09/10/2023 10:14 GMT+7

Kỳ 6: Chuyện chưa kể sau các tấm ảnh đặc biệt: Bùi Xuân Phái, Văn Cao qua ống kính Trần Chính Nghĩa

Theo người cha Trần Văn Lưu, ông Trần Chính Nghĩa được gần gũi chụp ảnh những tên tuổi văn nghệ sĩ lớn nửa cuối thế kỷ 20 như Bùi Xuân Phái, Dương Bích Liên, Vũ Đình Liên, Văn Cao, Nguyễn Tuân, Đoàn Phú Tứ, Phùng Quán…

Bức ảnh Thiên vấn của Trần Chính Nghĩa chụp Bùi Xuân Phái

Bức ảnh Thiên vấn của Trần Chính Nghĩa chụp Bùi Xuân Phái

Theo người cha Trần Văn Lưu, ông Trần Chính Nghĩa đã chụp hình những người nổi tiếng mà bố ông đã từng chụp khi họ còn ở tuổi xanh.

Hai cha con chụp "gương mặt Chúa" của Bùi Xuân Phái

Một câu chuyện tiếp nối đẹp đẽ hiếm có trong nhiếp ảnh khi cha chụp các văn nghệ sĩ lớn thuở họ còn trẻ, rồi con lại chụp họ khi họ về già. Nếu như cha được gọi là "người khắc ghi lịch sử kháng chiến", thì con cũng tiếp nối xứng đáng khi chụp được những chân dung nghệ sĩ rất độc đáo.

Người ông Nghĩa chụp nhiều nhất chính là họa sĩ Bùi Xuân Phái. Điều này không lạ vì cha ông, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Văn Lưu, và Bùi Xuân Phái có tình bạn thắm thiết.

Ông Lưu tuy không trực tiếp tham gia Nhân văn giai phẩm nhưng hiệu ảnh của ông do người bạn thân cho mượn địa điểm (số 43 Tràng Tiền) lại cũng chính là trụ sở in báo Nhân Văn.

Ông Lưu năm tháng ấy không tránh khỏi nhiều vất vả. Bùi Xuân Phái cũng chẳng khá hơn nhưng đã nhiều lần đùm bọc người bạn mình.

Một buổi tụ hội bạn bè văn nghệ ở Gác Lưu xá có vợ chồng Văn Cao (bìa trái), Bùi Xuân Phái (thứ 5 từ trái qua) do ông Trần Chính Nghĩa chụp

Một buổi tụ hội bạn bè văn nghệ ở Gác Lưu xá có vợ chồng Văn Cao (bìa trái), Bùi Xuân Phái (thứ 5 từ trái qua) do ông Trần Chính Nghĩa chụp

Bùi Xuân Phái có thói quen vẽ bưu thiếp chúc mừng năm mới cho bạn bè, dù người khác đặt ông vẽ tranh Tết thì ông không vẽ.

Tết năm nào ông Phái cũng dành cho người bạn thân một bức tranh Tết như vậy. Tết Canh Thân 1980, mừng bạn được giải thưởng đặc biệt của báo Ba Lan, ông vẽ bạn với gương mặt tươi vui hồn hậu, một tay ôm giải thưởng, một tay dắt chú khỉ cười rất tươi đi trong không khí xuân hoa đào thắm nở.

Mỗi lần ông Lưu lập nghiệp mở hiệu ảnh hay quán cà phê, ông Phái đều vẽ biển hiệu tặng, những biển hiệu rất ngộ nghĩnh.

Hiểu mơ ước có ngày xuất bản được cuốn sách ảnh văn nghệ sĩ kháng chiến ở Việt Bắc của bạn và chính ông cũng mong ngóng điều đó, Bùi Xuân Phái còn vẽ sẵn vài bìa sách cho bạn.

Còn ông Lưu thì chụp bạn mình những bức ảnh bắt được cái thần, thế giới bên trong của bạn, một gương mặt từ bi vô ngần, gương mặt mà bạn bè vẫn bảo "gương mặt Chúa".

Điều lý thú là khi tiếp nối niềm đam mê nhiếp ảnh của cha, ông Trần Chính Nghĩa kế tục xuất sắc năng lực chụp được "cái thần" của Bùi Xuân Phái trong "gương mặt Chúa".

Hai bức ảnh Bùi Xuân Phái nổi tiếng nhất, được nhiều người yêu thích nhất có lẽ là hai bức do ông Nghĩa chụp.

Đó là bức mà nhiều người đặt tên là Thiên vấn (Hỏi trời) - được Bùi Xuân Phái chọn dùng cho triển lãm cá nhân duy nhất của ông năm 1984, sau này được dùng làm logo giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội.

Và bức chụp ông Phái khi đã ngã bệnh mà gia đình sau đó chọn dùng làm ảnh thờ, bức ảnh cho thấy rõ nhất "gương mặt Chúa" của danh họa.

Vợ họa sĩ nhiều lần cảm ơn ông Nghĩa vì "cháu chụp được bức ảnh có hồn, khiến bác nhìn vào đó luôn nghĩ ông như vẫn còn sống"...

Về bức Thiên vấn, ông Nghĩa kể đó là năm 1984, trước triển lãm đầu tiên và duy nhất của mình, Bùi Xuân Phái đã mời khoảng 6-8 người chụp ảnh có tiếng lúc bấy giờ đến nhà ông ở 87 phố Thuốc Bắc chụp ảnh chân dung ông để ông chọn in phía trên phần tiểu sử họa sĩ treo tại triển lãm.

Ông Nghĩa, con bạn thân của Bùi Xuân Phái, đương nhiên không thể vắng mặt. Cuối cùng họa sĩ chọn bức ảnh do Trần Chính Nghĩa chụp, tất nhiên hoàn toàn không vì tình thân giữa hai gia đình.

Đó là bức ảnh ông Nghĩa chụp khuôn mặt Bùi Xuân Phái hơi ngửa mặt lên trời, trầm tư như đang hỏi trời điều gì đó nung nấu lắm, nền phía sau là bức tranh phố Phái.

"Nghĩa chụp mình rất ưng" - danh họa vốn nổi tiếng là người không bao giờ nói xấu ai, cũng không tâng bốc ai, nhưng đã thốt lên như vậy.

Văn Cao cười hồn nhiên, Nguyễn Tuân kiêu bạc (ảnh phải) qua ống kính Trần Chính Nghĩa

Văn Cao cười hồn nhiên, Nguyễn Tuân kiêu bạc (ảnh phải) qua ống kính Trần Chính Nghĩa

Văn Cao, Nguyễn Tuân riêng khác

Ông Nghĩa còn chụp được nhiều bức ảnh "lạ" của các văn nghệ sĩ tài hoa, đặc biệt là bức ảnh chụp nhạc sĩ Văn Cao và Nguyễn Tuân đang cười tươi.

Hồi ấy, căn nhà nhỏ ở Hàng Bông của gia đình ông Trần Văn Lưu trở thành địa chỉ tụ hội của giới văn nghệ lão làng ở Hà Nội, được các nghệ sĩ đặt cho cái tên "Gác Lưu xá".

Trong một cuộc gặp gỡ bạn bè có cha ông và ông Văn Cao, ông Bùi Xuân Phái ở "Gác Lưu xá" năm 1990, ông Nghĩa đã chụp được khoảnh khắc Văn Cao khác lạ với khuôn mặt cười rất tươi, khác hẳn vẻ trầm ngâm thường ngày của người nghệ sĩ có số phận đặc biệt.

Nguyễn Tuân ở Việt Bắc do Trần Văn Lưu chụp

Nguyễn Tuân ở Việt Bắc do Trần Văn Lưu chụp

Văn Cao thường rất trầm tư, ẩn mình cả khi một mình lẫn khi bên bạn bè thân. Nhưng hôm ấy, ông Phái đã nói gì đó chọc cười bạn mình khiến Văn Cao như cởi bỏ tấm lòng trĩu nặng, cười rất tươi.

Và ông Nghĩa không bỏ lỡ cơ hội chộp lấy khoảnh khắc một Văn Cao khác, rất khác hầu hết ảnh người khác đã chụp Văn Cao và khác cả với bức ảnh chính bố ông Nghĩa chụp Văn Cao khi còn trẻ ở Việt Bắc.

Bức ảnh Nguyễn Tuân cũng vậy. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Phùng cho biết sinh thời Nguyễn Tuân không thích "bị" chụp ảnh, ông ít cho người ta chụp ảnh mình vì theo ý nhà văn thì nhìn ông trong những bức ảnh không đẹp, "như tay giang hồ".

Vậy mà Trần Chính Nghĩa lại có cơ hội được chụp tác giả Chùa đàn ngay tại nhà riêng của ông ở ngõ Vạn Kiếp, đoạn gần ga Hà Nội, vào khoảng năm 1985 - 1986. Hôm đó, Nguyễn Tuân mời ông Trần Văn Lưu và họa sĩ Bùi Xuân Phái đến nhà ông chơi.

Buổi chiều đó, trong lúc ba ông trò chuyện rôm rả thì ông Nghĩa đã chụp hết hai cuốn phim 36 kiểu.

Rất nhiều ảnh đẹp, trong đó có bức ảnh chân dung Nguyễn Tuân đang ngậm tẩu cười rất tươi. Bức ảnh này sau đó đã mang về cho ông Nghĩa giải khuyến khích cuộc thi ảnh do Báo Ảnh Việt Nam tổ chức.

Cũng hình ảnh Nguyễn Tuân ngậm tẩu nhưng ngồi trong tư thế ngang tàng đúng chất của nhà văn này bên quả đồi ở Việt Bắc khi tuổi còn trẻ là bố ông Nghĩa chụp nhà văn ở Việt Bắc.

Đoàn Phú Tứ trong mắt Trần Chính Nghĩa

Đoàn Phú Tứ trong mắt Trần Chính Nghĩa

Cũng ở "Gác Lưu xá", ông Nghĩa đã chụp rất nhiều chân dung ấn tượng những người bạn của bố mình, những văn nghệ sĩ tài hoa như nhà thơ, nhà soạn kịch Đoàn Phú Tứ, nhà văn Phùng Quán, nhạc sĩ Phạm Duy, họa sĩ mỹ thuật Đông Dương Ngô Mạnh Quỳnh, nhạc sĩ Tử Phác…

Bức chân dung Đoàn Phú Tứ cho người xem thấy chân dung một nghệ sĩ tài hoa, cương trực và thần thái sang trọng.

Người ta không biết lúc ấy Đoàn Phú Tứ nghèo lắm, thường hay đạp chiếc xe cà tàng quanh Bờ Hồ và mấy con phố cổ nhặt ống bơ kiếm mấy đồng lẻ qua ngày.

Ông Nghĩa kể Đoàn Phú Tứ nghèo tới nỗi khi ông chết, gia đình không có tiền làm đám tang, bạn bè cũng nghèo cả nên Phùng Quán và mấy anh em họp lại thống nhất bằng mọi giá phải làm đám tang cho ông.

Phùng Quán được cử tới Bộ Văn hóa đề nghị trích quỹ công đoàn của bộ này làm đám tang cho ông và mới có tiền mua quan tài cho tác giả bài thơ Màu thời gian bất hủ.

-----------------

Bậc thầy hội họa Nguyễn Tư Nghiêm ngồi nghiêm ngắn với nụ cười bao dung thầm kín bên bộ minh họa Kiều bị từ chối và mâm rượu chắt cả nỗi niềm thời đại trên bốn gương mặt Trần Dần, Đặng Đình Hưng, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng...

Kỳ tới: Nụ cười Nguyễn Tư Nghiêm và mâm rượu thời cuộc

Chuyện chưa kể sau những tấm ảnh đặc biệt - Kỳ 5: Phạm Duy và bức ảnh hiếm ở Việt BắcChuyện chưa kể sau những tấm ảnh đặc biệt - Kỳ 5: Phạm Duy và bức ảnh hiếm ở Việt Bắc

Làng ảnh Việt Nam có câu chuyện đặc biệt khi hai cha con cùng chụp những văn nghệ sĩ tài hoa của Việt Nam thế kỷ 20. Người cha chụp, khi họ còn xanh mướt tuổi xuân ở chiến khu Việt Bắc. Còn người con chụp họ khi đã về già gai góc ở Hà Nội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên