01/12/2021 13:02 GMT+7

Kỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ 3: Vào hang động kỳ diệu

PHẠM XUÂN DŨNG
PHẠM XUÂN DŨNG

TTO - Nai nịt gọn gàng trong tư thế người leo núi, chúng tôi có mặt ở đoạn ranh giới hai xã Hướng Việt và Hướng Lập (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị) từ sáng sớm để khám phá hang động, thác ghềnh tuyệt đẹp vùng đại ngàn kỳ bí này.

Kỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ 3: Vào hang động kỳ diệu - Ảnh 1.

Trải nghiệm kỳ thú ở thác Tà Puồng hùng vĩ - Ảnh: P.X.D.

Mải mê ở động Brai

Anh Hồ Văn Thông, người dân tộc Vân Kiều bản địa, vui vẻ dẫn chúng tôi leo núi. Từ đường Hồ Chí Minh vào đến động Brai chừng gần một cây số. Anh Thông vừa đi vừa nói chuyện: "Từ khi hang này được phát hiện thì vào mùa hè nhiều người lên đây lắm. 

Họ muốn khám phá mà, ai nghe thấy lạ cũng muốn biết cả. Mà động này cũng tiện đường nữa nên họ càng muốn đi. Tây họ cũng thích lắm". Cả nhóm người tay cầm đèn pin, lưng đeo dao đi rừng lần lượt đi lên núi.

Cửa hang hiện ra trước mắt, nằm lưng chừng núi. Anh Thông nhắc mọi người cẩn thận rồi khom mình vào hang. Hang đá vôi, địa hình Karst, đặc trưng phổ biến ở miền núi của nhiều tỉnh miền Trung. 

Chỉ vài bước đã thấy trước mắt tối sầm, như màn đêm đen đặc vây bọc xung quanh. Ánh đèn pin chiếu lên trần hang, nhiều dáng hình thạch nhũ phô bày lạ kỳ và đột ngột như một cuộc chơi trốn tìm lạ lẫm của thiên nhiên, càng kích thích trí tưởng tượng và tò mò của lữ khách.

Ai đó reo lên: "Nhìn kìa, ai đã thấy bọt thạch nhũ rơi bao giờ chưa?". Nghe vậy, mọi người đều háo hức nhìn theo hướng đèn. 

Đúng là những giọt thạch nhũ trắng phau như bọt sóng rơi từ trần hang nối tiếp nhau xuống nền đất. Đèn flash lóe sáng liên tục, những khoảnh khắc được ghi lại không dễ có trong đời.

Lại tiếp tục lần mò di chuyển theo những góc khuất, những bước ngoặt bất ngờ trong hành trình khám phá. Lại có tiếng một lữ khách: "Ôi, có cả đạn nữa đây, toàn đạn chưa bắn. Vậy là thế nào?". 

Tôi soi đèn, những viên đạn súng trường của bộ đội. Hồ Văn Thông ra hiệu cả nhóm dừng lại rồi ôn tồn giải thích: "Trong kháng chiến, có một đơn vị đóng quân ở đây. Mới đây, có một cựu binh người Thanh Hóa đã bảy mươi tuổi vào hang thăm lại. Ông rất mệt, hình như bị tim mạch thì phải, vừa đi vừa thở. Tôi rất lo cho sức khỏe của ông. Nhưng ông vẫn dứt khoát đi vào hang bằng được, cuối cùng may là không có chuyện gì xảy ra".

Đi tiếp thêm một đoạn thì phải dừng, anh Thông cho biết không thể vào thêm vì lối đi hẹp, tối đặc và sợ rơi xuống hố sâu, thậm chí vực sâu thì rất nguy hiểm, không thể liều lĩnh. 

Vậy là vẫn còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá với những ai thích phiêu lưu mạo hiểm. Cả nhóm quay ra, đến gần cửa hang thì gặp một đoàn người cả nam lẫn nữ từ thành phố Đông Hà lên, ai nấy háo hức. Chúng tôi chào nhau vui vẻ.

Ra khỏi cửa hang trời vừa trưa đúng ngọ.

Kỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ 3: Vào hang động kỳ diệu - Ảnh 2.

Động mới không tên với dòng sông và bãi cát vàng tuyệt đẹp - Ảnh: P.X.D.

Lạc bước hang lạ không tên

Mặc dù thấm mệt vì suốt mấy ngày rong ruổi khắp núi rừng Bắc Hướng Hóa nhưng khi nghe thông tin mới, chúng tôi bật dậy. Một người dân bản địa cho hay một tin sốt dẻo: "Có một hang chưa ai biết cũng ở không xa hang này". 

Tôi hỏi, anh Thông lắc đầu, một người như anh, biệt danh là Thông Brai (FB của anh cũng vậy) mà cũng bó tay thì chiếc hang kia quả là điều bí ẩn hầu như chưa ai khám phá. Lúc này không tìm cách đi tới đó thì còn chờ lúc nào nữa. 

Cũng may, nhờ dân bản địa nên tìm được một người có tên là Hồ Quý cũng người Vân Kiều dẫn đường. Anh Quý nói: "Hang này mình tôi biết, dân bản tôi cũng không ai biết cả".

Sau bữa trưa, chúng tôi khẩn trương lên đường, lần này theo chân anh Quý. Đúng là hang này khuất nẻo, khó tìm thấy hơn. Hang này thạch nhũ cũng nhiều hình nhiều vẻ, có hình như rèm che, có hình như sân khấu, lại có hình trông như dáng vẻ con người, hết bất ngờ này đến bất ngờ khác với những trải nghiệm thú vị. 

Thật kỳ diệu, đây là động nước, khác động khô Brai. Dưới chân là một dòng sông quanh co uốn lượn, có đoạn chỉ hơn hai mét, có đoạn rộng gấp đôi. Trên bờ chỉ toàn cát với cát, không gì ngoài cát. Lại lội bì bõm theo dòng sông trong hang động bí hiểm này.

Càng vào sâu, đường hẹp và thấp xuống, lại càng khó đi. Rồi cũng phải đến lúc không thể và không dám đi nữa. Đó là khi anh Quý nói: "Thôi, dừng ngang đây, không thể đi nữa. Vào sâu hơn nguy hiểm. Không biết cái gì trong đó". Anh Quý nói thêm: "Động này tôi mới phát hiện, hầu như chưa ai biết. Mấy anh là đoàn đầu tiên tôi dẫn vào đây. Mới phát hiện nên động cũng chưa được đặt tên". Một người xướng lên: "Hay ta đặt tên là động Tà Puồng?". Ý kiến được mọi người tán thưởng.

Nhưng chưa phải đã hết, anh Quý còn đưa tay tiết lộ: "Đây là một cửa hang khác của hang mới này, dịp khác sẽ vào". Đúng là không thể nào biết hết bí ẩn của đại ngàn linh thiêng.

Lúc ra ngoài, anh Quý lần theo dòng chảy và giải thích: "Con sông đó chảy quanh co như vậy nhưng rồi từ hang nó cũng đổ ra thác Tà Puồng". 

Tôi nhìn ra không xa trước mắt mình, nơi dòng Sê Băng Hiên, con sông chảy ngược, không từ tây sang đông mà ngược lại, chảy từ Việt sang Lào. Cũng là chuyện lạ núi rừng.

Chiều xuống, chúng tôi lần lượt đi xuống ba ngọn thác Tà Puồng. Đường đi không quá xa nhưng phải nói khá vất vả, nhất là với những người già, trẻ em và phụ nữ. Nhưng cảnh tượng thơ mộng và hùng vĩ ở các thác nước rất hấp dẫn du khách. 

Đang nóng trong người nhưng dầm mình xuống sẽ thấy lạnh mát cả người, lạnh đến mức chỉ tắm một vài phút rồi phải lên bờ, vì nước lạnh gần như nước đá. Cảnh thác nước, núi non hùng vĩ như đền bù những mệt nhọc mà con người đã trải qua.

Khi chia tay, Thông Brai ao ước: "Nếu được Nhà nước quan tâm hoặc các doanh nghiệp đầu tư thì bà con dân bản sẽ có thêm thu nhập, đỡ khó khăn, vất vả hơn". Tôi hiểu cái bụng của Hồ Văn Thông cũng là cái bụng của bà con dân tộc thiểu số ở rất nhiều bản làng vùng Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị).

Dọc đường về đến đỉnh Sa Mù, gần cơ quan khu bảo tồn, chúng tôi vẫn thấy 10 nhà trại vừa tham dự hội trại Sa Mù. 

Bà con dân bản trong vùng đã hưởng ứng lời kêu gọi của khu bảo tồn, kỳ công dựng nên những nhà trại này vững chắc như nhà ở của mình, vừa tham gia hội trại trước mắt, còn lâu dài để cho du khách vãng lai qua đường có chỗ nghỉ chân, thậm chí ngủ lại qua đêm giữa núi rừng.

Đó là tấm lòng thơm thảo của đại ngàn linh thiêng.

Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Bắc Hướng Hóa được thành lập theo quyết định số 479/QĐ-UBND tỉnh Quảng Trị. Khu BTTN này có diện tích khoảng 25.000ha rừng và đất rừng, thuộc địa bàn của 5 xã: Hướng Lập, Hướng Việt, Hướng Phùng, Hướng Sơn và Hướng Linh, thuộc huyện Hướng Hóa.

Nhiệm vụ của Khu BTTN Bắc Hướng Hóa là bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học, bao gồm quần thể các động, thực vật quý hiếm như: gà lôi lam mào trắng, voọc Hà Tĩnh, sao la, mang lớn, thỏ vằn... và đinh tùng, lan hài, trầm hương...

Trong đó, có nhiều loài động, thực vật đang bị đe dọa diệt chủng. Ngoài ra, Khu BTTN Bắc Hướng Hóa còn thực hiện nhiệm vụ duy trì giá trị dịch vụ sinh thái và chức năng rừng phòng hộ đầu nguồn cho các con sông Bến Hải, Rào Quán, sông Hiếu và sông Sê Băng Hiên, giữ nguồn nước cho lưu vực hồ Rào Quán của công trình thủy lợi, thủy điện Quảng Trị.

Theo kết quả tính toán độ che phủ rừng tự nhiên trong khu bảo tồn lên tới 83,5%. Về đa dạng sinh học, các kết quả khảo sát bước đầu của Tổ chức BirdLife quốc tế - chương trình Việt Nam cho biết đây là điểm nóng về đa dạng sinh học mang tầm vóc quốc gia và quốc tế.

(Nguồn: Tài liệu Khu BTTN Bắc Hướng Hóa)

"Đất này bị nhiễm chất độc dioxin nặng lắm, chỉ trồng được cây... bêtông thôi". Nhưng màu xanh đã được khôi phục như phép mầu có thật.

Kỳ tới: “Đất chết” hồi sinh

Kỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ 2: Sa Mù mê hoặc Kỳ bí núi thiêng Sa Mù - Kỳ 2: Sa Mù mê hoặc

TTO - Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị) mà Sa Mù là một điểm nhấn có những nét độc đáo với nhiều giá trị như là ân tứ của thiên nhiên ban tặng con người ở ngay chảo lửa gió Lào.

PHẠM XUÂN DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên