03/03/2024 08:46 GMT+7

Kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội biên phòng: Quân y 'bắt con' ở biên thùy

Gần 5 năm công tác ở thôn biên giới Pa Lin, thiếu tá quân y biên phòng Trần Minh Vũ giúp rất nhiều trẻ chào đời khỏe mạnh. Nhớ ca đỡ đẻ đầu tiên, cho đến khi cháu bé cất tiếng khóc chào đời, anh Vũ mới thở phào hạnh phúc, vơi bớt phần lo lắng.

Khi người dân bị thương, những người lính biên phòng sơ cứu rồi đưa đi cấp cứu - Ảnh: TRẦN MAI

Khi người dân bị thương, những người lính biên phòng sơ cứu rồi đưa đi cấp cứu - Ảnh: TRẦN MAI

Người dân ở thôn Pa Lin (xã A Vao, huyện Đakrông, Quảng Trị) luôn trìu mến gọi "bác Vũ" mỗi khi gặp thiếu tá quân y Trần Minh Vũ (52 tuổi) đi ngang qua. Anh là quân y tại Trạm quân dân y thuộc Đồn biên phòng A Vao.

Anh quân y xóa bỏ hủ tục đẻ chòi

Phụ trách khám chữa bệnh, điều trị cả nội và ngoại trú, anh Vũ ví trạm quân y là một "bệnh viện thu nhỏ" chữa trị cho người già đến trẻ nhỏ với đủ các bệnh ốm đau, tai nạn, ngộ độc, thậm chí lạc rừng dẫn đến rét cóng.

Thôn Pa Lin có 175 hộ với hơn 760 người dân, là thôn xa nhất và cách biệt giữa rừng Trường Sơn.

Từ thôn ra trung tâm xã A Vao là 25km. Trước 2023, khi đường bê tông nối thôn với trung tâm xã chưa hoàn thành, thời gian để ra trung tâm xã mất cả buổi đi đường, thậm chí chia cắt nhiều ngày vào mùa mưa lũ.

Cách trở về địa lý khiến việc khám chữa bệnh cho người dân Pa Lin cũng gặp nhiều trắc trở. Người dân ngại đi xa khám bệnh mà dùng những bài thuốc bí truyền, thậm chí là cúng bái, hủ tục để chữa bệnh.

Tháng 12-2019, anh Vũ chuyển lên Pa Lin công tác và sớm nhận ra hủ tục đẻ chòi ở vùng này. Sản phụ đến gần ngày sinh được gia đình dựng cái chòi sau vườn. Họ tự vượt cạn, tự chăm sóc bản thân và trẻ sơ sinh rồi mới được vào nhà.

"Nếu đứa con không sống thì người mẹ tự xử lý mọi việc xong mới được phép cho lên nhà trên. Tôi trăn trở phải làm sao để người dân nơi đây biết được cửa sinh là cửa tử, sản phụ đối mặt nhiều nguy cơ nếu sinh nở một mình", thiếu tá Vũ nói.

Muốn loại bỏ các hủ tục, giải quyết được việc sinh nở cho chị em thì phải xin nữ hộ sinh vào thôn. Thế nhưng xin mãi vẫn chưa có, mà phụ nữ vùng này vẫn đẻ sòn sòn vì thiếu các biện pháp tránh thai.

"Mình biết kiến thức y khoa nên tự học qua tài liệu, xem YouTube. Trong quân y không đào tạo đỡ đẻ, mình cũng chưa... thực hành lần nào", anh Vũ bộc bạch.

Dù thế, anh quân y vẫn đi quanh bản tuyên truyền việc thăm khám thai định kỳ, sinh nở phải đến trạm xá. Rồi việc gì đến cũng đã đến!

Quân y Trần Minh Vũ và những cháu bé do anh đỡ đẻ - Ảnh: HOÀNG TÁO

Quân y Trần Minh Vũ và những cháu bé do anh đỡ đẻ - Ảnh: HOÀNG TÁO

Các ca sinh hy hữu giữa núi rừng

Đến nay, cháu trai Hồ Biên Cương đã hơn 1 tuổi rưỡi, khỏe mạnh và phổng phao. Đây là "đứa con son" của quân y Vũ, đứa trẻ đầu tiên anh đỡ đẻ sau thời gian dài kêu gọi bà con từ bỏ hủ tục.

Khoảng 12h30 vào một buổi trưa tháng 7-2022, chị Hồ Thị Chuôi có dấu hiệu sinh nở nên người nhà gọi anh. Thăm khám và nhận thấy sản phụ sắp sinh, cổ tử cung mở 7cm, vỡ ối nên anh cùng người nhà đưa chị Chuôi về trạm quân dân y.

Trong khi đường sá đi lại rất khó khăn, đưa ra Trạm y tế xã A Vao thì nguy cơ sinh dọc đường rất cao. Năm 2019 có câu chuyện khiến cả bản đau lòng bởi một sản phụ ở Pa Lin sinh dọc đường dẫn đến mất cả mẹ và con. Anh Vũ lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan, gọi điện xin phép chỉ huy đồn và Trung tâm Y tế huyện Đakrông để được tư vấn hướng xử lý.

Cuối cùng, quân y Vũ quyết định thực hiện ca đỡ đẻ. Đứng cạnh bên, một quân y khác gọi điện cho bác sĩ sản khoa nhờ hướng dẫn cách cắt dây rốn, kiểm tra nhau thai... Đến 14h đứa trẻ chào đời, mẹ tròn con vuông.

Anh Vũ kể lại vẫn còn run run: "Ca đỡ đẻ đầu tiên nên tôi không tránh khỏi lo lắng, hồi hộp nhưng kìm nén lại, không cho người nhà biết để họ khỏi lo. Cho đến khi đứa trẻ chào đời, cất tiếng khóc thì tôi cũng hạnh phúc vỡ òa".

Sau ca đỡ đẻ thành công đó, nhiều người tin vào lời nói của quân y Vũ. Bà con đến trạm xá nhờ thăm khám, tư vấn thai kỳ. Mọi trường hợp anh đều khuyên bà con nên đi sinh ở trạm y tế xã hoặc huyện, nhưng rất khó thực hiện.

"Bà con ít đi khám thai nên không có ngày dự sinh. Họ chỉ gọi mình khi đứa con sắp chào đời", anh Vũ giải thích thêm.

Do đó, anh Vũ tiếp tục làm "bà đỡ". Đến nay đã có bảy cháu chào đời khỏe mạnh trên bàn tay quân y Vũ.

Anh Vũ vẫn nhớ kỹ từng đứa trẻ, từng trường hợp sinh nở đầy hy hữu và kỳ lạ ở vùng biên viễn này. Như cháu Hồ Thị Hòa Bình sinh ở ngay đường thôn, chỉ cách trạm quân dân y vài trăm bước chân.

"Người nhà đưa sản phụ xuống nhưng không kịp. Sản phụ trở dạ ngay giữa đường, trời thì mưa, họ phải che áo mưa cho tôi đỡ đẻ ngay bên vệ đường. Đứa trẻ được cắt rốn rồi đưa cả mẹ và con về trạm theo dõi", anh Vũ kể lại.

Hay có ca sinh phải cắt tầng sinh môn, anh Vũ thú nhận: "Tôi chưa bao giờ cắt, chưa bao giờ làm. Họ đẻ lâu sợ đuối sức, nguy hiểm cho mẹ, bé ngạt thở nên tôi gọi điện hỏi cắt ở đâu, như thế nào. May mắn là mẹ con đều khỏe mạnh".

Và mới đây nhất, hôm 24-2, Hồ Biên Giới chào đời ngay tại nhà lúc nửa đêm với sự giúp sức của anh Vũ.

"Sản phụ vỡ ối lúc nửa đêm, tôi lên tận nhà để đỡ đẻ. Đứa trẻ ra đời khỏe mạnh, mẹ tròn con vuông, niềm hạnh phúc trong tôi cũng đầy thêm", nam quân y bộc bạch.

Từ ngày có "bà đỡ Vũ", cái khác biệt lớn nhất trong những ca sinh nở sau này ở thôn Pa Lin là người mẹ không ra chòi nữa. Không biết tự bao giờ dân bản dần quên mất từ "chòi", họ thay đổi ý thức và xóa bỏ hủ tục.

Anh Vũ phát thuốc cho một cháu bé đến khám tại trạm quân y biên phòng - Ảnh: HOÀNG TÁO

Anh Vũ phát thuốc cho một cháu bé đến khám tại trạm quân y biên phòng - Ảnh: HOÀNG TÁO

Những đứa trẻ mang tên Biên Giới, Hòa Bình, Hạnh Phúc...

Đa số các ca sinh nở do quân y Vũ đỡ, người nhà các bé luôn dành cho anh cái đặc ân lớn lao nhất là nhờ đặt luôn tên cho các con. Cháu bé đầu tiên mà anh Vũ đặt tên là Biên Cương (con trai) rồi lần lượt là Biên Thùy, Hạnh Phúc, Vũ Trang, Hòa Bình, Ngoan Ngoãn, Biên Giới (con trai).

"Muốn miền núi tiến kịp miền xuôi thì bắt đầu từ cái tên. Họ Hồ của bà con là không đổi, cái tên phải thân thuộc với đồng bằng nhưng phải mang đậm dấu ấn ở vùng biên giới", anh Vũ lý giải khi chọn những cái tên trên để đặt cho các cháu bé. Đó đồng thời cũng là mong muốn lớn nhất của những người lính quân hàm xanh: biên giới hòa bình, độc lập, các cháu có cuộc sống hạnh phúc.

Là "bà đỡ" của nhiều đứa trẻ, anh Vũ vẫn trăn trở cho rằng đây là việc trong tình thế cấp bách, không thể từ chối mới nhận đỡ đẻ.

"Trường hợp an toàn tôi vẫn khuyên bà con ra trung tâm y tế xã, huyện để sinh nở, bởi vì nhiều tai biến sản khoa khó lường như băng huyết, nhau quấn cổ... có thể xảy đến", anh Vũ nói. Ngay trước Tết Giáp Thìn 2024, anh Vũ đã hỗ trợ 300.000 đồng cho một sản phụ thuê xe ra trung tâm xã sinh nở vì siêu âm thai ngược.

Ngoài các ca sinh, dấu chân anh Vũ đặt đến nhiều nhà dân, nhiều bản làng biên giới ở A Vao. Trong năm 2023, trạm quân dân y khám chữa bệnh cho gần 1.100 lượt người dân ở Pa Lin và hơn 280 lượt người Lào ở các bản lân cận.

"Cái khó lớn nhất là thiếu thuốc men để cấp phát cho bà con. Tôi chỉ có thể vận dụng ít kinh phí của Ban quân y và thuốc bộ đội không sử dụng để cấp cho bà con", anh Vũ tâm sự.

Chia sẻ thêm, ông Hồ Văn Nhiếp, chủ tịch UBND xã A Vao, đánh giá quân y biên phòng làm thay đổi lớn trong nhận thức của bà con về khám chữa bệnh và đẩy lùi nhiều hủ tục.

"Thôn Pa Lin cách quá xa trung tâm xã, may mắn cho người dân là có quân y biên phòng đóng chân tại thôn. Anh Vũ làm tốt công tác đỡ đẻ, sinh nở cho bà con. Mưa dầm thấm lâu, nhờ những việc làm thực tế và thiết thực của anh Vũ mà bà con dần thay đổi các hủ tục, đến trung tâm y tế thăm khám, lấy thuốc uống", ông Nhiếp nói.

Tuyên dương bộ đội biên phòng, vun bồi tình yêu biển đảoTuyên dương bộ đội biên phòng, vun bồi tình yêu biển đảo

TP.HCM tuyên dương 35 chiến sĩ bộ đội biên phòng điển hình và khai mạc hội trại "Tuổi trẻ giữ biển" 2024.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên