20/08/2007 15:25 GMT+7

Làm nghệ thuật không nên tự mãn sớm

Theo QUẾ ANH -  Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Theo QUẾ ANH -  Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần

Trả lời câu hỏi là một sự khó cho Lê Cung Bắc. Không phải vì câu hỏi khó mà vì đối với một người cầu an thì cái đúng - cái sai trong sự trả lời dễ trở thành vô nghĩa.

rd0pA2QO.jpgPhóng to
Đạo diễn Lê Cung Bắc

Bàn về những khái niệm bị điều kiện hóa bằng một cái tâm không bị điều kiện hóa, Lê Cung Bắc nhích lại gần hơn đến thành trì mà ông dựng nên bằng lực đẩy trong cái nhìn của đôi mắt lúc nào cũng rực sáng nhưng không giấu được cái gì đó dễ vỡ, mong manh.

Nếu đã tĩnh tâm rồi, không ai lại xây cho mình một Tĩnh tâm cốc. Nếu đã sống được tinh thần vô vi của đạo Phật thì chẳng ai buồn thuộc lòng Bát Nhã tâm kinh. Lê Cung Bắc - lão cùi bị xua đuổi trong Dấu ấn của quỷ, đạo diễn Người đẹp Tây Đô, Cõi tình, Dòng đời... và gần đây nhất là Chiếc lá thời gian, mang cái nghiệp của một kẻ sĩ đi tìm đạo trong nghệ thuật hơn là một nghệ sĩ đang tìm đến đạo như cứu cánh của bình yên.

* Thì ra Lê Cung Bắc đã thôi làm Giám đốc Việt Phim Productions. Ông có dự định mở một hãng phim riêng?

- Cũng có đấy. Nhưng đang tính thế nào để mở ra là hoạt động ngay, tức là có phim để làm liền. Về cải cách hành chính thì đã nhanh rồi, chỉ 15 ngày là có giấy phép thành lập, nhưng cơ chế đảm bảo hiệu quả thực tế cho hãng phim tư nhân thì chưa. Cho nên giờ tôi vẫn làm đạo diễn tự do. Hãng nào mời mà thấy thích hợp và thích thú thì tôi làm.

* Tốt nghiệp Đại học Đà Lạt, cơ duyên nào đưa Lê Cung Bắc đến với sân khấu, rồi điện ảnh chuyên nghiệp?

- Sau khi tốt nghiệp trường Chính trị - Kinh doanh, Viện Đại học Đà Lạt, tôi học cao học Quản trị kinh doanh, rồi có thời gian viết báo cho các tờ Sóng Thần, Tin Sáng... Còn làm nghệ thuật là cái nghiệp đúng kiểu “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”! Hồi sinh viên có tham gia sinh hoạt sân khấu kịch trong đoàn kịch Thụ Nhân của Viện Đại học Đà Lạt.

Tôi bước vào chuyên nghiệp là nhờ Vũ Đức Duy trong Đoàn kịch Sài Gòn bấy giờ. Nhìn tôi, ông ấy nói: “Tướng ông đóng kịch được lắm!”. Tôi nói: “Có vai nào hợp, anh cho em đóng cho vui!”. Anh Duy nói: “Không có cho vui! Moa sẽ viết hẳn cho toa một vai chính!”. Thế là vai vũ sư Trác trong Những kẻ có lòng - đóng chung với Bích Thủy, được viết ra cho tôi.

* Làm đạo diễn, chắc ông theo dõi điện ảnh Việt Nam rất kỹ?

- Tôi chọn phim và chọn tên đạo diễn để xem. Tên người đạo diễn nói lên nhiều ý nghĩa. Nghệ sĩ phải có cá tính, giữ được bản sắc mà không phương hại đến người khác!

* Trong một môi trường mà tất cả đều phụ thuộc vào mối quan hệ, giữ được cá tính có khó không?

- Điều đó phụ thuộc vào trí tuệ và bản lĩnh của mỗi người. Có người thích làm cây tầm gửi, nương tựa tư duy người khác. Cuộc đối thoại với những người này thường diễn ra theo một kịch bản kinh điển: một người gật - một người phải nghe lại tiếng mình nói. Có người không cùng quan điểm nhưng nói chuyện với họ mình vẫn thích thú - đó là người có cá tính! Cách của họ có thể làm người đối diện khó chịu, nhưng họ không dối trá, không giả lả để lấy lòng ai. Tất cả sự đối kháng là để đi đến hòa hợp chứ không phải để hủy diệt lẫn nhau.

* Đó là đối kháng một cách trí tuệ...

- Đúng vậy. Đi tới cùng để cùng tiến về mặt nhận thức!

* Cái tên Lê Cung Bắc được biết đến nhiều trong điện ảnh Việt Nam thời bao cấp. Hồi đó làm phim ông có nghĩ đến việc giữ cá tính như bây giờ không?

- Hồi ấy tôi là một diễn viên. Khả năng và phạm vi của một người diễn viên là nhận vai hay không nhận vai. Hồi ấy chỉ có phim nhựa chứ không có phim video, phim truyền hình... Một năm mà ai đóng được hai phim là sung sướng lắm, mặc dù tiền bạc rất ít.

Tưởng tượng hồi đóng phim Con thú tật nguyền (1984), tiền thù lao diễn viên chính trong tám tháng chưa tới bốn triệu đồng! Lúc đó tinh thần làm nghệ thuật rất cao. Lên núi, vô rừng, hóa trang xong có khi ngồi chờ cả ngày là chuyện thường. Diễn viên thời nay muốn đến đúng giờ là vào quay liền rồi còn chạy việc khác. Chứ hồi xưa, chỉ đóng vai phụ thôi, mà đoàn làm phim đi đâu mình phải theo đó. Mỗi thời đại có tâm cảm, nhịp thở khác nhau...

* Điều gì đã góp phần làm nên tâm cảm một thời, thưa ông?

- Đó là ý thức đúng mức về nghề nghiệp! Tôi gọi những người đi đóng phim để kiếm tiền, kiếm danh bây giờ là những người “đi qua” phim, chứ không phải “đi vào” phim. Báo chí ca một cái là trở thành người nổi tiếng. Có thể báo chí ca đúng, có thể không chính xác, hoặc có khi là để khuyến khích, nhưng rồi người làm nghệ thuật ảo tưởng, nghĩ mình là sao rồi sinh lắm bệnh. Đó là do ý thức kém về nghề nghiệp. Có những diễn viên ý thức rất đúng về nghề, nhưng con số này còn quá khiêm tốn - chỉ khoảng 20%.

Không riêng tôi, một số đạo diễn cũng chung nhận xét là làm việc với các nghệ sĩ càng có vị trí thì càng nghiêm túc. Bạn trẻ bây giờ thường gọi các đạo diễn hay phê phán là đạo diễn khó tính. Tôi biết non nửa số người làm việc chung với tôi thấy khó chịu, nhưng lương tâm và đạo lý không cho phép tôi nói đẹp mà nói dối. “Mỹ ngôn bất tín. Tín ngôn bất mỹ” mà! Xã hội văn minh là khi mọi người có ý thức về sự phân công lao động, người nào việc nấy.

Qua tiếp xúc, tôi thấy những đoàn làm phim nước ngoài làm việc kỷ luật rất cao. Mọi người tự hoàn thiện và nâng cao khả năng của mình chứ không đợi người khác nhắc mới làm. Chuyên nghiệp chính là ở chỗ đó!

* Nhưng chuyên nghiệp không thể thiếu tính cảm hứng! Có những lúc diễn viên cần cảm hứng để thăng hoa, chứ chuyên nghiệp đến đâu cũng không thể lấp liếm được...

- Đúng. Có những cảm hứng là do tự tạo. Có những cảm hứng từ ngoài đi vào. Có những diễn viên được đào tạo bài bản nhưng diễn không có hồn. Mà cái này không trách người ta được! Chỉ khi diễn bằng sự xúc động, cái xúc động mới lan tỏa đến cho người xem. Còn bằng không, họ cũng vẫn đi qua, đi lại, khóc, cười được như ai.

* Phần hồn của diễn viên phải đến từ đâu?

- Ở người diễn, nó đến từ sự đồng cảm và yêu thương nhân vật. Diễn viên tài năng là người mà khi vào vai này thì họ là người này, qua vai khác - họ là người khác. Họ từ bỏ bản thân để sống với nhân vật. Khi thấy diễn viên vào vai chưa tốt, làm đạo diễn nếu mình không rầy không chỉnh, thì chẳng khác gì tiếp tay cho sự không tốt ấy tồn tại và kéo dài?! Họ phải tự học cách trưởng thành và “trở thành”...

* Vậy dường như trí tuệ mới là cái quyết định tài năng?

- Lĩnh vực nào cũng thế. Có năng khiếu mà không dùng trí tuệ thì đến hết sự nghiệp cũng chỉ là hạng bình bình mà thôi. Người làm nghệ thuật không nên tự mãn sớm vì những gì nhân loại đạt được chưa bao giờ là cái tận cùng của sự phát triển.

* Nói như vậy thì con người không bao giờ nên tự mãn thì đúng hơn...

- Chính xác! Như tôi vậy là vẫn còn là dễ dãi! Phương Tây có một câu rất hay: “Nghệ thuật chỉ nên gần như thực chứ không nên là thực”.

* Xem ra phương Đông và phương Tây gần nhau nhỉ...

- Nếu so sánh Socrate, Platon với tư tưởng Khổng - Mạnh, có thể thấy nhiều điểm tương đồng. Đúng là “Tư tưởng lớn thường gặp nhau”!

* Thế thì chân lý là tương đối hay tuyệt đối?

- Theo tôi chân lý là tương đối. Và xét một cách tương đối thì mỗi người đều nắm giữ một phần của chân lý. Tôi xem phim Việt Nam, thấy có những đoạn đối thoại đáng lẽ phải sống động thì nó trở thành sống sượng. Mà đừng trách diễn viên, họ chỉ diễn theo kịch bản thôi!

Đành là làm phim giải trí nhưng giải trí kiểu gì cũng phải bổ ích tinh thần, chứ giải trí kiểu đó con nít xem rồi bắt chước theo thì hỏng mất! Ngặt nỗi những phim như vậy mà ratings (chỉ số người xem) của chương trình vẫn cao và được đánh giá là thích hợp cho người nội trợ! (Ratings là chỉ số “sống còn” để các hãng phim và nhà đài đầu tư và thu lợi nhuận từ bán quảng cáo). Tại sao lại kéo tiêu chuẩn thẩm mỹ xuống như vậy? Mà xét một cách công bằng thì ai nói trình độ người nội trợ là thấp!?

* Có những vấn đề khó mà nói một cách thấu đáo được...

- Chúng ta thường nhìn nhận vấn đề theo đa số trong khi đa số chưa chắc đã đúng! Phải là đa số thế nào chứ! Ảnh hưởng của kinh tế thì còn có tính nhất thời chứ ảnh hưởng của văn hóa thì sâu lắm!

Sở dĩ dân tộc ta trường tồn qua bao cuộc chiến tranh, đô hộ là nhờ bề dày lịch sử, văn hóa. Số đông thường thích cái tào lao. Đúng là cái tào lao vui thật! Nó vô thưởng vô phạt. Nhưng muốn nền văn hóa nghệ thuật phát triển, những người cầm chịch phải có tầm, có tâm, phải biết cân nhắc lợi và hại, chứ không phải giữ cho đừng suy thoái, đừng xuống cấp quá là thành công và hài lòng với vị trí của mình!

* Có thể người ta cũng đã cố lắm nhưng chỉ “tử tế” được đến mức đó thôi. Vì họ biết mình đang sống trong cái gì...

- Lại “vì”! Đó là bởi con người luôn phải sống “với”, sống “vì”, sống “bởi”... Đa số người ta thường đổ lỗi cho hoàn cảnh mà quên rằng mình là chủ thể tự do.

* Có bao giờ ông đắn đo trước quyết định làm người “tử tế”?

- Tôi nghĩ ai trong đời cũng một vài lần đứng trước quyết định “tử tế hay không tử tế” để xác định tư cách và lương tâm mình. Chọn “tử tế” thì mất sướng. Chọn “thôi đừng tử tế” thì mất đi sự cao đẹp. Mà làm người, cần lắm sự cao đẹp! Đó là cuộc giằng co giữa bản năng và trí tuệ. Ai đã đọc Sợi tóc của Thạch Lam thì hiểu ranh giới giữa thiện và ác mong manh lắm. Đôi khi chỉ như một sợi tóc...

* Nghĩa là lương tâm ông luôn “thắng” trong các cuộc đấu tranh ấy?

- Gần như là vậy. Những lần “không tử tế” thì chỉ là chuyện vui chơi thôi. Nhưng mà tục ngữ có câu “Bảy mươi chưa què chớ khoe mình lành”!

* Lê Cung Bắc từng nói muốn tìm nơi yên ổn cho tâm linh. Xin tò mò một chút, nơi ấy, ông đã tìm được chưa?

- Thì tôi cứ vừa đi vừa tìm trong tâm mình vậy thôi. Trong một sát na nào đó, tôi nghĩ mình đã tìm ra, nhưng chưa trụ lại được. Nhà tôi có một góc riêng gọi là Tĩnh tâm cốc. Bạn bè hỏi: “Tâm ông tĩnh lắm hay sao mà đặt là Tĩnh tâm cốc?”. Tôi nói không phải, chính vì tâm mình chưa tĩnh nên Tĩnh tâm cốc sẽ là nơi trợ duyên cho tôi. Thiền sư Vạn Hạnh có viết:

“Thân như điện ảnh hữu hoàn vô.

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.

Nhậm vận thịnh suy vô bố úy,

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô”

(Thân như bóng chớp có rồi không.

Cây cỏ xuân tươi thu lại khô.

Gẫm cơn suy thịnh lòng không sợ,

Thịnh suy đầu cỏ hạt sương phô).

Nơi nương tựa cho tâm linh tôi là Phật giáo. Đọc những câu thơ như thế thấy lòng mình bớt sóng gió. Tôi không muốn chỉ dừng lại ở “những điều trông thấy mà đau đớn lòng”...

* Thời còn làm Giám đốc Việt Phim Productions, ông có dự định chuyển thể một loạt tác phẩm văn học hiện thực phê phán thành phim. Đó là chủ trương của Việt Phim hay của Lê Cung Bắc?

- Của tôi. Tôi thích dòng văn học hiện thực phê phán. Lúc đó ý định của tôi là khai thác một dòng phim thể hiện được bối cảnh xã hội đất nước trong thời gian lịch sử chuyển mình để làm một tủ sách điện ảnh.

* Điều đó có mâu thuẫn không, khi mà tinh thần của dòng văn học ấy đâu khác gì “những điều trông thấy mà đau đớn lòng” đâu, thưa ông?

- Chính vậy! Và chỉ như vậy là đủ! Khi đối tượng những bộ phim đó chấp nhận tác phẩm thì mặc nhiên họ đang hướng tới một cái gì đó tối thượng.

* Nhiều nghệ sĩ thường nói rằng, sau cơn bão sáng tạo, họ cảm thấy xa lạ với tác phẩm của mình. Theo kinh nghiệm, ông thấy tác phẩm điện ảnh là biểu lộ tư duy của người đạo diễn hay đạo diễn là trung gian của một nguồn sáng tạo đến từ nơi nào khác?

- Theo tôi là bộc lộ tư duy của người đạo diễn. Nhiệm vụ của người đạo diễn là thêm-bớt, tăng-giảm để phát biểu ngôn ngữ của điện ảnh một cách tốt nhất. Không riêng gì nghệ thuật, tôi nghĩ việc gì cũng nên được làm thông qua ánh sáng của trí tuệ và lương tâm.

* Con của Lê Cung Bắc có bị áp lực thành đạt không ạ?

- Theo tôi thấy thì hình như... không. Tôi luôn dặn dò các con tôi rằng, gia đình mình có truyền thống khoa bảng, các con phải cố gắng học, không cần giàu sang lắm đâu. Các cháu đứa nào cũng có khiếu văn nghệ nhưng một đứa đi kỹ sư, đang học cao học ở Mỹ, một đứa muốn theo bác sĩ.

* Cậu nhà đi học bằng tiền đạo diễn hay tiền kinh doanh quán Nhà Tôi?

- Bằng tiền kinh doanh là chính.

* Đạo diễn làm chủ nhà hàng có lợi thế hơn người thường không? Có mối liên hệ nào giữa máu nghệ sĩ và thú ẩm thực không mà sao nhiều nghệ sĩ mở quán thế nhỉ?

- Tôi nghĩ là không đâu. Đó là cách nghệ sĩ phải kiếm tiền thêm để sống. Bà nhà tôi mở quán từ năm 1996. Làm ăn buôn bán theo quy luật thương trường hẳn hoi. Hơn mười năm rồi quán vẫn đứng vững là nhờ tài kinh doanh của bà ấy, chứ tôi thì chiều chiều ra ngồi làm vài ly bia với bạn bè cho vui thôi. Quán xá vừa là nơi gặp mặt, vừa là nơi bạn bè anh em đến ủng hộ.

* Bạn bè anh em ủng hộ thế giá cả có “ủng hộ” không ạ?

- À cái đó thì tùy... trường hợp đặc biệt!

* Câu hỏi cuối mang tính báo chí một chút: Những vai diễn để đời của ông…

- Vai Trí trong Con thú tật nguyền (kịch bản Ngụy Ngữ, đạo diễn Hồ Quang Minh) và lão cùi trong Dấu ấn của quỷ (kịch bản Phạm Thùy Nhân, đạo diễn Việt Linh).

* ... Và nhìn nhận của ông về tương lai điện ảnh Việt Nam?

- Quả là một câu hỏi khó trả lời vì nó nằm ngoài khả năng dự đoán của mình. Đến giờ này dường như vẫn chưa ai biết làm thế nào cho đúng để đưa điện ảnh Việt Nam đi lên. Tôi chỉ có thể nói rằng điện ảnh Việt Nam chỉ có thể khá khi nào quan niệm của các nhà lãnh đạo trong lĩnh vực điện ảnh cùng nhịp với xúc cảm và ước mơ của người nghệ sĩ.

Xin cảm ơn ông.

Theo QUẾ ANH -  Doanh nhân Sài Gòn Cuối tuần
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên