05/04/2023 20:00 GMT+7

Kiến nghị xử lý tình trạng 'quan chức né tòa hành chính' ở Khánh Hòa

Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa tiếp tục kiến nghị về thực trạng người bị kiện là chủ tịch UBND các cấp không tham gia tố tụng, làm kéo dài việc giải quyết nhiều vụ án hành chính, gây bức xúc cho dân.

Kiến nghị xử lý tình trạng quan chức né tòa hành chính ở Khánh Hòa - Ảnh 1.

Thửa đất của một hộ dân ở xã Vĩnh Ngọc, TP Nha Trang (Khánh Hòa) được TAND cấp cao tại Đà Nẵng tuyên án phúc thẩm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - Ảnh: PHAN SÔNG NGÂN

Chiều 5-4, lãnh đạo Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa cho biết vừa gởi văn bản đến lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa để phản ánh, kiến nghị giải quyết, chấm dứt tình trạng vi phạm Luật tố tụng hành chính của chính lãnh đạo UBND các cấp trong các vụ án hành chính trên địa bàn.

Chủ tịch UBND hoặc người đại diện vắng mặt 100% các buổi đối thoại

Theo Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa, tình trạng trên đã kéo dài nhiều năm qua. Tồn tại và hạn chế lớn nhất vẫn là do chủ tịch UBND hoặc người đại diện của UBND các cấp liên quan trong các vụ án hành chính không chấp hành nghiêm quy định của Luật tố tụng hành chính, không tham gia đối thoại, không tham gia phiên tòa.

Đồng thời, người bị kiện là UBND, chủ tịch UBND còn không cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ hoặc cung cấp không đúng thời hạn yêu cầu của Tòa án nhân dân làm kéo dài thời gian giải quyết vụ án, gây bức xúc cho người khởi kiện.

Theo Đoàn luật sư, chủ tịch UBND hoặc người đại diện của UBND tỉnh Khánh Hòa vắng mặt 100% các phiên đối thoại theo luật định để giải quyết các vụ án hành chính đã được tòa án thụ lý.  

Các tình trạng trên đã làm kéo dài quá trình tố tụng, khiến nhiều vụ án hành chính vi phạm thời hạn giải quyết vụ án. Hoặc một số vụ án bị hủy, sửa theo thủ tục phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm, do có khó khăn trong việc đánh giá tài liệu chứng cứ không được cung cấp đầy đủ trong hồ sơ vụ án. 

Nhiều vụ án chủ tịch UBND vắng mặt không lý do

Theo thạc sĩ Nguyễn Đình Thanh (Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa), Luật tố tụng hành chính quy định: chủ tịch UBND hoặc UBND bị kiện có nghĩa vụ phải nộp cho tòa tài liệu, chứng cứ; hồ sơ giải quyết khiếu nại (nếu có) và bản sao các văn bản, tài liệu mà chủ tịch UBND hoặc UBND đã căn cứ vào đó để ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính bị kiện.

Đồng thời, cũng theo luật đã nêu, các đương sự trong vụ án hành chính phải có mặt theo giấy triệu tập của tòa và tham gia phiên tòa, phiên họp để giải quyết vụ án.

Thế nhưng, thực tế trong các vụ án hành chính ở Khánh Hòa, tòa án đã có thông báo thụ lý vụ án, triệu tập hợp lệ nhưng chủ tịch UBND liên quan hầu hết đều gởi đơn đề nghị tòa án giải quyết vắng mặt trong suốt quá trình tố tụng và vắng mặt không lý do nhiều cuộc họp, đối thoại để giải quyết vụ án.    

Theo Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa, thực trạng này đã kéo dài và việc chủ tịch UBND các cấp vắng mặt là vi phạm Luật tố tụng hành chính hiện hành.

Kiến nghị công khai, trả lời bằng văn bản "Mật"

Theo Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa, cách đây hơn nửa năm, vào tháng 7-2022, Đoàn luật sư tỉnh đã có văn bản kiến nghị với Tỉnh ủy Khánh Hòa về tình trạng bị kiện là chủ tịch, UBND các cấp không tham gia tố tụng và đề nghị xem xét, tăng cường chỉ đạo khắc phục vi phạm, chấp hành pháp luật tố tụng hành chính trên địa bàn tỉnh.

Sau đó, Đoàn luật sư tỉnh đã nhận phản hồi của Ban nội chính Tỉnh ủy bằng công văn đóng dấu "Mật" nên không thể triển khai, phổ biến cho các luật sư thực hiện (vì nếu phổ biến sẽ vi phạm Luật bí mật nhà nước).

Vì vậy, ngày 4-4-2023, Đoàn luật sư tỉnh Khánh Hòa tiếp tục có văn bản kiến nghị bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa, đồng thời là trưởng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp, trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh Khánh Hòa quan tâm, chỉ đạo khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật tố tụng hành chính của các cơ quan của tỉnh đã nêu.
Chủ tịch thành phố Nha Trang không chịu thi hành án, 3 cơ quan tỉnh yêu cầu chưa xongChủ tịch thành phố Nha Trang không chịu thi hành án, 3 cơ quan tỉnh yêu cầu chưa xong

TTO - Xã Vĩnh Ngọc và TP Nha Trang (Khánh Hòa) không thi hành đúng bản án hành chính phúc thẩm của TAND cấp cao tại Đà Nẵng đã có hiệu lực gần 2 năm. TAND tỉnh buộc thi hành án, Viện KSND tỉnh kiến nghị thi hành án ngay, nhưng bị đơn không chấp hành.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên