14/09/2023 10:05 GMT+7

Kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm: Tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước

Sáng 14-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp nhà nước về những giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển.

Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong vụ cháy chung cư, tại hội nghị sáng 14-9 - Ảnh: VGP

Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng trong vụ cháy chung cư, tại hội nghị sáng 14-9 - Ảnh: VGP

Trước khi bắt đầu hội nghị, Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu đã dành một phút mặc niệm tưởng nhớ các nạn nhân bị thiệt mạng trong vụ cháy chung cư nghiêm trọng tại Thanh Xuân, Hà Nội và 7 nạn nhân bị thiệt mạng vì lũ quét ở Lào Cai vừa qua.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước được Đảng, Nhà nước ta rất quan tâm và được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp trong thực hiện phát triển kinh tế, xã hội.

Tìm nguyên nhân ách tắc trong đầu tư để tháo gỡ cho doanh nghiệp

Theo đó, doanh nghiệp nhà nước giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế nhà nước, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Trong 8 tháng đầu năm 2023, kinh tế - xã hội tháng 8 và 8 tháng duy trì đà "tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước" trên nhiều lĩnh vực: kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát cơ bản được kiểm soát; tăng trưởng quý 3 tốt hơn quý 2, nhất là lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ; các cân đối lớn được bảo đảm. 

Nợ công, nợ Chính phủ, bội chi, nợ nước ngoài đang kiểm soát tốt, dưới mức cảnh báo của Quốc hội cho phép; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên; chính trị, an ninh quốc phòng được giữ vững…

Các kết quả trên đạt được, các doanh nghiệp nhà nước đang giữ một lực lượng vật chất quan trọng. Song người đứng đầu Chính phủ cho rằng cần nỗ lực hơn nữa trong đầu tư phát triển. "Chúng ta cần tìm nguyên nhân đang làm ách tắc việc này, do thể chế? Hay do quan liêu?" - Thủ tướng nêu vấn đề.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị cần đánh giá kỹ lưỡng vướng mắc ở đâu để tháo gỡ ở đó, vướng ở cấp nào tháo gỡ cấp đó, đặt mình vào vị trí của doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn. Tinh thần là mỗi ngành, mỗi cấp, mỗi người cần chung tay tháo gỡ, hỗ trợ, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng trưởng đang khó khăn ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo.

Thủ tướng phát biểu mở đầu tại hội nghị - Ảnh: VGP

Thủ tướng phát biểu mở đầu tại hội nghị - Ảnh: VGP

"Chúng ta phải giải quyết theo tinh thần mỗi người phải nỗ lực, cố gắng thực hiện tốt nhiệm vụ được giao" - Thủ tướng nêu rõ cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, doanh nghiệp kiên định, bình tĩnh, bản lĩnh, năng động, sáng tạo, lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ, trách nhiệm xã hội lớn.

Tập đoàn, tổng công ty chiếm hơn 92% tổng tài sản, doanh thu

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đến hết năm 2022 Việt Nam còn khoảng 478 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và khoảng 198 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Kết quả sản xuất kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023 với tổng doanh thu đạt 580.490 tỉ đồng. Tổng lợi nhuận trước thuế đạt 18.195 tỉ đồng.

Tuy chỉ chiếm hơn 10% về số lượng doanh nghiệp nhà nước nhưng khối công ty mẹ tập đoàn tổng công ty lại nắm giữ khoảng 92% tổng tài sản, 93% tổng doanh thu và 92% lợi nhuận trước thuế của toàn bộ doanh nghiệp nhà nước trên phạm vi toàn quốc. 

Đồng thời, các doanh nghiệp này cũng đang nắm giữ nguồn lực lớn về vốn, tài sản, công nghệ, nhân lực chất lượng cao, đóng góp đáng kể vào ngân sách nhà nước.

Riêng 19 tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, đến tháng 8-2023 tổng doanh thu ước đạt 781.973 tỉ đồng. Một số doanh nghiệp có tổng doanh thu lớn như PVN, EVN, TKV, Petrolimex.

Tổng lợi nhuận trước thuế ước đạt 31.236 tỉ đồng (bằng 96% kế hoạch năm và bằng 95% so với cùng kỳ). Các doanh nghiệp có lợi nhuận trước thuế đạt hơn 3.000 tỉ đồng gồm: PVN, SCIC, ACV, Vinachem.

Kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ thông điệp của hội nghị là chung sức, đồng lòng tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức, đẩy mạnh đầu tư phát triển, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng của nền kinh tế năm 2023 và những năm tiếp theo.

Người đứng đầu Chính phủ nêu ra các nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước. Đó là việc hoàn thiện thể chế, hệ thống pháp luật gồm luật, nghị định, thông tư của các cấp để tháo gõ khó khăn, huy động nguồn lực, phát huy nguồn lực Nhà nước dẫn dắt mọi nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển.

Thủ tướng giao các cấp chính quyền thực hiện cơ chế định kỳ ba tháng sẽ tổ chức gặp gỡ, đối thoại để các doanh nghiệp nhà nước để kịp thời chia sẻ các khó khăn, vướng mắc, tâm tư, nguyện vọng, với tinh thần hết sức cầu thị, hết sức lắng nghe, hết sức trách nhiệm, hết sức dân chủ.

"Tinh thần là phải mạnh dạn hơn nữa để tạo ra đột phá mới, xoay chuyển tình thế, chuyển đổi trạng thái, không để trì trệ; bởi nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", Thủ tướng phát biểu.

Thủ tướng lưu ý vai trò của doanh nghiệp nhà nước là góp phần xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách; đề cao đạo đức doanh nhân và trách nhiệm với xã hội, xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, ngành hàng, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA)…

Đặc biệt, các doanh nghiệp nhà nước cần tăng cường đóng góp xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện mục tiêu của Đảng; tái cơ cấu nâng cao năng suất lao động, hiệu quả sử dụng vốn. Tham gia tích cực, hiệu quả hơn nữa vào các chương trình, dự án lớn, đặc biệt là ba đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng, nhân lực, các chương trình, dự án lớn.

19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang hoạt động ra sao?19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang hoạt động ra sao?

Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, tính đến ngày 1-1-2023, tổng vốn chủ sở hữu hợp nhất của 19 tập đoàn, tổng công ty nhà nước là 1,173 triệu tỉ đồng; tổng tài sản hợp nhất là 2,445 triệu tỉ đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên