04/11/2011 15:49 GMT+7

Kỳ vĩ Ghềnh Ráng

TIẾN THÀNH
TIẾN THÀNH

TTO - Những tảng đá núi nhấp nhô, ngổn ngang giữa ngàn lớp sóng vỗ; cỏ cây ướt đẫm sau những trận mưa bất chợt; mặt nước biển xanh màu ngọc bích bên dải cát mịn… Tất cả tạo nên một Ghềnh Ráng nguyên sơ, một bức tranh sơn thủy hữu tình kỳ vĩ và thơ mộng.

jhVQSGP1.jpgPhóng to
Câu cá ngày biển động tại bãi tắm Tiên Sa

Ghềnh Ráng là một quần thể sơn thạch của dãy núi Xuân Vân chạy đến sát chân biển phía nam thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Điểm xuất phát lý tưởng để khám phá danh thắng này là những bãi tắm kéo dài từ đường An Dương Vương đến đường Hàn Mặc Tử - nơi có cổng chào tham quan Ghềnh Ráng.

Dọc bờ biển, khách có thể khám phá cuộc sống của người dân làm nghề chài lưới, giăng câu, hay vào những buổi trưa, chiều nằm tắm nắng trên dải cát mịn, lắng nghe sóng vỗ rì rào.

Từ cổng tham quan Ghềnh Ráng, con đường nhựa sẽ đưa du khách lên đồi Thi Nhân, viếng thăm nơi an nghỉ của nhà thơ Hàn Mặc Tử. Ấy là một ngôi mộ được xây trên một gò cao, lưng dựa vào núi, mặt quay ra biển, với cỏ cây bao quanh gợi lên trang đời và sự nghiệp dang dở của người thi sĩ tài danh, bạc mệnh.

Những ai yêu thơ Hàn Mặc Tử đều biết vào những năm tháng cuối đời, thi sĩ họ Hàn đã sống cùng căn bệnh hiểm nghèo trong trại phong Quy Hòa. Và thiên nhiên Ghềnh Ráng đã tiếp thêm nguồn cảm hứng cho ông viết lên những áng thơ bất hủ trước lúc đi xa.

Ngày nay, để tưởng nhớ những đóng góp của ông, bên đồi Thi Nhân còn có khu trưng bày cuộc đời và thi ca của nhà thơ, có dịch vụ bút lửa Zũ Kha ghi lại những áng thơ nổi tiếng trên những thớ gỗ mộc như món quà tri ân với những người yêu thơ Hàn Mặc Tử.

Jl6N3qqa.jpgPhóng to
Khung cảnh hữu tình dọc bờ biển đường An Dương Vương kéo dài đến khu du lịch Ghềnh Ráng - Ảnh: Tiến Thành
cUnpFhKn.jpgPhóng to
Khám phá cuộc sống của người dân bản địa - Ảnh: Tiến Thành
9IPEn3uo.jpgPhóng to
Mộ thi sĩ Hàn Mặc Tử nằm bình yên giữa đất trời, cỏ cây - Ảnh: Tiến Thành

Men theo con đường đất uốn lượn theo triền núi, du khách sẽ chiêm ngưỡng những tác phẩm điêu khắc mà tạo hóa đã ban tặng cho Ghềnh Ráng.

Đó là bãi tắm Hoàng Hậu với những khối sơn thạch nhiều hình dạng, kích thước khác nhau. Là bãi Ðá Trứng rộng chừng hơn 100m2 bày la liệt những hòn đá xanh hình tròn, mặt nhẵn như quả trứng đùa giỡn cùng sóng biển. Là đá Vọng Phu được sóng và gió biển tạc khắc như hình dáng người vợ ngóng chồng. Hay đá có hình sư tử dũng mãnh vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” hàng trăm năm nay trước sóng gió biển Đông…

Từ bãi tắm Hoàng Hậu, đi tiếp 1.000m nữa, du khách sẽ đặt chân đến bãi Tiên Sa. Đây cũng là điểm cuối của hành trình khám phá Ghềnh Ráng với câu chuyện đậm màu sắc huyền thoại.

ZXnPJhYD.jpgPhóng to
Gian hàng trưng bày thơ Hàn Mặc Tử bằng bút lửa của nghệ nhân Dzũ Kha - Ảnh: Tiến Thành

Chuyện rằng, ngày xưa ở Bồng Sơn có người con gái xinh đẹp, nết na. Cô và một chàng trai trong làng đã thầm yêu nhau. Nhưng rồi tiếng đồn về nhan sắc của nàng đã lọt đến tai một viên quan hám sắc và độc ác. Hắn cho người theo dõi và tìm mọi cách chiếm đoạt nàng. Để giữ trọn lòng chung thủy với người yêu, nàng khóc lạy cha mẹ, từ biệt chàng trai rồi bỏ làng trốn vào Quy Nhơn.

Biết tin, viên quan huyện lập tức sai tùy tùng đuổi theo. Tới Ghềnh Ráng thì trời nổi dông bão, cô gái biến mất trong đêm mưa gió tầm tã. Bọn chúng lùng sục khắp nơi nhưng không tìm ra dấu vết gì nên cho rằng cô gái đã liều thân nhảy xuống biển cả, đành tức tối trở về chịu tội với quan trên.

Chàng trai mất người yêu cũng chạy vào tìm kiếm. Anh leo hết tảng đá này đến tảng đá khác cất tiếng gọi người yêu. Tiếng anh tha thiết vang động khắp núi rừng và biển cả, nhưng trong đêm tối, anh chỉ thấy hình bóng người yêu thấp thoáng ẩn hiện, khi tha thướt trên rừng, khi nhấp nhô theo sóng biển như tiếc thương, vẫy gọi.

Từ đó, mỗi khi chớp sáng trên Ghềnh Ráng, người trong vùng lại ngước tìm hình bóng cô gái thấp thoáng hiện lên. Vì vậy chốn này được gọi là Ghềnh Ráng - Tiên Sa…

wP5ySvZB.jpgPhóng to
Sóng biển nô đùa trên bãi Đá Trứng - Ảnh: Tiến Thành
Y4b6fRLg.jpgPhóng to
Khối đá núi có hình thù kỳ dị tại bãi tắm Hoàng Hậu - Ảnh: Tiến Thành
mKlJ6NPG.jpgPhóng to
Đá Vọng Phu - Ảnh: Tiến Thành
W3OF3JHp.jpgPhóng to
TP Quy Nhơn nhìn từ đường lên đỉnh Xuân Vân - Ảnh: Tiến Thành

Với du khách ưa thích mạo hiểm, một chuyến trekking hoặc leo lên đỉnh Xuân Vân hiểm trở nhìn bốn bề cảnh vật: phía nam với những dãy núi trùng điệp chạy dọc ven biển đến tận Quy Hòa, phía bắc là dải cát vàng chạy dọc biển và nhà cửa thành phố Quy Nhơn, phía đông và tây là biển cả và bán đảo Phương Mai, đầm Thị Nại... có lẽ sẽ không gì thú vị bằng.

TIẾN THÀNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên