10/01/2022 13:48 GMT+7

Kiểm soát chặt chuyển mục đích sử dụng đất, tránh trục lợi chính sách

B.NGỌC - N.AN
B.NGỌC - N.AN

TTO - Tại phiên thảo luận sáng 10-1, ý kiến của nhiều đại biểu và giải trình của thành viên Chính phủ đều thống nhất việc cho nhà đầu tư chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại cần kiểm soát chặt để ngăn trục lợi chính sách.

Kiểm soát chặt chuyển mục đích sử dụng đất, tránh trục lợi chính sách - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình tại phiên thảo luận sáng 10-1 - Ảnh: QH

Giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về đề xuất sửa đổi khoản 1 điều 75 Luật đầu tư theo hướng cho phép nhà đầu tư được chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng nhà ở thương mại, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải thích quy định này đang tạo ra sự phân biệt đối xử đối với các trường hợp nhà đầu tư có quyền sử dụng đất nhưng không phải là đất ở, hoặc không có phần đất ở thì không được chấp thuận chủ trương đầu tư.

“Điều này gây lãng phí nguồn lực, thiếu hụt nguồn cung, khiến giá nhà ở tăng lên”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo phản ảnh của các địa phương, hiệp hội, quy định khoản 1 điều 75 Luật đầu tư đang gây ách tắc nhiều dự án thương mại, trong đó Hà Nội có 102 dự án, TP.HCM có 150 dự án, Bình Dương có 40 dự án…

Về phương án sửa đổi, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ đang đề xuất Quốc hội sửa khoản 1 điều 75 Luật đầu tư cho phép nhà đầu tư đã có quyền sử dụng đất đối với 3 loại đất phù hợp kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất thực hiện dự án nhà ở thương mại theo phương thức chấp nhận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư không cần thông qua đấu giá, đấu thầu.

Và để kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đổi, tránh lợi dụng chính sách, chuyển đổi tràn lan, nội dung đề xuất sửa đổi đã quy định loại trừ các trường hợp phải thu hồi đất theo quy định bao gồm: thu hồi đất để đấu giá, đấu thầu; bán tài sản công theo Luật tài sản công… 

Khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, xác định nghĩa vụ tài chính theo sát giá thị trường, đúng quy định của Luật đất đai.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, qua lấy ý kiến đại biểu, ý kiến cơ quan thẩm tra, có 2 phương án được đề xuất. 

Phương án 1 như Chính phủ trình Quốc hội với việc rà soát lại chặt chẽ quy định chuyển đổi sử dụng đất. Phương án 2 là theo đề xuất của Ủy ban Pháp luật, đề nghị xây dựng đề án thí điểm riêng để áp dụng hình thức xử lý đối với loại đất khác không phải đất ở để trình kỳ họp thứ 3 tháng 5-2022 đối với những người đang có quyền sử dụng đất phù hợp với kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất.

Kiểm soát chặt chuyển mục đích sử dụng đất, tránh trục lợi chính sách - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Tư Pháp Lê Thành Long đề nghị Quốc hội cân nhắc sửa đổi vì vướng mắc vẫn phải xử lý - Ảnh: QH

Thay mặt Chính phủ tiếp thu ý kiến của các đại biểu cuối phiên thảo luận về việc ban hành 1 luật sửa 8 luật để gỡ vướng cho đầu tư kinh doanh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết đã có 137 ý kiến phát biểu, 9 ý kiến tranh luận, Chính phủ sẽ tiếp thu, hoàn thiện dự thảo để trình Quốc hội thông qua vào chiều mai.

Theo Bộ trưởng Lê Thành Long, tinh thần của Chính phủ là cố gắng sửa để thực hiện được, ít thay đổi liên quan tới luật khác. Một luật sửa nhiều luật là một ngoại lệ nên chỉ chọn ra các vấn đề vướng mắc cần sửa đổi ngay. Nếu dự luật này được thông qua thì sẽ có hiệu lực từ ngày 1-3-2022.

Cũng theo bộ trưởng Bộ Tư pháp, việc sửa đổi chỉ để làm rõ khó khăn vướng mắc, hoàn toàn không đụng đến các quy định liên quan như sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, tài chính đất đai. Quy định hiện hành thế nào sau khi sửa đổi vẫn thế, mục tiêu của việc ban hành luật là xử lý các vướng mắc.

Điều kiện được chuyển đổi là phải phù hợp với quy hoạch, nhà đầu tư phải có quyền sử dụng đất, đất không thuộc diện thu hồi và quá trình làm phải minh bạch.

Thừa nhận băn khoăn của các đại biểu về tình trạng trục lợi chính sách khi cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất là có cơ sở nhưng Bộ trưởng Lê Thành Long vẫn đề nghị các đại biểu xem xét, cân nhắc vì vẫn phải xử lý vướng mắc, nên cần tính toán xem có thể làm thí điểm được không.

Nhìn vụ Thủ Thiêm, đại biểu lo thất thoát địa tô khi chuyển đổi sử dụng đất không đấu giá Nhìn vụ Thủ Thiêm, đại biểu lo thất thoát địa tô khi chuyển đổi sử dụng đất không đấu giá

TTO - "Nếu sửa đổi luật theo hướng trên thì chỉ tháo gỡ vướng mắc cho dự án triển khai được, lợi ích đem lại chỉ cho chủ dự án, người gom đất được hưởng. Với Nhà nước sẽ dẫn tới nguy cơ lãng phí nguồn lực đất đai".

B.NGỌC - N.AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên