14/01/2010 07:53 GMT+7

Kiên Giang: "Nóng" về giao thông, môi trường

TẤN THÁI
TẤN THÁI

TT - Sáng 13-1, kỳ họp HĐND tỉnh Kiên Giang đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Các vấn đề được đại biểu quan tâm chất vấn là giao thông, môi trường, khu công nghiệp “treo”.

qSzTP43B.jpgPhóng to
Miệng cống xả nước thải của cảng cá Tắc Cậu (cổng số 3), nước thải nồng mùi hóa chất - Ảnh: Tấn Thái

Phiên chất vấn mở đầu buổi sáng khá sôi nổi nhưng về cuối buổi chất vấn càng giảm dần, phần lớn trả lời của đại diện sở, ngành không được đại biểu “truy” tiếp.

Giao thông chậm!

Phú Quốc cúp điện bất khả kháng!

Trả lời bằng văn bản về việc cử tri huyện đảo Phú Quốc phản ảnh giá điện ở đảo cao gấp nhiều lần so với đất liền nhưng lại cúp thường xuyên, ông Nguyễn Xuân Lộc - giám đốc Sở Công thương tỉnh Kiên Giang - cho biết giá bán điện cho sinh hoạt hạn mức sử dụng dưới 150 kWh/tháng không tăng giá.

Riêng giá bán điện cho kinh doanh dịch vụ có tăng lên mức 3.945 đồng/kWh. So với đất liền, giá bán điện cho sản xuất cao hơn khoảng 3,7 lần, điện dịch vụ là 2,1 lần, nhưng mới chỉ bằng 90% giá thành sản xuất và phân phối 1kWh điện thương phẩm tại Phú Quốc.

“Thời gian qua, phụ tải sử dụng điện huyện đảo Phú Quốc tăng rất nhanh, lên đến 30% mỗi năm. Trong năm 2009, các máy phát điện liên tục bị sự cố do đã vận hành lâu năm, công tác vận hành phát điện gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy việc mất điện do sự cố là... bất khả kháng” - ông Lộc khẳng định.

Ngành giao thông là một trong những đơn vị được cử tri quan tâm nhiều. Có 12 ý kiến, kiến nghị của cử tri và hai đại biểu chất vấn trực tiếp tại hội trường.

Một kiến nghị của cử tri đặt ra là tuyến đường kênh Đòn Dong (huyện Gò Quao) thi công chậm vì sao, khi nào xong? Ông Phạm Văn Tựu - phó giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Kiên Giang - trả lời tuyến đường kênh Đòn Dông triển khai thi công vào tháng 7-2008, thời gian thi công trong vòng 290 ngày. Đáng lẽ tới giờ này đã thi công xong, tuy nhiên do năng lực nhà thầu yếu kém, thi công chậm trễ không đạt tiến độ đề ra. Sở đã cắt hợp đồng và chọn nhà thầu khác thi công tiếp tục công trình.

Hiện nay đơn vị mới đã khẩn trương và tập trung tiến độ. Hai cầu K1 và K3 của dự án sẽ hoàn thành trước Tết Nguyên đán. Riêng đoạn cuối 900m do phải mở đường tạm qua nhờ phần đất của một trường học nên có thể tháng 4-2010 mới hoàn thành.

“Để đảm bảo tiến độ, phải đảm bảo công tác giải phóng mặt bằng, bố trí đầy đủ vốn, xử lý các vướng mắc phát sinh như khối lượng xây lắp, bổ sung hồ sơ thiết kế, bố trí cán bộ giám sát thường xuyên theo dõi tiến độ” - ông Tựu nhấn mạnh.

Khu công nghiệp “treo”

Nếu ngành giao thông có nhiều công trình chậm tiến độ thì các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn Kiên Giang cũng bị “treo”.

Trong giải trình, ông Lâm Văn Huỳnh - trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh Kiên Giang - thừa nhận nhìn chung là chậm! Ông Huỳnh dẫn chứng: KCN Thạnh Lộc có tổng diện tích 458ha, trong đó KCN gần 250ha, tổng vốn đầu tư dự án khoảng 2.300 tỉ đồng. Đến nay đã có ba nhà đầu tư đến tìm hiểu, tuy nhiên do tổng vốn đầu tư hạ tầng của tổ hợp KCN Thạnh Lộc quá lớn, trong khi đó các nhà đầu tư tìm hiểu là các nhà đầu tư nhỏ, không đủ năng lực tiếp nhận và triển khai thực hiện dự án nên vẫn chưa chọn được nhà đầu tư nào. KCN Thuận Yên cũng đã “qua tay” ba nhà đầu tư.

Nguyên nhân khiến các KCN này chậm, theo ông Huỳnh, do tỉnh thành lập các KCN chậm so với các tỉnh lân cận và nền đất tại các KCN của tỉnh Kiên Giang yếu nên chi phí xây dựng cao, giao thông còn cách trở. Các KCN không gắn với đô thị lớn, cảng chuyên dùng... vì vậy việc thu hút nhà đầu tư rất khó.

Nước ô nhiễm!

Trả lời chất vấn của đại biểu Danh Út (phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Kiên Giang) về giải pháp giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường cảng cá Tắc Cậu (huyện Châu Thành), bà Võ Thị Vân - phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Kiên Giang - nói cảng cá Tắc Cậu là “điểm nóng” môi trường cần được xử lý. Hiện cảng này có 21/25 doanh nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải. Nguyên nhân vì ngày xưa công suất xử lý môi trường nước thải của cảng cá quy mô nhỏ, hiện nay cảng cá mở rộng quy mô nên không đủ công suất xử lý nước thải.

“UBND tỉnh Kiên Giang đã có kết luận là các doanh nghiệp phải có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại B, tỉnh sẽ bỏ tiền đầu tư tiếp khu xử lý, sau đó mới thải ra môi trường. Tuy nhiên, các chuyên gia Nhật Bản khảo sát ba lần tìm biện pháp xử lý nhưng đang bí vì đã thất lạc hệ thống thiết kế cũ, nếu làm lại hệ thống xử lý thì rất tốn kém” - bà Vân cho biết.

Hiện nay vào mùa khô, nhiều nơi trên địa bàn tỉnh Kiên Giang người dân phản ảnh “khát” nước trong khi nhiều nơi nguồn nước bị ô nhiễm không dùng được. Cụ thể, cử tri huyện Giồng Riềng phản ảnh các cụm dân cư vượt lũ cung cấp nước không sạch, không đảm bảo vệ sinh.

Giải trình vấn đề này, ông Trần Văn Thiện - giám đốc Sở Xây dựng - cho biết huyện Giồng Riềng có 16 cụm dân cư vượt lũ và hầu hết đã có trạm cấp nước. Qua kiểm tra thực tế một số cụm dân cư vượt lũ cho thấy chất lượng nước kém: nước đục và nhiễm phèn. Nguyên nhân là các cụm dân cư vượt lũ trên sử dụng nguồn nước mặt, nhưng trước khi đưa vào sử dụng do đội ngũ quản lý các trạm không nắm vững kỹ thuật nên dẫn đến chất lượng nước không đạt.

Thêm nữa, về mùa khô nước đục và nhiễm phèn nhưng lại không súc rửa thường xuyên.

TẤN THÁI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên