22/04/2021 13:50 GMT+7

'Kỳ nhân' xứ Huế

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Đến Huế mà hỏi nhà nghiên cứu Huỳnh Công Bá sẽ nhận được ngay câu trả lời: 'Ông đó lạ lắm, một người rất đặc biệt'. 'Người lạ lắm' nhưng sách của ông lại được lưu hành ở 135 thư viện lớn trên thế giới.

Kỳ nhân xứ Huế - Ảnh 1.

Đọc và viết là công việc mà thầy Bá say mê trong suốt cả cuộc đời

"Đời người ngắn ngủi, lại chỉ được sống có một lần, nên phải làm việc và phải để lại sản phẩm cho đời.

TS HUỲNH CÔNG BÁ

Ông là tiến sĩ sử học nhưng thành công ở cả bốn lĩnh vực: sử học, văn hóa học, tư tưởng, cổ luật. Người chung thủy với vợ con mà vẫn sống cô độc trong "cái hang" toàn sách và suốt hàng chục năm cứ lầm lũi trên chiếc xe đạp cũ. Nhưng công trình nghiên cứu khoa học của ông thì lên đến số trăm.

Người "khác người"

Người dân ở khu cư xá Nam Giao đã quá quen với hình ảnh ông giáo Bá từ mấy chục năm nay vẫn mỗi ngày lầm lũi đi về với chiếc xe đạp cũ. Ông bước ra khỏi nhà là chân đạp xe, đầu suy tư, không để ý gì xung quanh, hôm nào xe hư thì đi bộ.

Ông đang có gia đình với vợ con rất giỏi giang, thành đạt nhưng họ đã chuyển vô Sài Gòn từ hơn chục năm trước. Ông không thể đi cùng họ vì hành trang của ông là cả một kho sách "nặng lắm không mang đi đâu được nữa". Sáng ổ bánh mì, trưa và chiều hai đĩa cơm bụi.

Bao nhiêu tiền còn lại ông dành mua sách. Căn nhà ông như một cái hang, xung quanh um tùm cây cỏ dại, trong nhà ngổn ngang sách. Và ông cứ ngồi đó gõ bàn phím say sưa từ lúc 5h sáng đến 11h đêm.

Đầu năm 2017, tiến sĩ Bá nghỉ hưu sau 38 năm làm giảng viên khoa lịch sử Trường đại học Sư phạm Huế. 

Nhà trường đề nghị ông viết đơn xin tiếp tục ở lại làm giảng viên thêm 5 năm theo quy định đối với người có học vị tiến sĩ nhưng ông lắc đầu: "Nếu thấy tôi còn cần cho sinh viên, các anh phải làm văn bản mời tôi ở lại, chứ sao tôi lại phải viết đơn xin".

Kỳ nhân xứ Huế - Ảnh 3.

Các cụ bô lão làng Tây Thành, Huế, đón tiếp thầy Bá (bìa phải) nồng hậu - Ảnh: PHẠM ĐỨC

Người "ba mặt - bốn vực"

Mùa thi năm 1973, cậu học trò Huỳnh Công Bá từ Quảng Nam ra thi và đậu vào Đại học Luật khoa thuộc Viện Đại học Huế. Học luật hai năm thì cậu thi và đậu tiếp vào ban sử địa Đại học Sư phạm cũng thuộc Viện Đại học Huế. 

Năm 1978, Bá tốt nghiệp thủ khoa ngành sử và được giữ lại làm giảng viên khoa lịch sử Trường đại học Sư phạm Huế. Kể từ đó, chàng trai trẻ (sinh 1953) tràn đầy nhiệt huyết đã dành cả cuộc đời theo đuổi đam mê nghiên cứu.

Năm 1996, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ sử học tại Trường đại học Sư phạm Hà Nội. 

Luận án của ông đã đưa ra chứng cứ khoa học cho thấy vùng đất phía nam của châu Hóa, tức huyện Điện Bàn, vào thời Lê sơ đã kéo dài đến tận sông Ly Ly (Hương An), nơi giáp giới giữa hai huyện Quế Sơn và Thăng Bình bây giờ, chứ không phải đến bờ bắc sông Chợ Cũi (nhánh hạ lưu sông Thu Bồn) như nhận định của sử gia Đào Duy Anh. 

Giáo sư Hà Văn Tấn, một trong "tứ trụ sử học Việt Nam đương đại", khi đó đã nói: "Tôi đồng ý cho anh 10 điểm".

Sách vàng của Liên hiệp UNESCO Việt Nam xuất bản năm 2019 gọi tiến sĩ Huỳnh Công Bá là "nhất nhân tam diện" - tức người đã thành công trên cả ba mặt: nhà khoa học, nhà văn hóa, nhà giáo dục; và trên bốn lĩnh vực: lịch sử, văn hóa, tư tưởng, cổ luật. 

Ông có nhiều công trình nghiên cứu thuộc cả bốn lĩnh vực này, trong đó điển hình là các công trình đồ sộ: Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, Lịch sử văn hóa Việt Nam, Tư tưởng Việt Nam, bộ bốn tập Định chế và pháp luật triều Nguyễn.

Người "hay gây gổ"

Ông là người ít nói nhưng hễ có mặt ở diễn đàn chuyên môn thì thế nào cũng tranh luận. Đồng nghiệp nói chuyện cơm áo gạo tiền, ông ngồi nghe như người trên mặt trăng vừa xuống. Nhưng hễ bàn chuyện lịch sử là cái giọng Quảng của ông bao giờ cũng cất lên rất quyết liệt. 

"Đời tôi chẳng tranh giành của ai bất kỳ một quyền lợi gì. Nhưng trong khoa học, nếu thấy sai là phê phán, không ngại mất lòng" - tiến sĩ Bá nói. Khi làm luận án tiến sĩ, ông có một lối học khác hẳn mọi nghiên cứu sinh. 

Ông thường hẹn gặp giáo sư ở nhà riêng để tranh luận về những vấn đề phức tạp mà thầy đưa ra hoặc do ông phát hiện trong các sách vở liên quan. 

Tranh luận mãi đến nỗi sau một lần nghiên cứu sinh ra về, vợ của giáo sư mới hỏi: "Sao thầy trò gặp nhau lại cứ cãi nhau hoài vậy?".

Người hòa giải

Tuy nhiên, người "hay gây gổ" ấy lại là người hòa giải cho những bất đồng của các dòng tộc ở nhiều làng quê miền Trung, những nơi mà ông đã điền dã nghiên cứu về văn hóa làng xã.

Năm 1994, thầy Bá về làng Tây Thành (huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) tìm kiếm tư liệu Hán Nôm. 

Biết ông giỏi chữ Hán nên các vị bô lão tộc Trần mang hết gia phả, sắc phong ra để nhờ xem giúp. Xong việc tộc Trần, thầy Bá qua tộc Lê. Cả già lẫn trẻ tộc Lê mặc áo dài khăn đóng trịnh trọng đón ông thầy lịch sử. 

Nhưng vì nghi ngại ông thầy này là "mật thám" của tộc Trần nên tộc Lê vẫn bí mật cử người theo dõi ông Bá. Hóa ra, đang có cuộc tranh chấp giữa các họ tộc về việc ai là "tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai canh" của làng.

Giữa ngày hè nóng bức, ông Bá vẫn miệt mài ngồi sao chép từng chữ Nho trong văn bản xưa rồi dịch và giảng nghĩa cho cả làng nghe. 

Sau vài hôm, người tộc Trần hiểu ra ông thầy này đang làm gì và chăm nom ông rất tử tế. Nhưng sau đó, ông Bá vẫn công bố rất rõ: tộc Lê vào trước, tộc Trần vào sau, điều đó được ghi rõ trong văn bản của chính các dòng họ. 

Cuộc tranh chấp "tiền - hậu" đã được giải quyết, các dòng họ trong làng hòa hợp nhau. Và thầy Bá đã trở thành "trọng tài" giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp như thế trong suốt hơn 20 năm nghiên cứu làng xã miền Trung.

Người nông dân trên cánh đồng sử học

Một ngày tháng 6-2020, cậu học trò gặp tiến sĩ Bá giữa đường và thấy sắc diện thầy thay đổi nên xin phép thầy cho anh đưa đi khám sức khỏe. Cho đến khi bác sĩ khẳng định khối u trong đại tràng là ung thư thì ông mới chấp nhận mình bị bệnh để vào bệnh viện điều trị. 

Không rượu bia, không trà, thuốc lá, cà phê, ông sống thanh đạm như tu sĩ. Vậy mà bệnh ung thư vẫn phát. Ông cười nói: "Điều tôi quan tâm là mình đã sống thế nào, chứ chết thì chẳng có chi mới lạ để quan tâm".

Và ông đã sống đúng như thế trong suốt 67 năm qua. Không quan tâm gì đến bản thân nên ông cũng chẳng để ý người khác nghĩ về mình thế nào. 

Ông nói từ một người cày ruộng ở làng quê hẻo lánh xứ Quảng, được đi học thành người có chữ, viết được hàng chục cuốn sách và được người đọc đón nhận vậy là mãn nguyện rồi.

Ông là một người nông dân trên cánh đồng sử học. Ông nói sẽ cày trên cánh đồng đó cho đến khi nào trời không cho cày nữa thì thôi!

Sách của tiến sĩ Huỳnh Công Bá lưu hành 135 thư viện trên thế giới

huỳnh công bá 3

Những công trình nghiên cứu đồ sộ và giá trị của tiến sĩ Huỳnh Công Bá đã in thành sách - Ảnh: PHẠM ĐỨC

"Sách của thầy Bá cuốn nào cũng dày cả 1.000 trang, giá rất cao, lại là sách nghiên cứu, vậy mà đều tái bản ít nhất ba lần. Đó là hiện tượng xuất bản hiếm hoi" - tiến sĩ Nguyễn Duy Tờ, giám đốc Nhà xuất bản Thuận Hóa, cho biết. Hơn 20 đầu sách đồ sộ, thầy Bá chỉ chọn một Nhà xuất bản Thuận Hóa.

Ông nói vì Thuận Hóa là cái tên của lịch sử, và vì "không phụ lòng nơi đã cưu mang những đứa con tinh thần đầu tiên của mình". Sách của ông viết đã lưu hành trong 135 thư viện lớn trên thế giới. Bộ sách mới nhất của ông vừa ra mắt là Định chế hôn nhân và gia đình thời Pháp thuộc và Việt Nam cộng hòa.

Làng Huế nói giọng... Quảng Làng Huế nói giọng... Quảng

TT - “Anh về làng “kìa sao vậy” làm chi rứa?”, chị chủ quán nước ở làng Phụng Chánh hỏi, khi biết tôi tìm về làng Mỹ Lợi gần đó.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên