy hoạch vợ làm lãnh đạo; ở một huyện xa xôi Thừa Thiên - Huế thì việc nắm giữ nhiều vị trí lãnh đạo của huyện đều là anh em rể của nhau...

Tất cả những câu chuyện bổ nhiệm cán bộ này đều được giải thích là “đúng quy trình”. Chỉ có điều lạ là sao các quy trình này thật thông minh, cứ đi thẳng vào người nhà lãnh đạo?

Hay đó là câu chuyện đã được dân gian truyền tụng lâu nay với kiểu bổ nhiệm cán bộ theo “nhất hậu duệ, nhì quan hệ, thứ ba tiền tệ, thứ tư mới đến trí tuệ”?

Những lãnh đạo mới của đất nước đã và đang có những tuyên bố mạnh mẽ về chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ.

Đặc biệt, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ được Quốc hội khóa XIV bầu và phê chuẩn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý chín vấn đề đặc biệt quan tâm, trong đó có vấn đề về công tác cán bộ với yêu cầu rất mạnh mẽ: “Chúng ta tìm người tài chứ không tìm người nhà”.

“Bịt, chặn” kiểu quy hoạch cán bộ theo “nhất quan hệ...” cũng không phải là chuyện không làm được. Trên thế giới, câu chuyện truyền thống làm lãnh đạo của các gia tộc không phải là hiếm.

Gia tộc Nehru - Gandhi ở Ấn Độ nhiều đời làm lãnh đạo, gia tộc Kennedy tại Mỹ cũng vậy. Đến vị thủ tướng của Singapore hiện nay cũng là con trai của nhà lập quốc Lý Quang Diệu...

Yếu tố về truyền thống gia đình là những điều kiện, xúc tác thuận lợi, thế nhưng gần như những vị lãnh đạo này phải luôn phấn đấu bằng năng lực thật sự của bản thân, được xã hội chấp nhận thông qua con đường tranh cử dân chủ.

Vậy nên, cần chiến lược lâu dài và quyết liệt để thay đổi tận gốc rễ việc quy hoạch, bổ nhiệm như hiện nay, theo hướng cần phải dân chủ, công khai, minh bạch, có tranh cử thật sự dân chủ.

“Chúng ta tìm người tài chứ không tìm người nhà”, tuyên bố này của Thủ tướng phải trở thành hành động của cả hệ thống chính trị hiện nay khi mà “căn bệnh nhất hậu duệ...” này đã đến hồi phát tác khó chữa.

VŨ TRUNG KIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên