28/05/2017 08:18 GMT+7

Lá ước tuổi thơ

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Trẻ em nào cũng thích có quà và trẻ em nào cũng âm thầm trong lòng một hay nhiều ước ao. Vì thế mà trong gói quà mang đến cho các em lần này, chúng tôi kẹp thêm những chiếc lá ước.

Những chiếc lá ước ghi ước mơ của các em học sinh - Ảnh: P. Vũ.

Ấy vậy rồi, sau khi được các bạn nhỏ tì lên đùi, kê lên lưng nhau, cả nắn nót cả nguệch ngoạc vài chữ, vài dòng những điều chưa nói với ai, khi những chiếc lá ước quay về với chúng tôi, nhiều người đã phải rơm rớm.

“Ước mơ của các em nhuốm màu trải nghiệm”, một anh bạn trong nhóm nhận xét.

Hẳn rồi. Đây là những học trò nghèo nhất ở vùng quê nghèo miền Trung mà.

Hai trăm chiếc lá phát ra, chỉ duy nhất một bé gái ghi “ước một con búp bê”. Không phải vì tất cả các em còn lại đều đã có đủ búp bê, thú nhồi bông, ôtô điều khiển đâu, gia cảnh nhà các em mà chúng tôi đến thăm sau đó khẳng định như vậy.

Ước mơ của con nhà nghèo gần sát với thực tế cuộc sống đến nhói lòng và cũng lại vời vợi một khát vọng vượt thoát đáng ngưỡng mộ.

“Em ước có quần áo mặc”, “Ước một cái cặp đi học”, “Ước có đủ dụng cụ học tập như các bạn”, “Em ước chiếc xe đạp vì nhà em đến trường xa lắm”..., những điều ước trong veo mà như có thêm màu khói của những khó nghèo tưởng chừng như đã lùi xa, đã chỉ còn hiện ra trong những câu chuyện kể “ngày xưa” của ông bà, cha mẹ.

“Em ước được đi máy bay”, “Em ước được ra Đà Nẵng và lên núi Bà Nà”, “Ước một lần được ra Hà Nội”, “Ước gì em được đi chơi Sài Gòn” - những mơ ước màu cầu vồng của mùa hè, vừa khó lại vừa dễ, vừa xa lại vừa gần, dẫu sao thì cũng sẽ thành sự thật một lúc nào đó.

“Em ước viết chữ đẹp”, “Em ước học giỏi” - ồ, chỉ cần thêm một chút nỗ lực của màu mực tím.

“Em ước làm phi công vì em thích khám phá thế giới”, “Em ước làm cầu thủ bóng đá vì xem tivi thấy cuộc sống cầu thủ rất thú vị, mạnh khỏe và vui vẻ”, “Em ước làm phi hành gia”, “Em ước làm thợ mộc để đóng đồ gỗ”, “Em ước làm cô giáo dạy toán”, “Em ước thành ca sĩ vì mọi người đều khen em hát rất hay” - những mơ ước xanh ngắt mà ai cũng mong được đọc đây rồi.

Rồi lại có thêm chút trăn trở của thực tại: “Em ước làm bác sĩ để giúp cứu chữa cho những người nghèo không đủ điều kiện đi khám bệnh”, “Nhà em ai cũng đau yếu nên em muốn làm y tá”, “Em mong hết bệnh để được đi học”.

Và một ước mơ vừa ngây thơ xa vời con trẻ vừa ngổn ngang tâm sự của người lớn khiến ai cũng phải ngỡ ngàng khi đọc: “Em ước trở thành một cô tiên để biến đất nước mình giàu đẹp”.

Chúng tôi đến thăm nhà các em. Có nhà là một căn lều với vài cây gỗ căng vải bạt cắm ven sông đang bắt đầu vào mùa mưa lũ. Có nhà chỉ có mình bà nội run run bước chân ra vào. Có nhà quanh quẩn vài bước chân không thể tìm ra một cái ghế. Có nhà mà bi kịch cuộc đời khi nghe được khiến người ta chỉ biết run run nín lặng...

Gần đến Ngày quốc tế Thiếu nhi, chúng tôi cũng muốn một điều ước: “Ước sao cho những mơ ước của các em không phải nhuốm những màu đen, ước sao những chiếc lá ước không phải mang màu úa”.

Chợt nhớ một câu đang thịnh hành của các bậc sinh thành: “Con cứ vui chơi đi, thế giới này đã có ba/mẹ lo”. Thế giới này, đất nước này, người lớn chúng ta liệu có lo được không để các em bé tha hồ tô màu cầu vồng cho ước mơ?

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên