29/11/2023 09:04 GMT+7

Làm gì để 'con gà Dung Quất đẻ trứng vàng'?

Bước vào giai đoạn phát triển mới, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi chia sẻ có những vấn đề phải giải quyết rất lớn mà tỉnh cần sự hỗ trợ của Trung ương để giải quyết và sớm cất cánh.

Logistics là ngành nghề Quảng Ngãi hướng đến, với lợi thế từ hệ thống cảng nước sâu, Quảng Ngãi đang cần sự hỗ trợ của Trung ương hoàn thiện hạ tầng giao thông sẽ cất cánh - Ảnh: TRẦN NGUYÊN NGHI

Logistics là ngành nghề Quảng Ngãi hướng đến, với lợi thế từ hệ thống cảng nước sâu, Quảng Ngãi đang cần sự hỗ trợ của Trung ương hoàn thiện hạ tầng giao thông sẽ cất cánh - Ảnh: TRẦN NGUYÊN NGHI

Trao đổi cùng Tuổi Trẻ, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh đã thông tin nhiều vấn đề liên quan đến đường hướng phát triển của tỉnh, trong đó có vấn đề làm sao để Khu kinh tế Dung Quất thành nơi "lót ổ cho con gà đẻ trứng vàng".

Nếu được bố trí lại 15 - 20% nguồn thu cho Khu kinh tế Dung Quất, Dung Quất sẽ phát triển mạnh hơn, nhanh hơn, bền vững hơn và từ đó sẽ đóng góp nhiều hơn cho ngân sách trong những năm tới.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh

Hạ tầng quyết định Dung Quất cất cánh

* Quảng Ngãi là địa phương nằm trong tốp đầu ở miền Trung về phát triển công nghiệp, trong đó có Khu kinh tế Dung Quất. Vậy định hướng phát triển cụ thể của Khu kinh tế Dung Quất thế nào, thưa ông?

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh

- Đến nay, Khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi có 344 dự án trong và ngoài nước còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư 17,887 tỉ USD.

Trong đó hiện có 250 dự án đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho khoảng 67.000 lao động.

Giai đoạn 2010 - 2022, Khu kinh tế Dung Quất đóng góp khoảng 80% tổng thu ngân sách tỉnh.

Đến năm 2030, tỉnh Quảng Ngãi định hướng phát triển 10 khu công nghiệp với diện tích khoảng 6.648ha, gồm 6 khu công nghiệp trong Khu kinh tế Dung Quất.

Để đẩy mạnh phát triển công nghiệp, trước hết Quảng Ngãi sẽ tập trung ưu tiên bố trí nguồn lực từ ngân sách, đồng thời huy động các nguồn lực ngoài ngân sách để hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất.

Tiếp đến, tỉnh tập trung khai thác những thế mạnh công nghiệp nền tảng như lọc hóa dầu, hóa chất, luyện kim, chế tạo cơ khí, đóng tàu... và thúc đẩy phát triển các lĩnh vực này theo chiều sâu, mở rộng theo chuỗi giá trị. Tỉnh cũng sẽ chuyển dịch cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng xanh, tăng nhanh tỉ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo...

Ngoài ra, Quảng Ngãi ưu tiên thu hút đầu tư các ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu; ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao như công nghiệp điện tử - công nghệ số, công nghiệp chế tạo thông minh, công nghiệp vật liệu mới... để tạo đột phá năng lực sản xuất mới.

* Như ông nói, sẽ có việc hoàn thiện hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất. Vậy ông nhìn nhận thế nào về thực tế hiện nay của khu kinh tế này và cách giải quyết thế nào?

- Phần lớn hạ tầng giao thông Khu kinh tế Dung Quất được đầu tư xây dựng từ 20 năm trước nên xuống cấp, hư hỏng nặng. Trong khi đó, kinh phí duy tu hằng năm còn hạn chế; việc bảo dưỡng, sửa chữa chỉ mang tính dàn trải, thiếu căn cơ...

Giao thông hiện nay cũng chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, làm phát sinh chi phí logistics, làm giảm khả năng cạnh tranh, cản trở thu hút đầu tư, làm ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế...

Từ đó, có hai đề án quan trọng với Dung Quất trong thời gian tới là "Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng khung giai đoạn 2023 - 2030" và "Huy động nguồn lực xây dựng các khu tái định cư, giải phóng mặt bằng tại Dung Quất giai đoạn 2023 - 2030".

Để thực hiện, từ nay đến năm 2030 cần vốn ngân sách khoảng 16.500 tỉ đồng và huy động nguồn lực ngoài ngân sách 134.000 tỉ đồng.

Riêng giao thông, từ nay đến năm 2030 cần 8.000 tỉ đồng để đầu tư mới 7 tuyến đường với chiều dài khoảng 60km, nâng cấp 6 tuyến đường với chiều dài khoảng 45km.

* Cũng như ông đã thông tin là ngân sách thu từ Khu kinh tế Dung Quất cao nhưng đầu tư lại thấp. Ông có kiến nghị gì để Dung Quất thật sự cất cánh?

- Trong giai đoạn 2009 - 2022, Khu kinh tế Dung Quất đã nộp cho ngân sách trung ương khoảng 153.000 tỉ đồng (riêng thuế xuất nhập khẩu khoảng 53.000 tỉ đồng).

Ngược lại, trong giai đoạn này, ngân sách trung ương hỗ trợ đầu tư hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất là 1.583 tỉ đồng (bằng khoảng 1% nguồn thu).

Chúng tôi nhận thấy đầu tư hạ tầng cho Dung Quất cực kỳ cấp thiết nhưng đến nay chúng ta vẫn chưa quan tâm đúng mức đến "con gà đẻ trứng vàng" này.

Từ đó, chúng tôi mong muốn Trung ương cho cơ chế bố trí lại 15 - 20% số thu ngân sách từ Khu kinh tế Dung Quất để tái đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng cấp thoát nước, cây xanh, tạo quỹ đất sạch... với mục đích thu hút thêm đầu tư.

Tỉnh đã nhiều lần kiến nghị Trung ương cho cơ chế trên và Thủ tướng đã có ý kiến tại thông báo số 18/TB ngày 30-1-2023 của Văn phòng Chính phủ.

Theo đó, Thủ tướng đồng tình việc nâng cấp hạ tầng Khu kinh tế Dung Quất là rất cần thiết để tạo động lực phát triển mới và đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ sung vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 cho Dung Quất.

Vượt khó khăn, quyết giải ngân đầu tư công đạt 100%

* Ngoài vấn đề về Khu kinh tế Dung Quất thì tỉnh có những vấn đề khó khăn dự lường trong đầu năm 2023 và cách xử lý để vượt qua khó khăn đạt được kết quả như hiện nay thế nào, thưa ông?

- Khi xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, tỉnh Quảng Ngãi đã dự lường trước những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng bởi tình hình bất ổn của thế giới.

Chính vì vậy, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã quyết liệt chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo nghị quyết của Chính phủ, kết luận của Tỉnh ủy và nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra. Đến nay Quảng Ngãi đã đạt nhiều kết quả rất ấn tượng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Chẳng hạn, trong 25 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, đến nay có 24 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch giao; nổi bật là tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 2,24%, vượt kế hoạch (-3,5)-(-3)%; tổng thu ngân sách đạt hơn 28.600 tỉ đồng, vượt 22,2% dự toán Trung ương giao và vượt 19,4% dự toán HĐND tỉnh giao. Đây là năm thứ ba liên tiếp tỉnh vượt thu ngân sách.

Các chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (năm 2022) đều tăng hạng so với cả nước và có những bước nhảy vọt rất ấn tượng.

Cụ thể: PCI đứng 33/63 tỉnh, thành (tăng 12 bậc so với năm 2021); PAPI đứng 23/63 (tăng 20 bậc so với năm 2021); PAR INDEX đứng 27/63 (tăng 12 bậc so với năm 2021); SIPAS đứng 49/63 (tăng 4 bậc so với năm 2021); DTI đứng 26/63 (tăng 34 bậc so với năm 2021, là tỉnh tăng bậc cao nhất cả nước).

Đặc biệt trong năm 2023, sau khi đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, trí tuệ cho công tác lập quy hoạch thì điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 và Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt, đây sẽ là tiền đề rất quan trọng, làm cơ sở để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian đến.

* Năm 2023 vấn đề giải ngân chung gặp khó khăn, UBND tỉnh đã giải quyết ra sao?

- Việc khó khăn trong công tác giải ngân xuất phát từ nhiều nguyên nhân.

Bên cạnh các nguyên nhân khách quan như các quy định pháp luật, chính sách chưa đồng bộ, các quy hoạch cũ không còn phù hợp, quy hoạch mới chưa được phê duyệt, vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, nguồn thu tiền sử dụng đất còn thấp... thì phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn nguyên nhân chủ quan như năng lực điều hành của một số chủ đầu tư còn hạn chế, một số đơn vị chậm triển khai các thủ tục do tâm lý sợ sai...

Xác định những khó khăn trên, ngay từ đầu năm chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 18-1-2023 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, đồng thời ban hành kế hoạch giải ngân chi tiết đối với từng chủ đầu tư, từng dự án.

Chúng tôi đã thường xuyên kiểm tra hiện trường, họp giao ban định kỳ để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đôn đốc quyết liệt tiến độ giải ngân, đảm bảo đến ngày 31-12-2023 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao.

* Trước mắt trong năm 2024, Quảng Ngãi dự kiến phát triển theo hướng nào và những việc cần phải làm ngay là gì?

- Quảng Ngãi tiếp tục xác định công nghiệp là hướng phát triển chính, đột phá theo nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX đã đề ra.

Vì vậy, trong năm 2024, tỉnh sẽ phát huy những nền tảng phát triển công nghiệp hiện có; đồng thời tập trung thực hiện hiệu quả các định hướng phát triển theo Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm kêu gọi, thu hút các nguồn lực đầu tư vào tỉnh.

Một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng trong năm 2024 là khẩn trương thực hiện Đề án xây dựng trung tâm lọc, hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Khu kinh tế Dung Quất và Đề án phát triển huyện đảo Lý Sơn thành trung tâm du lịch biển đảo quốc gia theo nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 của Bộ Chính trị.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư, nhất là các dự án trọng điểm, có tính chất lan tỏa để từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, tạo động lực thúc đẩy phát triển.

Đẩy mạnh phát triển dịch vụ y tế, giáo dục, du lịch; thúc đẩy phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; tập trung giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư...

Nỗi niềm đường sá xuống cấp ở trung tâm công nghiệp nặng Dung QuấtNỗi niềm đường sá xuống cấp ở trung tâm công nghiệp nặng Dung Quất

Gần 20 năm đầu tư tổng lực vào Dung Quất để biến vùng đất cát trắng đồi hoang thành khu kinh tế trọng điểm miền Trung, có lẽ người mơ mộng nhất cũng không ngờ xứ ấy lại đường sá dọc ngang, nhà xưởng mênh mông, đóng góp ngân sách cả trăm ngàn tỉ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên