13/05/2021 06:58 GMT+7

Kinh tế nhiều nước có dấu hiệu sáng sủa

TƯỜNG NGUYỄN
TƯỜNG NGUYỄN

TTO - Nhiều nền kinh tế, trong đó có Nhật Bản và khu vực châu Âu sử dụng đồng euro (Eurozone), đã có tín hiệu cải thiện tích cực. Những gói hỗ trợ của Mỹ đã có hiệu ứng cho toàn cầu.

Kinh tế nhiều nước có dấu hiệu sáng sủa - Ảnh 1.

Người dân lựa chọn quần áo mới tại chợ Tanah Abang ở thủ đô Jakarta, Indonesia, ngày 11-5 cho lễ hội Eid al-Fitr đánh dấu kết thúc tháng chay Ramadan của người Hồi giáo - Ảnh: REUTERS

Theo trang CNBC của Mỹ ngày 12-5, các nhà đầu tư có vẻ lo lắng về những số liệu liên quan lạm phát vừa công bố nhưng các nhà kinh tế lại cho rằng đó là tín hiệu của sự phục hồi kinh tế tạm thời.

Các gói hỗ trợ tài chính cho các gia đình trong thời gian qua không chỉ giúp họ cầm cự trong lúc khó khăn do dịch bệnh mà còn giúp giữ được kinh tế vi mô chi tiêu hằng ngày.

Không những thế, các gói này còn đem lại 0,3% tăng trưởng cho kinh tế châu Âu trong năm 2021 và 0,2% trong năm 2022.

Châu Âu, Anh lạc quan

Ngày 12-5, Liên minh châu Âu (EU) đã điều chỉnh mạnh dự báo tăng trưởng trong năm nay và năm 2022, đồng thời cho rằng việc đẩy mạnh chiến dịch tiêm vắc xin ngừa COVID-19 và kế hoạch phục hồi mang tính bước ngoặt của liên minh này sẽ đưa EU thoát khỏi suy thoái.

Phát biểu với báo giới, ủy viên phụ trách các vấn đề kinh tế của EU, ông Paolo Gentiloni khẳng định các nước trong liên minh đang chứng kiến sự phục hồi về kinh tế.

Theo Ủy ban châu Âu, tăng trưởng kinh tế ở 19 quốc gia trong Eurozone có thể đạt 4,3% trong năm 2021 và 4,4% trong năm 2022, cao hơn nhiều so với mức 3,8% được đưa ra trong dự báo hồi tháng 2.

Ủy ban này cũng dự báo tăng trưởng kinh tế của 27 nước thành viên EU sẽ đạt mức 4,2% trong năm nay và 4,4% trong năm sau. Ông Gentiloni nêu rõ "bóng đen" COVID-19 đang dần rời khỏi các nền kinh tế châu Âu, dù rằng nguy cơ về tác động vẫn còn hiệu hữu.

Nếu các nền kinh tế EU đạt tăng trưởng, kinh tế châu Âu sẽ thoát khỏi cuộc suy thoái thứ 2 chỉ chưa đầy 1 năm. Tuy nhiên, EU dự báo nợ công của Eurozone sẽ lên mức cao kỷ lục, với nợ đọng ở mức trên 100% GDP hằng năm trong 2 năm tới. 

Nợ công sẽ đặc biệt cao tại Hi Lạp, có thể ở mức 208,8% GDP vào năm 2021 và ở Ý là 159,8% GDP.

Dẫu vậy, ủy viên Gentiloni khẳng định chính chi tiêu công "đã - và vẫn - rất cần thiết trong việc đưa người lao động và các công ty châu Âu vượt bão COVID-19", trong đó phải kể đến kế hoạch phục hồi mang tính bước ngoặt của EU, trị giá 750 tỉ euro (910 tỉ USD).

Cũng trong ngày 12-5, dữ liệu thống kê chính thức của Chính phủ Anh cho thấy kinh tế nước này đã tăng trưởng cao hơn dự kiến trong tháng 3 vừa qua. Cụ thể, trong tháng 3, kinh tế Anh đã đạt mức tăng trưởng 2,1%, cao hơn so với dự báo 1,3% của các nhà phân tích.

Tuy nhiên, trong quý 1-2021, GDP của nước này lại giảm 1,5% do phải áp đặt biện pháp phong tỏa lần thứ 3 nhằm khống chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Trong bối cảnh "xứ sở sương mù" đang dần nới lỏng các biện pháp phong tỏa, giới phân tích cho rằng kinh tế nước này đang dần hồi phục.

Kinh tế nhiều nước có dấu hiệu sáng sủa - Ảnh 2.

Thuê người làm ở California (Mỹ) - Ảnh: REUTERS

Sản xuất và xuất khẩu của Nhật hồi phục mạnh mẽ

Ngày 12-5, Chính phủ Nhật Bản cho biết kinh tế nước này đang cải thiện, với xuất khẩu và sản xuất phục hồi mạnh mẽ trong tháng 3 sau khi bị sụt giảm do đại dịch COVID-19.

Lần đầu tiên kể từ tháng 8-2018, Văn phòng Nội các Nhật Bản đánh giá các chỉ số kinh tế ở mức lạc quan nhất trong thang đo 5 mức, sau khi chỉ số điều kiện kinh doanh tăng 3,2 điểm từ mức 93,1 ghi nhận hồi tháng 2.

Tuy nhiên, chỉ số này vẫn thấp hơn mức 94 ghi nhận vào tháng 2-2020 - khi số ca mắc COVID -19 bắt đầu tăng tại Nhật Bản.

Cũng theo báo cáo của Chính phủ Nhật Bản, sản xuất của các ngành liên quan đến hóa chất và ôtô tại nước này đã gia tăng trong tháng 3 vừa qua, với xuất khẩu ôtô tăng đáng kể.

Trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 hằng ngày tương đối thấp trong tháng 3, các nhà bán lẻ và bán buôn ghi nhận doanh số bán hàng mạnh mẽ, góp phần cải thiện chỉ số tình hình kinh doanh.

Thống kê cũng cho thấy chỉ số hàng đầu về điều kiện kinh doanh, dự báo tình hình trong những tháng tới, tăng 4,3 điểm lên 103,2 trong tháng 3, tăng tháng thứ 10 liên tiếp và là mức cao nhất kể từ tháng 3-2014.

Trước việc chi tiêu dùng suy yếu đáng kể trong thời gian Nhật Bản phải áp đặt tình trạng khẩn cấp nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh, nhiều nhà phân tích cho rằng nền kinh tế nước này có thể bị suy giảm trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 3-2021.

Dự kiến, Chính phủ Nhật Bản sẽ công bố số liệu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quý cuối cùng trong năm tài chính 2020 (từ tháng 1 đến tháng 3) vào ngày 18-5 tới.

Kinh tế Mỹ phục hồi ấn tượng nhờ đẩy mạnh tiêm vắc xin Kinh tế Mỹ phục hồi ấn tượng nhờ đẩy mạnh tiêm vắc xin

TTO - Nền kinh tế Mỹ đã tăng trưởng tới 6,4% trong quý đầu tiên năm 2021 nhờ gói kích thích kinh tế và chiến dịch tiêm vắc xin COVID-19.

TƯỜNG NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên