23/12/2023 13:01 GMT+7

Kỳ vọng quy hoạch tạo xung lực để Bình Định phát triển đột phá, tạo kỳ tích

Phó thủ tướng Lê Minh Khái tin tưởng như vậy khi phát biểu tại hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do UBND tỉnh này tổ chức sáng 23-12.

Phó thủ tướng Lê Minh Khái (bìa phải) trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 cho lãnh đạo tỉnh Bình Định - Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Phó thủ tướng Lê Minh Khái (bìa phải) trao quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Bình Định thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 cho lãnh đạo tỉnh Bình Định - Ảnh: NGUYỄN DŨNG

Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, quy hoạch này là tiền đề quan trọng để tỉnh Bình Định hiện thực hóa tiềm năng, khát vọng trở thành tỉnh thuộc nhóm dẫn đầu khu vực miền Trung.

Kỳ vọng Bình Định phát triển đột phá

Phó thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá bản quy hoạch tỉnh Bình Định được xây dựng với tư duy đột phá, tầm nhìn dài hạn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội và lợi thế cạnh tranh; cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3-11-2022 về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tỉnh Bình Định sẽ đóng vai trò là trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đồng bộ, hiện đại.

Theo quy hoạch, trong thời gian tới Bình Định sẽ trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế - Ảnh: DŨNG NHÂN

Theo quy hoạch, trong thời gian tới Bình Định sẽ trở thành trung tâm công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ, du lịch và văn hóa phía nam của vùng; trung tâm lớn của cả nước về phát triển kinh tế biển; trọng điểm du lịch quốc gia và quốc tế - Ảnh: DŨNG NHÂN

"Quy hoạch sẽ mở ra những cơ hội, không gian phát triển mới cho tỉnh Bình Định; được kỳ vọng sẽ tạo ra xung lực mới để Bình Định phát triển đột phá và tạo ra kỳ tích về phát triển kinh tế - xã hội" - Phó thủ tướng tin tưởng.

Để đạt được những mục tiêu trong quy hoạch, theo Phó thủ tướng, Bình Định cần tăng cường hợp tác, liên kết phát triển với các tỉnh, TP trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ.

Bên cạnh đó, Bình Định cần công khai rộng rãi quy hoạch tỉnh, quảng bá xúc tiến để thu hút các nguồn lực xã hội; đặc biệt là tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân thực hiện quyền giám sát việc thực thi quy hoạch tỉnh.

Cũng theo Phó thủ tướng, Bình Định cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh một cách chi tiết, khoa học, phù hợp với nguồn lực, điều kiện thực tiễn của địa phương; triển khai các quy hoạch chi tiết để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp, tổ chức không gian lãnh thổ, để điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn.

Ông Phạm Anh Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh Bình Định - cho biết: "Quy hoạch là công cụ cần thiết để hoạch định, quản lý, điều hành thống nhất, xuyên suốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngành, lĩnh vực, cũng như phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực của tỉnh".

Quy hoạch khó một, hiện thực hóa quy hoạch khó gấp 5 - 7 lần

PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam - đánh giá quy hoạch này sẽ xây dựng Bình Định thành "điểm đến tầm cỡ thế giới - hàng đầu khu vực".

"Quy hoạch này là một công cụ đặc biệt hiệu quả để hiệu triệu đầu tư, thu hút 'đại bàng' đúng nghĩa, giúp Bình Định tạo đột phá phát triển trong nỗ lực đi sau - vượt trước", ông Thiên nói.

TS Trần Du Lịch - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia - đánh giá rất cao quy hoạch tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, ông Lịch nói nếu quy hoạch khó một thì việc hiện thực hóa quy hoạch khó 5 - 7 lần. 

Theo ông, để hiện thực hóa quy hoạch của Bình Định nhằm đưa tỉnh phát triển vào giai đoạn 2026 - 2035, làm cơ sở đạt các mục tiêu cho năm 2040, tỉnh cần giải quyết 8 vấn đề, trong đó cần có sự hỗ trợ của Chính phủ trong hoạch định chính sách.

Quan trọng nhất, theo ông, là Chính phủ sớm quy hoạch, chỉ đạo đầu tư đường cao tốc Quy Nhơn đi Gia Lai, trong đó giai đoạn 1 đầu tư đoạn Quy Nhơn - Pleiku.

Tiếp đó, cần phải tận dụng lợi thế khu kinh tế biển, phát triển công nghiệp là chính yếu để tạo đột phá.

Bình Định phải nắm bắt chính sách của Chính phủ để đi nhanh vào thị trường cacbon nhằm tạo lợi thế cạnh tranh. Ưu tiên phát triển các dự án điện gió ngoài khơi để chuyển đổi năng lượng.

Tỉnh phải làm sao thổi hồn "đất võ trời văn" vào du lịch, nếu không Bình Định cũng như địa phương ven biển khác.

Tỉnh cũng phải phát triển đô thị ven biển, đồng thời phát triển nhanh đô thị sân bay Phù Cát để tạo lợi thế...

3 yếu tố quyết định cho quy hoạch thành hiện thực

Ông Hồ Quốc Dũng - bí thư Tỉnh ủy Bình Định - nói rằng để quy hoạch tỉnh Bình Định trở thành hiện thực còn rất nhiều việc phải làm, trong đó có 3 yếu tố quyết định.

Đó là: sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng vượt qua thách thức của cả hệ thống chính trị và nhân dân Bình Định;

Sự lãnh đạo, chỉ đạo, ủng hộ giúp đỡ của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành;

Đặc biệt là phải biết cách huy động được nguồn lực để đảm bảo thực hiện quy hoạch.

Điều chỉnh quy hoạch Quy Nhơn là đô thị 'sống tốt'Điều chỉnh quy hoạch Quy Nhơn là đô thị "sống tốt"

TTO - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định vừa phê duyệt đề cương và dự toán chi phí lập đề cương nhiệm vụ quy hoạch điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Quy Nhơn và vùng phụ cận đến năm 2030 - định hướng đến năm 2050.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên